“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’”

Nguyễn Ngọc Chu

Bộ Chính trị vừa ban hành “Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là chủ trương tốt (xin nhớ đến trường hợp của ông Kim Ngọc). Nếu được triển khai kịp thời sâu rộng trong thực tiễn thì sẽ mang lại những tiến bộ cho phát triển kinh tế. Dưới đây là một đề xuất với mong muốn góp phần để “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được triển khai hiệu quả hơn trong thực tiễn. Nội dung bài viết được thể hiện qua trả lời phỏng vấn của nhà báo Xuân Ba đăng trên tạp chí Viettimes. https://viettimes.vn/phai-chuyen-tu-tap-the-lanh-dao-ca….


VietTimes –  Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Ngọc Chu trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung là một sự thay đổi đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, thúc đẩy những hành động đổi mới, đột phá vì lợi ích chung của Đất nước.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung là một sự thay đổi đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, thúc đẩy những hành động đổi mới, đột phá vì lợi ích chung của Đất nước.

VietTimes xin trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi của TS. Nguyễn Ngọc Chu với nhà báo Xuân Ba xung quanh vấn đề này:

Tại sao có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ?

Thưa Tiến sĩ, Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã chỉ rõ, phải có cơ chế khuyến khích để không muốn tham nhũng, bảo vệ cán bộ dám làm. Tiến sĩ có nhận xét gì?

– Ngày 22/9/2021, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trong đó có đề cập “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại… nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Đây là một chủ trương mới, hướng tới khuyến khích sự sáng tạo và năng động của cán bộ, là rất đáng hoan nghênh. Nhưng mức độ hiệu quả như thế nào và có thể triển khai trong thực tiễn được bao nhiêu – còn phụ thuộc vào các đề xuất cụ thể.

Trước khi bàn về tính thực tiễn của chủ trương, cũng như để thấy rõ hơn tính cấp thiết của chủ trương, thì cần trả lời câu hỏi là tại sao lại có chủ trương này?

Rõ ràng những người đề xuất chủ trương đã thấy nguyên nhân và hệ quả.

Lý do là “cơ chế và ngôi nhà pháp lý” hiện nay còn có những khiếm khuyết dẫn đến:

– Hạn chế năng động và sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ;

– Chưa bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung;

– Vướng mắc, mâu thuẫn với các vấn đề của thực tiễn;

– Cản trở sự phát triển.

Hệ quả là:

– Trong hàng ngũ cán bộ hiện thời có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động sáng tạo, không vì lợi ích chung, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám bảo vệ;

– Người năng động và sáng tạo vì lợi ích chung đôi khi lại bị kết tội oan, không được bảo vệ;

– Lớp người năng động và sáng tạo, trung thực quả cảm thấy đúng dám làm, thấy sai dám bảo vệ – khó được đứng vào hàng ngũ cán bộ;

– Làm chậm sự phát triển.

Như vậy tác giả của “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” đã nhìn thấy vấn đề. Điều quan trọng là làm thế nào để thực thi được trong cuộc sống. Từ chủ trương trên giấy tờ đến thực thi trong cuộc sống là một quãng đường rất xa, nhiều khi không đến được đích.

Giải pháp là gì?

Đưa ra chủ trương chung mà không nêu ra các điểm cụ thể thì không thể triển khai trong thực tế. Nó không giúp đẩy mạnh các hành động dám nghĩ dám làm của các cán bộ hiện thời. Nó cũng không mở cửa cho những người năng động sáng tạo, trung thực quả cảm thấy đúng dám làm, thấy sai dám bảo vệ – được đứng vào hàng ngũ cán bộ. Nó cũng không giúp minh oan cho ai đó dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.

Hiện mới thấy chủ trương, chưa thấy đề xuất biện pháp cụ thể. Nhưng có thể nhìn thấy trước, nếu có đề xuất biện pháp cụ thể thì đó mới chỉ là “những thang thuốc chữa các căn bệnh ngoài da”.

Tại sao ư? Là bởi vì muốn có được “những thang thuốc chữa được các căn bệnh tâm can” của “cơ chế và ngôi nhà pháp lý” hiện nay thì cần phải có người “trí sáng cái thế, dũng cảm cái thể,” dám nhìn thẳng vào các căn bệnh tâm can. Cho nên, phải xem mục đích là “chữa bệnh ngoài da” hay chữa “bệnh tâm can” thì mới “bốc thuốc” đúng được.

