Vĩnh biệt Hùm xám đường số 4

Nguyễn Mạnh Hiệp

Ở tuổi 100, Trung tá Đặng Văn Việt, con hùm xám đường số 4, trên chiếc xe ba bánh vẫn tự lái đi thăm bạn bè người thân và ngắm phố phường.

ĐẶNG VĂN VIỆT

[1920 – 25 tháng 9 năm 2021]

Cách đây mấy năm, tôi đã mong muốn rằng có một nhà báo nào đó yêu lịch sử sẽ làm một cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Việt. Cuộc phỏng vấn sẽ ở khía cạnh thu thập những thông tin lịch sử một cách chân thực. Và ngay cả khi những thông tin của cuộc phỏng vấn sẽ được tạm chưa công bố vì “thời điểm chưa thích hợp”, thì một cuộc phỏng vấn như vậy vẫn nên làm. Vì ông Đặng Văn Việt thuộc loại duy nhất của thế hệ cũ còn lại cho tới ngày hôm nay. Ông Đặng Văn Việt hẳn là biết rất nhiều chuyện, và ông ấy dường như còn minh mẫn cho tới cuối đời. Tiếc thay, điều đó không thực hiện được. Trung đoàn trưởng Cao Bắc Lạng đã ra đi ở tuổi 102 vào lúc 0h55’ sáng ngày 25 tháng 9 năm 2021 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.

Nay xin đăng lại bài viết này của 5 năm trước. Ngay cả trước đây và sắp tới sẽ có rất nhiều bài viết về Con Hùm Xám Đường Số 4. Nhưng coi như qua mỗi bài viết của nhiều người, độc giả sẽ thu thập được một vài thông tin khác nhau, để hiểu và biết rõ hơn về nhân vật lịch sử này.

=== *** ===

Trung tá Đặng Văn Việt năm 1958 /// Tư liệu

Trung tá Đăng Văn Việt 1958. Ảnh: Thanh niên.

Ngày 16 tháng 9 năm 1950, mở màn trận Đông Khê để đánh chiếm thị xã Cao Bằng. Sử sách có thể coi đây là trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận chiến này kết thúc ngày 7 tháng 10 năm 1950, tiêu diệt hai binh đoàn Pháp đi lạc đường trong khu vực Cốc Xá. Trong trận này, tướng Giáp đã dẫn một đội lính 10.000 quân để đánh nhau với 260 lính Pháp. Kết quả phía Việt Nam bị thương vong tới 500 lính mới chiếm được Đông Khê.

Tuy nhiên trước đó, ngày 25 tháng 5 năm 1950, đã có một chiến thắng Đông Khê nhưng không được sử sách nhắc tới. Điều này đã gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu quân sự quốc tế. Trận chiến này xác nhận sự xuất hiện của một nhân tài quân sự của Việt Nam: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cao Bắc Lạng (Trung đoàn 174) Đặng Văn Việt.

Sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Cha ông là Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An của Chính phủ Trần Trọng Kim.

Thuở nhỏ, khi theo cha sang Pháp công tác, Đặng Văn Việt học 4 năm tại Trường Lycée de la Providence. Khi về nước, ông học thêm 4 năm nữa tại Trường Trung học Khải Định. Sau khi đỗ tú tài toàn phần năm 1942, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương.

Mùng 9 tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Trường Y khoa phải đóng cửa, ông cùng một số bạn hữu trở về Huế, tham gia khóa huấn luyện của Đoàn Thanh niên Tiền tuyến của Luật sư Phan Anh.

Ngày 21 tháng 8 năm 1945, ông cùng bạn học Cao Pha được giao nhiệm vụ trèo lên treo cờ Việt Minh ở cửa Ngọ Môn, Đại nội Huế. Mấy hôm sau, trong buổi lễ Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời, ông nghe viên chỉ huy đội cận vệ Hoàng gia kể lại, ngày 21-8, khi ông và đồng đội đang trên kỳ đài treo cờ, nhóm lính Hoàng gia từ nơi mai phục đã sẵn sàng nổ súng sát hại hai người, cũng may Bảo Đại kịp phát hiện và ngăn lại.

Năm 1947, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4.

