Đảng đồng ý “tích tụ đất đai” nhưng không được quyền tư hữu

Thới Bình

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.

“Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất” – trích Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

(Toàn văn Nghị quyết tại https://baotintuc.vn/thoi-su/nghi-quyet-so-18nqtw-hoi-nghi-lan-thu-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-20220624180441234.htm).

Như vậy nên hiểu ra sao về cái gọi là “khuyến khích tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai hình thành chuỗi sản xuất lớn”?

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tích tụ đất nông nghiệp là quá trình phân bổ lại các mảnh đất nhằm loại bỏ hạn chế tình trạng manh mún đất đai (https://www.fao.org/3/y4954e/y4954e.pdf).

Với cách hiểu của FAO, thì đặt trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam, tích tụ ruộng đất là sự mở rộng quy mô diện tích đất đai do hợp nhất nhiều thửa lại, đây được xem là cơ sở đầu tiên để phát triển kinh tế hộ gia đình trong thời kỳ quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn thông qua các giao dịch chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất.

Thật ra thì những điều mà ông Tổng bí thư nêu ra khi ký nghị quyết kể trên về chuyện tích tụ ruộng đất đã được thể hiện lần đầu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khi đó chức Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh.

Tiếp đến, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31-10-2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI do tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, tiếp tục khẳng định sẽ mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để thích hợp với từng vùng và điều kiện sản xuất. Điều này sau đó đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra còn có Quyết định số 1832/QĐ-TTg ngày 18-11-2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã xác định tích tụ đất nông nghiệp là một chính sách quan trọng, là tiền đề tạo nên sự bức phá trong phát triển nông nghiệp của vùng.

Quan điểm, chủ trương kể trên được đánh giá là thể hiện định hướng đổi mới mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Theo đó sự phát triển của kinh tế, những chuyển biến của xã hội Việt Nam hiện nay cho thấy, việc mở rộng tích tụ đất nông nghiệp là xu hướng tất yếu cho sự hình thành và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Thế nhưng trên thực tế thì suốt ngần ấy năm đi qua, những yêu cầu của nghị quyết Đảng vẫn chưa thể thực thi vì hành lang pháp lý là Luật Đất đai không có điều khoản nào điều chỉnh nguyên tắc tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Do vậy đã tạo độ chênh của cung cách quản trị quốc gia bằng nghị quyết Đảng nhưng lại chưa được tương thích với hệ thống pháp luật nhà nước tương ứng; đặc biệt ở đây là quyền tư hữu đất đai cần làm rõ hơn nữa vì vẫn còn đe dọa của “quốc hữu hóa” với nhân danh phê duyệt quy hoạch như nội dung ghi ở nghị quyết Đảng, “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”.

Rõ ràng là ở đây người đứng đầu Đảng vì vẫn trung thành một điều mơ hồ của “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nên ở nghị quyết vừa ban hành, xem ra loay hoay chưa giải quyết được gút mắc lâu nay về chính sách đất đai – chẳng hạn vấn đề giá đất, Nhà nước định giá đất nông nghiệp định kỳ hằng năm hay để người dân mua bán theo cung cầu thị trường?

Thủ tục mua bán đất, nếu đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân, là hàng hóa trên thị trường thì chỉ cần người mua, người bán, người cho thuê, người thuê trao đổi giao dịch với nhau là đủ. Nhưng theo nghị quyết mới nhất của Đảng, thì trong chuyện về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, Nhà nước vẫn đứng ra thu hồi của người bán, giao lại cho người mua, thủ tục rất phức tạp, như vậy không hoàn toàn là thị trường.

Nếu đất đai đã là hàng hóa thì cơ quan trung gian giải quyết các mâu thuẫn trong mua bán chuyển nhượng sẽ không thể là chính quyền địa phương.

Muốn có thị trường đất đai cần thành lập ngân hàng đất đai, nông dân có đất đến đó cho thuê đất; doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thuê đất cũng đến ngân hàng đất đai để thuê, đúng đối tượng được thuê nhiều đất, không đúng đối tượng cho thuê ít. Mọi tranh chấp liên quan cần đưa ra tòa án để phân xử.

Mặt khác, khi đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân được lưu thông trên thị trường thì không nên giới hạn về không gian, thời gian, cách thức mua bán theo thị trường.

Có thể có sự can thiệp của Nhà nước ở mức tối giản, theo hướng thủ tục thực hiện phải minh bạch, chi phí thực hiện thủ tục phải bằng 0 hoặc gần như bằng 0, thủ tục thực hiện nhanh chóng, thuận mua vừa bán, giá cả theo cung cầu thị trường.

T.B.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đất đai. Bookmark the permalink.