Nhìn lại hơn 10 năm trước và chờ xem…

Mạc Văn Trang

Tìm trong kho tư liệu, thấy bài này viết từ tháng 3/2010 đã đăng trên trang Bauxite.vn và nhiều trang mạng, nay đọc lại thấy:

– Không hiểu các tỉnh cho người Trung Quốc thuê rừng 50 năm, những nơi ấy giờ ra sao rồi? Ai biết thông tin giùm, rất cám ơn.

– TBT Nguyễn Phú Trọng đã tìm được cách phá vỡ hệ thống cát cứ, lộng quyền kinh khủng của các Bộ/ngành, địa phương, trị tội được những kẻ mà trước đó các đời TBT dường như đều bất lực.

VIỆC 10 TỈNH TỰ Ý CHO TRUNG QUỐC THUÊ ĐẤT: VÌ SAO CÁC TỈNH DÁM LÀM LIỀU NHƯ VẬY?

Mạc Văn Trang – Warszawa – 18/3/2010

Đọc thông tin do hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh nêu việc 10 tỉnh cho người Trung Quốc thuê đất ở đầu nguồn trong 50 năm… (Bauxite Việt Nam), tôi thực sự bị sốc. Vì sao các tỉnh dám tự ý làm liều đến như vậy? Tôi nghĩ đây là một chủ đề lớn, mong các cơ quan hữu trách và những người hiểu sâu, biết rộng phân tích cho rõ, nhằm cải cách việc quản lý đất nước cho có kỷ cương, không thì thậm nguy!

Trong khi chờ đợi, tôi xin thử lý giải việc này.

1. Lãnh đạo các tỉnh đó có biết việc này là sai trái và ẩn chứa nhiều hậu họa khôn lường không? Họ có biết người TQ nhiều mưu sâu, kế hiểm, không từ một thủ đoạn xảo trá và trắng trợn nào để lấn chiếm biên giới, biển đảo của VN không? Tôi tin là họ không thể ngu muội đến mức không biết tâm địa của người TQ và những hậu họa sẽ xảy ra cho dân, cho nước từ việc cho thuê đất 50 năm ở những nơi phên dậu, hiểm yếu của quốc gia. Chắc chắn các cán bộ tỉnh, nhất là các Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, đủ trình độ, đủ thông tin để biết rõ điều này.

2. Họ biết rõ việc làm đó sai, hậu quả khôn lường, sao họ vẫn dám làm? Theo tôi có ba lý do:

2.1. Họ tin rằng có làm sai cũng không sợ bị trừng phạt. Hoặc có bị trừng phạt cũng chỉ qua loa, không sao hết. Khi tâm lý này được lặp đi lặp lại, và thành bản tính thì người ta càng hành động tùy tiện, trắng trợn.

2.2. Món lợi từ việc làm liều quá lớn, át cả nỗi sợ hãi, giống như những kẻ trong đường dây buôn ma túy.

2.3. Cả hai lý do trên cộng lại. Trường hợp 10 tỉnh này chắc là vậy. Khi không sợ bị trừng phạt mà lại có lợi lớn thì không việc gì họ không dám làm.

3. Nhưng tại sao Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh lại không sợ bị trừng phạt? Đây là câu hỏi chính cần lý giải rõ hơn.

Nhớ lại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có câu nói: “Trên bảo dưới không nghe”, khi ông than phiền về việc các chủ trương, mệnh lệnh của Chính phủ không được các bộ, các ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc. Hệ lụy của tình trạng ”trên bảo dưới không nghe”, trên đe, dưới không hãi đó ngày càng trầm trọng dẫn đến: dưới làm loạn, trên chẳng dám cản!

“Dưới” trực tiếp của Thủ tướng gồm các Bộ trưởng và các Chủ tịch UBND tỉnh (bao gồm cả các thành phố trực thuộc Trung ương).

Các Bộ trưởng dù sao cũng còn thường xuyên họp Chính phủ, còn phải điều trần trước Quốc hội nên có lẽ mức độ “không nghe” có đỡ hơn. Tuy vậy cũng vẫn có hiện tượng các Bộ cấp phép “loạn các dự án sân golf”, “loạn các dự án treo”, “loạn các trường đại học”, rồi “loạn giá đất, giá sữa, giá vàng”, “loạn các cuộc thi hoa hậu”, “loạn các lễ hội, festival”… mà báo chí đã nói nhiều.