Năm 1948, ông kiêm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28. Ông đã chỉ huy quân đội Việt Minh hoạt động dọc tuyến đường số 4. Và do những chiến tích lẫy lừng trên con đường này, đặc biệt với các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, tiêu diệt hơn 100 xe cơ giới quân sự Pháp, nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng xưng tụng ông là “Đệ tứ lộ Đại vương”, còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như “Hùm xám đường số 4” (le Tigre gris de la RC4), “tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon).

Khi Trung đoàn 174 chủ lực được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1949, trên cơ sở hợp nhất lực lượng của 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh: Trung đoàn 74 (Cao Bằng), Trung đoàn 72 (Bắc Cạn), Trung đoàn 28 (Lạng Sơn); ông được cử làm Trung đoàn trưởng đầu tiên và Chu Huy Mân làm Chính ủy đầu tiên.

Ông Đặng Văn Việt (đứng thứ 6 từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa cùng các tướng lĩnh Pháp. Ảnh tư liệu.

Sau chiến thắng Đông Khê 1950, không may cho Đặng Văn Việt là sau đó Việt Minh cho phép quân Pháp được đưa máy bay lên sân bay Thất Khê để tản thương một số thương binh của họ trong trận Cao Bằng. Đại tá quân y Pháp Huard, trưởng đoàn đón thương binh, bước xuống sân bay Thất Khê trong bộ đồ dân sự. Trước kia, ông Huard có dạy cho sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Vì thế khi trông thấy ông thì một số bác sĩ quân y của Việt Minh trước kia từng là học trò của Huard, hiện đang chăm sóc các thương binh Pháp đang nằm chờ tại sân bay, đã ùa tới chào hỏi ông thầy. Sau đó họ kéo một người học trò cũ đến giới thiệu với Huard rằng đó là cựu sinh viên Y khoa đang giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 174. Huard vui vẻ rủ người học trò cũ theo trực thăng tản thương về Hà Nội thăm lại phố phường, rồi sáng hôm sau sẽ theo đoàn trực thăng tản thương trở lại Thất Khê. Người Tiểu đoàn trưởng bảo rằng anh ta chỉ về với điều kiện mặc nguyên bộ đồ bộ đội và được công khai dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm. Huard chấp thuận. Thế là anh ta xin phép Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt rồi nhảy lên phi cơ trước sự đùa vui của bạn bè. Sáng hôm sau anh ta trở lại Thất Khê.

Nhưng sau đó Chu Huy Mân báo cáo chuyện này cho Tướng Giáp. Võ Nguyên Giáp báo lại cho Hồ Chí Minh, và Hồ Chí Minh ra lệnh xử bắn ngay vì tội mất lập trường. Lệnh xử bắn do Chu Huy Mân thi hành và toán xử bắn là quân lính của Đặng Văn Việt. Sau khi bắn xong thì toán hành quyết buông súng, chạy tới ôm thây vị chỉ huy của mình khóc thảm thiết. Riêng Đặng Văn Việt bị cách chức Trung đoàn trưởng và bị cho đi cải tạo chỉnh huấn. Từ đó tên tuổi Đặng Văn Việt biến mất trong các tài liệu quân sử của Việt Nam.

Do “chủ nghĩa thành phần”, cuộc đời Đặng Văn Việt phải chịu nhiều thiệt thòi. Ông đã phải rời quân ngũ trước chiến dịch Điện Biên và mãi đeo lon trung tá, sống trong căn phòng diện tích 15m2. Trong khi viên Chính uỷ Trung đoàn 174 (Chu Huy Mân) của ông lên tới chức Đại tướng, Phó Chủ tịch nước!

Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện Quốc phòng, năm 2001, phát biểu: “Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia, mặc dầu anh chỉ là Trung tá. Anh còn là nhà lý luận cừ khôi của quân đội cách mạng. Tôi xin ngả mũ trước cuộc đời yêu nước, oan khiên của cụ Đặng Văn Hướng và cuộc đời anh”. Nhiều cơ quan đã đề nghị Chủ tịch nước phong Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông. Đặc biệt, Đại tá anh hùng La Văn Cầu đã gửi thư đề nghị, có đoạn: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần”!!

Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, cũng vì vụ kỷ luật mà Đặng Văn Việt bị đưa ra khỏi nhiệm vụ chỉ huy, sau đó cho ra khỏi quân đội. Nhờ vậy mà ông thoát chết trong vụ xử các sĩ quan chỉ huy vào năm 1953. Nếu Đặng Văn Việt còn chỉ huy quân đội thì chắc chắn bị xử tử vì ông là sĩ quan tốt nghiệp Khóa 1 trường Lục quân Trần Quốc Tuấn của Đại Việt Quốc Dân Đảng (Theo tùy bút của Trương Đăng Đệ); lại là con của Tổng đốc Nghệ An Đặng Văn Hướng. Năm 1953, gia đình của Đặng Văn Việt bị quy là “Đại địa chủ, cường hào gian ác”, ông Đặng Văn Hướng bị đấu tố cho đến chết (Hồi ký của Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành). Lúc đó nếu Đặng Văn Việt còn giữ chức vụ chỉ huy trong quân đội, ông sẽ bị xử vì tội là kẻ thù của giai cấp mà lại tìm cách leo cao, luồn sâu trong Đảng để phá hoại (!).

N.M.H.

Ông Việt bị ông Giáp và ông Mân ghét là vì vụ cãi lệnh cấp trên trong một trận phục kích đèo Bông Lau năm 1948. Vụ đó Trung đoàn ông Việt diệt gọn 1 convoir [binh đoàn hộ tống] lính Pháp, thu được hơn 10 xe cơ giới. Ông Việt ra lệnh đốt hết xe rồi lăn toàn bộ xuống vực, chỉ giữ lại duy nhất 1 chiếc rồi tự lái về. Ông Giáp truy hỏi thì ông Việt trả lời rằng ông là người duy nhất biết lái xe. Nếu muốn thu giữ toàn bộ số xe đó thì quân Pháp có đủ thời gian để phục kích ngược lại mình. Ông Mân ghét vì ông Việt công khai chỉ trích mô hình chính ủy mà cố vấn TQ áp đặt lên quân đội VN.

Chinh Nguyen

Nguồn: FB Nguyễn Mạnh Hiệp. BVN bổ sung đầu đề và bổ sung ảnh trên mạng.

Đọc thêm:

Nhà quân sự đại tài nhưng ngây thơ lạ lùng

Bằng Phong Đặng Văn Âu

Đêm qua, lúc 20 giờ địa phương Calfornia, ngày Thứ Sáu 24 tháng 9, người cháu con ông anh Cả của tôi ở Hà Nội gọi điện thoại báo tin: Bác Đặng văn Việt mới qua đời.

Đặng Văn Việt có danh hiệu “Con Hùm Xám Đường số 4” do Thực dân Pháp đặt, vì anh đã chỉ huy Trung Đoàn 174 (một trong ba Trung Đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Việt Minh) đánh tan hai Binh Đoàn của Thực dân Pháp là Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton trên đường biên giới số 4. Năm 2000, những sĩ quan trong Binh đoàn Pháp mang quà sang Việt Nam mừng thọ 80 tuổi Con Hùm Xám vì sự đối xử văn minh theo quy ước Genève của Trung Đoàn trưởng Đặng văn Việt.

Anh Đặng văn Việt là con trai bác ruột của tôi – Thượng thư Đặng văn Hướng.

Dù hai anh em ở khác chiến tuyến, nhưng tôi rất yêu quý anh Việt, vì anh có bản chất hiền lành, thật thà đến độ ngây thơ, khiến đôi khi tôi phát cáu, lớn tiếng với anh mà anh không giận. Khi anh Việt sang thăm bà con ở Mỹ, tôi “dụ dỗ” anh ở lại, nhưng anh nhất định về, vì anh nói rằng đã là Cọp sinh ra ở đâu thì Cọp phải chết ở đó! Tiếc rằng cọp đã bị dũa hết móng vuốt!

Năm 2011, các con của ông anh cuối của tôi (Đặng văn Châu) đem tro cốt của bố từ Pháp về chôn tại nghĩa trang dòng họ Đặng ở Nghệ An. Dù bị địch xem là “thành phần có nợ máu với nhân dân”, tôi vẫn quyết định trở về nước, vì tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với ông anh đã thương yêu mình hết mực, thây kệ bản thân mình ra sao thì ra.

