Bao giờ thì thủ đô Hà Nội có được một thị trưởng xứng tầm?

Nguyễn Ngọc Chu

Bài viết “Không phải ai cũng tuỳ tiện được ngồi vào ghế thị trưởng Thăng Long – Hà Nội” được viết vào tháng 8/2020 sau khi ông Nguyễn Đức Chung bị bắt.

Bất chấp sự không đồng tình sâu rộng của dư luận lúc đó, ông Chu Ngọc Anh vẫn được điều động từ vị trí Bộ trưởng Bộ KH&CN sang ngồi vào ghế Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào ngày 25/9/2020. Bây giờ (07/6/2022) thì ông Chu Ngọc Anh bị cách hết mọi chức vụ và đợi chờ với xác suất lớn là sẽ bị bỏ tù.

Đau đớn thay cho Thủ đô ngàn năm văn hiến khi có hai Thị trưởng liên tiếp bị cách chức, bỏ tù vì tham nhũng, hối lộ.

Nếu tiếp tục bổ nhiệm Chủ tịch Hà Nội theo cách điều động cán bộ như hiện nay, thì Chủ tịch Hà Nội tiếp theo, nếu không bị cách chức và bị bỏ tù như hai người tiền nhiệm, thì cũng không làm được điều gì đáng kể cho Thủ đô.

Bao giờ thì Thủ đô Hà Nội có được một thị trưởng xứng tầm?

Xin chia sẻ lại bài viết “Không phải ai cũng tuỳ tiện được ngồi vào ghế thị trưởng Thăng Long – Hà Nội” để chiêm nghiệm cho trường hợp ông Chu Ngọc Anh và rút ra bài học trong tìm kiếm Chủ tịch mới cho Thủ đô Hà Nội.

“Đất thiêng Thăng Long – Hà Nội không thể bị đè đầu cưỡi cổ bởi những kẻ tham nhũng. Không phải ai cũng tuỳ tiện được ngồi vào ghế Thị trưởng Thăng Long – Hà Nội. Con rồng Thăng Long không thể bị kìm hãm. Đừng để thần linh phải nổi giận”.

KHÔNG PHẢI AI CŨNG TUỲ TIỆN ĐƯỢC NGỒI VÀO GHẾ THỊ TRƯỞNG THĂNG LONG – HÀ NỘI

1. Những câu hỏi sau sự ra đi của ông Chung

Việc quyết liệt chống tham nhũng là điều nhân dân rất hoan nghênh.

Ông Nguyễn Đức Chung có tội thì phải xử theo pháp luật. Không ai bênh ông Nguyễn Đức Chung. Nhưng trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung đặt ra 5 vấn đề lớn cần có lời giải.

Những người có tội như ông Nguyễn Đức Chung, thậm chí còn lớn tội hơn ông Nguyễn Đức Chung, có bị xử tội thích đáng không?

Đây là điều nhân dân cả nước quan tâm. Không phải bênh cho ông Nguyễn Đức Chung mà vì sòng phẳng, vì chống tham nhũng, vì quét sạch tham quan, vì làm trong sạch hàng ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Đó là câu hỏi thứ nhất.

Ông Nguyễn Đức Chung, mới đây thôi, là tấm gương được thăng tiến nhanh. Ông Chung là đảng viên trong lực lượng công an nhân dân, là Thiếu tướng công an, là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – thuộc đội ngũ “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, như lời của Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an (https://laodong.vn/…/luc-luong-cong-an-xung-dang-la…).

Còn nữa, ông Nguyễn Đức Chung là UVTƯ Đảng, đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Thủ đô của cả nước. Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chung đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần nói về chống tham nhũng.

Nay ông Nguyễn Đức Chung lại liên quan đến đại án tham nhũng, thì nhân dân có thể tin vào những người lãnh đạo khác nữa không?

Đó là câu hỏi thứ hai.

Ông Đinh La Thăng, ông Lê Thanh Hải, ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Nguyễn Văn Hiến, ông Tất Thành Cang… cả hàng chục UVTƯ đã bị kỷ luật đều liên quan đến tham nhũng. Nay lại đến lượt ông Nguyễn Đức Chung bị phát hiện liên quan đến tham nhũng. Và chắc chắn còn những người tham nhũng tương tự như các ông đã bị kỷ luật nhưng chưa bị phát hiện.

Vậy chống tham nhũng bằng phương pháp hiện hành có thể ngăn cản được tham nhũng không?

Có phương cách nào khác để ngăn chặn quốc nạn tham nhũng hiện nay được không?

Đó là câu hỏi thứ ba.

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chung đã qua nhiều khâu xem xét rất cẩn thận, theo đúng quy trình, vậy mà vẫn không chọn đúng người. Không riêng gì ông Chung, mà hàng chục cán bộ cấp cao chịu sự quản lý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư mới bị kỷ luật – cũng đúng quy trình bổ nhiệm.

Vậy phải thay đổi quy trình bổ nhiệm cán bộ như thế nào đây?

Đó là câu hỏi thứ tư.

Không thể quy trách nhiệm tập thể chung chung, mà phải chỉ ra con người cụ thể chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm ông Chung.

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Chung?

Đó là câu hỏi thứ năm.

Năm câu hỏi trên, đứng vào vị trí quản trị quốc gia, là các câu hỏi không thể né tránh.

2. Ai cũng có thể trở thành một ông Chung phẩy

Hãy nhìn lại các Thị trưởng Hà Nội trước ông Chung từ khi mở cửa. Từ ông Hoàng Văn Nghiên, ông Nguyễn Quốc Triệu, đến ông Nguyễn Thế Thảo – có ai khác ông Nguyễn Đức Chung không?

