Nguyễn Văn Tuấn
Lịch sử có những trùng hợp thời điểm thú vị. Hôm nay chúng ta ăn mừng ngày giáng sinh của Chúa Jesus, nhưng ít ai nhớ rằng 30 năm trước (25/12/1991) là ngày Liên bang Xô Viết tan rã.
Báo chí Việt Nam có vẻ yên ắng, không đề cập đến sự kiện lịch sử quan trọng này, nhưng báo chí nước ngoài thì hay nhắc đến [1], kèm theo những hình ảnh mang tính lịch sử [2]. Nhưng tưởng cũng cần “ôn cố tri tân”, ôn lại cái sự kiện mang tầm vóc thế giới để chúng ta hiểu chuyện hiện tại hơn.
Những ngày cuối cùng của đế chế Soviet được thuật lại trong cuốn sách “Moscow, December 25, 1991: The Last Day of the Soviet Union” của tác giả Conor O’Clery [3] rất đáng đọc. Bảy giờ tối ngày 25/12/1991, Mikhail Gorbachev xuất hiện trên hệ thống truyền hình Liên Xô tuyên bố sự cáo chung của Liên bang Xô Viết. Ông nói:
“Số phận đã định đoạt rằng khi tôi làm lãnh đạo, đất nước này đã trải qua những sai lầm trầm trọng. Chúng ta thoạt đầu đã có đầy đủ, từ đất đai, dầu khí, đến tài nguyên thiên nhiên, và Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng. Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ hại hơn nhiều so với các quốc gia kĩ nghệ khác, và khoảng cách mỗi ngày rộng thêm. Lí do hiển nhiên là do xã hội bị bóp nghẹt bởi một hệ thống quan quyền được tạo ra để phục vụ cho một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang, căng thẳng tột cùng. Tất cả nỗ lực cải cách nửa vời đều lần lượt thất bại. Đất nước đã hết hi vọng.”
Bài nói chuyện chỉ 12 phút. Đến 7:12 pm, ông “chúc quí vị mọi điều tốt đẹp” sau khi tuyên bố từ chức Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô. Gorbachev để lại nhiều câu nói mang tính wisdom:
• Nếu bạn không tiến về phía trước, bạn sẽ lạc hậu (If you are not moving forward, you are moving backward).
• Sự bất khoan dung về ý thức hệ và chánh trị, ngay cả với ý định tốt và thành tâm, sẽ cho ra những hậu quả đối nghịch trực tiếp với ý định (Ideological and political intolerance, even with the best and most sincere intentions, produces results that are the direct opposite of those intended.)
• Cuối cùng thì cái ‘mô hình’ tồn tại ở Liên Xô không phải là xã hội chủ nghĩa mà là xã hội toàn trị. (In the end, the “model” that came into existence in the USSR was not socialist but totalitarian)
Liên bang Xô Viết được hình thành do những người theo chủ thuyết Bolshevik, và đây cũng là những người đã lật đổ chế độ Sa hoàng vào năm 1917. Đến năm 1922, các đồng chí Bolshevik đồng ý thành lập liên bang với thành viên bao gồm Nga, Belarus, Ukraine, Armenia, Georgia, Moldova, và Azerbaijan. Đến năm 1940, liên bang này bằng biện pháp vũ lực, ép buộc Estonia, Latvia, và Lithuania trở thành thành viên của Liên bang Xô Viết, với Nga là thành viên chủ chốt. Chủ trương của Liên bang Xô Viết cố làm theo lí tưởng cộng sản: tương trợ với nhau và tình đồng chí anh em. Nhưng lí tưởng đó không thành hiện thực. Những kẻ cầm quyền không tin tưởng vào và sợ công dân họ; ngược lại, công dân thì không bao giờ tin tưởng và sợ chính quyền. Ấy thế mà cái môi trường bất tín và sợ hãi đó được duy trì suốt 70 năm trời và 3 thế hệ.