“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’” ảnh 1

“Phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”,- Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cần luật hóa chủ trương

Chủ trương “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại… nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” tốt về mặt ý định, nhưng chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Sự chưa rõ ràng về mặt pháp lý sẽ dẫn đến những phán xét tuỳ tiện, và sẽ bị chi phối bởi vật chất quyền lực và quan hệ trong đánh giá, xét xử. Thực tiễn đã cho thấy điều đó.

Bởi thế phải luật hoá. Luật hoá cụ thể đến mức không cho phép bất cứ ai đưa được ý kiến chủ quan làm thay đổi sự thật và sự công bằng pháp lý. Nếu không luật hoá, thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ dám làm, mà có thể còn dẫn đến bị trù dập, bị oan sai. Nếu không luật hoá cụ thể sẽ vô tình mở thêm “thị trường” cho tham nhũng trong lĩnh vực thanh tra, kiểm sát và toà án.

“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’” ảnh 2

“Trường hợp của ông “khoán hộ” Kim Ngọc để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Làm sao việc xử lý kỷ luật vẫn bảo đảm nghiêm minh, chính xác, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” nhưng cũng không làm “thui chột” tư duy sáng tạo, đổi mới, hành động vì lợi ích chung của đất nước, của người dân”- Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Một giải pháp căn bản: Ai lãnh đạo, người đó chịu trách nhiệm!

Thưa TS, điểm đáng lưu ý trong kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị đề cập đến chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Nhưng thưa TS, mới đây gần một chục tờ báo đã đồng loạt phản ánh trường hợp ông Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên đã ký một quyết định được coi là kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương nhưng đã bị khởi tố, bị bắt giam nhiều tháng nay. Đáng chú ý là chủ trương, quyết định ấy trước đó đã được ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ký cùng văn bản đồng thuận của HĐND tỉnh Phú Yên do ông Võ Minh Thức, Phó chủ tịch HĐND tỉnh ký. Điều trớ trêu là những lãnh đạo đề ra chủ trương ấy nay được thăng cấp to hơn còn người ký thì chịu nạn!

Vậy phải có cơ chế, cách làm nào cụ thể gì để lãnh đạo các địa phương tự tin và vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển KTXH của địa phương?

– Chúng ta vừa đụng chạm đến một trong các căn “bệnh tâm can”: “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” chưa có trong thực tiễn lịch sử nhân loại cho đến khi chính quyền Xô Viết ra đời. Nhưng ngay cả trong các nước có mô hình kiểu chính quyền Xô Viết thì phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” được diễn giải và thực hiện rất khác nhau, xin chưa bàn ở đây vì rất rộng lớn.

Về mặt logic, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” thì “tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách” đều phải chịu trách nhiệm cho hành động lãnh đạo và hành động phụ trách. Không thể có “tập thể lãnh đạo” luôn đúng. “Tập thể lãnh đạo” sai thì “cá nhân phụ trách” không thể đúng. Cho nên trách nhiệm của “tập thể lãnh đạo” lớn hơn trách nhiệm” của “cá nhân phụ trách”.

Trong trường hợp cụ thể của Phú Yên mà nhà báo đề cập, trách nhiệm là của cả Ban thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên mà trách nhiệm lớn nhất là của Bí thư Tỉnh uỷ.

Thực tiễn cho thấy cụm từ “tập thể lãnh đạo” là chiếc áo giáp che chắn trách nhiệm. Đã là “tập thể” thì trách nhiệm không thuộc về ai cả, không kỷ luật được ai cả.

Cũng giống như tài sản thuộc “sở hữu tập thể” – chỉ đưa đến mỗi ngày thêm thất thoát tài sản, thì “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là lý do chối bỏ trách nhiệm của các thành viên đứng trong “tập thể lãnh đạo”.