Tất cả họ sinh ra khác thời, khác vùng, mà sao khi ngồi vào ghế Thị trưởng Hà Nội lại giống nhau như vậy?

Âu cũng bởi “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Ai ngồi vào ghế của ông Chung rồi cũng lại trở thành một ông Chung phẩy – nếu không thay đổi phương thức lựa chọn Thị trưởng.

3. Nhân dân lựa chọn thị trưởng

Điều quan trọng đối với người dân Thủ đô Hà Nội bây giờ, là câu hỏi: Ai sẽ là Thị trưởng Hà Nội thay ông Chung?

Tất cả các Thị trưởng Hà Nội trong hai chục năm gần đây, không ai được lòng dân. Từ ông Hoàng Văn Nghiên, ông Nguyễn Quốc Triệu, ông Nguyễn Thế Thảo, cho đến ông Nguyễn Đức Chung – cả 4 thị trưởng – không một ai xứng tầm Thị trưởng Hà Nội. Đó là nỗi đau của người dân Thủ đô. Đó cũng là nỗi buồn của người dân cả nước. Vì Hà nội là Thủ đô là của cả nước.

Hà Nội với hơn 8 triệu dân, có biết bao nhiêu người tài giỏi. Không có lẽ cả Hà Nội không thể tìm ra được một Thị trưởng giỏi cho xứng với vị thế Thủ đô?

Một Thị trưởng Hà Nội được lòng dân, chỉ có thể do chính người dân Hà Nội tự lựa chọn. Đó là quy trình duy nhất đúng để chọn được Thị trưởng xứng tầm cho Thủ đô Hà Nội, mà không có quy trình nào khác có thể sánh được.

Không thể theo đường cũ. Bổ nhiệm bất cứ ai thì rồi cũng sẽ thành một ông Chung phẩy, một ông Thảo phẩy, một ông Triệu phẩy, một ông Nghiên phẩy, hay là tổ hợp của các ông đó. Chỉ có người dân Hà Nội tự lựa chọn Thị trưởng, thì mới chấm dứt được chuỗi dài các Thị trưởng mất lòng dân.

Muốn sánh với Bangkok hay Singapore thì phải để nhân dân Thủ đô lựa chọn Thị trưởng Thủ đô. Khi nhân dân lựa chọn Thị trưởng, tức thì sẽ có hàng chục bậc trí nhân ra ứng cử vào chức Thị trưởng Hà Nội. Lúc đó, Thủ đô Hà Nội sẽ có những bước phát triển ngoạn mục. Việc bắt kịp Bangkok hay Singapore không còn là khẩu hiệu như hiện nay.

Nhân dân Thủ đô mà lựa chọn Thị trưởng Hà Nội thì chắc chắn đó là bậc anh tài, là người yêu nước, không thể là kẻ phản động, không thể là kẻ tham nhũng bất lương.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội lựa chọn Thị trưởng Hà Nội thì có gì là sai? Nếu không tin nhân dân thì còn tin được vào ai?

4. Đất thiêng Thăng Long – Hà Nội

Không phải chỉ từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô, mà đất Thăng Long – Hà Nội đã được lựa chọn làm kinh đô từ thời Âu Lạc cách đây hơn 2200 năm. Xa hơn nữa từ thuở đuổi giặc Ân, Thánh Gióng cũng bay lên trời từ vùng đất thiêng này.

Vùng đất thiêng nằm trong sự bảo vệ của các dòng sông và các hồ, nơi trú ngụ của các vị thần linh. Đó là nơi có khí hậu điều hoà, bão không thể đến, lũ được hoá giải, đất yên mà không động.

Nhờ đất thiêng mà người Việt khác biệt. Người Việt khác về nòi giống. Người Việt không thể bị đồng hoá.

Đó là sự khác biệt cơ bản của người Việt với cả trăm bộ tộc nằm ở bắc Hoàng Hà, ở hoa hạ giữa Hoàng Hà và Dương Tử và ở nam Dương Tử. Các bộ tộc này trải qua mấy ngàn năm, dù có lúc đã trở thành các quốc gia bá chủ, cuối cùng cũng bị bộ tộc người Hán từ vùng núi Hoa sơn nước Tần thống trị và đồng hoá.

Vùng đất thiêng đến nỗi người Hán mỗi dịp có cơ hội là mưu toan yểm bùa để triệt hạ. Không chỉ Cao Biền công khai mưu đồ, mà triều đại này truyền qua triều đại khác, cho đến chính thể Cộng hoà Nhân dân Trung hoa hiện nay, cũng không ngừng yểm bùa để kiềm chế người Việt.

Nhưng từ nỏ thần thành Cổ Loa, kiếm thần Hồ Gươm, cho đến sóng thần Hồ Tây – các vị thần linh của vùng đất thiêng này luôn bảo vệ người Việt. Không kẻ ngoại bang nào có thể yểm bùa được đất thiêng Thăng Long – Hà Nội.

Huống chi là lũ tiểu nhân tham nhũng.

Đất thiêng Thăng Long – Hà Nội không thể bị đè đầu cưỡi cổ bởi những kẻ tham nhũng. Không phải ai cũng tuỳ tiện được ngồi vào ghế Thị trưởng Thăng Long – Hà Nội. Con rồng Thăng Long không thể bị kìm hãm. Đừng để thần linh phải nổi giận.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hà Nội. Bookmark the permalink.