Đông Nam Á muốn gì từ Mỹ

Walter Russell Mead / What Southeast Asia Wants From America, Wall Street Journal, May 16, 2022

Bauxite Việt Nam dịch

  
  Walter Russell Mead

Khởi đầu là tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và nâng cấp quân đội để đối phó với Trung Quốc.

Tổng thống Biden chào mừng lãnh đạo một số quốc gia thành viên ASEAN đến Nhà Trắng, ngày 12/5. ẢNH: ADAM SCHULTZ / WHITE HOUSE / ZUMA PRESS

Tuần trước, chính quyền Biden đã trải thảm đỏ đón chào các nhà lãnh đạo của 8 trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về lý thuyết, việc tổ chức điều mà Nhà Trắng mô tả là “hội nghị thượng đỉnh đặc biệt” ở Washington là một ý tưởng tuyệt vời.

Các thành viên ASEAN như Philippines, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan rất quan trọng đối với chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bị đe dọa bởi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, hầu hết các quốc gia ASEAN hoan nghênh sự hiện diện của Washington trong khu vực và đều lo ngại giới tinh hoa của chính sách đối ngoại của Mỹ dễ phân tâm và thiếu một cam kết chắc chắn với khu vực của họ. Tổ chức hội nghị cấp cao ở Washington là một cách để nhấn mạnh về tầm quan trọng của ASEAN đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington, đặc biệt là ở thời điểm mà cuộc chiến ở Ukraine đang thống trị chính trường Washington.

Thật không may, hội nghị thượng đỉnh đã làm nổi bật sự bế tắc chiến lược thách thức chính sách ngoại giao khu vực của Mỹ thời Biden. Bế tắc này đã ngăn cản sự khởi đầu của một kỷ nguyên hợp tác mới giữa Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Có một sự lệch pha giữa những gì Đông Nam Á cần từ Hoa Kỳ và những gì Tổng thống Biden có thể cung cấp, điều này được thấy qua các phát biểu tranh luận về chính sách đối ngoại của các đảng viên Dân chủ.

Không giống như cuộc chiến ở Ukraine – cuộc chiến làm cho các đảng viên Dân chủ đoàn kết chống lại nhà cầm quyền mà họ liên tuởng đến Donald Trump khi họ đang sát cánh với các đồng minh dân chủ để duy trì các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế –, chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không dễ dàng dung hòa với các giá trị và các ưu tiên mà các đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa quốc tế muốn thúc đẩy.

Hầu hết các nước ASEAN hoặc không phải là một quốc gia dân chủ, như Việt Nam, hoặc không hoàn hảo và thường đi lùi, như Philippines. Về phần lớn, họ là những người tự hào theo chủ nghĩa dân tộc, muốn bảo vệ, muốn làm tăng thêm quyền lực của mình, không nhường quyền cho các thể chế quốc tế ràng buộc về luật lệ. Họ không tin tưởng vào các giá trị, các thể chế hoặc các chính phủ phương Tây, và tàn dư của chủ nghĩa thực dân châu Âu, thói kiêu ngạo chủng tộc vẫn còn làm họ khó chịu.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine không phải là ưu tiên của họ. Họ coi biến đổi khí hậu là vấn đề xa xôi và thứ yếu. Họ cho rằng những lo ngại của phương Tây về các vấn đề như tiêu chuẩn lao động và “tiêu chuẩn thương mại xanh” là những khẩu hiệu đạo đức giả nhằm hỗ trợ một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa bảo hộ. Họ tin rằng mô hình kinh tế lương thấp, tiêu chuẩn thấp mang lại hy vọng tốt nhất cho sự phát triển kinh tế, và họ không muốn từ bỏ nó.

Trong khi họ lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và hy vọng thấy Mỹ vẫn hoạt động trong khu vực như một đối trọng quan trọng, mục tiêu của họ không phải là liên kết với Mỹ, đặc biệt là với tư cách là các thành viên trong liên minh vì dân chủ mà ông Biden mơ ước. Hầu hết các quốc gia này đều trông đợi vào một tương lai lợi ích lâu dài của chính sách không liên kết, cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, được cả hai khuyến khích và quan tâm, bằng cách không cam kết với cả hai.

Trên hết, nhiều chính phủ ASEAN đang phải đối mặt với những vấn đề không liên quan đến các vấn đề toàn cầu lớn thúc đẩy các nhà hoạt động chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ. Sự gián đoạn thương mại và du lịch do đại dịch Covid đã ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia này. Thái Lan, nơi du lịch chiếm 20% GDP tính đến năm 2019, đã chứng kiến ​​lượng khách du lịch giảm 99% – từ 40 triệu vào năm 2019 xuống còn 430.000 vào năm 2021. Giờ đây, các quốc gia này đang nhìn vào một viễn cảnh ác mộng là lãi suất tăng và giá thực phẩm, giá nhiên liệu tăng vọt.

Những gì họ muốn từ Washington rất đơn giản. Họ muốn tăng cuờng quân sự trong khu vực để chống lại Trung Quốc. Họ muốn có một đối tác đáng tin cậy ở Washington, một đối tác không thay đổi triệt để chính sách đối ngoại khi chuyển từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo. Họ muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ mà không có ràng buộc nào. Họ muốn lãi suất thấp hơn và muốn được giúp quản lý các cơn bão kinh tế sắp tới. Họ muốn chấm dứt việc lên án về nhân quyền và họ không muốn có bất kỳ cuộc thảo luận nào về năng lượng xanh, trừ phi nó đi kèm với các cam kết viện trợ nước ngoài khổng lồ, hiệu quả, để bù đắp được chi phí.

Không Tổng thống Mỹ nào có thể (hoặc nên) cung cấp cho các nhà lãnh đạo ASEAN mọi thứ họ muốn, nhưng khoảng cách giữa chương trình nghị sự ASEAN và các ý tưởng truyền thống của Đảng Dân chủ về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ là rất rộng. Trừ khi nó có thể được khắc phục, có rất ít triển vọng cho chính sách thành công của Mỹ trong một khu vực quan trọng.

Vấn đề lớn nhất là thương mại. Giao dịch sai khi tăng cường các bài giảng đạo đức là một chiến lược Indo-Pacific chắc chắn thất bại. Khi Donald Trump quay lưng lại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, quyền lực và uy tín của Mỹ trong khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Trump không tìm được hướng đi trong suốt 4 năm ở Nhà Trắng; và bây giờ ông Biden tiếp bước Trump. Thúc đẩy thương mại tự do là công cụ mạnh mẽ nhất của ngoại giao Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Nếu chính quyền Biden không thể phát triển một chương trình nghị sự thương mại thu hút Đông Nam Á, thì có bao nhiêu hội nghị cấp cao được tổ chức ở Washington đi nữa cũng không quan trọng.

W.R.M.

Nguồn bản gốc: Wall Street Journal

This entry was posted in Bauxite Việt Nam dịch, Quan hệ ASEAN - Mỹ, Wall Street Journal, Walter Russell Mead. Bookmark the permalink.