Chống Covid-19 ở Việt Nam: Sai lầm, trách nhiệm và cách khắc phục

BBC tiếng Việt

Covid-19 tại Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân Covid-19 ở một đơn vị y tế tại TP. Hồ Chí Minh giữa lúc bùng phát dịch

Tình hình dịch Covid-19 đợt bốn diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành ởi Việt Nam “vượt mức tưởng tượng của mọi người” là hậu quả của chính sách chống dịch sai lầm cũng như của giới lãnh đạo Việt Nam, một số bác sỹ nói với BBC News Tiếng Việt.

Tại hội luận Bàn tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 16/09/2021 bàn về phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và chính sách với cái nhìn từ cơ sở, cộng đồng, trước tiên bác sỹ Phan Xuân Trung, người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân Covid tại TP HCM nhận định dù đã có sự chuẩn bị từ trước tại địa bàn, “dịch xảy ra tốc độ lây lan quá nhanh vượt mức sự tưởng tượng của mọi người cho nên mọi sự chuẩn bị đó trở nên tê liệt”.

Chính điều này, theo bác sỹ điều trị Phan Xuân Trung, đã làm cho số ca mắc Covid-19 và trở nặng tăng nhanh và nhiều tới mức vượt quá khả năng đáp ứng của hoạt động cấp cứu.

Hậu quả và hệ quả của các chính sách đối phó Covid-19 ở VN thế nào?

Covid-19: Hà Nội và TP HCM ngày đầu ‘nới lỏng’

Covid-19: Thái Lan tử vong ít hơn VN và đang mở cửa lại

Covid-19 và Việt Nam: Về những người không tiêm vaccine

Các nguyên nhân của hậu quả hay hệ quả cụ thể tới nay của đại dịch và cũng từ việc tiến hành các chính sách đối phó của Việt Nam cũng được các khách mời là các thầy thuốc và nhà phản biện chính sách y tế, cộng đồng chỉ ra và phân tích trong cuộc Hội luận chuyên đề này.

Chính quyền ‘bị động và lúng túng’

Một điều có thể rõ ràng nhận thấy trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam là “sự bị động và lúng túng trong điều hành, trong chống dịch,” theo bác sỹ Phan Xuân Trung.

“Mặc dù là có chuẩn bị nhưng chuẩn bị không đủ và không lường trước được hết mọi chuyện,” ông Trung nói.

Qua quan sát tình hình chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, nhà phản biện độc lập từ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) cho rằng việc bị động và lúng túng còn thể hiện qua việc “chúng ta đã không chẩn đoán đúng diễn biến của dịch và ở đây có cả vai trò của hệ thống giám sát dịch hoạt động chưa tốt và kể cả nhóm nghiên cứu tư vấn chiến lược.”

“Tôi nghĩ rằng phần này đã làm cho TP. Hồ Chí Minh không nhận định ra được tình hình dịch đã thay đổi. Tức là dịch đã đi vào trạng thái nội sinh, đã âm thầm nội sinh, âm thầm diễn biến trong cộng đồng, lan tỏa trong cộng đồng một thời gian khá dài rồi”, ông Tuấn nói thêm.

Một điểm nữa, theo nhà phản biện chính sách y tế và cộng đồng này là “chính quyền cơ sở đã không nắm bắt kịp thời tình huống khi phong tỏa sẽ đặt ra vấn đề về các nhóm nguy cơ cao và vấn đề bảo trợ xã hội được đặt ra.”

“Công tác bảo trợ xã hội tôi cho rằng làm chưa được tốt cho nên làm tăng thêm gánh nặng đè lên hệ thống y tế.”

Quân đội kiểm tra giấy đi đường của người dân ở Sài Gòn hồi tháng 8/2021

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES  Quân đội kiểm tra giấy đi đường của người dân ở Sài Gòn hồi tháng 8/2021

Sai lầm chồng chéo sai lầm

Covid-19 ở Hà Nội: ‘Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép tiêm’

Covid-19: Việt Nam bối rối ‘thẻ xanh’, ‘thẻ vàng’

Covid: Thủ tướng VN phê bình tỉnh Kiên Giang làm dư luận  xôn xao

Sài Gòn tiếp tục phong tỏa, cấp ‘thẻ xanh’, ‘thẻ vàng’ thế nào?

