Nên tin hay không

Nguyễn Đình Cống

Vừa qua Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc viết thư gửi đồng bào TP. Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn “Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

Bất kể điều gì khi mới nghe tôi đều chỉ tin một nửa, theo thời gian nó sẽ tăng hay giảm. Có hai cách để biết. Một là tiếp tục theo dõi những việc làm để xem “Nói lời có giữ lấy lời được không”, hai là tìm cách kiểm nghiệm.

Để kiểm nghiệm tôi sẽ dựa vào những lời hứa hẹn của Chủ tịch để thách đố ông làm vài việc ích nước lợi dân. Trước hết là góp ý với ông về việc làm sao để có tâm trống rỗng trước khi nghe và nghe được ý kiến của các loại dân khác nhau chứ không phải chỉ nghe được điều mong muốn.

Các loại dân nào? Trong quan hệ với chính quyền, dân Việt Nam có ba loại chính, tạm gọi là A, B, C.

Dân loại A nhận được nhiều quyền lợi của chế độ, được ưu đãi, họ tuyệt đối tin tưởng vào chính quyền.

Dân loại B gồm những người lao động bình thường, họ quan tâm nhiều đến đời sống vật chất, muốn được yên ổn để làm ăn, họ buộc phải nghe theo chính quyền chứ chưa chắc đã tin, nếu người của chính quyền hỏi thì đa số sẽ vì sợ mà trả lời cho vừa ý người hỏi.

Dân loại C gồm phần lớn tầng lớp trung lưu, trí thức, văn nghệ sĩ, họ có đời sống vật chất tạm đủ nên quan tâm nhiều hơn đến quyền tự do dân chủ. Môt số người trong họ có trình độ dân trí khá cao, có bất đồng chính kiến, thích làm phản biện, bị chính quyền cho là thế lực thù địch.

Tôi theo dõi thấy rằng từ trước đến nay các lãnh đạo chủ yếu chỉ gặp dân qua các buổi tiếp xúc cử tri với những người tham dự được lựa chọn cẩn thận, chủ yếu từ loại A, thế thì cơ bản chỉ nghe được ý kiến một phía, một chiều, thể hiện chỉ một phần sự thật. Mà một phần sự thật thì có khi là dối trá.

Khi nói rằng “Cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân” thì phải thay đổi cách họp tiếp xúc cử tri hoặc ngoài cách đó ra phải làm sao để nghe được những tiếng nói khác, đặc biệt là của những người phản biện. Phải nghe họ nói, quan sát họ làm xem họ thực sự là người như thế nào. Đừng vội chụp cho họ cái mũ phản động, đừng vội dán cho họ cái nhãn thế lực thù địch.

Tôi đã nghĩ ra một vài cách, định viết thư giấy cho Chủ tịch, nhưng nhiều ngày bị phong tỏa chống covid, không thể ra khỏi nhà để đến Bưu điện gửi thư. Đang định viết và gửi email. Tôi tìm được địa chỉ của Văn phòng Chủ tich nước như sau: Webmaster@president.gov.vn Địa chỉ này được ghi ở một số nơi trên các trang cổng thông tin điện tử.

Trong thời gian trên mười ngày, nhiều lần tôi gửi email từ Gmail và Yahoo đều nhận được thông báo như sau: “Thư của bạn không thể gửi đến địa chỉ webmaster@president.gov.vn vì không tìm thấy tên miền (như đã ghi là) president.gov.vn. Hãy kiểm tra lỗi chính tả hoặc dấu cách không cần thiết và thử lại. Tôi đã kiểm tra nhiều lần và bảo đảm ghi đúng trăm phần trăm địa chỉ được cho ở nguồn, thử lại nhiều lần nhưng vẫn không sao gửi được thư.

Thế nghĩa là thế nào? Liệu có tin được không? Tôi gửi thư điện tử hỏi một số bạn bè xem họ có biết địa chỉ email của VP CTN không. Chẳng ai biết cả. Vậy ngoài tôi ra còn có ai muốn gửi email cho VP CTN mà chưa gửi được hay không. Tôi bèn mượn hai câu thơ của Tú Xương để lên đầu, đặt trong ngoặc kép (“…”), rồi viết thêm 6 câu:

“Cái khó theo nhau mãi thế thôi

Có ai hay chỉ một mình tôi”

I meo, bài viết, không địa chỉ

Bưu điện, đường đi, bị chắn rồi

Ứng cử, bao phen dằn lòng giận

Dâng thư, lắm lúc toát mồ hôi

Nhiều kẻ bưng tai và bịt mắt

Nhưng ta vẫn cố hát vui đời

Bỗng ngõ vào nhà tôi được hé mở, đã có thể vượt trời mưa để đến Bưu điện, nhưng ngài Chủ tịch đang đi họp Hội đồng Liên Hiệp Quốc, chưa biết bao giờ về. Tôi đành viết thư cho ông Chủ nhiệm văn phòng và cho bà Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, gửi về số 2 Hùng Vương – Ba Đình – Hà Nội, hỏi xem địa chỉ email của văn phòng đúng ra là như thế nào, tại sao cổng thông tin cho một địa chỉ email không có tên miền, phải chăng đây là một sự đánh đố. Gửi được thư giấy theo đường bưu điện, tôi đang chờ trả lời. Không biết rồi có nhận được hồi âm hay không. Hàng chục thư trước đây tôi gửi cho cơ quan Đảng và Chính quyền không nhận được trả lời, dù chỉ một câu ngắn là “đã nhận được thư”.

Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân”. Niềm tin là nói chung, có thể phân ra các mức độ, các sắc thái như tin yêu, tin tưởng, tin cậy, tin cẩn, ngoài ra còn ‘tin mù quáng’.

Dân loại A thì cách gì họ cũng tin là chủ yếu. Nhưng liệu dân loại B và đặc biệt là dân loại C có tin được hay không khi chính quyền hành động thiếu Quanh Minh Chính Đại, khi cán bộ ít trí tuệ mà nhiều thủ đoạn, thiếu trung thực, kém liêm chính, khi dân gặp phải những chuyện cần đến sự giúp đỡ của Chính quyền mà lại bị “hành là chính”, đặc biệt là trong đợt chống dịch hiện nay.

Trong bài “Biết gì từ thế sự trong chăn” tôi đã kể ra những cách mà nhân viên chính quyền dùng để bắt bẻ, hoạnh họe người như tôi khi nộp hồ sơ ứng cử vào Quốc hội. Trong việc thi hành chỉ thị giãn cách để chống dịch người dân lại chứng kiến rất nhiều việc làm vô pháp vô thiên, hung đồ, tác oai tác quái của những người của chính quyền.

Nhiều người dân đã từng là nạn nhân của cán bộ, của nhân viên chính quyền, họ mất niềm tin. Vậy làm sao để Chính quyền giữ được gia tài lớn nhất là niềm tin của nhân dân như ông Chủ tịch mong ước.

Có nên tin hay không vào lời của ai đó là lãnh đạo cao cấp? Xin chớ vội khẳng định mà đợi trả lời từ thực tế, kiểm nghiệm trong thực tế. Tôi rất mong có được đóng góp cho câu trả lời đó.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Mặt thật CS, Tự do ngôn luận. Bookmark the permalink.