Tôi đã bị hai Công An Văn Hóa giữ lại làm việc tại phi trường Nội Bài suốt 90 phút đồng hồ và vài ngày sau đó tại khách sạn hơn 4 giờ. Lúc bấy giờ anh Việt đã 91 tuổi, nhưng anh đến đón tôi đi chơi loanh quanh ở Hà Nội trên chiếc “scooter” cà tàng từ thời Bảo Đại còn trị vì, khiến cho tôi ngồi đằng sau cảm thấy bất an hơn cả khi lái máy bay vào đất địch.

Anh Việt thu xếp cho tôi có cuộc gặp gỡ với những đồng chí thuộc cấp của anh trước để trò chuyện. Những người này vốn con nhà tư sản nên đường binh nghiệp cũng lận đận giống anh Việt.

Anh Việt khoe với tôi: “Anh làm được mấy chuyện hay lắm chú ạ! Anh đã gửi đơn lên Bộ Chính Trị, lên Ban Chấp Hành Trung Ương yêu cầu đảng thi hành ba việc:

Thứ nhất, yêu cầu đảng trả lại danh dự cho Bác (tức là Thượng thư Đặng Văn Hướng, Bố của anh Việt).

Thứ hai, yêu cầu đảng phục hoạt Phong trào Hướng Đạo Sinh để đào tạo thanh niên.

Thứ ba, yêu cầu đảng nhìn nhận Sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến có công Chống Pháp Giành Độc Lập”.

Tôi trả lời: “Em một lần nữa xin lỗi anh Việt nhé! Dù anh là một nhà quân sự đại tài, ngồi viết mấy cuốn Hồi Ký về lịch sử chiến tranh của dân Việt, nhưng anh vẫn ngây thơ một cách lạ lùng.”

Nghe tôi phản bác, anh Việt tỏ ra buồn rầu. Còn tôi thì cảm thấy thương ông anh mình.

Sau mấy ngày ở Hà Nội, tôi theo mấy cháu về Nghệ An chôn tro cốt anh tôi tại nghĩa trang dòng họ Đặng và làm giỗ Đại Tôn ở Nhà Thờ Họ. Hai anh em ở chung phòng khách sạn ba ngày, tôi cãi anh Việt đủ cả ba ngày, vì anh vẫn ngây thơ như một chàng sinh viên mới bước chân vào đời, mặc dù anh hơn tôi 20 tuổi và có một quá khứ lẫy lừng.

Tôi hỏi, sinh nhật 80 tuổi của anh, đảng có tặng anh cái gì không? Anh lắc đầu bảo không! Tôi nói: “Anh thấy chưa? Dù bọn Thực dân bị anh đánh tả tơi, bây giờ có người mang lon Tướng, nhưng vẫn nhớ ngày sinh nhật của anh, họ mang quà từ Pháp sang Việt Nam mừng anh.

Anh có biết thân sinh Giáo sư Trần Đức Thảo than thở với con ông điều gì không? “Giá như ngày xưa tôi cho anh học nghề thợ nề, thợ mộc thì ngày nay cái thân anh đỡ khổ, cái thân tôi đỡ khổ và cái dân tộc này đỡ khổ”. Đó là những lời ai oán của một cụ già tận tụy suốt đời nuôi con ăn học mà con lại góp phần vào sự khổ hạnh của dân tộc! Anh Việt thở dài: “Thôi! Anh hiểu rồi! Chú đừng nói nữa chỉ làm anh buồn thêm!”

Bây giờ người anh hùng năm xưa được Thực dân ngưỡng mộ, phong cho danh hiệu “CON HÙM XÁM ĐƯỜNG SỐ BỐN” đã về Trời ở tuổi 101. Em viết bài này để tưởng niệm một người anh thật thà, lương thiện, một anh hùng mạt vận vì chẳng may bị sinh vào dòng dõi danh gia vọng tộc.

Em cầu chúc anh Việt mau siêu thoát.

Đ.V.A.

Đặng Văn Âu là em con ông chú Cụ Đặng Văn Việt, một phi công và học giả nổi tiếng của VNCH

Nguồn:  FB Phạm Kim Dung.

This entry was posted in Đặng Văn Việt, Hùm xám đường số 4, Phân ưu. Bookmark the permalink.