Thục-Quyên
Điều khoản 18 ICCPR và diễn giải của Ủy ban Nhân quyền LHQ
Điều18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, ICCPR, tức Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo/niềm tin, có nhiều khía cạnh và đan xen với các quyền con người khác.
Điều18 phân biệt “tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hoặc niềm tin“ với “tự do thể hiện tôn giáo hoặc niềm tin”.
1/ Điều18 không cho phép bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do tư tưởng và lương tâm hoặc quyền tự do có hoặc theo một tôn giáo/ niềm tin một người đã lựa chọn.
Các quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, cũng như quyền của mọi người được đưa ra ý kiến mà không bị can thiệp trong điều 19.1. Theo các điều 18.2 và 17, không ai có thể bị bắt buộc phải tiết lộ suy nghĩ của mình hay tiết lộ tôn giáo hoặc niềm tin mình có.
2/ Tuy nhiên tự do thể hiện tôn giáo hoặc niềm tin có thể chịu một vài giới hạn có điều kiện:
18.3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin chỉ có thể bị áp đặt các giới hạn đã được quy định bởi pháp luật và chỉ khi sự giới hạn đó cần thiết để bảo vệ an ninh công cộng, trật tự, sức khoẻ, hoặc đạo đức cũng như các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Quyền tự do thể hiện tôn giáo/niềm tin có thể được thực hiện với tính cách “cá nhân hoặc trong cộng đồng với những người khác, và ở nơi công cộng hoặc riêng tư”. Quyền tự do thể hiện tôn giáo/niềm tin trong việc thờ phượng, tuân theo, thực hành và giảng dạy bao gồm những hoạt động đa dạng.
Khái niệm tôn thờ đưa đến các hình thức thờ cúng và các buổi nghi lễ thể hiện trực tiếp niềm tin, cũng như các thực hành khác nhau gắn liền với những cách thể hiện đó, thí dụ việc xây dựng nơi thờ tự, sử dụng các công thức và đồ vật nghi lễ, trưng bày các biểu tượng, và việc tuân thủ những ngày lễ và những ngày nghỉ ngơi.
Việc tuân thủ và hành trì tôn giáo/niềm tin có thể không chỉ bao gồm các hoạt động theo nghi lễ mà còn bao gồm các phong tục như tuân thủ các quy định về chế độ ăn uống, mặc quần áo đặc biệt hoặc đội khăn trùm đầu, tham gia vào các nghi lễ liên quan đến các giai đoạn nhất định của cuộc đời và sử dụng một ngôn ngữ đặc thù của một nhóm.
Ngoài ra, việc thực hành và giảng dạy tôn giáo/niềm tin bao gồm các việc làm không thể thiếu của các nhóm tôn giáo để điều hành các vấn đề cơ bản của họ, chẳng hạn như quyền tự do lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo, linh mục và giáo viên , tự do thành lập các chủng viện hoặc trường học tôn giáo, cũng như tự do để chuẩn bị và phân phối các văn bản hoặc ấn phẩm tôn giáo.
Điều 18.3 chỉ cho phép hạn chế quyền tự do biểu lộ tôn giáo/niềm tin nếu những hạn chế này do luật pháp quy định và cần thiết để bảo vệ an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe hoặc đạo đức cũng như các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Không thể hạn chế quyền tự do không bị ép buộc phải có hoặc theo một tôn giáo /niềm tin, không thể hạn chế quyền tự do của cha mẹ và người giám hộ trong việc đảm bảo giáo dục tôn giáo và đạo đức.
Khi giải thích phạm vi của các điều khoản giới hạn sự cho phép, các Quốc gia thành viên cần dựa trên nhu cầu phát sinh để bảo vệ các quyền được đảm bảo theo Công ước, bao gồm quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử, dựa trên tất cả các cơ sở quy định tại các Điều 2, 3 và 26 (*1)
Các giới hạn áp dụng phải được được đặt ra bởi luật pháp và không được áp dụng theo cách có thể vi phạm các quyền được đảm bảo bởi Điều 18.
Ủy ban xét thấy khoản 3 của Điều 18 phải được giải thích một cách chặt chẽ: các hạn chế không được phép dựa trên các lý do không được nêu ra trong điều 18, ngay cả khi những lý do này có thể được phép giới hạn các quyền khác được bảo vệ trong Công ước, thí dụ như an ninh quốc gia.
Các giới hạn chỉ có thể được áp dụng cho những mục đích đã được quy định và phải liên quan trực tiếp và tương xứng với nhu cầu cụ thể tại sao chúng được đề ra. Các hạn chế không được áp dụng cho các mục đích phân biệt đối xử hoặc áp dụng theo cách thức phân biệt đối xử.
Ủy ban xét thấy rằng khái niệm đạo đức xuất phát từ nhiều truyền thống xã hội, triết học và tôn giáo khác nhau; do đó, các hạn chế về quyền tự do thể hiện một tôn giáo/niềm tin nhằm mục đích bảo vệ đạo đức phải dựa trên các nguyên tắc không chỉ xuất phát từ một truyền thống duy nhất.
Những người đã phải chịu một số ràng buộc hợp pháp nhất định, chẳng hạn như tù nhân, phải tiếp tục được hưởng quyền thể hiện tôn giáo/niềm tin của họ ở mức tối đa phù hợp với bản chất cụ thể tình trạng sống của họ.
