Nhiễu và thiên kiến: những bản án ở Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

Hôm qua, cô Phạm Đoan Trang (một cựu nhà báo) bị tuyên phạt 9 năm tù giam vì tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Trước đó một ngày, ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch Hà Nội) bị tuyên phạt 5 năm tù vì tội danh “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Bản án dành cho ông cựu bí thư còn thấp hơn bản án 7 năm tù dành cho một người ăn trộm 1 con vịt ở Kiên Giang. Những khác biệt đó chỉ có thể mô tả là ‘nhiễu’, và những cái nhiễu này còn gây ra nhiều đau khổ cho người dân.

1. Nhiễu

Điểm qua những nạn nhân của bản án ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, tôi thấy án phạt thường dao động trong khoảng 4 đến 12 năm tù, với trung bình chừng 7 năm. Phạm Đoan Trang bị tuyên phạt đến 9 năm tù giam, tức là thuộc vào nhóm ‘cao cấp’.

Trong nhóm cao cấp này có Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm, và người bị phạt tù lâu năm nhứt là Điếu Cày.

Ls Nguyễn Văn Đài: 4 năm

Ls Lê Thị Công Nhân: 4 năm

Phạm Thanh Nghiên: 4 năm

Phan Thanh Hải: 4 năm

Ls Lê Công Định: 5 năm

Nguyễn Viết Dũng: 6 năm

Nguyễn Xuân Nghĩa: 6 năm

Cù Huy Hà Vũ: 7 năm

Lm Nguyễn Văn Lý: 8 năm

Trần Thị Tuyết Diệu: 8 năm

Phạm Đoan Trang: 9 năm

Tạ Phong Tần: 10 năm

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: 10 năm tù

Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày): 12 năm

Tại sao mức độ phạt tù lại dao động khá lớn giữa các nạn nhân có cùng tội danh?

Dĩ nhiên là tuỳ vào bối cảnh và tình tiết của mỗi trường hợp. Có khi người ta chịu ‘tội’ thì có thể được xử nhẹ hơn những người bác bỏ [tất cả các cáo trạng] như Phạm Đoan Trang.

Nhưng trong thực tế, tôi nghĩ còn có yếu tố nhiễu (noise). Nhiễu ở đây hiểu theo nghĩa của cuốn sách mà tôi mới điểm qua trước đây [1]. Trong sách, tác giả lấy một ví dụ về án phạt để minh hoạ cho định nghĩa về nhiễu. Hai người [không có tiền sử tội phạm] dùng tiền giả, một người dùng tiền giả trị giá 58,4 USD bị phạt 15 năm tù; còn người dùng tiền giả trị giá 35,2 USD bị phạt tù 30 ngày. Một trường hợp so sánh khác cũng thú vị không kém: hai người cùng phạm tội biển thủ với số tiền tương đương nhau, nhưng người thì bị phạt 17 ngày tù, còn người kia thì 20 năm tù.

Tác giả gọi đó là ‘nhiễu’ trong phán xét. Nhiễu là những SAI SÓT của con người hay phương tiện. Nhiễu thường mang tính ngẫu nhiên, tức không tuân theo quy luật nào cả, và do đó chúng ta không thể tiên đoán được. Nhưng nhiễu ở Việt Nam thì có vẻ không phải là ngẫu nhiên.

Chẳng hạn như cái tội danh ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ đối với cô Đoan Trang có cái gì đó không thuyết phục.

Cô ấy đơn giản là một nhà báo, nhưng khác với nhiều đồng nghiệp khác, cô ấy là một nhà báo có trăn trở với hiện tình đất nước, và muốn dùng kiến thức của mình để đóng góp cho việc khai phóng xã hội. Những gì cô ấy viết đều phản ảnh rất rõ chủ trương đó. Những gì cô ấy viết nằm trong quyền mà Hiến pháp Việt Nam quy định ở Điều 25: “Công dân có quyền tự do chính kiến và biểu đạt, [và] tự do báo chí”.
Thế nhưng cũng cái Bộ luật hình sự thì lại quy định: “tuyên truyền, xuyên tạc và bôi nhọ chính quyền nhân dân” là một tội ác! Vậy là sao? Công dân có quyền phát biểu chánh kiến của mình, tức là kể cả việc phê phán nhà cầm quyền, nhưng lại cấu thành là ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’!

Cô ấy viết gì?

Thật ra, cô Đoan Trang viết về thảm họa sinh vật biển (xảy ra ở Vũng Áng), cô ấy viết về chuyện nhân quyền và luật tín ngưỡng và tôn giáo. Khách quan mà nói những bài đó chẳng có gì để gọi là ‘Chống Nhà nước’.

Bản án đó phải xem là một nhiễu vậy.

2. Bias (thiên kiến)

Bên cạnh nhiễu, còn có bias (sự thiên lệch) có thể giải thích tại sao cùng một bản án mà mức độ phạt thì khác nhau.

Trong tâm lý học, bias là thiên kiến đối với một cá nhân hay sự việc. Một loại thiên kiến quan trọng trong tâm lý học là cognitive bias (thiên kiến về nhận thức), là sự thiên lệch chống lại một cá nhân, một nhóm người, sự vật, và thường thường là không công bằng. Chẳng hạn như người ta có xu hướng sàng lọc thông tin sao cho phù hợp với niềm tin của họ. Do đó, thiên kiến là sản phẩm của bản chất con người, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các quyết định của con người.

