“Hiệu ứng không mong đợi”

Mai Thanh Sơn

(I)

Đó là thuật ngữ mà thời còn tham gia các dự án phát triển cộng đồng tôi hay sử dụng khi phân tích thực trạng kinh – tế xã hội ở những bối cảnh cụ thể trong và sau khi thực hiện các chính sách của nhà nước. Nói thế cho nhẹ, chứ thực ra, đó là kết quả "củ chuối" nhất mà một số cái gọi là "chính sách" mang lại cho cộng đồng. Nhiều. Nhiều lắm. Chỉ liệt kê tên, cũng phải dăm tờ A4. Tôi hiện có một bản thảo vài ba trăm trang tác giả (mỗi trang tác giả là 1000 chữ) về chuyện này, nhưng chắc chỉ để lâu lâu mang ra gặm nhấm, như từng gặm nhấm mối tình đầu tan vỡ, chứ chả dám nghĩ đến chuyện xuất bản. He he…

Chuyện đầu tiên phải kể đến, là về Tây Nguyên và phong trào FULRO.

Đây là vùng đất gia nhập cộng đồng quốc gia Việt Nam tương đối muộn so với các khu vực khác ở miền Nam (1904). Trước 1975, tính tự trị của các buôn/bon/plei Tây Nguyên là rất cao. Ông Ngô Đình Diệm từng thất bại khi ban hành chính sách áp đặt đối với Tây Nguyên, và một trong những "hiệu ứng không mong đợi" của chính sách đó, chính là sự ra đời của phong trào "BaRaJaKa", tiền thân của FULRO. Ông Ngô Đình Diệm thất bại ở Tây Nguyên. Sau thời ông Ngô Đình Diệm, chính quyền VNCH khôi phục lại Tòa án phong tục, thừa nhận một số quyền cơ bản và tính tự trị của các bộ tộc thiểu số Tây Nguyên.

Sau 30/04/1975, chính quyền mới thực hiện Chương trình Tây Nguyên I (1976-1978), rà soát tất cả các nguồn lực Tây Nguyên. Tiếp theo, từ 1979, chính quyền mới bắt đầu thực hiện Chương trình Tây Nguyên II: QUỐC HỮU HÓA ĐẤT ĐAI và KHAI THÁC. Bố mày chén hết: Tất nhiên, Đất và Rừng là quan trọng nhất. Bố mày cũng xóa hết: Cơ cấu tự quản và cơ sở Đức tin… Văn hóa là cái ồn… ào.

Duôn được đưa từ miền Bắc vào và Trung bộ lên. Chính sách "thành công" qua những con số "xây dựng kinh tế mới". Tất nhiên, đó là do sự lãnh đạo tài tình của ai đó. Đứa nào nói khác, vả vỡ alo còn là nhẹ.

Nhưng: (i) FULRO tái khởi. Hai bên chết bao nhiêu, không ai biết. Năm 1992, các chiến binh cuối cùng của FULRO ra trình diện đại diện của UN ở Cambodia, chấm dứt 17 năm phản kháng trên danh nghĩa. Thực tế như thế nào, chưa biết, vì vụ 2001 và 2004 còn nóng đó; (ii) Một trong những khu dự trữ sinh quyển tốt nhất châu Á đã bị khai tử; và (iii) Nhiều nền văn hóa với những tri thức bản địa vô cùng quý báu đã bị giết chết.

Vui hay Không?

(II)

Chuyện về Tây Nguyên thì rất nhiều, ai có tài và tâm, có thể viết dăm bảy cuốn sách cũng không hết. Chính quyền mới, cơ bản do người Kinh nắm, hiểu rất rõ rằng, muốn có Tây Nguyên lâu dài đương nhiên phải cưỡng bức đồng hóa các tộc người thiểu số bản địa. Một loạt chính sách được ban hành, chủ yếu liên quan đến đất đai. Không gian sinh tồn của các buôn/bon/plei được nhà nước khu trú lại, theo cách mà người ta hiểu là tất cả những diện tích hưu canh luân khoảnh đều thuộc về nhà nước. Trong phạm vi buôn/bon/plei, nhà nước chia đất ở và thổ canh theo nóc nhà. Mỗi nóc nhà được chừng 1.800 – 2.400 mét vuông, tùy từng địa phương cụ thể. Người Tây Nguyên buộc phải chặt nhà dài, vì nếu không như vậy, mấy chục gia đình ở chung một ngôi nhà sẽ chỉ có mảnh đất tí teo. Mất nhà dài, là mất không gian cộng cảm, và một trong những không gian tâm linh – đồng nghĩa với việc mất đi hồn cốt tộc người.

