Nên có cuộc họp ở cấp cao hơn Hà Nội quyết định phương án cho Hà Nội

Trương Huy San

Chống dịch cần tư duy khoa học chứ không phải cần quyền lực. Chống dịch là để giảm thiểu nhất mối đe dọa của dịch tới tính mạng con người chứ không phải để tạo thêm những sang chấn lên sức khỏe tâm thần của con người. Chống dịch là để một quốc gia, một thành phố và người dân trong đó vẫn vận hành với độ an toàn cao nhất chứ không phải đạt độ an toàn chính trị nhất cho người đưa ra quyết định.

Tờ Metrotime của Bỉ giật tít, “Hà Nội Biến Thành Nhà Tù”. Và, bằng cách đối phó với Covid như thế này, hôm qua, Nikkei Asia xếp Việt Nam đứng thứ 121/121 về khả năng chống dịch. Năm 2020, chúng ta đã dùng những “tập đoàn quân tinh nhuệ” nhất để tấn công “mấy trăm du kích quân F0” và rất sớm khải hoàn rồi trong một thời gian khá dài, tự rung đùi tán thưởng.

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

Và khi, Covid-19 thực sự đe dọa, nguồn lực trong dân đã bị cạn kiệt sau mấy lần bị cách ly với các phương kế mưu sinh; nguồn lực quốc gia cũng đã huy động tối đa; đặc biệt, đội ngũ y tế đang hằng ngày bị vắt cạn từng sinh lực.

Có những y bác sĩ, đã ba tháng nay chưa được về nhà.

Nếu tới ngày 21-9-2021, Hà Nội vẫn cứ mỗi ngày có 5 – 7 chục F0 như hiện này, Thành phố định sẽ “nhốt dân” thêm bao lâu?

Cách chống dịch có vẻ đang như trong một gia đình đông con, có bố ốm, người con giàu có và quyền lực giành quyền đưa bố vào bệnh viện sang nhất, yêu cầu bác sĩ kê tất cả những loại thuốc đắt tiền nhất. Mục tiêu sâu xa không phải là để cứu bố mà là để khi bố chết, anh ta có thể tuyên bố với anh em, tôi đã không tiếc gì để cứu bố.

Chống dịch cần tư duy khoa học chứ không phải cần quyền lực. Chống dịch là để giảm thiểu nhất mối đe dọa của dịch tới tính mạng con người chứ không phải để tạo thêm những sang chấn lên sức khỏe tâm thần của con người. Chống dịch là để một quốc gia, một thành phố và người dân trong đó vẫn vận hành với độ an toàn cao nhất chứ không phải đạt độ an toàn chính trị nhất cho người đưa ra quyết định.

Trong số những người nhiễm virus, thường có khoảng 80% là nhẹ và trung bình, 20% nặng và nguy kịch. Tử vong thường xảy ra ở những người chuyển nặng này mà không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 77% bệnh tử vong ờ Sài Gòn trong tháng qua chủ yếu xảy ra ờ “tầng 2”: nơi không có đủ thuốc men và trang thiết bị (máy thở oxy dòng cao, oxy từ bồn), khi cần chuyển viện thì tháp trên lại quá tải, bệnh nhân chết trên xe cấp cứu…

Hà Nội vẫn còn thời gian để học những bài học từ Sài Gòn. Thay vì sợ hãi “bung, toang” như Sài Gòn rồi siết chặt mà phải chuẩn bị tình huống khi dịch lây lan như Sài Gòn vẫn không bị rơi vào bị động.

Càng không muốn tình huống xấu nhất xảy ra càng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nên tập trung vaccine tiêm cho nhóm nguy cơ cao (trên 55 tuổi và có bệnh nền); nên tập trung vaccine cho nhóm lao động mà khi dịch lan rộng người dân vẫn cần như shippers, nhân viên bán hàng… Sự có mặt của lực lượng vũ trang trong vùng dịch cũng làm được nhiều việc rất ý nghĩa. Nhưng, lực lượng vũ trang cũng là con người, cũng có nguy cơ trở thành F0 lại không chuyên nghiệp khi mua bán và giao hàng như đội quân bán hàng, shippers chuyên nghiệp.

Thay vì cấm nhà thuốc bán về đêm như Sài Gòn, Hà Nội nên làm ngược lại, trong một khu phố phải đảm bảo có nhà thuốc bán về đêm. Người dân vẫn mắc các bệnh thường xuyên và trong trường hợp khi có F0 tự điều trị tại nhà vẫn có thể kịp thời mua thuốc.

Nên có các kịch bản để khi mỗi ngày có hàng ngàn ca thì đối phó thế nào. Bộ Y tế nên đánh giá mô hình tháp điều trị 5 tầng hoặc 3 tầng tách biệt từng khu như ở Sài Gòn. Nên đầu tư thêm cho “tầng 2” hoặc chuyển thành bệnh viện đa tầng ở tất cả các cơ sở điều trị. Tránh tình trạng bệnh nhân khi trở nặng “chuyển tầng” không kịp, dẫn đến tử vong nhiều như vừa qua.

Thay vì cấm, mọi vận hành của xã hội phải luôn tuân thủ nguyên tắc 5K. Từ các hành động chống dịch cho đến các hoạt động của người dân để sống và kiếm sống đều phải 5K cả.

Chủ tịch Nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp mà đã trao quyền quá nhiều cho lực lượng chống dịch (cả lực lượng dân phòng) như trong tình trạng khẩn cấp. Địa phương nào muốn ngăn sông thì ngăn sông. Địa phương nào cấm chợ thì cấm chợ. Sự lạm quyền đã dẫn đến những quyết định ngu ngốc như khóa cổng nhà dân ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hay hủy hoại tài sản công dân, dứt khoát phải đưa một F1 đi cách ly tập trung trong khi điều kiện cách ly tại nhà của họ tốt hơn như ở Diễn Châu, Nghệ An.

Cấp lãnh đạo cao hơn Hà Nội cần có một cuộc họp để quyết định biện pháp chống dịch cho Hà Nội. Phải đảm bảo quyền lực của quốc gia vẫn là thống nhất. Phải cho thấy, Nhà nước pháp quyền vẫn đang tồn tại, Hiến pháp và pháp luật vẫn đang hiệu lực.

Đừng để thế giới nhìn Thủ đô của một quốc gia đang phát triển như một căn cứ du kích.

Đừng để người dân chưa kịp nhiễm virus đã hết kế sinh nhai. Đừng để dân chúng phải chịu những sang chấn tâm lý chỉ vì chính quyền đã sử dụng quyền lực nhiều hơn cần thiết.

T.H.S.

Nguồn: FB Truong Huy San

This entry was posted in Chính sách chống đại dịch. Bookmark the permalink.