Bàn về chính sách chống dịch Covid-19 ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, bác sỹ điều trị Phan Xuân Trung cho rằng có những sai lầm chồng chéo lên nhau và ông lấy dẫn chứng từ chính sách cách ly tập trung và phong tỏa ở Việt Nam:

“Có rất là nhiều sai lầm mang tính chất hệ thống, chồng chéo lên nhau. Đã ‘cách ly’ thì mang tính chất ‘cô lập’ bệnh ra khỏi cộng đồng, tuy nhiên có chữ ‘tập trung’ thì nó làm cho lây lan giữa những người không có bị nhiễm với nhau hoặc là tạo ra những phong tỏa kéo dài.

“Rồi có những chính sách làm cho cơ sở y tế bị phong tỏa khi mà có bóng dáng một F0 nào đó đi qua, nó làm cho tê liệt tài nguyên y tế.”

Đồng quan điểm về sai lầm trong chính sách cách ly tập trung và phong tỏa rộng khắp, bác sỹ Trần Tuấn từ Hà Nội bình luận:

“Các chính sách của TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu hồi tháng 5, 6 thậm chí đến tháng 7/2021 vẫn nặng về hình thái của loại hình chống dịch mà chúng tôi nói là ở giai đoạn đầu tiên, tức là giống như năm 2020, khi dịch ngoại xâm từ ngoài đi vào cộng đồng.

“Cho nên là vẫn cứ xét nghiệm chạy đuổi theo, tìm F0 rồi cách ly tập trung làm trọng trách chính, thực hiện phong tỏa một cách rộng khắp.”

“Chúng ta chưa định hình đúng được mô hình lâm sàng của loại dịch Covid này và chúng ta đã đi theo hướng như trước đây là tập trung hết F0, kể cả F1 vào khu vực điều trị tập trung, làm tăng nguy cơ lây lan, đồng thời làm mệt mỏi nguồn lực y tế.

“Đến khi dịch bệnh thực sự cần đến như hồi sức cấp cứu chẳng hạn, lúc ấy nhân lực y tế cũng đã bị căng tràn một thời gian khá dài, đã khá mệt rồi, cộng thêm đến khi khối lượng bệnh nhân đổ dồn lên thì xảy ra vấn đề đáng tiếc mà tôi cho rằng cái này làm gia tăng tỷ lệ tử vong cao hơn như chúng ta đã nhìn thấy.”

Một hàng rào tạm thời được dựng lên để chống dịch ở Hà Nội vào tháng 9/2021

NGUỒN HÌNH ẢNH,LINH PHAM/GETTY IMAGES

Một hàng rào tạm thời được dựng lên để chống dịch ở Hà Nội vào tháng 9/2021

Một điểm dễ nhận thấy trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam là biện pháp phong tỏa, cách ly giữa các đơn vị hành chính trong từng tỉnh thành, cũng như chủ trương “chống dịch như chống giặc” trên toàn quốc.

Bình luận về điều nay, bác sỹ Phan Xuân Trung, người tham gia chủ trương nhóm “Giúp nhau mùa dịch” tại Việt Nam, nói:

“Thiên tai xảy ra thì ắt nó mang lại hậu quả và mọi hành vi của chúng ta nhằm mục đích cứu chuộc, tức là làm giảm nhẹ hậu quả đó một cách khôn ngoan chứ không phải là chiến đấu chống dịch như chống giặc hay là tạo rào cản bằng những phương tiện vật dụng vô nghĩa, vô lý.

“Cái đó tôi cảm thấy nó rất là ngây thơ trong chống dịch. Chống dịch đòi hỏi phải có kiến thức, có trí óc của các nhà chuyên môn chứ không phải kiến thức của một nhà chính trị hay là an ninh.”

Ai chịu trách nhiệm?

Với những sai lầm và hậu quả được cho như trên, trước câu hỏi ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm, cũng tại cuộc hội luận của BBC News Tiếng Việt, bác sỹ Phan Đình Hiệp từ Melbourne, Úc nhận định:

“Chúng ta biết rằng ở Việt Nam trước đến nay chưa có thói quen chịu trách nhiệm, thành ra vụ đại dịch Covid này thể hiện những yếu kém của giới lãnh đạo.