Tôi nghĩ rằng đa số các vụ án dành cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam là do thiên kiến hơn là do nhiễu. Trong một xã hội mà người dân chỉ được tiếp nhận thông tin 1 chiều từ 1 nguồn, thì làm sao người ta không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến. Trong cái môi trường được nuôi dưỡng bằng những thông tin như thế thì những người như Đoan Trang là cái ‘gai’ trong mắt của nhiều người.

Cái ‘tội’ của Đoan Trang và những người trong danh sách trên là đi trước thời đại, vượt lên những suy nghĩ của người cầm quyền. Đó cũng là cái giá phải trả của người trí thức trong một môi trường lạc hậu và giáo điều.

Hết ngày này sang ngày nọ, đa số công chúng được gieo vào những niềm tin rằng nói khác với quan điểm của đảng và Nhà nước là ‘phản động’, mà phản động là đồng nghĩa với tù đày thì theo thời gian nó sẽ trở thành một chuẩn mực. Chuẩn mực là không được nói khác Nhà nước. Chuẩn mực là phải im lặng. Theo đó, những ai nói khác hay lên tiếng trước những bất công xã hội thì bị xem là ‘phản động’, là tội phạm.
Ông cựu chủ tịch Hà Nội làm thất thoát rất nhiều tiền của dân, nhưng nhận một bản án có thể nói là … nhẹ hều: “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Hình phạt dành cho ông cũng nhẹ hều: 5 năm tù. Cô Đoan Trang chẳng làm thất thoát một xu nào của Nhà nước và dân; ngược lại, cô ấy đóng góp vào việc nâng cao dân trí. Nhưng cô lãnh cái án phạt 9 năm tù! Dĩ nhiên, có nhiều khác biệt giữa 2 trường hợp, nhưng tôi nghĩ đến thiên kiến: một bên là người của đảng, còn một bên là thường dân.

Thiên kiến cũng giải thích tại sao có những yếu tố như ‘có công với cách mạng’ trong các phiên toà. Người có công với cách mạng được xử nhẹ hơn người khác. Một ví dụ minh hoạ tiêu biểu là vụ xử án ở Long An vài ngày qua. Câu chuyện là một nhóm người (khoảng 50 người) dưới sự cầm đầu của một người giàu có xông vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, đập phá, và cướp đi hơn 300 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn là một người phụ nữ trong nhóm côn đồ quăng một viên gạch bén nhọn thẳng vào mặt của một người trong Thiền Am và gây thương tích lên đến 13%. Phiên toà sơ thẩm tuyên phạt kẻ hành hung này 2 năm tù giam và 8,9 triệu đồng. Nhưng vài hôm trước, phiên toà phúc thẩm giảm hình phạt xuống còn 2 năm tù treo vì ‘có công với cách mạng’ và ‘mẹ đơn thân’. Ngạc nhiên hơn, những người cầm đầu tổ chức cuộc tấn công vào Thiền Am thì … vô tội!

Các bạn thử tưởng tượng một kẻ manh động có hành động nguy hiểm đến tánh mạng người ta mà gần như trắng án. Các bạn thử tưởng tượng những kẻ cầm đầu việc đập phá tấn công một cách có tổ chức vào gia trang người ta mà vô tội!

Điều quan trọng là chính phiên toà phúc thẩm này bác bỏ phiên toà trước đó mặc dù tình tiết và bằng chứng y chang nhau (không có chứng cớ mới). Phải xem đó là do nhiễu.

Vấn đề nhiễu và thiên kiến, như nói trên, cũng xảy ra ở các nước có nền tư pháp lâu đời như Mỹ. Nhưng hai yếu tố này có vẻ nặng nề hơn ở Việt Nam vì sự ảnh hưởng của chánh trị quá sâu đậm và mối quan hệ đường thẳng giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Rất tiếc là chưa có ai làm những nghiên cứu khoa học để đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố nhiễu và thiên kiến đến những bản án ở Việt Nam trong thời gian qua, và đây là một thiếu sót vậy. Nhiễu và thiên kiến trong xử án làm xói mòn uy tín và niềm tin vào công lý ở Việt Nam.

Quay trở lại vụ án cô Phạm Đoan Trang, tôi nghĩ cô ấy đã chuẩn bị cho một bản án như thế và không kỳ vọng gì từ phiên toà đó vì biết rõ rằng chẳng có phiên toà nào mà không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến chánh trị. Do đó, con số 9 năm tù dành cho cô ấy chỉ nói lên sự thiên kiến của hệ thống và là một thước đo sự dấn thân và trăn trở làm cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Ông Nelson Mandela có một câu trong cuốn hồi ký của ông mà tôi rất thích là (dịch): Khi một người bị tước đoạt quyền sống một cuộc sống mà người đó tin vào, người đó không có lựa chọn nào khác là trở thành một kẻ ngoài vòng pháp luật (“When a man is denied the right to live the life he believes in, he has no choice but to become an outlaw”). Đoan Trang là một người như thế.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'WHEN A MAN IS DENIED THE RIGHT TO LIVE THE LIFE HE BELIEVES IN, He HAS NO CHOICE BUT TO BECOME AN OUTLAW. -NELSON MANDELA- LIBQUOTES.COM'

N.V.T.
______
[1] https://nguyenvantuan.info/…/diem-sach-nhieu-sai-sot…

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

This entry was posted in Nhân Quyền, Pháp Luật, Phiên tòa Phạm Đoan Trang. Bookmark the permalink.