Cách Trung Quốc muốn thay thế trật tự thế giới của Hoa Kỳ

Michael Schuman

How China Wants to Replace the U.S. Order, ATLANTIC 13-7-22

Bauxite Việt Nam dịch

clip_image002

Cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington được khởi đầu như một chiến thương mại và công nghệ, nhưng thực ra là một cuộc chiến ý thức hệ.

Bắc Kinh trong nhiều năm đã làm suy yếu dần các trụ cột của trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo, bằng cách làm biến chất các tổ chức nền tảng, các chuẩn mực quốc tế và lý tưởng tự do, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề đưa ra quan điểm toàn diện về cách thức hoạt động của thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo. Nhưng nay không còn như vậy nữa.

Ông Tập đã tích luỹ các ý tưởng của mình về một trật tự thế giới mới vào Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu (GSI) – một nền tảng các nguyên tắc về các vấn đề quốc tế và ngoại giao, mà theo ông, có thể khiến thế giới trở thành một nơi an toàn hơn. Trong đó có một số đề xuất nghe có vẻ hấp dẫn – các quốc gia nên giải quyết tranh chấp của mình thông qua đối thoại, tôn trọng sự khác biệt và quan tâm đến các lợi ích quốc gia khác nhau để đạt được “an ninh cho tất cả mọi người” – như ông Tập đã nêu trong bài phát biểu hồi tháng Tư. Ông nói: “Chúng ta cần làm việc cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới". "Các quốc gia trên thế giới giống như những hành khách trên cùng một con tàu, những người cùng chung số phận".

Đằng sau những quan điểm dễ thương đó là một mối đe dọa khó lường. Sáng kiến ​​này cũng có thể được gọi là Tuyên ngôn của nhà độc tài. Các nguyên tắc và thực tế của nó sẽ mở ra một hệ thống toàn cầu gần gũi với các chế độ đàn áp hơn là với trật tự dựa trên các lý tưởng dân chủ hiện tại. GSI là bằng chứng mới nhất, và có thể là đáng lo ngại nhất, cho thấy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang thành một cuộc cạnh tranh chính thức để giành vị trí dẫn đầu toàn cầu. Những gì bắt đầu như một cuộc chiến thương mại về các phương thức kinh doanh phân biệt đối xử của Bắc Kinh và một cuộc chiến công nghệ để thống trị các ngành công nghiệp của tương lai, giờ đây là một cuộc chiến ý thức hệ – một cuộc chiến để thiết lập các chuẩn mực chi phối các vấn đề toàn cầu. Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở trong cuộc đấu nhằm xác định cách các quốc gia tương tác, tính hợp pháp của các hình thức khác nhau của các chính phủ, các quy tắc thương mại và ý nghĩa của nhân quyền.

Chính quyền Biden đã đặt việc bảo vệ và củng cố cái mà Washington gọi là trật tự toàn cầu “dựa trên luật lệ” làm trung tâm của chính sách châu Á, để chống lại mối đe dọa của Bắc Kinh. “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vào tháng Năm. “Tầm nhìn của Bắc Kinh sẽ khiến chúng ta rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì rất nhiều tiến bộ của thế giới trong 75 năm qua”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nhìn nhận mọi việc theo cách như vậy. Đối với Bắc Kinh, trật tự hiện tại vốn đã trở nên thù địch với Bắc Kinh và là một cản trở đối với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Bằng cách đề cao dân chủ như là hình thức chính phủ hợp pháp duy nhất, hệ thống này làm suy yếu tầm vóc của nhà nước độc tài của Trung Quốc trên trường thế giới. Theo quan điểm của Bắc Kinh, tệ hơn nữa là, nếu Bắc Kinh thực hiện những tác động ngoại giao, kinh tế và ý thức hệ thái quá đối với Hoa Kỳ và các đối tác, thì Trung Quốc dễ bị trừng phạt và áp lực.

“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng trật tự toàn cầu hiện tại đang hướng tới quyền bá chủ của Hoa Kỳ, rằng … cường quốc lớn nhất thế giới đang làm tất cả những gì có thể để kiềm chế, đàn áp và bao vây Trung Quốc”, Tuvia Gering, một nhà nghiên cứu tại Viện Jerusalem về Chiến lược và An ninh nói với tôi. “Họ cần tạo nền tảng cho một thế giới tập trung hơn vào Trung Quốc, hoặc ít nhất là một thế giới ít tập trung hơn vào Hoa Kỳ, phương Tây”.