Nhưng cái “loạn” ở các tỉnh mới âm thầm và đáng sợ. Khi phát hiện ra “loạn” thì cả một cánh rừng đã bị triệt phá, cả một khu mỏ đã bị khai thác tan hoang, cả một vùng ruộng đất nông nghiệp màu mỡ biến thành các dự án treo, thành sân golf, cả hàng triệu người nông dân mất đất, thất nghiệp và bao nhiêu dòng sông, hồ nước đã bị giết chết! Rồi 10 tỉnh (có thể còn hơn) cho TQ thuê đất như chuyện đã rồi…

Mỗi tỉnh có địa giới, có lãnh thổ như là một “quốc gia riêng”. Nhà nước trung ương có cái gì thì bộ máy tỉnh cũng có cái đó. Cũng có nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ, có hội đồng nhân dân, quân đội, công an, tòa án, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí… Tóm lại, tỉnh có hệ thống chính trị quyền lực, có công cụ chuyên chính để thực thi quyền lực trong phạm vi lãnh thổ của tỉnh để “giữ vững ổn định chính trị – xã hội trên địa bàn” và “đẩy mạnh phát triển kinh tế phù hợp đặc thù của địa phương”… Cấp trên thấy tỉnh “giữ vững ổn định chính trị – xã hội”, GDP tăng trưởng “khá” và luôn tỏ thái độ ủng hộ tích cực… là yên tâm rồi. Đó là những điều kiện để tỉnh tự tung, tự tác. Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh có quyền lực như vua ở địa phương.

Nhưng tại sao Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh lại không sợ bị trừng phạt khi làm sai?

Có một số lý do:

3.1. Vì dựa vào “tập thể lãnh đạo”, “nghị quyết tập thể”… nên có sai lầm, cá nhân không sợ chịu trách nhiệm. Với những việc mà hậu quả của nó 5-10 năm sau mới lộ ra, khi họ đã hết nhiệm kỳ hoặc chuyển đi (chứ nói gì đến 50 năm sau!), thì càng không sợ.

3.2. Nếu có chịu trừng phạt thì cá nhân cũng chỉ bị “phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc”, rồi vẫn được tiếp tục tại vị để “quyết tâm khắc phục hậu quả”, hoặc được điều chuyển đến chỗ mới có khi còn bở béo hơn.

3.3. Hãn hữu có bị trừng phạt nặng hơn nữa thì cũng chỉ đến bị khiển trách, cảnh cáo, cho nghỉ công tác; và của cải, bổng lộc đã có không hề bị suy suyển… Ở nhiều nước, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Tỉnh trưởng… tham nhũng bị dư luận lên án, bị lôi ra tòa… Nhiều người xấu hổ phải tự tử. Còn ở ta thì tuyệt đối không! Tuyệt đối an toàn! Văn hóa xấu hổ không có đã đành mà lòng yêu nước tối thiểu trong giáo dục công dân sơ đẳng cũng không có nốt. Họ đã trở thành thứ người gì vậy? Không thể hiểu nữa.

3.4. Cấp trên không thể và không dám trừng phạt họ còn vì nhiều mối quan hệ quyền lực, lợi ích, quan hệ xã hội ràng buộc phức tạp. Rút dây sợ động rừng. Có nhiều thế lực, ô dù đan xen nhau, cài cấy vào nhau… Vì thế nhiều vụ việc cấp trên biết cấp dưới làm bậy mà phải lờ đi, phải đùn đẩy, phải ra sức bênh che, phải cho rơi vào im lặng rồi… “để lâu cứt trâu hóa bùn”! Cứ thế cấp dưới ngày càng có nhiều kinh nghiệm để tạo ra sự an toàn, để không cần sợ cấp trên…

Chả thế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tự hào tuyên bố: “Tôi chưa kỷ luật một đồng chí nào!”.

Thế còn pháp luật?

