Dân oan văn hoá

Phạm Đình Trọng

1. Gần cuối những năm sáu mươi thế kỷ hai mươi, trước khi mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng ngày đều chăm chỉ làm một việc là đọc tất cả những bài viết về người thật làm việc tốt trên tất cả các báo, từ báo trung ương đến báo các tỉnh thành. Bài báo viết về việc tốt nổi bật được Hồ Chí Minh ghi vào bên lề bài báo “Tặng huy hiệu”.

Ngày đó người dân Bắc Việt được thánh sống Hồ Chí Minh tặng huy hiệu có in nổi chân dung Hồ Chí Minh là sự tuyên dương, là phần thưởng lớn lao, quý giá. Những bài báo có bút tích “Tặng huy hiệu” của Hồ Chí Minh đều được vụ Báo chí, ban Tuyên huấn Trung ương cắt, đóng thành tập khổ lớn, bìa cứng.

Làm báo binh chủng Thông tin, tôi đã đến ban Tuyên huấn Trung ương, cổng số 8 phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, lên tầng hai toà nhà hai tầng trải dài bên phố Hoàng Văn Thụ, được vụ trưởng vụ Báo chí Phan Hiền cho ngồi đọc tập lưu trữ những bài báo “Tặng huy hiệu” để tôi ghi chép những người lính Thông tin có tên trong tập bài báo mang bút tích Hồ Chí Minh.

Hầu hết các nhà xuất bản ở Hà Nội lúc đó đều liên tiếp xuất bản những tập sách người tốt, việc tốt, tập hợp những bài đã đăng trên các báo viết về những người tốt làm việc tốt được Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Từ nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Phụ Nữ đến nhà xuất bản Văn Hoá Dân Tộc. Nhà xuất bản đi đầu và ấn hành nhiều nhất sách người tốt việc tốt là nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân.

Dù viết về người tốt có thật thì bài báo cũng chỉ là thông tấn báo chí, chỉ thông tin sự việc, thông tin thời sự, không phải sáng tạo nghệ thuật, không có giá trị lâu dài. Những tập sách người tốt việc tốt liên tiếp được các nhà xuất bản phát hành mỗi tập hàng vạn bản, phủ kín khắp các hiệu sách Nhân Dân, phân phát về các thư viện, các tủ sách lớn, nhỏ toàn miền Bắc nhưng không ai đọc. Sách người tốt việc tốt xuất bản số lượng lớn chìm ngay vào quên lãng là hậu quả của việc làm văn hoá không vì văn hoá. làm văn hoá chỉ để tôn vinh quyền lực, làm theo ý kiến bột phát của một cá nhân quyền lực.

Bức tượng đồng nhóm cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy cao 8,5 mét vừa dựng sừng sững bên phố Trần Nhân Tông cạnh công viên Thống Nhất, Hà Nội với những nhân vật chiến sĩ cảnh sát đứng trên bục chỉ huy giao thông, sĩ quan cảnh sát dẫn bà già qua đường, hai lính cảnh sát cầm vòi phun nước chữa cháy… Từ con người, trang phục, đến công cụ, vòi phun nước, cột đèn giao thông đều sao chép y nguyên hiện thực cuộc sống. Sao chép sát mặt đất, không một chút nâng hiện thực lên lý tưởng thẩm mỹ. Tượng đài là nghệ thuật sang trọng nhất của nghệ thuật tạo hình. Tượng đài cảnh sát bên phố Trần Nhân Tông hoàn toàn vắng bóng nghệ thuật.

Vắng bóng lý tưởng thẩm mỹ, vắng bóng cảm hứng nghệ sĩ thổi hồn vào tác phầm để tác phẩm chuyển tải lý tưởng thẩm mỹ đến cuộc đời, đến công chúng đối mặt với tác phẩm, nhóm tượng cảnh sát làm việc tốt trong không gian văn hoá hồ Thiền Quang – phố Trần Nhân Tông – công viên Thống Nhất cũng chỉ như những tập sách người tốt, việc tốt ngày nào.

Tượng đài đồ sộ với chất liệu đồng quý giá, đắt tiền, để tượng được lâu bền. Nhưng không có sáng tạo nghệ thuật, tượng đồng cũng chỉ thông tin sự việc, cũng chỉ là thời vụ, chỉ để thoả mãn cho vài cá nhân quyền lực thì cũng chỉ có giá trị nhất thời. Quyền lực này hết thời, quyền lực khác thay thế, tượng không có giá trị nghệ thuật cũng hết đát! Số phận tượng đồng vài chục tỷ, vài trăm tỷ tiền của dân, của nước cũng như số phận hàng vạn tập sách người tốt việc tốt mà thôi.

