Quốc hội Việt Nam: Khó tìm tiếng nói thẳng thắn, nghị trường nay trầm lắng?

Bùi Thư – Hoài Minh

BBC News Tiếng Việt

Những đại biểu ở Việt Nam dám lên tiếng ở nghị trường cũng đơn độc không kém các ứng cử viên độc lập giữa “vòng vây” của tổ chức đảng, hiệp thương, sức ép.

 clip_image002

PGS. TS. Phạm Quý Thọ trước đó phân tích với BBC rằng, về nguyên lý, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Hiến pháp công nhận là cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất, nhưng nó vẫn nằm trong khuôn khổ hệ thống chính trị “đảng lãnh đạo toàn diện”.

Các ĐBQH là một phần của hệ thống, buộc phải tuân theo “nguyên tắc vận hành” của hệ thống này. Họ phải đặt lợi ích của tổ chức lên trên bản thân. Ngược lại, họ có thể gặp rắc rối.

Ông Dương Trung Quốc nói với BBC hôm 17/06/2022: “Với những đại biểu Quốc hội là Đảng viên, họ đóng một lúc hai vai, một là đại diện cho cử tri bầu ra mình, một là thành viên của tổ chức chính trị. Đương nhiên khi đáp ứng cả hai vai trò, không phải lúc nào cũng theo nguyên lý ‘Ý Đảng lòng dân’.”

Người ngoài Đảng là thấp kém?

Theo nhận định của Luật sư Trần Quốc Thuận, không khí nghị trường bây giờ trầm lắng hơn những năm 1986 khi bắt đầu thời kì Đổi mới. Cùng với nó, những vấn đề về nhân quyền cũng không còn được bàn thảo sôi nổi nữa.

Tuy nhiên, nghị trường cũng có những nốt thăng với những tiếng nói gai góc như tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra hai câu hỏi chất vấn Thủ tướng lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn Dũng:

Một là, “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với Dân”. Hai là, “Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”.

Ông Dương Trung Quốc cũng từng gây bão dư luận về bài viết “Bốn điều sai năm cũ” – Tứ Đại Ngu. Ông được coi là một hiện tượng đặc biệt tại Quốc hội vì không phải là Đảng viên.

Nhà sử học khẳng định với BBC, gần 20 năm làm ĐBQH, ông chưa bao giờ gặp áp lực đối với những vấn đề ông phát biểu tại Quốc hội. Điều này có thể đến từ việc ông là người ngoài Đảng:

“Bản thân tôi nghĩ mình có hoàn cảnh khá đặc thù trong một Quốc hội mà hơn 90% ĐBQH là Đảng viên, tức họ nằm trong một cơ chế, kỉ luật chung của một tổ chức chính trị. Cho nên, cách phản ánh quan điểm của họ có thể phải nằm trong khuôn phép nào đó thì tôi không rõ lắm. Còn cá nhân tôi ý thức mình có quyền được như thế và tôi không bị ràng buộc bởi quy định nào nên khi mình nhận thức được những vấn đề trong xã hội qua ý kiến cử tri và cá nhân mình sao thì mình lên tiếng như vậy.”

“Đối với những vị ĐBQH là Đảng viên, tôi thấy nhiều người lên tiếng khá thẳng thắn, nhưng chắc chắn số đông thì không hoàn toàn như thế được vì luôn có giới hạn của tổ chức mà họ tham gia, nhất là ở Việt Nam. Ai cũng thấy một điều bất thường, tức một tỷ lệ quá cao Đảng viên trong Quốc hội, mà hầu như rất nhiều những quan chức quan trọng nhất của Đảng, của Bộ Chính trị và cả bên hành pháp đều ở Quốc hội. Về lý thuyết, như vậy rất khó thể hiện tính khách quan như cách người ta hay ví von: Vừa đá bóng, vừa thổi còi.”

“Trong ít nhất bốn nhiệm kỳ tôi tham gia thì rõ ràng có xu thế đó là tỷ lệ người ngoài đảng càng ít đi. Dù mỗi lần vận động bầu cử là các nhà tổ chức luôn muốn tăng tỷ lệ hơn các khóa trước. Tôi nhớ nhiệm kỳ đầu tôi tham gia, tức khóa 11, còn muốn có 10% người ngoài đảng. Đến bây giờ, khóa 15, tỷ lệ người ngoài đảng còn có 2,8% với 14/499 ĐBQH được bầu. Điều này phản ánh một xu thế làm cho nhiều người suy nghĩ: Đảng viên cũng như người dân, nhưng người dân mà không phải đảng viên chả lẽ đều thấp kém, người không phù hợp với vị trí là người đại diện cao nhất cho quyền lợi của dân hay sao”, ông Dương Trung Quốc tâm tư.