Không sợ! Các cơ quan pháp luật địa phương đều là công cụ chuyên chính dưới sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của Tỉnh ủy. Các cơ quan pháp luật cấp trên cũng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng… Vả lại cấp bộ, ngành trung ương không thể đụng đến các Bí thư tỉnh/thành! Đầu gà còn hơn đuôi trâu! Huỳnh Ngọc Sĩ mà không có người Nhật khui ra và không có sức ép của Chính phủ Nhật dọa cắt ODA cho VN thì các cơ quan pháp luật VN có dám đụng đến? Mà có đụng đến cũng đã phải bàn bạc mãi, rất “quyết tâm”, “quyết liệt” mới tìm ra được cái tội: “lợi dụng chức vụ”, cho thuê nhà giá cao nhưng khai ít, để chiếm đoạt mấy trăm triệu đồng chia nhau! Nhìn xem, ông Sĩ mới chỉ là cán bộ “tép riu” so với Bí thư Thành ủy hay Chủ tịch tỉnh! Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang còn gọi điện “khiển trách” vị đại biểu Quốc hội dám nói đụng đến tỉnh của ông!

Họ không sợ dân sao?

Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. “Chính quyền của dân, do dân, vì dân”. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tất cả những điều tốt đẹp, thiêng liêng ấy đều bị họ biến thành những khẩu hiệu suông. Dân có thể và dám làm gì họ ư? Toàn bộ hệ thống chính trị địa phương truyền đạt chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban để mọi cán bộ và người dân “quán triệt”. Còn những điều có tính nội bộ thì cấm các báo, đài đưa tin “tùy tiện”, cấm cán bộ phát ngôn “bừa bãi”! Người nào làm trái chủ trương là gây tâm lý “hoang mang” trong dân, đe dọa “sự ổn định chính trị – xã hội” của địa phương, các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp nghiệp vụ phải điều tra, phát hiện kịp thời, giải quyết nhanh gọn, triệt để, thực hiện đúng “quyết tâm của trên”. Đến con cụ Cù Huy Cận, TS luật Cù Huy Hà Vũ, sống ở giữa Thủ đô, giáp Quảng trường Ba Đình, cạnh các cơ quan TƯ Đảng, Chính phủ, cạnh sứ quán nhiều nước, mà Chủ tịch phường còn đến quát nạt “Mày có muốn làm luật sư nữa không?” và cho dân phòng đến đập phá tường rào… Thử hỏi người dân ở làng quê hẻo lánh có dám “biết”, dám “bàn”, dám “kiểm tra”, dám “làm chủ” sai ý chính quyền được không!?

Điều nguy hiểm là những người trực tiếp đập phá ấy không cần biết đúng sai, phải trái, chỉ biết triệt để chấp hành chỉ thị của “trên”! Và cấp trên khôn lắm, những vụ việc “nhạy cảm” thường chỉ thị miệng, để không có bằng chứng, nếu bí quá thì bắt cấp dưới chịu tội thay. Dân bức xúc đi kiện thì đơn kiện gửi lên trên lại được chuyển về cấp cơ sở giải quyết! Nhiều trường hợp “bên nguyên cáo” thành “bên bị cáo”! Dân đi kiện vượt cấp ít người biết đường đi, nước bước, và thường không đủ điều kiện tiền của, thời gian… theo đuổi. Mà giỏi lắm có theo đuổi thắng được kiện thì người dân thắng kiện được đền bù chút ít từ công quỹ – cũng là tiền dân, còn cán bộ chẳng sao cả!

Họ có sợ dư luận, báo chí không?

Có chút e ngại. Vì hầu hết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đều do báo chí phanh phui. Việc chống tham nhũng từ các tổ chức Đảng, đoàn thể cơ sở và cơ quan cấp trên đều rất ít hiệu quả. Nhưng báo chí phải đi theo đúng lề bên phải mà cơ quan quản lý đã vạch sẵn ranh giới, nhất là các báo, đài của tỉnh! Vả lại báo chí chỉ phát hiện, còn điều tra, xét xử lại thuộc về các cơ quan pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó có xử tội được Bí thư, Chủ tịch tỉnh nào đâu. Họ sợ báo chí nhưng không sợ luật pháp! Vả lại những báo “ngoài luồng” được họ coi như luận điệu của “bọn phản động”, âm mưu “bôi nhọ cán bộ”, “gây mất lòng tin của dân vào lãnh đạo”… và… cấm loan truyền những thông tin ngoài luồng!

Tóm lại, hệ thống tổ chức chính trị và cơ chế hoạt động của nó tạo cho lãnh đạo ở tỉnh không chỉ có những chiếc phao an toàn mà còn có những vũ khí nguy hiểm để trừng trị đối thủ, bảo vệ cá nhân, duy trì quyền lực của họ. Vì thế họ rất lộng quyền, hống hách, phớt lờ cấp trên, coi thường pháp luật, khinh dân, coi thường công luận…

Tôi muốn trở lại vụ án Nông trường Sông Hậu (NTSH) để thấy oai quyền của tỉnh ghê gớm thế nào.