Chương trình nghị sự của Bắc Kinh cũng được định hình bằng câu chuyện về sự suy tàn tất yếu của Hoa Kỳ và sự đi lên của Trung Quốc. Trung Quốc nói rằng Washington và các nền dân chủ phương Tây ngày càng trở nên không còn có khả năng lãnh đạo thế giới, theo Bắc Kinh, ví dụ điển hình là phản ứng thất bại của họ trước đại dịch coronavirus. Trung Quốc, và cụ thể là Tập, người mà Bắc Kinh quảng cáo như một nhà lý thuyết bậc thầy, có thể đưa ra các giải pháp mới. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, trong một bài viết hồi tháng Tư, đã viết rằng GSI “đóng góp trí tuệ của Trung Quốc vào nỗ lực của nhân loại” và là “giải pháp của Trung Quốc để giải quyết các thách thức an ninh quốc tế”.

“Thế giới đang bắt đầu tan rã”, Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với tôi. “Trung Quốc, là một trong những bên liên quan lớn nhất của hệ thống toàn cầu này, cảm thấy cần cấp bách đề xuất một số loại khuyến nghị và sáng kiến ​​an ninh” để “bắt đầu một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề này” và “giảm thiểu nguy cơ [thế giới] rơi vào một thảm họa khác”.

Ông Tập có lẽ đã bị thúc đẩy phải công bố GSI do cuộc chiến ở Ukraine – cuộc chiến làm rõ hơn những lo ngại của Bắc Kinh về trật tự do Hoa Kỳ lãnh đạo. Từ một góc độ nào đó, cuộc chiến củng cố nhận định của Trung Quốc rằng hệ thống hiện tại đang hỗn loạn và Washington phải chịu trách nhiệm. (Bắc Kinh đổ lỗi cho sự mở rộng của NATO gây ra xung đột). Còn nữa, phản ứng của Mỹ – việc chuyển vũ khí và thông tin tình báo cho Kyiv trong khi áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt lên Nga – cũng khiến Trung Quốc lo ngại rằng Washington có thể xoay chuyển trật tự toàn cầu chống lại họ.

Do đó, có lý khi một trong những nguyên lý chính của GSI là phản đối các biện pháp trừng phạt “đơn phương”. Ý tưởng đó không mới: Tập và các nhà ngoại giao của ông đã quảng bá nó, cũng như những nội dung khác trong GSI trong nhiều năm. Bằng cách gộp chúng vào GSI, Bắc Kinh có một cơ cấu để rao bán.

Nhưng trong khi Bắc Kinh thể hiện GSI như một nỗ lực quên mình vì lợi ích toàn cầu, thì nhiều kế hoạch của họ, chẳng hạn như kế hoạch về các biện pháp trừng phạt, là để tư lợi. Một trong những điều mà ông Tập nêu ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao năm nay ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”, nguyên tắc này ủng hộ yêu sách của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Nội dung "đề cao việc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ", là một cách để chặn những lời chỉ trích của Washington đối với việc Bắc Kinh đối xử tệ với những người Duy Ngô Nhĩ thiểu số hoặc những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông. Nội dung “Tôn trọng những lựa chọn độc lập về các con đường phát triển và hệ thống xã hội do người dân ở các quốc gia khác nhau thực hiện” mang lại cho chế độ chuyên quyền tính hợp pháp giống như chế độ dân chủ. Nội dung “Nói không với đối đầu giữa các nhóm chính trị và các khối” chống lại hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.

Nhiều quan điểm của GSI, mặc dù không đề cập cụ thể đến Hoa Kỳ, nhưng nhắm vào các công cụ ảnh hưởng của Hoa Kỳ, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế và sự chú trọng của Hoa Kỳ đối với các hành động tập thể. “Tất nhiên, Trung Quốc không thực sự thích những gì Mỹ đang đơn phương làm”, Wang của CCG nói và đọc một danh sách bao gồm việc thúc đẩy Quad (một quan hệ đối tác an ninh tập trung vào châu Á), và cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Châu Úc. Theo Wang, quan điểm của Trung Quốc về an ninh là "một vấn đề toàn diện. Bạn không thể chỉ nghĩ về an ninh của mình [và] không nghĩ về an ninh của tôi. Chúng ta nên cùng nhau suy nghĩ về vấn đề an ninh”.

Đối với một số nhà lãnh đạo thế giới – đặc biệt là lãnh đạo kiểu chuyên quyền – GSI có thể hấp dẫn. Nhiều nhà lãnh đạo không muốn bị giới hạn bởi các tiêu chuẩn về nhân quyền và dân chủ của Mỹ, cũng như chủ trương và áp lực của Washington nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn đó. Trong phiên bản trật tự thế giới của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo quốc gia được phép làm hầu như những gì họ muốn trong lãnh thổ của họ. Do đó, GSI có tiềm năng trở thành xương sống ý thức hệ của một hệ thống thay thế, do Trung Quốc lãnh đạo, tập hợp các quốc gia phi tự do đối lập với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có ý định phối hợp các yếu tố của trật tự hiện tại và sử dụng chúng để thúc đẩy các lý tưởng và lợi ích của riêng mình – đáng chú ý nhất là Liên Hợp Quốc, nơi người Trung Quốc đã nỗ lực để quảng bá các nguyên tắc chính trị của họ. GSI ẩn nấp trong vỏ bọc Liên Hợp Quốc bằng cách ủng hộ các quốc gia tuân thủ hiến chương của tổ chức. Bằng cách này, Trung Quốc cố gắng thể hiện mình là người bảo vệ trật tự quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, trong bài viết của mình, rất rõ ràng đề cập đến Hoa Kỳ khi ông chỉ trích "chủ nghĩa đa phương giả tạo" dựa trên "các quy tắc băng đảng" trái ngược với Trung Quốc, quốc gia có GSI "bắt nguồn từ chủ nghĩa đa phương thực sự".

