Đại sứ Phạm Quang Vinh | 28/04/2021 07:34 AM
Lần đầu tiên nước Mỹ thừa nhận họ phải mạnh từ bên trong, cả về kinh tế, thể chế dân chủ, là tấm gương về hệ giá trị mới, thì mới có thể tham gia lãnh đạo thế giới tốt hơn.
100 ngày đầu thuận lợi của Tổng thống Joe Biden
100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden: Khen nhiều hơn chê
Vụ cược táo bạo: Ông Biden vẽ đường thành TT Mỹ vĩ đại nhất nhưng sẩy chân sẽ thành “hứa hão“
Trong khi tiếp tục kế thừa nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Trung Quốc nhưng mạnh mẽ hơn, nước Mỹ thời Biden cho rằng Trung Quốc là thách thức địa chiến lược của thế kỷ 21 và chỉ có Trung Quốc mới có đủ khả năng thách thức trật tự và giá trị của nước Mỹ và phương Tây.
“Build Back Better”: Tái thiết nước Mỹ tót đẹp hơn
Ông Biden nắm quyền Tổng thống Mỹ vào thời điểm rất khác biệt: chiến thắng sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi cả về chính trị và pháp lý và một nước Mỹ phân hóa – đỉnh điểm là cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 – thực sự đã tạo ra những hệ lụy mà Tổng thống mới sẽ phải ứng xử trong quá trình quản lý, điều hành đất nước. Thêm nữa, dù nắm được cả Nhà Trắng, Thượng viện, Hạ viện nhưng cách biệt của ông Biden mong manh hơn trước rất nhiều.
Tại Thượng viện, số ghế cả 2 đảng ngang nhau, Dân chủ được lợi về phiếu Chủ tịch (do Phó Tổng thống giữ); còn tại Hạ viện, đảng Dân chủ thắng đảng Cộng hòa với tỷ lệ 222/211 ghế – tỷ lệ vô cùng sít sao.
Tổng thống Biden đã nhắc đến 4 cuộc khủng hoảng với nước Mỹ: khủng hoảng về dịch bệnh, khủng hoảng về kinh tế, khủng hoảng về biến đổi khí hậu và khủng hoảng về nạn phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, thách thức kép mà nước Mỹ phải đối mặt bao gồm chủ nghĩa dân tộc gia tăng, thách thức từ các cường quốc như Trung Quốc và Nga và bên cạnh đó là sự gia tăng và phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Và theo cách nhìn nhận của Biden, 4 năm của Trump làm suy yếu nước Mỹ cả bên trong và bên ngoài. Về quốc nội, việc thiếu các biện pháp chống dịch trong thời gian đầu của ông Trump khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo theo khó khăn kinh tế, làm cho nền dân chủ bị suy thoái. Còn đối ngoại, Trump đưa ra chủ thuyết Nước Mỹ trên hết nhưng lại phá hỏng hệ thống đồng minh, nên không tạo ra sức mạnh tổng hợp của nước Mỹ ở bên ngoài.
Đứng trước một nước Mỹ như vậy, Biden đã có những định hướng ưu tiên là Build back America better – Tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn, trong đó có câu chuyện kiểm soát tốt hơn dịch bệnh, phục hồi kinh tế, tái thiết các vấn đề xã hội trong đó có dân chủ, chủng tộc và tiếp tục các vấn đề ưu tiên lâu nay của nước Mỹ mà đảng Dân chủ theo đuổi như biến đổi khí hậu, môi trường, chính sách thuế và nhập cư.
Và để tái thiết nước Mỹ, có hai thứ mà ông Biden nhấn mạnh, đó là đoàn kết và khôi phục tinh thần nước Mỹ.
Về đối ngoại, ông Biden nhấn mạnh câu chuyện America is back – Nước Mỹ đã trở lại và nước Mỹ trở lại lãnh đạo. Trong câu chuyện này, ông Biden nhấn mạnh nước Mỹ không chỉ lãnh đạo bằng sức mạnh mà còn lãnh đạo bằng việc tự mình làm gương, đồng thời gia tăng quan hệ với đồng minh, đối tác dựa trên các hệ giá trị và trật tự dựa trên luật lệ.
Về đối nội, đứng trước một nước Mỹ đối diện với khủng hoảng như vậy, nên có lẽ 100 ngày qua, ưu tiên của Biden và chính quyền Biden là làm sao đưa nước Mỹ trở lại mạnh mẽ hơn, mà ưu tiên cấp bách trước hết là kiểm soát đại dịch, phục hồi kinh tế, đồng thời triển khai các ưu tiên của chính quyền Biden thời Dân chủ.
Ngay trong 100 ngày đầu tiên, Tổng thống Biden đã ký một loạt quyết định hành pháp, xóa bỏ nhiều biện pháp nội bộ của ông Trump trước đây, trong đó có về kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giáo dục, thúc đẩy bình đẳng và xóa bỏ phân biệt chủng tộc, các vấn đề nhập cư…
Dấu ấn đối nội lớn nhất mà ông Biden đạt được là vận động Quốc hội, với đa số mỏng manh như vậy, mà lại được sự ủng hộ của 2 đảng thông qua gói cứu trợ với trị giá là 1,9 nghìn tỷ USD, vừa trợ giúp người lao động nhưng cũng là gói kích thích kinh tế rất lớn.