Báo cáo của các quốc gia thành viên phải cung cấp thông tin về tất cả mọi phạm vi và ảnh hưởng của các giới hạn theo Điều 18.3, cả về mặt luật pháp lẫn việc áp dụng chúng trong các trường hợp cụ thể.
Tình trạng một tôn giáo dù được công nhận là Quốc giáo, hoặc tôn giáo đó được thành lập là chính thức hoặc truyền thống, hoặc tín đồ của tôn giáo đó chiếm đa số dân số, sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng bất kỳ quyền nào được Công ước bảo vệ, bao gồm cả các điều 18 và 27 (*2), cũng như không được gây ra bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với những người theo tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào.
Đặc biệt, một số biện pháp phân biệt đối xử với những người này, thí dụ như
-dành khả năng hội đủ điều kiện để phục vụ trong chính quyền hoặc dành đặc quyền kinh tế cho các thành viên của tôn giáo chủ yếu
-hoặc áp đặt các hạn chế đặc biệt lên việc thực hành các niềm tin khác,
đều không phù hợp với việc cấm phân biệt đối xử giữa các tôn giáo/niềm tin cũng như đảm bảo sự bảo vệ bình đẳng theo Điều 26.
Theo điều 20 (*3) không sự thể hiện tôn giáo/ niềm tin nào được đưa tới sự tuyên truyền cho chiến tranh hoặc cổ xúy sự căm thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo, cấu thành sự kích động phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực.
Như đã được Ủy ban nêu trong bình luận chung số 11 [19] (*4), các Quốc gia thành viên có nghĩa vụ ban hành luật để cấm các hành vi đó.
Các biện pháp được đề cập trong Điều 20, khoản 2 của Công ước là những biện pháp bảo vệ quan trọng chống lại việc xâm phạm quyền của các tôn giáo thiểu số cũng như các nhóm tôn giáo khác trong việc thực hiện các quyền được đảm bảo bởi các điều khoản 18 và 27, đồng thời chống lại các hành vi bạo lực hoặc bắt bớ nhắm vào các nhóm này.
Nếu một tập hợp các niềm tin được coi là hệ tư tưởng chính thức trong hiến pháp, quy chế, tuyên ngôn của các đảng cầm quyền, v.v., hoặc trong đời sống thực, thì điều này sẽ không được làm suy giảm các quyền tự do theo điều 18 hoặc bất kỳ quyền nào khác được ghi nhận trong Công ước, cũng như không được tạo bất kỳ sự phân biệt đối xử nào cho những người không chấp nhận hoặc phản đối hệ tư tưởng chính thức đó.
Ủy ban mong muốn được thông báo về các biện pháp mà các Quốc gia thành viên thực hiện để bảo vệ việc mọi thể hiện tôn giáo/niềm tin không bị xâm phạm và bảo vệ các tín đồ/người cùng niềm tin của họ khỏi bị phân biệt đối xử.
Tương tự, những thông tin về việc tôn trọng quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số theo Điều 27 rất cần thiết để Ủy ban đánh giá mức độ thực hiện quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo /niềm tin của các Quốc gia thành viên. Các Quốc gia thành viên cũng nên đưa vào báo cáo của mình thông tin liên quan đến các hoạt động bị pháp lý học và luật pháp của mình xếp loại có thể bị trừng phạt vì phạm lỗi “báng bổ”
18.4. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ.
Ủy ban có quan điểm rằng điều 18.4 cho phép trường công lập giảng dạy các môn học như lịch sử chung của các tôn giáo và đạo đức nếu nó được đưa ra một cách trung lập và khách quan. Sự tự do của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp để đảm bảo rằng con cái của họ được giáo dục về tôn giáo và đạo đức phù hợp với niềm tin của chính họ, được quy định trong điều 18.4, liên quan đến những đảm bảo về quyền tự do giảng dạy một niềm tin hoặc tôn giáo được nêu trong điều 18.1.
Ủy ban lưu ý rằng giáo dục công cộng bao gồm hướng dẫn về một tôn giáo/ niềm tin đặc biệt là không phù hợp với điều 18.4 trừ khi có quy định cho phép lựa chọn hoặc xin miễn trừ mà không bị phân biệt đối xử, để phù hợp với sự mong muốn của cha mẹ và người giám hộ.
(*1) -Điều 2 ICCPR
1. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.
2. Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác, thì mỗi quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ tiến hành các bước cần thiết, phù hợp với trình tự pháp luật nước mình và những quy định của Công ước này, để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước này.
3. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết:
a) Bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước này đều nhận được các biện pháp khắc phục hiệu quả, cho dù sự xâm phạm này là do hành vi của những người thừa hành công vụ gây ra;
b) Bảo đảm rằng bất kỳ người nào có yêu cầu về các biện pháp khắc phục sẽ được các cơ quan tư pháp, hành pháp hoặc lập pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ cơ quan nào khác có thẩm quyền do hệ thống pháp luật của quốc gia quy định, xác định quyền lợi cho họ và sẽ mở rộng khả năng áp dụng các biện pháp khắc phục mang tính tư pháp;
c) Đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ thi hành các biện pháp khắc phục đã được đề ra.
-Điều 3 ICCPR
Các quốc gia thành viên Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định
-Điều 26 ICCPR
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác.
(*2) Điều 27 ICCPR
Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
(*3) Điều 20 ICCPR
1. Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm.
2. Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm.
(*4) https://www.ohchr.org/Documents/Issues/Opinion/CCPRGeneralCommentNo11.pdf
T.Q.
Tác giả gửi BVN