Chưa hết, cơ cấu quản lý buôn/bon/plei xưa từng bước bị giải thể. Các thực hành văn hóa tâm linh truyền thống bị cấm triệt để. Ở một chiều kích khác, để ngăn ngừa bà con các tộc người thiểu số tại chỗ tiếp tế cho FULRO, vốn dĩ là con em họ, nhà nước cách mạng cho phép bà con Tày Nùng từ Cao Bằng Lạng Sơn vào cư trú tại các vùng đệm, chặn đường lên núi. Bà con Tày Nùng vốn dĩ "quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa", đương nhiên hưởng ứng. Họ cực kỳ thành công trên cả hai phương diện: làm kinh tế và bảo vệ chế độ cách mạng. Nhưng người bản địa Tây Nguyên hoàn toàn mất rừng. Mất rừng là mất gốc, mất kế sinh nhai, mất đức tin. Là mất sạch bách.

Với các chính sách đối với Tây Nguyên, nhà nước cách mạng đã đạt được mục đích trong ngắn hạn. Nhưng người bản địa Tây Nguyên đã và đang bị lề hóa. Những khối u đã mọc, đã vỡ vào những năm 2001 và 2004. Còn vỡ nữa hay không, không ai biết.

(III)

Sau 30/04/1975, đặc biệt là sau tháng Giêng 1979, Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế, chỉ có quan hệ ngoại thương với các nước trong phe XHCN và khối SEV. Trong nước, những mục tiêu hoang tưởng được đặt ra trong Đại hội IV đương nhiên không thể đạt được. Kinh tế quốc gia "rơi theo chiều thẳng đứng" (chữ của Tố Hữu – Phó Chủ tịch thứ nhất HĐBT).

Thời kỳ 1976-1990, hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là gỗ được khai thác từ đại ngàn Tây Nguyên. Theo số liệu thống kê, hiện tại cả nước có hơn 14 triệu hecta rừng, trong đó chỉ có 600.000 hecta rừng già. Diện tích rừng già ở Tây Nguyên chắc chỉ chiếm phân nửa số đó.

Rừng bị trảm đến đâu, Duôn và các tộc người thiểu số miền Bắc tràn vào đến đó. Cao su, và đặc biệt là cà phê được trồng tràn lan, bất chấp quy hoạch. Mỗi năm hàng triệu tấn phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật được rải xuống. Đất và môi trường không ô nhiễm mới lạ.

Rừng đầu nguồn bị thảm sát, nhu cầu nước tưới trong canh tác cây công nghiệp cao, đương nhiên nước mặt bị cạn kiệt. Để có nước tưới, giếng khoan là giải pháp bắt buộc. Một vài báo cáo khoa học trong Chương trình Tây Nguyên III cho biết, hiện đang có gần 2 triệu giếng khoan cắm sâu vào lòng đất Tây Nguyên, mỗi năm hút lên hàng trăm triệu mét khối nước. Hậu quả là mực nước ngầm Tây Nguyên hiện đã thấp hơn 1,7 – 1,8 m so với năm 1978.

Cây công nghiệp lâu năm là một trong những lợi thế của Tây Nguyên. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng việc phát triển nóng gắn với chủ trương khai thác rừng tới cạn kiệt đã khiến vùng đất này trở nên xơ xác, đất và môi trường ô nhiễm cực nặng. Diện tích rừng già suy giảm cũng là một trở ngại lớn để Việt Nam tham gia vào thị trường carbon thế giới, có thể mang lại nhiều tỷ ông Tơn mỗi năm.