Thật khó để hiểu GSI là một đề xuất thực tế như thế nào, ít nhất là ở dạng hiện tại. Mặc dù người Trung Quốc trình bày nó như một "hệ thống hoàn chỉnh", GSI quả là một tuyên bố mơ hồ về các nguyên tắc và dường như chưa hoàn thiện. Một số nguyên tắc của nó dường như không thể thực sự hoạt động được. Ví dụ: nguyên tắc “phản đối việc theo đuổi an ninh của chính mình với cái giá phải trả là an ninh của người khác” mặc dù nghe có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng lại đi ngược lại với trách nhiệm cơ bản của các quốc gia hiện đại (bao gồm cả Trung Quốc) là bảo vệ công dân của họ trước các mối đe dọa từ bên ngoài và thúc đẩy sự thịnh vượng của họ. GSI của ông Tập không đưa ra tiêu chí hay cơ chế nào để phân loại các lợi ích quốc gia cạnh tranh như vậy khi chúng chắc chắn xung đột.

Như mọi cường quốc (bao gồm cả Hoa Kỳ), Trung Quốc quan tâm đến việc đặt ra các quy tắc hơn là tuân theo chúng. GSI chế giễu các “biện pháp trừng phạt đơn phương” dù Bắc Kinh đang áp đặt chúng lên Australia và Litva để gây áp lực buộc các quốc gia này phải có các chính sách có lợi hơn cho Trung Quốc. GSI chỉ trích việc hình thành các "khối", nhưng Bắc Kinh đang nỗ lực tạo dựng khối của riêng mình – đặc biệt nhất là quan hệ đối tác với Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tích luỹ được nhiều dặm bay khi đi quanh Nam Thái Bình Dương để cố gắng thu hút các quốc đảo vào một hiệp ước an ninh và kinh tế do Trung Quốc dẫn đầu.

Không có vấn đề nào phơi bày những mâu thuẫn trong sáng kiến ​​của ông Tập tốt hơn lập trường của Trung Quốc về Ukraine. Mặc dù GSI nhấn mạnh tầm quan trọng của sự toàn vẹn lãnh thổ, nhưng Bắc Kinh đã không làm gì hơn là nói đãi bôi về việc bảo vệ Ukraine, đồng thời đứng về phía bạn bè Moscow của họ khi quân đội Moscow triệt phá thành luỹ của Ukraine, rồi sau đó biện minh cho sự ủng hộ của mình đối với quan điểm của Nga bằng một nguyên tắc GSI khác: "coi trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia”. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vladimir Putin đã ủng hộ GSI trong cuộc trò chuyện gần đây với ông Tập. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Do đó, việc ông Tập có thể đi được bao xa với GSI vẫn chưa rõ ràng. Thách thức của Bắc Kinh sẽ là phải thuyết phục các quốc gia khác tin rằng không phải Trung Quốc thay thế quyền bá chủ của Mỹ bằng quyền lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, người Trung Quốc tin rằng họ còn nhiều thời gian. Khi quyền lực của họ phát triển, tiếng nói của họ trong các vấn đề toàn cầu cũng như các ý tưởng của họ sẽ trở nên quan trọng hơn.

Nhiều khả năng, GSI có thể là một phần của nền tảng tư tưởng của một khu vực mới lấy Trung Quốc làm trung tâm, khu vực này chủ yếu bao gồm các quốc gia phi tự do và các khách hàng Trung Quốc. Hoa Kỳ và nhiều xã hội dân chủ khác dường như rất khó tán thành các nguyên tắc của Bắc Kinh, nên trật tự thế giới hiện tại sẽ bị chia tách thay vì được thay thế.

Thế giới mà Bắc Kinh và GSI hình dung là một thế giới mà trên thực tế, không có cộng đồng quốc tế, thế giới mà các chế độ đàn áp như Trung Quốc có thể tuỳ ý ngược đãi công dân của họ một cách thô bạo, và lạnh lùng theo đuổi các mục tiêu quốc gia, như Putin làm ở Ukraine, trong khi các quốc gia còn lại làm ngơ. Trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo chắc chắn là có các vấn đề. Người thay thế – Trung Quốc – là vấn đề.

M.S.

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.