“Bà con lâu lâu coi trên báo, trên tivi và nguồn tin, tin tức cứ ‘lộn tùng phèo’ lên, không thấy có người đứng ra chịu trách nhiệm, không thấy chủ tịch tỉnh hay bí thư nào đứng ra để thông báo cho người ta hàng ngày.

“Và vì không có chức năng chịu trách nhiệm cho nên các vị ấy không bao giờ dám lên nói vì nói sợ sai và sợ sai lại phải chịu trách nhiệm, chịu kỷ luật và cái đó người dân chúng ta lãnh đủ,” vị bác sỹ gia đình và cộng đồng tại Úc nói.

Trở lại với góc nhìn từ trong nước, bác sỹ Phan Xuân Trung tại Sài Gòn bình luận:

“Về trách nhiệm thì tôi thấy những người lãnh đạo đó có trách nhiệm đối với tổ chức của mình thôi chứ còn trách nhiệm với dân thì tôi không thấy được chuyện đó.

“Có thể là trong tấm lòng, tâm tư của lãnh đạo thì có những người thương dân thật sự. Tuy nhiên, trách nhiệm với dân thì cũng khó để mà phân định trong khi trách nhiệm đối với cấp trên thì nó rõ hơn.”

Tuy nhiên, qua quan sát cá nhân, ông Trung cho rằng “dường như đã có người chịu trách nhiệm oan khi mà họ nói lên sự thật,” và ông nói thêm:

“Như là họ nói là có lẽ phải sống chung với lũ, sống chung với Covid chẳng hạn, thì sẽ có một lực lượng, một số nào đó không hài lòng, cho rằng đi chống đường lối chính sách và lập tức cho người đó đứng qua một bên làm một công việc khác,” bác sỹ này nêu dẫn chứng.

Việc chưa có thói quen chịu trách nhiệm cùng với sự ‘cứng nhắc’ từ mệnh lệnh cấp trên, theo ý kiến của các thầy thuốc tại Bàn tròn của BBC, đã khiến cho công tác chống dịch ở Việt Nam cũng phần nào gặp khó khăn.

“Dường như mệnh lệnh từ bên trên rất là cứng khiến cho lãnh đạo cấp dưới không dám nhúc nhích, không dám hó hé”, bác sỹ Phan Xuân Trung nhận định.

Cuộc họp trực tuyến ngày 13/9/2021

NGUỒN HÌNH ẢNH, VTV

Vụ việc Thủ tướng Phạm Minh Chính công khai phê bình lãnh đạo tỉnh Kiên Giang không nắm được số liệu khi chống dịch Covid-19, tại cuộc họp trực tuyến ngày 13/9/2021 làm nổi bật lên vấn đề yếu kém của bộ máy nhà nước các cấp tại VN

“Từ chỗ đó nó có thể gây ra những hậu quả mà do không phá rào được, trong khi đó có một số chỗ người ta phá rào được thì nó lại dẫn tới kết quả hay hơn như ở quận 7, quận 6, Củ Chi.”

Cần hỗ trợ tài chính và khôi phục y tế phổ thông

Bàn về chính sách hỗ trợ người dân ở những khu vực bị phong tỏa tại Việt Nam trong thời gian vụ dịch, bác sỹ Phan Đình Hiệp nói:

“Việc cấm sông, cấm cửa, cấm chợ và không cho người ta ra đường, cấm quá mức mà tiền lại không rải xuống cho người dân đủ.

“Chúng ta nói thành tích kinh tế này kia, nếu mà nói thành tích thì chúng ta phải chứng minh cái đó bằng cách cung cấp tiền cho người dân chứ.

“Dịch dù muốn hay không nó xảy ra, tất cả mọi nước đều thiệt hại kinh tế và quan trọng những hỗ trợ cho người dân phải đầy đủ, phải nhanh chóng để cho người dân còn được sống.”