Ngày 20/3/2008 Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ có công văn số 91-TB/VPTU do Phó Chánh VP Đinh Công Út ký, thể hiện ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy và đồng chí Phó Bí thư thường trực…, chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra những nội dung vi phạm… đã rõ… về tội… (xem Google, Vụ án bà Ba Sương, có hơn 2 triệu kết quả).

Khi nghe tin Tỉnh ủy Cần Thơ chỉ đạo xử lý vụ NTSH, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi thư khuyên can, nhắc nhở; cựu Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ cũng có thư góp ý; dư luận xã hội xôn xao không đồng thuận…

Nhưng ngày 14/4/2008 UBND Tỉnh ra quyết định cho bà Ba Sương, Giám đốc NTSH nghỉ hưu; ngày 15/4/2008 khởi tố vụ án; ngày 15/8/2009 đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, các Luật sư đều chứng minh bà Sương vô tội và trình tự điều tra, tố tụng có nhiều sai phạm. Nhưng tòa án cứ tuyên 8 năm tù cho bà Sương…

Trong phiên tòa, hàng trăm người dân đã khóc thương cô Ba Sương. Dư luận rất bất bình, khi so sánh vụ án bà Sương với vụ án ông Sĩ. Hàng trăm tờ báo “trong luồng” lên tiếng, hàng nghìn bài báo và ý kiến bạn đọc phân tích ở mọi khía cạnh, cho đây là vụ án thất nhân tâm. Dư luận xã hội sâu, rộng và gay gắt: “Họ nã đạn vào quá khứ”, “Đòn chí mạng đánh vào chế độ”, “Đạp đổ biểu tượng người anh hùng thời kỳ đổi mới”, “Cú đánh kết liễu nền kinh tế tập thể…”, “Tình người có còn không?”, “Nước mắt cha con người anh hùng”, “Nước mắt của người dân trong phiên tòa”… Không biết bao nhiêu người đã rơi nước mắt khi đọc những bài báo ấy. Không chỉ trên báo, hơn 500 hộ dân ở NTSH đã ký đơn xin cho bà Ba Sương vô tội, vì “quỹ đen” có từ 30 năm nay, thời cha bà làm Giám đốc, quỹ đó chỉ lo cho đời sống nhân viên, bà không lập quỹ để tham ô, vụ lợi… Và 110 người dân ký đơn xin đi tù thay cho “cô Ba”… Bà Sương kiên quyết kháng án và tuyên bố sẽ tự tử, vì bà và các Luật sư đều chứng minh bà không phạm tội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đơn kêu oan cho bà Sương, gửi đến các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm ở trung ương và địa phương… Nhưng phớt lờ tất cả, ngày 19/11/2009 Tòa phúc thẩm Cần Thơ vẫn y án 8 năm tù cho bà Sương!

Đỉnh điểm của phản ứng xã hội là báo chí, cử tri yêu cầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ trưởng Công an và hàng chục đại biểu Quốc hội lên tiếng. Tất cả đều nói sẽ quan tâm xem xét vụ án. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết tỏ rõ thái độ thương cảm, bênh vực người nữ anh hùng; hàng trăm tờ báo lại đăng hàng loạt bài của các nhà báo tên tuổi, hàng ngàn ý kiến bạn đọc gửi đến các cơ quan truyền thông với phản ứng quyết liệt hơn…

Lúc đó Bí thư Thành ủy Cần Thơ đang họp Quốc hội tại Hà Nội đã được các nhà báo vây lấy để chụp hình, phỏng vấn. Với bộ mặt tươi, thái độ bình thản, ông bảo các cơ quan pháp luật đang làm, ông chưa có ý kiến gì! Ngay sau đó về Cần Thơ, ông họp các cơ quan chịu trách nhiệm về vụ án, tuyên bố trước các nhà báo: vụ án NTSH còn lọt tội, sẽ tiếp tục điều tra, truy tố thêm nhiều tội nữa!…

Qua vụ án NTSH đủ thấy oai quyền của lãnh đạo tỉnh ghê như thế nào!

Vì sao họ dám coi thường tất cả và tự tin đến như vậy? Vì họ đã quen không sợ gì cả, và việc lấy mấy ngàn ha đất của NTSH cho các dự án quá hấp dẫn họ, như một số bài báo đã phân tích.