Cái Liên bang đó cũng có thời vàng son của nó. Vào thập niên 1970, Liên bang Xô Viết từng hù doạ thế giới qua sở hữu bom nguyên tử và việc phóng phi thuyền đầu tiên vào vũ trụ. Người ta làm thống kê cho thấy ngày Liên bang Xô Viết cáo chung, nó có đến 210 sư đoàn lính, kho vũ khí hạt nhân có 27,000 đầu đạn, một số có thể bắn thẳng đến Mĩ. Sức mạnh của cái liên bang đó còn là niềm tự hào của các nước đàn em theo chủ nghĩa xã hội, trong đó có phân nửa Việt Nam. Nhưng đến thập niên 1980 trở đi, với sự phát triển về công nghệ thông tin, cái đế chế toàn trị đó không thể giấu giếm những khó khăn và sự suy thoái của nó, và cả thế giới đều biết đằng sau những động thái hù doạ kia là một liên bang nghèo nàn và lạc hậu. Cái gì đến cũng phải đến một cách tất yếu: Liên bang Xô Viết sụp đổ. Tự nó sụp đổ chứ chẳng có thế lực ngoại cuộc nào can thiệp trực tiếp.
Thật ra, trước đó thì cũng đã có biến động ở các nước đàn em Liên bang Xô Viết. Có lẽ sự kiện quan trọng nhất là một đồng chí mà Gorbachev chẳng ưa gì là vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu của Romania. Gorbachev xem Nicolae Ceausescu là Hitler của Romania. Hai vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu đã bị xử bắn vào ngày 23/12/1989. Trước khi bị xử bắn 3 tuần, Gorbachev tiếp kiến vợ chồng Nicolae Ceausescu và khuyên hai người này nên mạnh dạn dân chủ hoá Romania, và còn hẹn gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan. Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản [Đông] Đức Erich Honecker đã bị truất phế trước đó không lâu, và ông phải xin tị nạn với Boris Yeltsin. Tuy nhiên, bản thân Honecker cũng thấy không tin tưởng Yeltsin, nên ông lại lần nữa xin tị nạn trong Toà đại sứ Chile ở Moscow.
Nói đến Gorbachev mà không nhắc đến ông Nguyễn Văn Linh là một thiếu sót. Trong “Bên thắng cuộc“, Huy Đức kể rằng tháng 10/1989, TBT Nguyễn Văn Linh dẫn một đoàn đại biểu VN sang Đức dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức, và nhân dịp đó ông định sẽ triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Ông Linh không ưa Gorbachev và đưa ra nhận xét: “Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Ngày 4/10/1989, ông Linh và đoàn tuỳ tùng bay từ Hà Nội sang Đông Đức, với hãng hàng không Interflug. Hãng này chỉ dành cho ông Linh hạng ghế thương gia (business class), còn các thành viên khác trong đoàn tuỳ tùng thì ngồi ghế hạng phổ thông. Một thái độ xem thường đoàn VN rõ ràng. Khi đến Đức, sau nhiều lần bị cho “leo cây”, cuối cùng thì Gorbachev cũng cho phép ông Linh một lần diện kiến. Đọc đoạn Gorbachev gặp ông Linh, chúng ta sẽ thấy chua chát cho phía VN [4] vì như ông Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhận xét rằng “Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ Chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới.”
Ngày 25/12/1991 đánh dấu một cái mốc lịch sử quan trọng: Liên Bang Xô Viết tan rã. Ngày mà một thể chế được cựu Tổng thống Ronald Reagan gọi là “Evil Empire” (Đế chế ma quỉ) kết thúc. Lí do đế chế Xô Viết sụp đổ thì có nhiều, và các học giả vẫn còn tốn nhiều thì giờ để lí giải. Nhưng có lẽ đa số người quan sát thời cuộc đều đồng ý 3 nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của “Đế chế ma quỉ” đó: (i) bản chất mâu thuẫn của thể chế toàn trị; (ii) sự chuyển hoá của xã hội và sự bảo thủ của kẻ cầm quyền; và (iii) kinh tế suy thoái liên tục và tham nhũng. Có thể kể nguyên nhân thứ 4 là địa phương không phục tùng trung ương. Tất cả 3-4 nguyên nhân đó dẫn đến sự cáo chung tất yếu của Liên bang Xô Viết. Nhưng bốn nguyên nhân đó cũng đáng làm bài học cho các thể chế toàn trị.
Chú thích
[1] https://theconversation.com/this-december-is-the-30th…
[2] https://graphics.france24.com/30-years-since-the…/
[3] https://www.amazon.com/Moscow-December-25…/dp/1610391985
[4] Trích sách Bên thắng cuộc:
“Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.
Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: ‘Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh’.
Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: ‘Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế’. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: ‘Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!’. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: ‘Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước’.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong ‘tình hữu nghị thắm thiết’.”
N.V.T.
Nguồn: FB Nuyen Tuan