(IV)

Trước 1975, các hệ phái Thiên Chúa giáo (Công giáo và Tin lành) đã tương đối phát triển ở Tây Nguyên nhưng chưa thực sự chiếm ưu thế so với tín ngưỡng bản địa. Có điều rất kỳ lạ, là những người đồng tộc sống trong cùng một buôn/bon/plei dù theo các tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn rất đoàn kết, hòa thuận. Các tín hữu Công giáo và Tin lành vẫn có thể thực hành một số lễ thức truyền thống như lễ trỉa lúa, lễ mừng hết cỏ,… Không thể phủ nhận một thực tế, là các nhà truyền giáo phương Tây quá giỏi trong việc bản địa hóa những đức tin xa lạ. Một người bạn tôi là tiến sĩ thứ thiệt, bảo vệ luận án ở xứ Cờ Hoa, cho rằng: dân bản địa Tây Nguyên dễ dàng theo các hệ phái Thiên Chúa giáo vì họ thấy ở đó tư cách bình đẳng với dân Tây. Trong khi đó, nếu cứ theo tín ngưỡng của cha ông, họ luôn bị Duôn khinh rẻ. Ông này tiến sĩ xịn, nói chắc cũng có lý.

Tôi từng quan sát cách ứng xử của các nhóm thanh thiếu niên theo những tôn giáo khác nhau, và nhận thấy: các bạn trẻ theo Thiên Chúa giáo tự tin, chững chạc hơn những người cùng trang lứa nhưng theo tín ngưỡng của cha ông. Dù vậy, trước 1975, cũng chỉ có khoảng 10-12% dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo đạo thờ Chúa. Nhưng đến năm 2021, tình hình đã hoàn toàn khác: toàn vùng Tây Nguyên có gần 530.000 tín hữu Tin lành thuộc 47 hệ phái khác nhau (chiếm khoảng 10% dân số vùng), và hơn 1,2 triệu tín hữu Công giáo (chiếm khoảng 25% dân số vùng). Trong đó, dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm phân nửa. Tỷ lệ này là lớn hơn so với tỷ lệ chung của cả nước rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của các hệ phái Thiên Chúa giáo: sự linh hoạt của các nhà truyền giáo, mong muốn bình đẳng với người Tây và Duôn (như anh bạn TS xịn bạn tôi phán đoán)… Tuy nhiên, khi thực hiện các cuộc nghiên cứu thực địa, tôi phát hiện thêm một lý do khá quan trọng: hiệu ứng không mong đợi của chính sách.

Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Tây Nguyên II là cấm đoán các tín ngưỡng truyền thống của cư dân bản địa: các nghi thức liên quan đến nông nghiệp, lễ cúng bến nước, đặc biệt là lễ ăn trâu. Hà Nội lấy người Kinh ở đồng bằng sông Hồng và bắc Trung bộ làm hệ quy chiếu, coi "con trâu là đầu cơ nghiệp". Việc giết trâu đồng nghĩa với phá hoại sức sản xuất. Không ai thèm nghe tư vấn của các nhà khoa học và cán bộ lãnh đạo am hiểu Tây Nguyên, rằng người Tây Nguyên không dùng trâu cày, và rằng người bản địa Tây Nguyên chỉ nuôi trâu để làm vật thế thân cúng Giàng… Cấm là cấm. Không cãi!

Dân Tây Nguyên không dám chống lệnh. Con em họ đang trên núi làm FULRO, giờ chống lệnh cấm ăn trâu nữa, chắc khó yên lành. Chấp nhận bỏ. Nhưng một trong những cái mà họ cần đến mức không thể thiếu, là ĐỨC TIN. Phải có một đức tin để nương tựa. Nhìn sang nhà hàng xóm theo Công giáo hoặc Tin lành trong buôn/bon/plei, thấy họ an nhiên tự tại sống và thực hành văn hóa tâm linh, không thể không suy nghĩ đắn đo. Cuối cùng, Công giáo hoặc Tin lành đã có thêm không ít tín hữu mới. Đó thực sự không phải là điều mà nhà nước cách mạng mong muốn.

