Lê Huyền Ái Mỹ
Trong cùng một buổi sang ngày 8 tháng 12, tại phiên họp Hội đồng Nhân dân, phía Hà Nội, phó chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải thông tin: UBND TP đã báo cáo HĐND TP gói đầu tư 1.000 tỷ đồng để tăng cường cho y tế cơ sở; phía TP.HCM, giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nói: “Số nhân viên y tế trên 10.000 dân ở TP HCM thấp nhất nước”.
Có nghĩa: TP HCM bố trí cán bộ y tế địa phương ở mức 2-3 biên chế trên 10.000 dân, so với mức bình quân tại Hà Nội là 6,1 biên chế, cả nước là 7,4 biên chế.
Sở Y tế TP HCM mới đây đã có tờ trình kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm (như quy định hiện nay) thì cần nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm.
Cùng với đó, sở này cũng đề xuất, với các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, hộ sinh, nhân viên y tế… đang công tác tại trạm y tế phường, xã, thị trấn (bao gồm cả viên chức và đối tượng lao động hợp đồng) sẽ lần lượt được đề xuất tăng mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng so với mức lương cơ sở từ 2 đến 4 lần theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm với tổng kinh phí trên 8,5 tỉ đồng/tháng.
Đã trải qua cơn cuồng phong Covid-19 với những mất mát kinh hoàng; đã xác định “làn sóng” dịch bệnh có thể ập đến bất cứ lúc nào; đã nhận diện rõ “trụ cột” quan trọng là y tế cơ sở với những lỗ hổng cần phải nhanh chóng, gấp rút củng cố, đầu tư chất lượng vật chất, con người… Và đã chứng kiến hiện tượng hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.
Nhưng, tại sao vẫn không thể nhanh hơn, gấp rút hơn để đến thời điểm này, ít nhất tờ trình ấy đã nằm trong chương trình nghị sự của kỳ họp hội đồng cuối cùng của năm 2021 này? Để ngay sau phiên họp kết thúc (vào chiều 9/12) với quyết nghị được thông qua, sẽ sớm cụ thể hóa mà đi vào triển khai, thực hiện, bù đắp, điều chỉnh, bổ sung, tăng mức chi trả thu nhập cho đội ngũ y tế cơ sở. Đích thân thường trực HĐND giám sát thời gian, lộ trình, mức chi trả.
Tôi nhớ, ngày 12/9, khi về thăm và làm việc với Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói: “Chúng ta chuẩn bị cho những kịch bản, phương án chuyển sang giai đoạn bình thường mới, với một trong các trụ cột chính là củng cố hệ thống y tế. TP HCM và Bộ Y tế đang chuẩn bị phương án củng cố y tế cơ sở”.
Và ngay trong những ngày cam go, với nhiều diễn biến tang thương, ông cũng là người nhìn thấy rõ “kháng thể” của y tế cơ sở trước sức tấn công của dịch bệnh.
Ngày 6/12, trên podcasts của Vnexpress, tôi nghe những bộc bạch của những người điều dưỡng, y sĩ…, họ hầu hết đều có mức lương từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/tháng, có người sau giờ làm việc đi châm cứu dạo, đi chăm vết thương, có đồng nghiệp của họ chạy xe grab… Họ cầm cự suốt mấy tháng trời vì không nỡ bỏ nhưng cuối cùng tất cả đều không thể. Họ nghỉ việc để tìm nghề khác bớt áp lực và quan trọng, họ cần phải kiếm tiền để đủ nuôi con ăn học.
Một thành phố đâu chỉ lo chuyện ăn học, chữa bệnh, đường sá cho trên dưới 10 triệu dân; nó còn gánh cả bao nhiêu bệnh nhân và người thân của họ tìm về đây để thăm khám, điều trị. Vậy mà bao năm qua, hệ thống y tế cơ sở, từ vật chất, thiết bị y tế đến con người đều tạm bợ.
Những lãnh đạo có trách nhiệm và từng có trách nhiệm, nếu quý vị vẫn còn đâu đó trong những “chiếc ghế” dân cử, dân tin, dân cần thì xin hãy trả lời và trả lời bằng hành động nhanh nhất có thể, để đừng thêm nhiều nữa những người “có ăn học, chuyên môn, làm ngày làm đêm mà lương không bằng công nhân” – như lời chị Thanh trong podcasts – phải bỏ việc.
Họ chăm sóc người bệnh. Vậy ai chăm sóc họ?
L.H.A.M.
Nguồn: FB Lê Huyền Ái Mỹ