Nguyễn Huy Cường
Một học sinh học 12 năm phổ thông, kết quả thường biểu hiện trên hai ngưỡng: Một là vượt qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (trước đó trong năm cuối này đã trải qua vài kỳ thi học kỳ, cuối năm) khá quyết liệt; Hai là thi đậu hay không thi đậu, ngưỡng tri thức (thật) của các cháu, ứng với cung cách giáo dục hiện nay cũng đạt một cái ngưỡng phải dùng một dòng văn để biểu hiện: “Chỉ có thế mà thôi”
Thi cũng chỉ có thế.
Không thi cũng chỉ có thế.
Đó là nhận xét của tôi với 30 năm quan sát, tổng kết từ thực tế.
Sau đó, 80% diện này hăm hở, khốn khổ, căng thẳng, tốn kém bước vào kỳ thi đại học (mấy năm trước là cả trăm phần trăm) cày vào thi đại học. Sau đó chừng 70 đến 80 % diện này không đậu.
Tạm đến đây, đã thấy nổi lên một đại lượng rõ mồn một:
Quay lại con số ban đầu, từ tổng số HS phổ thông thì có khoảng 10% thi đậu đại học.
Số còn lại một phần lớn sẽ đi theo sự phân công hợp lý của cuộc sống, sẽ thành công nhân, nhân viên, tiếp thị, văn phòng, thợ thuyền, tài xế, đa cấp…vân vân.
Ngay cả diện xem như may mắn, đậu vào đại học nói trên, khi ra trường nếu gia đình không “dầy túi tiền” để chạy việc thì rốt cuộc cũng tham gia vào đội quân hầm bà lằng kia.
Có một bộ phận khác, thì viết hai từ “Lãng phí” theo kiểu khác, là bỏ ra mười bảy năm ăn học, thi cử rát bỏng, “đi” một lượng tiền không nhỏ nhưng học thủy sản xong vào ngành địa chất, học bác sỹ xong đi giữ trẻ, học bách khoa xong đi làm văn phòng…
MỘT VẤN ĐỀ KHÁC là hàng chục triệu em, cả gia đình và bản thân học sinh, thầy cô giáo, cán bộ quản lý các ngành các cấp liên quan đã vô cùng lãng phí thời gian, năng lực, tiền bạc để…học và thi, chẳng để làm gì cả.
Nếu tìm sẽ có hai loại, “đáp số” sẽ như sau:
Loại đáp số đúng, học hành nghiêm chỉnh, thi đậu đại học, ra trường sẽ là thứ “Xã hội cần” làm việc đúng chuyên môn chắc không quá 10 % diện học sinh phổ thông.
Loại đáp số xem như không đúng, không sai là sau khi trượt đại học theo nguyện vọng thì được hàng chục đại học hầm bà lằng mở toang cửa đón vào, bất kể thi được bao nhiêu điểm. Diện nay khoảng 30% (chỉ cần nộp tiền học cao hơn vài trăm phần trăm là được).
Diện này cũng học để mà học, để bản thân và gia đình thỏa ước mơ, khi phải thể hiện gì đó với làng nước hoặc ghi vào cái đơn xin việc nay mai, có thể sẽ được nhận mức lương gần bằng …thợ xây giỏi, đi làm năm bảy năm lương bổng vẫn chưa đủ “hòa vốn” để có việc làm.
Đó, sau hai cái đáp số này trong vài chục năm qua còn lại hàng chục triệu con người, hàng chục triệu gia đình, hàng chục triệu tâm tư, tâm trạng, hành xử bằng cách “về số mo” trong bài toán lập nghiệp, trưởng thành, là cái máng lợn của định mệnh.
Kết lại đoạn văn này xin cho tôi được viết hoa cụm từ này: LÃNG PHÍ VÔ CÙNG!.
Rõ ràng, nếu tìm một khái niệm đúng cho nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 30 năm nay thì có một cái tên tuyệt vời, đó là: NỀN GIÁO DỤC PHỤC VỤ THI CỬ.
Nay Cô Vit đến!
Tình hình hiện nay mang một đặc thù thời đại.