Những tiếng nói trong đảng “không được cơ cấu lại”

Khác với người ngoài đảng như ông Dương Trung Quốc, những ĐBQH là đảng viên mà có tiếng nói thẳng thắn trên nghị trường thường không được cơ cấu lại.

Quốc hội khóa 14 xuất hiện một nữ đại biểu trẻ với tiếng nói khác biệt: bà Phạm Thị Minh Hiền, vào Đảng từ năm 2002 và trở thành đại biểu của đoàn Phú Yên lúc 38 tuổi. Được đánh giá cao bởi những tranh luận dậy sóng về biệt phủ của quan chức, điều giáo viên đi tiếp khách hay gian lận điểm thi, bà Hiền không có tên trong danh sách tái cử đại biểu Quốc hội.

Nói về những hệ quả từ các phát biểu gai góc của mình trên VOV năm 2021, bà Hiền thừa nhận trên nghị trường, đại biểu Quốc hội là đại diện của dân nhưng khi về đời thường, đại biểu “cũng chỉ là một công chức, một viên chức, thậm chí là một nông dân bình thường” và “tất nhiên chịu nhiều sự chi phối, nhất là đại biểu kiêm nhiệm ở địa phương.”

“Một khi đã chọn đứng về phía người dân, không ít thì nhiều, tiếng nói của đại biểu quốc hội sẽ xung đột với nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Điều này có thể sẽ tạo cho đại biểu khá nhiều áp lực, có những áp lực hữu hình, có những áp lực vô hình”, bà Hiền nói trong bài phỏng vấn.

Nữ đại biểu gọi “đó là con đường có phần chông gai nhưng thật sự là con đường cần thiết và cần của của một nghị trường chuyển từ tham luận chuyển sang tranh luận. Nghị trường, nếu quả thực là môi trường danh cho tinh thần sáng tạo, thẳng thắn và dân chủ thì đó không phải là nơi dành cho người yếu bóng vía”.

Trước bà Hiền, đại biểu chuyên trách Nguyễn Minh Thuyết cũng là Đảng viên và không được cơ cấu lại. Năm 2021, ông Thuyết từng đi vào lịch sử Quốc hội khi công khai đưa ra đề nghị thành lập ủy ban độc lập điều tra để bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng.

Theo nhà báo Huy Đức, “sau mỗi nhiệm kỳ, chỉ có trên dưới 30% số đại biểu đương nhiệm được Đảng phân công ra ứng cử. Nguyên tắc một người không giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ – lẽ ra chỉ áp dụng cho các chức danh hành pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng cho cả những cán bộ dân cử có thể dẫn sự đổi mới của Quốc hội đi “quá đà”.”

“Nhiều đại biểu, đầu nhiệm kỳ chưa biết nghị trường là gì, cuối nhiệm kỳ bắt đầu quen việc và có tiếng nói độc lập thì không còn được ra ứng cử nữa. Thất thoát thể chế rất lớn. Cứ mỗi đầu nhiệm kỳ, Quốc hội lại phải tổ chức các lớp dạy các ông nghị cách làm đại biểu trong khi những đại biểu rành rẽ công việc lập pháp và giám sát thì bị loại dần ra khỏi nghị trường.” theo tác giả Huy Đức.

Về vấn đề này, ông Thuận cũng thừa nhận với BBC, nếu trên nghị trường, các ĐBQH là đảng viên mà lên tiếng dữ dội thì về địa phương sẽ mệt. Trong suốt 14 năm công tác tại Quốc hội, ông Thuận với 55 năm tuổi Đảng viên và lên tiếng về nhiều vấn đề. Ông nhận ra: “Chức mình tới đây là hết, đừng hy vọng bước lên nữa, mọi sự đã an bài. Nhưng tôi tự hào vì mình sống sạch.”

Đến lúc Việt Nam nên có Hạ viện và Thượng viện?