Việt Nam: ‘Ma trận’ ứng dụng công nghệ chống dịch

Báo Anh nói ‘dân nghèo VN bị đói’ vì phong tỏa Covid

Nhật hỗ trợ lao động xuất khẩu Việt Nam khó khăn vì Covid-19

World Bank: Việt Nam chịu ‘cú sốc lớn về kinh tế’

Cùng quan điểm, bác sỹ Phan Xuân Trung chia sẻ những khó khăn của người dân mà ông có cơ hội quan sát khi tham gia cứu giúp, trợ giúp người dân ở Sài Gòn trong thời gian dịch bệnh:

“Sự chịu đựng của dân chúng về kinh tế theo tôi đã quá sức, đã quá cạn kiệt rồi.

“Bởi vì chúng tôi tổ chức cho nhóm ‘Giúp nhau Mùa dịch‘ từ lúc ban đầu, cho nên chúng tôi có cơ hội nhìn thấy thảm cảnh của dân chúng và chúng tôi đã có nhiều lần cầu khẩn, xin an sinh xã hội.”

Để người dân có thể kiếm kế sinh nhai trở lại, vị bác sỹ này đề nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh “có thể mạnh dạn mở cửa trở lại để hoạt động kinh tế trở lại càng sớm càng tốt”.

“Chứ hiện tại thành phố muốn mở cửa lại nhưng vướng các tiêu chí chống dịch của Bộ Y tế, và những tiêu chí đó hầu như dính vô số giường bệnh, số xét nghiệm, số giảm, số mắc mà không dựa vô thực tế là dân đói, dân bệnh, dân chết, rồi nguy cơ doanh nghiệp bị chết, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, bị điên loạn, trầm cảm, tự tử,… cái đó mới quan trọng chứ những con số chích ngừa bao nhiêu, giường bệnh bao nhiêu là chuyện trên bàn giấy, cái đó không có giá trị để xử lý dịch,” bác sỹ Trung nói.

Bệnh nhân nhiễm Covid được điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6 ở TP HCM

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Bệnh nhân nhiễm Covid được điều trị tại bệnh viện dã chiến số 6 ở TP HCM tháng 8/2021

Covid-19: Thái Lan tử vong ít hơn VN và đang mở cửa lại

EU kêu gọi Thủ tướng VN tìm lộ trình ‘thoát phong tỏa’

Với những bệnh nhân đang bị bệnh nền khác và cần điều trị, bác sỹ Phan Xuân Trung cho rằng những đối tượng này cũng cần được quan tâm và điều trị càng sớm càng tốt để tránh dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

“Tôi được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân không được chữa trị, bệnh nhân mãn tính, bệnh nhân có bệnh nền ung thư, tiểu đường, suy gan, suy thận, tai biến… Trong suốt mùa dịch, những bệnh nhân này hầu như bị bỏ rơi, bởi vì tất cả các bệnh viện đều tập trung chống Covid cả”, ông Trung nói.

“Hệ thống y tế phổ thông của chúng ta đang bị đóng băng.”

“Hiện nay chúng ta cũng thấy là ngân hàng máu không còn máu, thuốc đặc trị cũng không có, những tài nguyên về y tế đang bị đóng lại và y tế mà đóng lâu dài kiểu này thì dẫn đến tình trạng là những bệnh nhân không được điều trị đó sẽ chết trong khoảng thời gian sắp tới.

“Chứ còn bây giờ chúng ta tập trung hết mọi nội lực vào Covid-19, tạm thời bây giờ đám cháy đang dần tắt, cho nên tôi quan tâm đến phần y tế phổ thông cho bệnh còn lại cần phải tái lập sớm,” bác sỹ điều trị Phan Xuân Trung chia sẻ quan điểm riêng khi được hỏi Việt Nam cần rút kinh nghiệm và sửa đổi chính sách như thế nào ngay trong trường hợp nếu xuất hiện tiếp theo một đợt bùng phát dịch thứ năm.

Tính đến 15/9, gần 40% dân số Thái Lan đã tiêm mũi một, 19% tiêm mũi hai. Cùng thời gian Việt Nam, tính đến 14/9, mới có 6% dân số được tiêm đủ hai mũi vaccine, 26,6% tiêm một mũi.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Nhà nước quản lý đại dịch. Bookmark the permalink.