RFA
2021-07-19
Phần mềm dọ thám «Pegasus»: Israel có tiếp tay cho hung thần tự do ngôn luận?
Ngày 18/07/2021, tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế, trong một thông cáo, cáo buộc công ty khởi nghiệp NSO Group của Israel cung cấp phần mềm «Pegasus» cho nhiều quốc gia sử dụng như là một vũ khí chống các nhà đấu tranh, nhà báo và nhiều lãnh đạo chính trị.
Những dòng tin nhắn, những tấm ảnh, các số liên lạc hay thậm chí những cuộc gọi… tất cả những gì nằm trong chiếc điện thoại thông minh của bất kỳ ai đều có thể bị đánh cắp hay ghi âm lại. Nguy hiểm hơn, chiếc camera hay micro của điện thoại cũng có thể được kích hoạt mà người sở hữu không hề hay biết. Không một dấu hiệu nào cho thấy chủ nhân của chiếc điện thoại bị theo dõi từ xa. Tất cả những điều này có thể được thực hiện nhờ một phần mềm dọ thám «Pegasus» do hãng NSO Group tại Israel lập trình.
Cuộc điều tra của Amnesty International và Forbidden Stories qua 50 ngàn số điện thoại mà những khách hàng của NSO sàng lọc để theo dõi cho thấy trong số này có ít nhất khoảng 180 nhà báo – bao gồm cả các thông tín viên của nhiều hãng thông tấn lớn như Wall Street Journal, CNN, RFI, France 24, AFP, Le Monde…; 600 nhân vật chính khách; 85 nhà đấu tranh nhân quyền hay 65 chủ doanh nghiệp, theo như nghiên cứu của 17 tờ biên tập. Rủi thay trong số này có số điện thoại của một nhà báo Mêhicô, Cecilio Pineda Birto, vừa bị bắn hạ vài tuần sau khi tên của người này xuất hiện trong tài liệu.
Với Amnesty International, «phần mềm dọ thám của NSO Group là một vũ khí được nhiều chính phủ nổi tiếng trấn áp hay chọn nhằm bịt miệng các nhà báo, chống các nhà đấu tranh nhân quyền và triệt hạ đối lập, bằng cách đe dọa sinh mạng của họ». Bởi vì, khách hàng tiềm tàng của NSO là những nước như Ả Rập Xê Út, Azerbaidjan, Barhein, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mêhicô, Maroc, Rwanda và Togo, những quốc gia luôn «đội sổ» trong bảng sắp hạng về nhân quyền và tự do ngôn luận.
Ông Laurent Richard, nhà sáng lập Forbidden Stories, trên đài Franceinfo lưu ý, «Pegasus», sản phẩm chủ đạo của NSO Group, một «con ngựa thành Troy» theo như cách ví của các tổ nhân quyền, trước hết, là một mối đe dọa cho tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đây thật sự là «Một vũ khí cực kỳ tinh vi nhằm biết được tất cả mọi thứ của quý vị, bí mật của quý vị, chúng có thể kích hoạt camera, có thể đọc các tin nhắn của quý vị».
Vẫn theo ông Laurent Richard, «Pegasus» còn là một công cụ cho phép một số nhà lãnh đạo độc tài tiếp tục gieo rắc nỗi khiếp hãi ra bên ngoài lãnh thổ. «Quý vị là một nhà bất đồng chính kiến người Ả Rập Xê Út, quý vị chạy trốn nỗi khiếp sợ và quý vị đến sống ở Luân Đôn, nhưng nỗi sợ hãi đó vẫn sẽ đeo bám theo quý vị nhờ vào phần mềm này bởi vị quý vị bị truy lùng ngay cả trên những con phố ở Luân Đôn».
Câu hỏi đặt ra, trong vụ việc này liệu có sự tiếp tay của chính phủ Israel? Nhà sáng lập Forbidden Stories khẳng định không chút do dự, «để xuất khẩu những phần mềm này trước hết phải được chính phủ Israel cấp phép». Bị điểm mặt từ nhiều năm qua, nhưng NSO – tên viết tắt của Niv Carmi, Shalev Hulio, và Omri, những cựu quân nhân đơn vị 8200 nổi tiếng thuộc quân đội Israel chuyên về chiến tranh mạng – vẫn phát triển mạnh. Một phần lớn 200 nhân viên của doanh nghiệp này đều xuất thân từ cơ quan tình báo điện tử.
Liệu rằng chính phủ Israel có biết những mục tiêu, đối tượng bị phần mềm này nhắm đến hay không? Nếu như cho đến lúc này, NSO Group vẫn phủ nhận, cho rằng không hay biết về những gì các khách hàng sử dụng, thì việc NSO bán dòng sản phẩm này cho những nước kể trên làm dấy lên một nỗi lo lớn: «Chúng ta đang đối mặt với một thị trường ngoài tầm kiểm soát!», theo như kết luận của ông Laurent Richard.
Minh Anh – RFI
Các nhà hoạt động nhân quyền Israel mới đây đã lên tiếng phản đối một công ty của nước này đã bán phần mềm hack điện thoại di động cho Bộ Công an Việt Nam để theo dõi và trấn áp các nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền.
Trang tin Haaretz của Israel hôm 15/7 cho biết, luật sư nhân quyền người Israel là Eitay Mack và các nhà hoạt động nhân quyền nước này vừa gửi một bức thư phản đối tới công ty Cellebrite và ông Amir Eshel, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Israel phụ trách việc giám sát xuất khẩu các công nghệ gián điệp.
Công ty Cellebrite của Israel nổi tiếng với sản phẩm có tên gọi UFED được các cơ quan thực thi luật pháp sử dụng để triết xuất dữ liệu từ các điện thoại di động bị khoá. Công ty cho biết sản phẩm được sử dụng để giúp phá các vụ án nghiêm trọng liên quan đến khủng bố, hay hãm hiếp trẻ em. Tuy nhiên, các điều tra của luật sư Eitay Mack cho thấy hãng này đã bán sản phẩm này cho chính quyền một số nước vì mục đích đàn áp phe đối lập như ở Trung Quốc, Nga hay Hong Kong. Sau khi bị phát hiện, hãng Cellebrite đã ngừng bán sản phẩm này cho Trung Quốc, Nga, Hong Kong và Belarus.
Theo điều tra của luật sư Eitay Mack, một nạn nhân của phần mềm này ở Việt Nam là một người có tên Lê Hong V., người bị tuyên án tù 5 năm với cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự về tuyên tuyền chống nhà nước vào tháng 11 năm 2018.
Theo báo Haarets, ông Lê Hong V. trước khi bị bắt đã có một cuộc cãi vã liên quan đến một khu vực đá gà ở gần biên giới với Campuchia. Ông này, sau đó, đã quyết định treo cờ của Việt Nam Cộng Hoà ở gần khu đá gà với mục đích để công an nhìn thấy mà tới triệt phá địa điểm đá gà vốn bị coi là bất hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì triệt phá khu vực đá gà, công an Việt Nam đã khởi tố và bắt giam ông V.
Trong lá thư của mình, Luật sư Eitay Mack đã công bố các bằng chứng cho thấy sản phẩm UFED của hãng Cellebrite đã được bán cho Bộ Công an và đã được sử dụng từ năm 2014.
Ngoài ra, theo điều tra, công ty HTI, một công ty chuyên về phần mềm và dịch vụ công nghệ, là đại diện cho hãng Cellebrite ở Việt Nam. Công ty này đã bán các phần mềm của Cellebrites và tổ chức đào tạo sử dụng cho Bộ Công an.
Nguồn: RFA Tiếng Việt