Làm cơ quan phục vụ cho Thường vụ Quốc hội, kinh qua 4 khóa, điều trăn trở nhất của luật sư Trần Quốc Thuận đó là làm cho Quốc hội Việt Nam thực sự đổi mới đầu vào:

“Tôi nhớ không khí năm 1986 khi bắt đầu thời kì Đổi mới thì người dân tin tưởng lắm. Nếu không khí hừng hực như vậy thì ắt có sự thay đổi từ cơ quan dân cử và đất nước có thể chuyển mình đi lên. Nhìn rõ vấn đề đó, nên tại quốc hội, có lúc người ta đề nghị nên có 5%, thậm chí 10%, được tự do cơ cấu – tức có tương đương 25-50 người.”

“Con số này không sửa đổi được Hiến pháp cũng không thay đổi được vị trí ông này, ông kia. Nhưng có được tỷ lệ đó thì chúng ta sẽ nghe được thật sự tiếng nói của dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân.”

“ĐBQH phải có 5-10% những người được phát biểu mà không bị vòng kim cô ràng buộc. Quốc hội phải làm việc, tất cả các ĐBQH nên là chuyên trách, như nước ngoài. Bước tiếp theo là các ĐBQH nên có trang thông tin để cử tri theo dõi là họ đang vận động vấn đề gì để bỏ phiếu tín nhiệm hay gạt bỏ cho những khóa tiếp theo.” ông Thuận góp ý.

Còn tiến sỹ Quang A thì cho rằng, chừng nào mà bầu cử – tức quyền chính trị và dân sự của người dân – được thực hiện dựa trên việc bầu bán thật, có người ứng cử thật và có sự cạnh tranh. Và khi đó, Quốc hội mới có thể làm được vai trò của mình, độc lập khỏi sự kiểm soát của Đảng.

“Đương nhiên, Quốc hội nào cũng thế, nếu Đảng nào nắm đa số, như trong thể chế đại nghị, thì quyết định của Quốc hội thực sự cũng là quyết định của Đảng. Nhưng ở các thế chế đó có phe đối lập thực sự. Và những người đối lập này không bị đàn áp, họ được pháp luật bảo vệ và sẵn sàng tranh luận, chất vấn và tiếng nói đối lập thực sự có ảnh hưởng đến quyết định của đa số. Còn ở Việt Nam thì không có dân chủ gì cả, nếu muốn có dân chủ thì phải có cạnh tranh, mà cạnh tranh có khi lại động đến đa đảng, vốn là vùng cấm của Đảng Cộng sản.”

Từ ý tưởng đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra một số ví dụ:

“Cơ chế bầu cử ĐBQH có thể xem xét bỏ các vòng hiệp thương để những ứng cử viên không phải đảng viên có thể ứng cử một cách sòng phẳng. Hoặc Đảng cứ việc cử người của mình vào Quốc hội nhưng cho 20-30% số ghế là được bầu cử tự do thì đây sẽ là bước tiến nho nhỏ.”

“Hoặc là chúng ta lập ra hai viện: Đảng bầu ra một ban chấp hành Trung ương nắm vai trò Thượng viện còn Hạ viện để cho người dân bầu cử tự do. Thượng viện có quyền phủ quyết và lập pháp – tức dù Hạ viện có thông qua dự thảo gì mà Thượng viện bác thì cũng coi như không. Và lúc đấy, sự kiểm soát của Đảng vẫn còn và đồng thời thực sự có đối thoại và dân chủ một phần.”

Sau cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, Quốc hội Việt Nam đang có 14 đại biểu là người bên ngoài Đảng Cộng sản, mặc dù đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội lên tới 296 người.

Ông Dương Trung Quốc chia sẻ với BBC: “Ai cũng mong muốn, nếu Đảng muốn tiếp tục giữ vai trò cầm quyền thì cần có những thay đổi căn bản về cơ chế để đảm bảo quyền dân chủ của người dân. Nhưng một cơ chế đã được định vị là không có đa nguyên, đa đảng thì nó không thể đi tìm con đường nào khác cả.”

Đọc thêm các kỳ khác trong loạt bài về Quốc hội:

Quốc hội VN, kỳ 1: ‘Tiếc nhớ’ tuần trăng mật Đổi mới ngắn ngủi

Quốc hội VN, kỳ 2: ‘Vòng kim cô’ hiệp thương và số phận những kẻ ‘ngoài lề’ đơn độc

Quốc hội VN, kỳ 3: Quyền bính ‘thực chất vẫn trong tay Đảng’

B.T – H.M.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.