Hưởng ứng quan điểm của Thủ tướng

Nguyễn Đình Cống

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Cải cách Hành chính ngày 9 tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra quan điểm “Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển”. Đó là một quan điểm hợp lòng dân.

Nhiều người có nhận xét rằng nền hành chính của Việt Nam chủ yếu “hành là chính”. Vừa qua khi làm hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội tôi biết rõ thêm người có việc đến cửa chính quyền đã bị ‘hành’ như thế nào. Tôi đã viết bài “Biết về thế sự trong chăn”, chỉ ra một số cách “hành” của vài cán bộ có quyền hành. Những cách đó đúng quy trình nhưng phản đạo lý, phản khoa học.

Nghe nói ông Chính, khi làm lãnh đạo ở Quảng Ninh đã có một số cải cách hành chính thành công. Chỉ mới nghe thôi chứ chưa biết thực tế như thế nào. Hy vọng rằng thông tin tốt phản ảnh đúng sự thật.

Nói được là hay rồi, nhưng làm được như thế nào còn phụ thuộc nhiều điều kiện. Nếu làm không đúng thì không khéo tốn công, tốn của chỉ để thay cái sai này bằng cái sai khác. Việc bỏ ra nhiều ngàn tỷ để chống ngập ở TP HCM và cải cách giáo dục là các dẫn chứng sinh động.

Vậy cần làm gì, làm như thế nào để cải cách hành chính đạt hiệu quả. Chắc rằng Thủ tướng cũng đã có một số biện pháp. Tuy vậy với tinh thần “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” tôi xin nêu một số ý kiến cá nhân để những ai quan tâm có thể trao đổi.

Thứ nhất là phải có điều tra khách quan để rõ người ta đã “hành” như thế nào mà người bị hành không biết kêu ai, không được bảo vệ, còn người hành thì vô can. Nguyên nhân cơ bản nào tạo ra điều kiện và con người sẵn sàng hành người khác.

Việc tạo ra “một cửa” trong các cơ quan có tạo được một số thuận lợi cho dân, nhưng vẫn nặng về hình thức. Nhiều nơi chỉ một cửa nhưng có nhiều khóa. Rồi ở trong một cửa ấy là người nào, phẩm chất của họ như thế nào, các quy trình, quy định mà họ vận dụng đúng sai, hay dở đến đâu.

Thứ hai là phải vạch ra được những tác hại nặng nề nhiều mặt của những văn bản kém chất lượng, của những con người kém phẩm chất làm hủy hoại đạo đức và quan hệ giữa dân với chính quyền, làm suy yếu chính quyền, làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế, văn hóa. Phải kết luận được việc hành dân là một tội. Để ngăn ngừa tội lỗi nói chung cần có biện pháp liên hoàn “bốn không” (không muốn, không thể, không dám, không cần). Vậy trong cải cách hành chính sẽ gồm những vấn đề gì, bắt đầu từ đâu.

Phải chăng bắt đầu từ con người. Đầu tiên là người đươc đào tạo để làm việc hành chính. Họ được học để trở thành con người năng động, sáng tạo, biết làm chủ các văn bản hay là làm nô lệ của nó, chỉ biết làm như một rô bốt tầm thường (không có trí thông minh). Rồi đến những người đang làm việc. Họ đã có phẩm chất cần thiết đến đâu. Phải quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ mà đừng quá nhấn vào “phục vụ”.

Thứ ba là hệ thông văn bản pháp quy. Hệ thống này được các co quan hành pháp soạn, cần rà soát kỹ và bãi bỏ nhiều điều không cần, cứng nhắc.

Thứ tư, rất quan trọng. Để làm những việc trên không nên giao cho Bộ Nội vụ, những người đã có quán tính nặng nề về những điều do họ nghĩ ra. Phải lập một tổ gồm khoảng chục người có am hiểu sâu sắc về luật pháp, nhân quyền, dân quyền, thành thạo việc nghiên cứu khoa học xã hội, làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng. Họ làm việc như thực hiện một đề tài khoa học, một chương trình cải cách hành chính. Bộ Nội vụ có trách nhiện phản biện. Có như thế mới mong đề ra được những biện pháp hữu hiệu để cải cách. Tôi đã tưởng tượng rằng nếu được giao lãnh đạo tổ này thì sẽ làm những việc gì, làm như thế nào. Để tránh dài dòng xin không viết ra đây.

Thứ năm. Về Ban chỉ đạo. Xét kỹ ra không cần lập một ban như vậy. Thủ tướng có thể giới thiệu một vài người làm cố vấn cho tổ công tác.

Để làm tốt được việc gì lãnh đạo phải chọn được người có phẩm chất phù hợp. Nếu vì một lý do nào đó mà chọn sai người thì chưa làm đã biết chắc sẽ thất bại. Một công việc của Quốc gia, dù có hay, có quan trọng đến đâu, chỉ có thể thực hiện được khi nó biến thành nhận thức sâu sắc và tình cảm mạnh của những người đứng đầu Nhà nước, họ sẽ truyền cảm hứng và quyết tâm cho cấp dười và toàn dân. Nếu không được như vậy, mọi chuyện chỉ là hô khẩu hiệu, hô xong rồi để yên đó.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cải cách hành chính. Bookmark the permalink.