Lỡm

(Nhân đàm về nhân sự CP cấp cao)

Nguyễn Huy Cường

clip_image002

Nhiều năm nay chúng ta được chứng kiến, ghi nhận và kiểm chứng tư duy, nhận dạng lãnh đạo của cộng đồng.

Đại loại:

- Hoan hô Đinh La Thăng khi ông dọa đuổi nhà thầu Trung Quốc. Thấy ông mặc áo xanh đi vớt bèo với thanh niên….

- Tâm phục khẩu phục ông Vũ Đức Đam khi ông xách ba lô đi dưới nắng, mồ hôi đầm đìa xông pha chống dịch.

- Âu lo cho một phát ngôn hơi bị ảo tưởng của một ông Bộ trưởng khi định xây dựng nền tảng internet vượt mặt thế giới

- Ngợi ca bà Bộ trưởng Trần Kim Tiến vì nền tảng học vấn của bà.

- Tôn phục ông Chung Con cho là một Triển Chiêu của VN.

- Tiên đoán và mong mỏi ông A,B,C,Z sẽ “lên” Thủ tướng, Quốc hội hoặc Bộ trưởng này nọ….

- Mong ngày mong đêm quật đổ ông Nhạ và hy vọng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục sau sẽ tốt hơn….

Tạm vậy đã.

Không cần tinh tường sẽ thấy, chúng ta rất chi là dễ dãi, xuề xòa, cảm tính trong việc nhận định, tiên đoán và công nhận tài hèn của ai đó.

Và giai đoạn ba năm vừa qua, cuộc NGHIỆM THU LỊCH SỬ qua Đại dịch Vũ Hán, qua các chiến dịch đốt lò lần lượt cho chúng ta thấy chúng ta bị LỠM.

Chúng ta cứ liên tục lừa gạt chính mình vì cách nhìn, cách tư duy thiếu chiều sâu và bị những hình thức, hình ảnh đánh vào trực cảm.

Có thể thông cảm ở một khía cạnh: Dân mình “khát” lãnh đạo…tốt bao nhiêu năm nay rồi nên luôn…tưởng tượng ra hình ảnh “lãnh đạo của mình” và cũng là bày tỏ những hy vọng vào những hình ảnh ấy.

Khó lắm.

Hồi trước 1990 tôi thấy mỗi khi có khách cấp chính phủ tới Việt Nam, báo Nhân dân thường đăng tiểu sử các vị ấy. Đọc kỹ thì thấy, những chính khách đến từ thế giới rộng dài phần lớn có lí lịch rất sáng ở mảng kiến thức, chuyên môn.

Trước khi bước vào chính trường, họ thường là những doanh nhân thượng thặng, những nhà sư phạm giỏi, những nhà toán học, kinh tế học hoặc những tỷ phú kế nghiệp một dòng tộc lừng danh…

Vài năm gần đây mỗi đợt điều chỉnh, nhìn vào nhân thân, lý lịch của các yếu nhân nước Việt, tôi không khỏi lo ngại. Nó không – phải- như- vậy.

Tính chuyên nghiệp về quản lý, quản trị mờ nhạt lắm.

Như vậy nó hứa hẹn hai xu hướng: Nếu họ cố gắng lắm, cũng khó tạo đột biến, phát triển. Nếu họ xuống cấp, chúng ta lại phải trả giá.

Tối qua nhiều bạn bè thân hữu gửi tin nhắn hỏi tôi: “Ông thấy thế nào về ê kip mới?”.

Tôi trả lời chân thành: Tôi …không thấy thế nào cả…vì tôi chưa có bất cứ cơ sở nào để xác tín rằng: Mọi thứ sẽ tốt hơn.

Đầu dây bên kia là một cựu viên chức chính phủ thời Mr. Võ Văn Kiệt nói, giọng trầm, nặng, như ông đang nói với chính ông:

“Đó, cái “chết” là ở chỗ đó. Một lãnh đạo tốt phải tạo hứng khởi, niềm tin cho dân chúng chứ thế này thì…

Sau đó, máy vẫn oo… o…o chưa tắt nhưng chúng tôi chẳng nói gì với nhau nữa.

Thưa các bạn.

Lịch sử cầm quyền ghi nhận: Mỗi triều chính có hệ thống nhân sự tốt, nó sẽ phát triển tốt nếu bộ máy ấy được tạo bởi những thế hệ cán bộ tinh thông, kiệt xuất và công chính.

Còn cung cách “luân chuyển” hay “chỉ định” hoặc “tịnh tiến” kiểu bắn ngang sang dọc rất khó để tạo một hiệu suất tốt, một niềm tin mà “niềm tin” là tài nguyên vô cùng quý cho một quốc gia phát triển.

Lửa thử vàng, điện, xăng thử …chức

Ngoài cách trên có một cách khác.

Đó là những cú rung lắc dữ dội, như mấy con đường sắt trên cao ở Hà Nội, Đường ống nước Sông Đà, ngập lụt khi mưa vừa ở trung tâm Hà Nội, đại dịch Covid…

Những cái đó là những cuộc nghiệm thu nghiêm khắc, xác đáng nhất công tác cán bộ.

Có đến đâu, bàn dân thiên hạ biết tới đó, muồn làm mờ hay che phủ, không được.

Hay là như hình ảnh từ net đăng kèm bài này, là hình ảnh từ Srilanka.

Một đất nước trước đây khá ổn và vị trí tuyệt vời bên Ấn Độ Dương.

Nước này là bạn bè thân thiết với Việt Nam trong phong trào “Không Liên kết”.

Nước này hiện nay người dân muốn mua một bình xăng nhỏ phải xếp hàng, chầu trực bốn năm ngày.

Nước này còn có một điểm tương đồng với chúng ta là quan hệ khá sâu sắc với…Trung Quốc.

N.H.C.

Nguồn: Fb Nguyễn Huy Cường

This entry was posted in Nhân sự thể chế. Bookmark the permalink.