Tác phẩm nghệ thuật không thể thiếu hồn cảm hứng nghệ sĩ. Cảm hứng nghệ sĩ nâng tác phẩm phản ảnh hiện thực thoát ra khỏi sức hút của mặt đất đời thực, bay lên bầu trời nghệ thuật.

Đâu có phải người tốt làm việc tốt như sĩ quan cảnh sát dẫn người già qua đường, như lính cứu hoả lao vào lửa chữa cháy, bức tượng chú bé cong chân, ưỡn người đứng đái ở Brussels, thủ đô nước Bỉ chỉ tạc vào thời gian một khoảnh khắc trong đời sống hàng ngày của cá nhân chú bé mà thu hút người từ khắp thế giới đến ngắm tượng bởi cảm hứng nghệ sĩ đã sáng tạo ra bức tượng con người chỉ trong sinh hoạt đời thường hàng ngày cũng mang vẻ đẹp thần thánh.

2. Đời sống xã hội được duy trì và bảo đảm không phải chỉ bởi chiến sĩ cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy mà còn bởi hàng ngàn, hàng vạn công việc thầm lăng, thiết thực và cao quý khác. Từ chị lao công “Tiếng chổi tre / Xao xác / Hàng me / Tiếng chổi tre / Đêm hè / Quét rác”, thơ Tố Hữu. Đến người thợ xây “Xây cho nhà cao, cao mãi”, lời ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Xây xong toà nhà lung linh ánh sáng cho những gia đình hạnh phúc đến ở, người thợ xây lại tất bật đến công trường ngổn ngang đất cát, đào móng xây những toà nhà mới cho những tổ ấm khác… Không thể liệt kê được hết những công việc cuộc sống không thể thiếu, cuộc đời phải ghi ơn.

Không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Thủ đô đã dựng tượng cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy thì không thể không dựng tượng chị quét rác, anh thợ xây, ông bác sĩ trán dấp dính mồ hôi trong ca mổ ở bệnh viện giữ sự sống cho người bệnh, anh thợ điện vắt vẻo trên đường dây cao thế giữa lưng chừng trời. Chị nông dân chăm chút vườn đào Nhật Tân mang mùa xuân về cho mọi nhà. Rồi những người lính dựng luỹ hoa đón tết Đinh Hợi ở Hàng Ngang, Hàng Đào cầm cự giữ từng thước đất thủ đô chống quân Pháp xâm lược mùa đông năm 1946.

Cũng không thể không ghi công và nhớ ơn những người lính làm nên Hà Nội – Điện Biên Phủ Trên Không tháng 12 năm 1972. Phải có tượng người lính lái máy bay Mig bắn hạ máy bay B52 Mỹ. Phải có tượng trận địa pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Phải có tượng trận địa tên lửa SAM rồng lửa Thăng Long. Phải có tượng người lính bên chảo thép ra-đa quét sóng dẫn đường cho tên lửa. Phải có tượng người lính quay phim quân đội trên sân thượng nhà Bách hoá Tổng hợp số 12 cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bên hồ Hoàn Kiếm. Giữa lửa đạn người lính quay phim vẫn đứng thẳng, dán mắt vào máy quay phim ghi hình máy bay Mỹ bổ nhào bắn phá cầu Long Biên. Phải có tượng người lính công binh bắc cầu phao Khuyến Lương để cầu sắt Long Biên bị bom Mỹ thổi bay cả nhịp cầu nhưng dòng xe quân sự và người dân vẫn ngược xuôi Nam Bắc qua sông Hồng ở cầu phao Khuyến Lương.

Không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Thủ đô đã dựng tượng cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy thì phải dựng tượng hàng vạn con người Hà Nội, con người Việt Nam làm nên đời sống Hà Nội, làm nên lịch sử Hà Nội, làm nên sức sống Việt Nam. Lúc đó phố phường Hà Nội, dưới lòng đường ken dày dòng người và xe xuôi ngược. Trên vỉa hè, trong công viên, ở mọi khe hở, mọi khoảng trống của không gian Hà Nội sẽ lấp kín tượng đồng, tượng đá! Tượng đài không còn là nét đẹp của đời sống văn hoá kinh kỳ nữa mà trở thành gánh nặng của văn hoá, thành nỗi ngột ngạt của cuộc sống, thành tai hoạ của người dân.

