Trương Chí Hùng
Cùng một tỉnh, vùng cam, vùng đỏ vẫn cho hàng quán phục vụ tại chỗ, nơi xanh và vàng lại cấm phục vụ tại chỗ, vẫn siết lệnh “giới nghiêm”. Điều này tạo ra sự bất mãn trong cộng đồng.
Hoàng là F1, cách ly tập trung 14 ngày xong, vừa về nhà thì hàng xóm xung quanh lập tức đóng cổng, cửa lại.
Họ còn gọi điện cho công an và y tế phường, hỏi xem trường hợp này đã cách ly đủ ngày chưa, đã xét nghiệm PCR âm tính chưa mà cho về.
Ở trong nhà, anh nghe người ngoài cổng nói với nhau, rằng nhà nào ở đây cũng có người già và trẻ nhỏ, F1 này thành F0 thì sẽ rất nguy hiểm. Đáng nói là mấy nhà xung quanh đều là bà con cô bác chớ không phải người dưng.
Anh Hoàng sống cùng nhà với tôi. Dù đã xong thủ tục cách ly theo quy định hai tuần trước nhưng vẫn không dám đi đâu. Lâu lâu, anh nhìn ra đường, thấy người trong xóm đi qua đi lại trước nhà, liếc vào dè chừng. Có người còn chỉ trỏ vào nhà và nói không cần giữ ý “cẩn thận nhà này có F”. Anh nghe mà não ruột, “buồn hơn lúc hay tin mình thành F1, phải đi cách ly tập trung”.
Cơ quan tôi có một ca F0 tuần trước, lập tức mọi người nhốn nháo. Tôi nhận được hàng chục cuộc gọi của đồng nghiệp chỉ vì làm cùng khoa với người bị nhiễm. Sau mấy câu chào hỏi qua loa, họ lập tức hỏi về trường hợp F0 kia, xem mấy ngày nay chị ấy có vào cơ quan không, có gặp gỡ tiếp xúc với ai không.
Nhiều người sau đó vui mừng “nếu tui mà vô chắc thành F1 rồi”. Có người dù không tiếp xúc với chị và cơ quan y tế không yêu cầu vẫn đi xét nghiệm PCR rồi chụp kết quả gởi lên nhóm chat của cơ quan để chứng minh bản thân “trong sạch”. Người F0 cũng là thành viên trong nhóm chat chỉ biết im lặng.
Đồng nghiệp bị nhiễm virus đã khỏi, nhưng không chỉ với chị mà cả tôi, nỗi buồn vì sự kỳ thị vô lý còn đeo đẳng.
Tháng trước, bà con ở Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai đổ về miền Tây tránh dịch. Dân miền Tây đã rộng vòng tay đón họ về. Nhưng gần đây, một số địa phương bùng dịch trở lại, không ít người đổ lỗi do làn sóng hồi hương của bà con. Cháu tôi bị mang tiếng “từ Bình Dương về”, ai cũng ngại tiếp xúc, “nếu ở yên đó đã không xảy ra chuyện”, nhiều người nói thẳng với đồng bào hồi hương.
Dịch bệnh đang căng thẳng ở miền Tây, đời sống, công việc của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng điều tôi bận tâm là tình người sứt mẻ đi rất nhiều.
Tuần trước, người nhà bất ngờ bị bệnh trong đêm, tôi phải chạy xe máy đi tìm chỗ mua thuốc. Vừa ra khỏi nhà, tôi bị tổ tuần tra chặn lại, yêu cầu xuất trình giấy tờ và “làm rõ lý do tại sao ra đường giờ này”. Tôi trình bày lý do, một thành viên tổ tuần tra không tin, yêu cầu tôi đưa ra bằng chứng. Tôi giải thích rằng đi mua thuốc cho người đang bệnh thì làm sao có bằng chứng, chẳng lẽ phải chở người bệnh theo. Nếu chở người bệnh theo chưa chắc các anh chịu vì đâu có chứng nhận bệnh lý của cơ quan y tế. Tranh luận mãi, cuối cùng họ cũng cho tôi đi mà không xử phạt.
