Góp ý với phương án của công an TP.HCM

Lê Tự Do

04.09.2021


VNTB – Góp ý với phương án của công an TP.HCM

(VNTB) – Người mưu sinh hè phố sẽ lận lưng thêm tờ giấy phép đi đường của công an cấp?

Mặc cho bao khó khăn hiện hữu, mặc cho bao lời ca thán, cuối cùng thì TP.HCM cũng tiến đến những ngày gần kết thúc của chuỗi siết chặt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Mong chờ, hy vọng rằng, 7-9-2021 này, thành phố sẽ bước đầu mở dần dần, dù không phải quá nhiều hay toàn bộ, nhưng ít nhất cũng không quá siết trong việc đi lại.

Tại cuộc họp báo chiều 3-9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM đang cập nhật danh sách người được cấp giấy đi đường của các sở, ban, ngành, quận, huyện và yêu cầu lập danh sách các đối tượng được phép lưu thông trên đường không cần cấp giấy để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ cơ sở dữ liệu này, công an sẽ kiểm soát người đi đường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị đầu mối, người dân thuộc diện được phép ra đường cung cấp danh sách để công an kiểm soát chặt chẽ. Người ra đường cũng phải đăng ký và đối chiếu giữa lượng người ra đường với F0 quản lý trong cộng đồng xem có mối liên hệ nào không.

“Điều này sẽ tránh được trường hợp người được ra đường nhưng lại đang là F0”, thượng tá Hà cho biết.

Thoạt nghe, điều mà thượng tá Hà nói là không sai. Tuy nhiên, nếu vì kiểm soát F0 thì đây là một phương pháp, có thể nói là chưa hiệu quả.

Tuy không cầm trong tay số liệu thống kê chính thức, nhưng báo chí cũng đưa tin: “Cùng với 900 tỷ đồng được phê duyệt trước đó, khoản bổ sung lần này dự kiến sẽ có thêm hơn 1 triệu hộ gia đình khó khăn và khoảng 670.000 lao động tự do tại TP.HCM sẽ được nhận gói hỗ trợ”.

Hay như theo trang web của Bộ Công Thương: “UBND TP.HCM đã phê duyệt gói hỗ trợ đợt hai, nhằm hỗ trợ cho 3 đối tượng, gồm lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn, với kinh phí hơn 900 tỷ đồng”.

Đây là những chính sách rất nhân văn và thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố với dân nghèo. Tuy có thể không cầm được trong tay số liệu thống kê chính thức người nghèo ở TP.HCM là bao nhiêu nhưng thiết nghĩ, để có con số 900 tỷ; 2.577 tỷ đồng hay 1 triệu hộ khó khăn và 670.000 lao động tự do tại TP.HCM, chính quyền thành phố cũng đã tính toán kỹ để cân đối ngân sách, giúp đỡ người nghèo.

Kèm theo đó là thực trạng thực tế trên nhiều con đường trong thành phố, có thể nói, số lượng người nghèo, khó khăn, nhất là ảnh hưởng do dịch Covid-19, do nhiều đợt giãn cách, là một con số không nhỏ.

Như vậy, với phương án của công an TP.HCM đưa ra, người nghèo, lao động bình dân hoặc lao động không biết chữ, làm sao họ có thể được cấp giấy đi đường hay có mã Code để đi đường? Họ cũng là người dân thành phố, họ cũng có đóng góp cho thành phố. Không thể bỏ quên họ được, nhất là thời gian qua, họ đã cùng với chính quyền thành phố “gồng mình” chống dịch.

Ngày 25-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến nay Thành phố đã có 93.289 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh và xuất viện; Thành phố đã tiêm tổng số 5.501.732 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân, trong đó có 5.291.196 mũi 1, đạt tỷ lệ 78,9% người dân trên 18 tuổi và 210.536 mũi 2, đạt 3,1% người dân trên 18 tuổi. Và thành phố cũng đã lập ra lộ trình chích ngừa trong thời gian tới sẽ như thế nào.

Có thể nói, với tốc độ chích ngừa nhanh chóng của thành phố, kèm theo đó là sự tuyên truyền khi chích vaccine Vero Cell rằng chích vaccine sẽ hạn chế được nguy cơ tử vong nếu nhiễm bệnh, kèm theo đó là truyền thông đưa tin, đã chích ngừa cho người vô gia cư, vậy thì có nên chăng, dù tờ giấy chứng nhận đã tiêm ngừa Covid-19 để thay thế cho tờ giấy đường hay mã Code đi đường?

Nếu áp dụng như vậy, thiết nghĩ, người nghèo, lao động bình dân sẽ vẫn có thể đi làm, chính quyền thành phố cũng sẽ tiết kiệm được một khoản gọi là hỗ trợ người dân ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Và hơn hết, sẽ là sống chung lâu dài với dịch như ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nếu muốn kiểm soát chặt chẽ F0, thay vì tập trung ở các chốt, kiểm soát chặt chẽ người ra vào, vì sao, không cử một hoặc hai người trực tiếp quản lý những khu vực đang có F0 điều trị tại nhà?

Kiểm soát quá chặt người đi đường, sẽ là một phương án đầy tính phi nhân đạo đối với người nghèo khó, lao động bình dân…

L.T.D.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Chính sách chống đại dịch. Bookmark the permalink.