3. Đoạn phố Trần Nhân Tông một bên là hồ Thiền Quang, mặt hồ sớm chiều bảng lảng sương khói huyền ảo, hư thưc. Một bên là công viên Thống Nhất rộng nhất Hà Nội. Rừng cây của công viên có tuổi trên 50 năm. Hồ Bảy Mẫu 25 hecta trong công viên đã có một thời trở thành ao cá Bác Hồ lớn nhất Hà Nội, lớn nhất cả nước. Những tượng nhỏ được cách điệu rất đẹp, được thổi hồn cảm hứng nghệ sĩ có giá trị nghệ thuật cao rải rác trong công viên, thấp thoáng trong cây xanh, tạo ra chiều sâu văn hoá cho công viên, tạo ra chiều sâu nhân văn cho tâm hồn con người tìm đến công viên và tạo ra không gian văn hoá thăm thẳm của không gian hồ Thiền Quang – Công viên Thống nhất, có thể gọi là không gian văn hoá Thiền Quang.

Trong không gian văn hoá Thiền Quang nếu có đặt tượng đài chỉ có thể đặt tượng danh nhân văn hoá. Những bức tượng danh nhân văn hoá có kích cỡ hài hoà với thiên nhiên, đáp ứng được nhu cầu văn hoá của con người và làm giàu có tâm hồn con người.

Hà Nội có rất nhiều danh nhân văn hoá cần dựng tượng.

Tượng những danh nhân văn hoá tầm vóc dân tộc, tầm vóc loài người như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cần có không gian thoáng rộng, lồng lộng trời xanh, cần quảng trường lớn hơn nhiều lần không gian văn hoá Thiền Quang.

Tượng những con người tài hoa Việt Nam, những tâm hồn tinh tế rất Hà Nội: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu… Ngay cả người vợ yêu đầy tài hoa của Nguyễn Trãi, Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ cũng rất cần được dựng tượng. Những danh nhân văn hoá đó rất phù hợp với không gian văn hoá Thiền Quang.

Hàng chục danh nhân văn hoá tạo ra tài sản văn hoá lớn lao cho đất nước, làm lịch lãm những tâm hồn Hà Nội, làm đẹp những tâm hồn Việt Nam nhưng chưa một danh nhân nào được dựng tượng thì bộ Công an vội vã dựng tượng cảnh sát giao thông, cảnh sát chữa cháy chiếm lĩnh không gian văn hoá Thiền Quang.

Chính quyền quản lý lãnh thổ, quản lý không gian văn hoá nhưng lãnh thổ và không gian văn hoá không phải của chính quyền mà của nhân dân. Chục tỷ, trăm tỷ tiền đổ ra làm tượng cũng từ tiền thuế của dân. Sử dụng không gian văn hoá của dân, làm tượng từ tiền thuế của dân phải hỏi ý kiến người dân vừa là luật pháp, vừa là đạo đức công bộc của dân.

Ỷ vào quyền lực, coi thường dân, tiêu tiền tỷ của dân mà ngỗ ngược bảo tượng của ngành không cần hỏi dân và người dân Hà Nội đã mất trắng hàng chục tỷ tiền để rước về khối tượng thô thiển, sống sượng.

Tưởng là làm chính trị, làm tuyên truyền nhưng tượng thô thiển, kệch cỡm, phản nghệ thuật cũng phản chính trị, phản tuyên truyền. Tượng cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy không có giá trị nghệ thuật và văn hoá đã chiếm chỗ và phá hỏng không gian văn hoá Thiền Quang.

Quyền lực nhà nước ăn chia với tư bản hoang dã trấn lột đất đai của dân kinh doanh địa ốc, trấn lột sông suối, rừng núi của nước kinh doanh thuỷ điện. Cả trăm triệu người dân Việt Nam đều đã mang thân phận dân oan kinh tế.

Ở tượng đài cảnh sát giao thông, cảnh sát chữa cháy áp đặt vào không gian văn hoá Thiền Quang cũng thấy hiện lên lồ lộ một nhánh quyền lực nhà nước thông đồng với nhóm nghệ sĩ đánh mất lương tâm nghệ sĩ đã trấn lột ngân sách của nước, trấn lột không gian văn hoá của dân. Dân Hà Nội, dân cả nước không phải chỉ là dân oan kinh tế mà còn là dân oan văn hoá!

clip_image001

clip_image003

clip_image005

P.Đ.T.

Nguồn: FB Phạm Đình Trọng

This entry was posted in Văn hóa Cộng sản. Bookmark the permalink.