Công tác “quy hoạch cán bộ”, công tác nhân sự, quy chế thi cử, ý chí của những người làm giáo dục vân vân có thể là trăm phương ngàn kế để níu giữ cái không gian giáo dục được mô tả trên nhưng Cô Vit thì không!.
Cô Vit ôm khẩu đại liên Dương Tính luôn nạp đầy đạn, cứ chỗ nào đông đúc là cô bắn.
Cô ghé Hàn Quốc, làm vài loạt, cả một bọn đạo giáo ma quái chết hàng loạt.
Đến Tòa Thánh bên Italia cô cũng xộc vào, nhằm cả bao nhiêu là Linh mục, giáo dân để bắn.
Cô ghé Ấn Độ, thu hoạch lớn vô cùng.
Cô không chừa ai!
Còn ở đây, Việt Nam, luôn là mảnh đất tiềm năng, hấp dẫn của cô!.
Khi cô còn tạm tha, nên biết cách tránh, đừng chọc giận cô.
Bắt đầu bằng kỳ thi này.
Đũa thần đây. Khỏi cần thi cử gì hết.
Cấp cho tất cả học sinh đã học xong phổ thông một loại bằng rất thực, thực hơn cả hai chữ “tốt nghiệp” xưa nay.
Đó là GIẤY CHỨNG NHẬN ĐÃ HỌC XONG PHỔ THÔNG.
Sau đó có thể thi đại học bằng loại ‘Bằng” này.
Trên thực tế, như phân tich trên, nó chẳng khác gì “Bằng tốt nghiệp” cả.
Có chăng, bạn “Tốt nghiệp” đã may mắn hơn bạn chưa tốt nghiệp thôi.
Cái cốt lõi là cái kiến thức trong đầu, cho kiểu GD 30 năm nay, chỉ có thế mà thôi.
Có thể có người thắc mắc, tôi xin cam kết là được!.
Hãy hỏi các bạn của thế hệ tôi, tốt nghiệp cấp III hồi 1968-1974 ở miền Bắc thì biết.
Hồi đó, nhiều anh chị em bị gọi nhập ngũ trước kỳ thi tốt nghiệp vài tháng, vẫn phải cầm súng lên đường và nhà trường “Đặc cách” cấp bằng tốt nghiệp cho chúng tôi.
Lớp này, sau chiến tranh nhiều người vẫn thi và đậu đại học bình thường. Một số bạn tôi đã thành những Nhà khoa học, những giám đốc tài năng.
Nếu thời này, năm Covid thứ hai mà áp dụng kiểu này lợi đơn lợi kép.
Nên làm.
Coi nó như cây đũa thần của ngành GD nếu áp dụng.
Sau đó, Chính phủ và các Bộ liên quan sẽ ra các thông tư chỉ thị cho tuyến đào tạo, tuyến sử dụng lao động những quy chế hợp thức: Không phân biệt “Bằng tốt nghiệp” với “Giấy chứng nhận đã học xong cấp phổ thông” là ổn.
Chúng ta hãy xem xét một hiện tượng này, sẽ thấy ý kiến hơi “cực đoan” của tôi là đúng: “ Năm 2019 có đến 191/259 học sinh lớp 12 Trường THPT An Thới (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) cùng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học từ Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng khi chưa học xong, chưa thi tốt nghiệp phổ thông. Nhiều thí sinh ngỡ ngàng khi nghe tin mình đậu đại học!.
Đó! Khỏi tranh cãi!
Thôi, bỏ đi. Thi cử làm gì, hay muốn làm mồi cho Cô Vit?
Tôi cam kết việc này sẽ được muôn dân ủng hộ.
Bỏ béng kỳ thi phổ thông đi.
Thi làm gì!.
Anh chị em có nhất trí không?
Nếu nhất trí thì like một phát và chia sẻ, biết đâu ông Bộ trưởng mới xem xong, gật gù ‘Tay này nói hơi ngang ngược nhưng có lý” sau đó ông gọi cô thư ký văn phòng xinh đẹp lên, cho thảo một cái “Thông tư” hay “lệnh” gì đó…
Thì hay!
N.H.C.
Nguồn: Fb Nguyễn Huy Cường