Đó là những vụ án điều tra xét xử “từ trên chỉ đạo xuống”, được làm rất khẩn trương, rốt ráo, đúng thời hạn là hoàn thành “nhiệm vụ trên giao”.

Còn những vụ án “không may cấp trên bị lộ”, cấp dưới điều tra “ngược lên” thì phức tạp, dây dưa, khó khăn, bế tắc và cứ… để lâu…! (Chúng ta hãy đợi xem vụ án quan đầu tỉnh Hà Giang bị tố mua dâm các cháu học sinh, được điều tra, xét xử thế nào).

Cũng phải nói thêm rằng, những người tử tế làm việc dưới trướng các lãnh đạo tỉnh độc đoán, lộng quyền rất khổ. Còn nhớ, năm 2000, tôi được cử đi điều tra việc các Sở Giáo dục thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng về quản lý chặt chẽ, nghiêm túc vấn đề miễn thi đại học cho những học sinh giỏi trong 3 năm học trung học phổ thông. Có 3 Giám đốc sở Giáo dục nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị đã bị “tai nạn” giống nhau. Giám đốc 1, bị Phó Chủ tịch tỉnh gọi điện quát: “Con tôi thiếu có 1 điểm mà anh không giải quyết được à? Điểm ở trong tay các anh chứ ở đâu? Các anh có muốn đòi tỉnh đầu tư cho GD nữa không?”… Giám đốc 2, sau khi báo cáo tình hình giáo dục trước HĐND Tỉnh, bị Bí thư tỉnh mắng: ”Năm ngoái có hơn 200 cháu được tuyển thẳng vào đại học, năm nay còn 170 cháu. Thế là thành tích tụt lùi. Nghiêm chỉnh thực hiện cái gì? Ngu thì có!… Giám đốc 3, bị Chủ tịch tỉnh mắng: ”Nhìn sang tỉnh bên xem, năm ngoái nó được 185 học sinh vào thẳng đại học; năm nay nó 220. Còn tỉnh mình, năm ngoái 240, năm nay 180. Nó lãnh đạo khôn khéo, con em được nhờ. Mình đầu óc máy móc, thiển cận, lại thiếu tình thương con em nhân dân, nên gây thiệt thòi cho các cháu, cho phong trào. Như thế còn lãnh đạo cái gì!. Giám đốc này uất ức phát khóc và xin từ chức…

Cả ba Giám đốc sở này đều kiến nghị Bộ bỏ việc tuyển thẳng này đi, nó chỉ tạo thêm sự gian dối… Tôi cũng gặp một học sinh cũ, nay là Hiệu trưởng một trường THPT, anh than phiền về một nữ giáo viên vô kỷ luật, làm ảnh hưởng đến xây dựng kỷ cương nhà trường. Tôi thắc mắc, giáo viên quá thể như vậy, sao không đuổi ra khỏi trường? Anh thở dài, thầy ơi, nó sẽ đuổi em trước khi em đuổi nó. Nó là con gái Chủ tịch tỉnh!

4. Vì sao họ lại trở thành con người như vậy?

Họ là con em nhân dân mà ra, được học hành, giáo dục rèn luyện, thử thách từ thực tế nghèo khó đi lên… Vậy sao họ lại trở thành như vậy? Mong mọi người lý giải giùm!

18/3/2010

Vĩ thanh: Cái cơ chế lãnh đạo quản lý do Đảng CS định ra, rồi chính cái cơ chế đó lại làm hỏng việc quản lý lãnh đạo đất nước. Tôi nhớ một lần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện ở Hội trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội, ông giơ hai tay lên kêu Trời: Tôi là Thủ tướng bất lực, muốn cách chức một thằng Thứ trưởng cũng không được! Còn các tỉnh thì cát cứ, lộng quyền càng kinh.

Nên phải khâm phục bác Trọng đã tìm ra cách phá bung cái cơ chế bế tắc đó để kỷ luật bỏ tù từ UVBCT, nhiều UVTƯ đảng, nhiều Tướng lĩnh, Bí thư, Chủ tịch tỉnh… Kinh quá! Nghe nói chống tham nhũng, tiêu cực sẽ quyết liệt hơn, "nâng lên tầm cao mới"… Nhân dân đang chờ xem.

26/6/2022

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chống tham nhũng, Rừng phòng hộ. Bookmark the permalink.