Từ đó rút ra kết luận: Muốn khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, muốn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì phải thay đổi phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” thành “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm”.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” là khoa học, công bằng, tuân theo logic tự nhiên, tuân theo luật nhân quả của xã hội loài người.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” phải được thực thi khắp mọi nơi, ở mọi thứ bậc, từ địa phương cho đến trung ương.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” sẽ dẫn đến một thay đổi căn bản và toàn diện về cấu trúc của bộ máy quản lý quốc gia. Trong đó, lãnh đạo địa phương – xã huyện, tỉnh huyện, – chỉ có người đứng đầu duy nhất phải chịu trách nhiệm.

Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục”, trích Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Xác định đúng đối tượng chịu trách nhiệm

“Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được giải thích như sau:

“Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Việc khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo là đúng. Việc “xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” là cho người đề xuất và phụ trách triển khai là đúng. Nhưng đã bỏ sót trách nhiệm của người đứng đầu đã duyệt chủ trương.

Rõ ràng, khi ai đó đề xuất mà đã được cấp trên chấp nhận thì đó là chủ trương của cấp trên rồi chứ không còn là của cá nhân đề xuất. Khi thực thi, không đạt hiệu quả, hay chỉ đạt một phần hiệu quả, thì người đứng đầu của cấp duyệt chủ trương phải chịu trách nhiệm lớn nhất, chứ không phải chỉ có “được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” cho cán bộ đề xuất hay phụ trách.

Một người chỉ huy, khi tấn công theo phương án đề xuất của một cấp dưới, thì người chỉ huy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm của quyết định đó, chứ không thể đổ lỗi cho cấp dưới đề xuất.

Chỉ khi người đứng đầu cấp duyệt chủ trương phải chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi chủ trương đã tự duyệt thì tính đúng đắn của chủ trương mới được coi trọng và hiệu quả của chủ trương mới được nâng cao. Đó là điểm mấu chốt của phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm”.

Từ trước đến nay, thực tiễn cho thấy, cấp trên duyệt chủ trương không chịu trách nhiệm cho chủ trương đã duyệt, mà chuyển lỗi cho cấp dưới đề xuất và phụ trách. Đó là tai hoạ.

“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’” ảnh 3

“Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” phải được thực thi khắp mọi nơi, ở mọi thứ bậc, từ địa phương cho đến trung ương”- TS Nguyễn Ngọc Chu.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” sẽ dẫn đến một thay đổ căn bản và toàn diện về cấu trúc của bộ máy quản trị quốc gia. Trong đó, lãnh đạo địa phương – xã huyện, tỉnh, hay bất cứ cấp nào, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho mọi chủ trương và quyết định thông qua, chứ không chỉ tập thể thông qua cũng như cá nhân phụ trách phải chịu trách nhiệm.

Còn những biện pháp khác nữa có thể giúp cho “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” của Kết luận số 14-KL/TW được thêm phần hiệu quả khi triển khai trong thực tiễn. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm”. Để thực thi phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” cần có bậc cái thế. Cái thế ở chỗ chính mình tự đứng ra gánh chịu trách nhiệm trước pháp luật – mà không đổ lỗi cho bất cứ tập thể, cá nhân, hay bộ máy nào.

Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi thẳng thắn này. Nhưng thưa Tiến sĩ, cuộc trao đổi lần này không chỉ dừng ở chuyện dám làm… dám này khác ở một địa phương như Phú Yên mà còn nhiều tỉnh thành khác đương có những việc khó nói tương tự. Nhất là thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành và mới rồi Chính phủ đã có những quyết sách rất mới về việc vừa dập dịch vừa đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế. Nói tóm lại là phải sống chung với dịch.

Thưa ông, trong tình hình như vậy, hơn bao giờ hết trách nhiệm dồn lên vai các lãnh đạo, phụ trách địa phương hết sức nặng nề. Cá nhân, địa phương, Bộ ngành nào dám nghĩ dám làm dám có quyết tâm và cách làm sáng tạo vượt thoát, tháo gỡ khó khăn mà không ngại, không sợ “bị bung bị toang” và nhỡn tiền trong tầm ngắm của những khiển trách dị nghị, sợ bị kiểm điểm mất chức này khác?

Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúng ta sẽ sớm ngồi lại với nhau!

N.N.C.

Nguồn: viettimes.vn

This entry was posted in Đường lối đảng trong lãnh đạo. Bookmark the permalink.