Có điều, tôi chạy khắp trong thành phố mà không thấy nhà thuốc nào mở cửa, đành quay về nhìn người thân cầm cự cơn đau chờ tới sáng.
Dù cả nước đã “bình thường mới”, nhiều tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang lại áp dụng “giới nghiêm” từ khi số ca nhiễm Covid-19 tăng hơn hai tháng qua. Theo đó, người dân không được ra đường từ tám giờ tối đến năm giờ sáng hôm sau nếu không có lý do chính đáng.
Lệnh cấm cho đến hôm nay vẫn bất di bất dịch. Tám giờ tối, công an và lực lượng chức năng thành phố tôi bắt đầu tuần tra để xử phạt những người ra đường không có lý do chính đáng. Các đô thị như đóng băng về đêm.
Thành phố Long Xuyên quê tôi chưa bao giờ như vậy. Cứ cuối chiều, người dân đổ xô ra đường rất đông. Họ chen chúc, vội vã mua sắm hay làm những việc cấp thiết để kịp về nhà trước tám giờ tối.
Sau tám giờ, thành phố vắng tanh, chỉ thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu hoặc tiếng đoàn xe tổ tuần tra xử lý người vi phạm. Những cánh cửa đóng kín mít. Ánh đèn chiếu rõ mấy con chuột từ ống cống bò lên, nhởn nhơ tìm mồi khắp mặt đường. Khó ai nghĩ rằng đó là khung cảnh của một thành phố mấy trăm ngàn dân chưa đến chín giờ tối.
Người miền Tây vốn dĩ rất tuân thủ quy định của cơ quan chức năng. Từ đầu mùa dịch, hầu như mọi người đều chấp hành nghiêm chỉ thị của chính quyền. Thế nhưng, gần đây có sự bất nhất giữa các địa phương. Cùng một tỉnh, vùng cam, vùng đỏ vẫn cho hàng quán phục vụ tại chỗ, nơi xanh và vàng lại cấm phục vụ tại chỗ, vẫn siết lệnh “giới nghiêm”. Điều này tạo ra sự bất mãn trong cộng đồng.
Khu vực tôi sống là vùng xanh nhưng chính quyền chỉ cho hàng ăn uống bán mang đi. Người dân đã lén bán tại chỗ, phân công người gác cổng, nếu đội tuần tra tới sẽ cảnh giới khách tẩu thoát bằng cửa sau. Vì chọn chỗ kín đáo nên đa phần họ bán trong nhà, phòng lạnh, không gian hẹp, khả năng lây lan dịch bệnh rất cao.
Nghị quyết 128 của Chính phủ không yêu cầu các địa phương cấm người dân ra đường vào ban đêm, kể cả vùng cam, vùng đỏ. Nghị quyết cũng nêu rõ, các tỉnh, thành “linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”. Rõ ràng việc các tỉnh miền Tây đang cấm người dân ra đường không đúng với nghị quyết đã ban. Bao giờ những tư lệnh địa phương miền Tây mới tháo dỡ các quy định vô lý này?
Chính quyền nơi tôi ở tuyên truyền ra rả các quy định chống dịch mỗi ngày qua loa đài, khẩu hiệu, nhưng lại không có lời nào nâng cao nhận thức cho người dân về việc không kỳ thị F0, F1 hoặc đồng bào về từ vùng dịch. F0 đâu có tội tình gì? Tâm lý phòng vệ thái quá dẫn đến kỳ thị chỉ khiến người bệnh cố tình giấu bệnh, người tiếp xúc F0 cũng không dám khai báo thật, làm chống dịch khó khăn hơn.
Để chống dịch thành công, miền Tây đang cần sự đồng lòng cao của nhân dân. Chính quyền phải sửa ngay những quy định cứng nhắc, cực đoan như cấm người ra đường ban đêm, hay địa phương này nới lỏng, nơi kia siết chặt thiếu căn cứ.
Bài học “ngăn sông” đã quá rõ rồi. Chúng ta chỉ có thể chống dịch bằng khoa học và tình người.
T. C.H.
Nguồn: FB Phuoc M Nguyen