(V)

Một lần nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự, ông vừa đến một Giáo khu Tin lành của bà con Ê-đê ở Cư M’ga và nhận thấy vị mục sư ở đây có vai trò không khác gì già làng Tây Nguyên xưa, chỉ không có quyền về đất. Tôi cũng nhận thấy, ở tất cả các khu vực Thiên Chúa giáo Tây Nguyên đều như vậy: các vị Mục tử đều có ảnh hưởng rất lớn, và tiếng nói của họ được người dân tin. Uy tín của họ cao hơn rất rất nhiều so với các chức sắc xã hội được nhà nước cách mạng sắp xếp/chỉ định.

Già làng Tây Nguyên xưa mà nhà văn Nguyên Ngọc nhắc đến có vai trò tương tự như trưởng bản truyền thống ở các tộc người thiểu số phía Bắc hay Chánh Hội đồng Tộc biểu của người Kinh ở đồng bằng sông Hồng. Các chức vị này đều được dân cử dựa theo những tiêu chí khắt khe để đảm bảo có thể đại diện cho chế độ tự quản trong phạm vi buôn/bon/plei trên mọi phương diện: quản lý tài nguyên đất, nước và rừng; điều hành hoạt động kinh tế; duy trì trật tự xã hội; và chủ trì các thực hành văn hóa tâm linh.

Sau 30/04/1975, chế độ tự quản buôn/bon/plei bị giải thể: đất đai bị quốc hữu hóa; kinh tế dần dà được tập thể hóa; thể chế tự quản được thay thế bằng các hình thức bán quan phương; các thực hành văn hóa tâm linh truyền thống bị cấm đoán; tình trạng hỗn cư ngày càng phổ biến. Vị trí già làng truyền thống hoàn toàn biến mất. Các tiêu thức truyền thống Tây Nguyên xem như bị hủy hoại hoàn toàn.

Trong giai đoạn 1975-1990 không có một nghiên cứu xã hội học hay tâm lý học nào về Tây Nguyên được công bố. Các nghiên cứu dân tộc học và dân tộc-kinh tế học chủ yếu nhằm phục vụ cho Chương trình Tây Nguyên II. Không có bất cứ lý giải nào khả tín về biến động xã hội Tây Nguyên dưới góc độ nhân học, và không mấy ai có thể hiểu là người dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên nghĩ gì. Nhưng các vị mục tử Thiên Chúa giáo thì biết.

Họ biết người Tây Nguyên có ý thức tự tồn và ý thức tộc người cao. Muốn bảo đảm ý thức đó không bị mai một, bà con Tây Nguyên không có cách nào khác hơn là phải tập hợp nhau lại trong một hình thái cộng đồng nào đó. Đặc biệt là trong cộng đồng ấy, mỗi người đều thấy mình được tôn trọng, không bị định kiến hay phân biệt đối xử. Các hệ phái Thiên Chúa giáo đáp ứng được mong muốn đó.

Họ biết người Tây Nguyên thiếu đất trồng. Họ không có quyền về đất, nhưng có cách hướng dẫn các tín hữu trong cộng đoàn chia sẻ cho nhau nguồn lực đất đai và kỹ năng canh tác.

Họ biết mô thức cộng đồng và gia đình cũ đã bị phá vỡ, nhiều tiêu thức truyền thống bị triệt tiêu, không ít người mất phương hướng trong cuộc sống. Họ đưa ra các tiêu thức mới phù hợp với mong muốn của người dân và khả thi hơn.

Họ biết người Tây Nguyên không muốn cồng chiêng bị chảy máu, và biết cách giúp bà con giữ lại trong các cơ sở của mình. Đặc biệt là họ biết người Tây Nguyên có nhu cầu về Đức tin cũng như văn hóa tâm linh, và họ thỏa mãn được cả những điều đó.

Vai trò của các vị mục tử Thiên Chúa giáo tại Tây Nguyên vì vậy được nâng cao (đồng nghĩa với việc có thêm nhiều đạo hữu). Đó không phải là điều mà nhà nước cách mạng "ưng cái bụng".

M.T.S.

Nguồn: FB Mai Thanh Sơn

This entry was posted in Tây Nguyên. Bookmark the permalink.