Anh Vũ
(KTSG) – Cho đến nay người ta chưa có định nghĩa đầy đủ về nền kinh tế khí hậu (climate economy), nhưng thách thức nguyên liệu xanh (green materials) tạo nên nền kinh tế này mỗi ngày một hiện rõ và thúc ép, đòi hỏi những giải pháp toàn cầu cũng như trong mỗi quốc gia và nơi mỗi cam kết của doanh nghiệp.
Vấn đề không chỉ đặt ra với thép xanh, nhôm tái sử dụng, nhựa tái chế hay các sản phẩm ít phát thải khác mà quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu để hấp thụ, sản xuất năng lượng sạch để từ đó tạo ra các sản phẩm xanh phục vụ con người. Điều đặc biệt là Việt Nam đang coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp.
Ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu là một cuộc chiến, và mức độ căng thẳng của từng mặt trận tùy thuộc vào khối lượng phát thải mà con người tạo ra trong mỗi lĩnh vực kinh tế. Số liệu phát thải toàn cầu từ bốn hoạt động kinh tế chính trong năm 2016 cho thấy việc sản xuất điện tạo ra 15 tỉ mét khối khí carbonic tương đương (CO2e), kỹ nghệ vận tải tạo ra 7,9 tỉ mét khối, lĩnh vực chế tạo và xây dựng 6,1 tỉ, và ngành nông nghiệp 5,8 tỉ mét khối. Nền kinh tế khí hậu dựa trên năng lực khống chế phát thải, và đây là một tiến trình bắt buộc để giữ cho con người có thể sống hạnh phúc và phát triển bền vững trên chính Trái Đất của mình.
Công nghệ xanh và năng lượng sạch đang gắn chặt với nhau. Khi dùng than để sản xuất 1 ki lô gam khí hydrogen hóa lỏng thay thế xăng dầu người ta phát thải ra đến 18-20 ki lô gam khí carbonic, gấp nhiều lần đốt trực tiếp nhiên liệu hóa thạch. Vì thế để sản xuất hydrogen sạch với mức độ phát thải tương đương 2 ki lô gam khí carbonic như luật định người ta phải sử dụng năng lượng sạch, chủ yếu là năng lượng tái tạo. Nhu cầu năng lượng sạch trở thành cấp bách cho nền kinh tế, từ các sinh hoạt của con người đến sản xuất xi măng, sắt thép và điện năng hay nhiên liệu vận chuyển. Trên thực tế, một cuộc cách mạng năng lượng đang diễn ra, hướng tới năng lượng tái tạo, tức là gió, ánh nắng mặt trời, sóng biển, thủy triều, thủy điện, địa nhiệt và hạt nhân.
Để chuyển đội 31,5 triệu xe động cơ đốt trong (ICEV) của Vương quốc Anh sang xe chạy bằng pin-điện (BEV), ước tính sẽ mất khoảng 207.900 tấn coban, 264.600 tấn lithium cacbonat, 7.200 tấn neodymium và dysprosium, 2.362.500 tấn đồng. Vấn đề là lấy nguyên liệu xanh ở đâu, bởi lượng này gấp đôi sản lượng coban hàng năm của thế giới hiện nay, tương đương cả năm sản xuất neodymium toàn cầu và chiếm đến ba phần tư tổng sản lượng lithium hiện hữu. Để thay thế 1,4 tỉ ICEV ước tính trên toàn thế giới sẽ cần gấp bốn mươi lần những con số này. Chúng ta đang đứng trước những thách thức nguyên liệu và những giải pháp phải chọn lựa.
Công nghệ xanh đòi hỏi nguồn nguyên liệu sơ cấp không thể tái tạo từ tài nguyên địa chất nơi các mỏ khoáng hoặc nguồn cung cấp thứ cấp từ việc tái sử dụng và tái chế. Chúng ta vẫn chưa tới thời điểm của nền kinh tế tuần hoàn trong đó nhu cầu nguyên liệu được đáp ứng bằng tái sử dụng và tái chế. Theo báo cáo của Ủy ban Tài nguyên Quốc tế, nguồn cung thứ cấp hiện nay còn rất nhỏ, tỷ lệ tái chế nhôm và coban chỉ mới đạt 70%, và việc tái chế lithium mới chỉ chiếm 1% nhu cầu. Giải pháp thay thế nguyên liệu, ví như pin ion kim loại đa hóa trị thay cho pin Li-ion, để giảm phụ thuộc vào một số kim loại nhất định cũng khó đạt được trong thời gian ngắn. Vì vậy khai thác khoáng sản vẫn cần thiết để cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho nền kinh tế.
Để sản xuất tế bào quang điện chúng ta cần nhôm, đồng, bạc, thép và cát cùng các nguyên tố khác như indium, selen và tellurium. Để sản xuất điện gió chúng ta cần thép, đồng, nhôm, kẽm, chì và đặc biệt cần neodymium để tạo nam châm vĩnh cữu cực mạnh cho tuabin. Thủy điện cũng đòi hỏi bê tông và thép cho cơ sở hạ tầng cùng với đồng, nhôm cho hệ thống truyền tải. Đối với việc lưu trữ năng lượng từ các nguồn tái tạo chúng ta cần có graphite, lithium, coban, niken, mangan và vanadium. Kể cả khi nhu cầu tăng thêm có tỷ lệ nhỏ, như với 9% nhôm tăng thêm đến năm 2030, chúng ta phải sản xuất ra 103 triệu tấn, nhiều hơn tổng sản lượng thế giới năm 2019.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong năm 2020 đã nêu rõ 17 mặt hàng khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng hiện hữu sang năng lượng tái tạo, trong đó 12 nhóm có nhu cầu tăng cao mà tỷ lệ tăng tính đến 2050 so với 2018, gồm graphite 494%, coban 460%, lithium 488%, indium 231%, vanadium 189%, niken 99%, bạc 56%, neodymium 37%, chì 18%, molybden 11%, nhôm 9%, và đồng 7%. Phân bố địa lý các nguồn quặng là một vấn đề rất đau đầu: 62% sản lượng graphit nằm ở Trung Quốc; 60% nguồn cung coban ở Cộng hòa Dân chủ Congo; khoảng một nửa lượng lithium lấy từ các mỏ đá ở Australia, nửa còn lại từ các mỏ muối ở Chile và Argentina…
Để ngăn chặn tình trạng tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thế giới đang thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Khi các doanh nghiệp và nền kinh tế loại bỏ lượng khí thải carbon của mình, họ đang tạo ra các thị trường mới cho nhiên liệu, sản phẩm và thậm chí cả các công cụ tài chính bền vững. Mọi ngành đều có thể là một phần của giải pháp, hoặc là một phần của vấn đề đang diễn ra. Thiết nghĩ đó là lý do Thủ tướng đề nghị Anh quốc, nước chủ nhà COP-26, hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước kết nối với thị trường quốc tế, thành lập Trung tâm Năng lượng Tái tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực.
A.V.
Nguồn: Thesaigontimes