Nhà báo vừa bị chính quyền kết án nay lại được quốc tế tôn vinh.
Luật Khoa Tạp chí
Minh họa: Luật Khoa. Ảnh: Martin Ennals Award, Amnesty.org.
Ngày 19/1/2022, từ Geneva, Thụy Sĩ, ban tổ chức Giải thưởng Martin Ennals dành cho Nhà hoạt động Nhân quyền đã xướng tên Phạm Đoan Trang – nhà báo, nhà hoạt động người Việt Nam vừa bị chính quyền kết án chín năm tù hồi tháng trước.
Phạm Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ những năm 2000 trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng đặc biệt nhắc đến những sáng kiến truyền thông độc lập của cô, bao gồm Luật Khoa tạp chí và Nhà xuất bản Tự Do. Theo họ, trong một quốc gia chuyên chế như Việt Nam, những tổ chức độc lập này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác cùng lên tiếng vì nhân quyền, và chúng cũng là lý do khiến Đoan Trang trở thành mục tiêu truy đuổi của chính quyền.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đã liên tục bị quấy nhiễu trong suốt thời gian hoạt động. Cô bị đánh nhiều lần, dẫn đến những chấn thương lâu dài. Đoan Trang bị bắt vào ngày 7/10/2020, bị giam giữ biệt lập suốt hơn một năm, sau đó bị kết án chín năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. [1] Bản án này bị các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. [2] Hiện tại, Đoan Trang bị giam tại Hà Nội. Cô vẫn không được phép gặp gia đình và không được điều trị y tế trong khi sức khỏe ngày càng giảm sút.
Phạm Đoan Trang bị giải đi sau phiên tòa ngày 14/12/2021. Ảnh: Lê Kiên/ TTXVN.
Thay mặt Phạm Đoan Trang phát biểu tại buổi họp báo công bố giải thưởng chiều nay, ông Trịnh Hữu Long, người đồng sáng lập, tổng biên tập Luật Khoa tạp chí nói rằng giải thưởng này khẳng định những việc làm của người cộng sự của mình là đúng đắn.
“Giải thưởng Martin Ennals mà Đoan Trang được nhận hôm nay gửi đi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng đến chính quyền chuyên chế của Việt Nam, và quan trọng hơn là đến người dân Việt Nam, rằng những gì Trang đã làm là đúng đắn, và cộng đồng quốc tế đứng về phía cô ấy”, Trịnh Hữu Long nói.
“Câu chuyện của Phạm Đoan Trang chính là minh họa cho tình hình nhân quyền tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Giải thưởng Martin Ennals được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới và vận động cho việc bảo vệ họ. Giải thưởng này được thành lập từ năm 1992, đặt tên theo Martin Ennals, nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng là Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế từ năm 1968 đến năm 1980. Hội đồng chấm giải là một ủy ban độc lập bao gồm đại diện của mười tổ chức nhân quyền uy tín trên thế giới.
Tiến sĩ Daouda Diallo (trái) và Abdul-Hadi Al-Khawaja – hai nhà hoạt động nhân quyền cùng được vinh danh trong giải thưởng Martin Ennals năm 2022. Ảnh: iBurkina.com, Bahrain Center for Human Rights.
Cùng nhận giải thưởng năm 2022 với Phạm Đoan Trang là hai nhà lãnh đạo phong trào nhân quyền khác: Tiến sĩ Daouda Diallo đến từ Burkina Faso (một quốc gia ở khu vực Tây Phi) và ông Abdul-Hadi Al-Khawaja đến từ Bahrain (một đảo quốc theo chế độ quân chủ thuộc Vịnh Ba Tư). Cả ba người này đều hoạt động tích cực trong việc thu thập bằng chứng và tư liệu hóa các vụ việc vi phạm nhân quyền.
Theo ban tổ chức, Phạm Đoan Trang, Abdul-Hadi Al-Khawaja và Tiến sĩ Daouda Diallo được nhận giải vì họ đã can đảm đấu tranh bảo vệ các giá trị nhân quyền với chủ trương phi bạo lực, bất chấp rủi ro đến tính mạng. Họ đã lãnh đạo và truyền cảm hứng cho nhiều người, và đều đang ở trong tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ở Bahrain, ông Al-Khawaja bị kết án chung thân và đã phải ngồi tù đến năm thứ mười, còn Tiến sĩ Diallo thì là mục tiêu của rất nhiều lời đe dọa trong bối cảnh xung đột vũ trang tại Burkina Faso.
Lễ trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào ngày 2/6/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ. Mỗi người được giải sẽ nhận số tiền thưởng từ 20.000-30.000 Francs Thụy Sĩ (tương đương khoảng 500–750 triệu đồng). Mạng lưới của giải thưởng Martin Ennals cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và vận động ở tầm quốc tế cho những nhà hoạt động nhân quyền được vinh danh.
Nguồn: Luật Khoa Tạp chí