Ông cũng đang vận động Quốc hội Thông qua gói tài chính đầu tư cho hạ tầng hơn 2 nghìn tỷ USD. Đầu tư cho hạ tầng chính là gói kích thích kinh tế để tạo ra công ăn việc làm, hiện đại hóa, tạo ra sức bật mới cho kinh tế Mỹ.
Dấu ấn thứ hai là ông Biden đã đạt được việc thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là câu chuyện tiêm chủng. Khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Biden phấn đấu trong 100 ngày đầu tiêm chủng cho 100 triệu người, thì nay đã có tổng cộng gần 140 triệu người được tiêm một liều vaccine.
Và với tỷ lệ tiêm chủng khoảng 2,8 triệu liều/ngày như hiện nay, thì khoảng tháng 6 có thể tiêm chủng được cho toàn bộ đối tượng cần tiêm chủng, và nếu như vậy, việc mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội sẽ khả quan hơn rất nhiều.
Đối nội là ưu tiên cao rất cao trong những tháng ngày đầu tiên, và đạt được những thành công nhất định, dù có sự tiếp nối từ chính quyền trước.
Nhưng ở đây có câu chuyện, lần đầu tiên nước Mỹ thừa nhận họ phải mạnh từ bên trong, cả về kinh tế, thể chế dân chủ, là tấm gương về hệ giá trị mới, thì mới có thể tham gia lãnh đạo thế giới tốt hơn.
Nhìn mặt khó khăn, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp nên mặc dù nước Mỹ có thể kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhưng việc mở cửa xã hội phải có kiểm soát. Thứ hai, câu chuyện phân cực chính trị, xung đột sắc tộc vẫn còn tiếp tục. Cách đây 1-2 tuần, việc người di cư của các nước Mỹ Latinh dồn lại ở biên giới phía Nam nước Mỹ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng, cho thấy trong chuyện nhập cư, Biden không phải dễ dàng từ bỏ chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump để thực hiện chính sách của mình.
Định hình khung chiến lược: Trung Quốc trở thành thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21
Về đối ngoại, trọng tâm của giai đoạn đầu là rà soát và định hình chiến lược đối ngoại và an ninh quốc gia; vẫn coi trọng cạnh tranh nước lớn – đặc biệt là với Trung Quốc, phần nào đó là Nga – là trọng tâm của chính sách đối ngoại; đặc biệt coi trọng đồng minh và các đối tác, nhất là châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu; đồng thời trở lại ngoại giao truyền thống và ngoại giao đa phương.
Trong 100 ngày đầu, Tổng thống Biden đã định hướng được khung chiến lược về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, thể hiện qua một loạt bài phát biểu của Tổng thống và Ngoại trưởng Blinken và quan trọng nhất là công bố Hướng dẫn tạm thời về chiến lược an ninh quốc gia ngày 3/3.
Đây dường như là định hướng trong một thời gian dài nữa cho chiến lược an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ: Nước Mỹ trở lại lãnh đạo, trở lại ngoại giao truyền thống, dựa trên hệ giá trị và trật tự dựa trên luật lệ.
Đồng thời, Mỹ sẽ tranh thủ đồng minh, đối tác dựa trên hệ giá trị, nhưng cũng dựa trên lợi ích cùng chia sẻ, mong các nước đi cùng trong chia sẻ về mặt giá trị, luật lệ, lợi ích nhưng không nhất thiết bắt các nước phải chọn bên.
Trung tâm trong chính sách đối ngoại là cạnh tranh nước lớn. Trong đó có mấy điểm mới: coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21 và cho rằng chỉ Trung Quốc mới đủ tiềm lực kinh tế, quân sự, công nghệ để thách thức trật tự và giá trị của nước Mỹ và phương Tây.
Điểm thứ hai là xây dựng quan điểm rất lớn trong cạnh tranh giữa Mỹ và các nước lớn, đặc biệt với Trung Quốc.
Đặc biệt, câu chuyện cạnh tranh thể hiện quan trọng nhất qua cuộc gặp Alaska. Tại đây, nước Mỹ đã tuyên bố 1 chính sách rất rõ ràng với Trung Quốc: “cạnh tranh khi cần, cộng tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”.
Mỹ cũng muốn một nước Trung Quốc phải hành xử theo luật lệ. Nhưng Alaska cũng cho thấy rằng, Trung Quốc không muốn bị lép vế nữa và Trung Quốc không nhận sự áp đặt mà muốn hợp tác bình đẳng với Mỹ và với các nước khác.
Nhưng cuộc gặp Alaska cũng cho thấy khi có cạnh tranh nhưng họ vẫn gặp nhau, đặc biệt Trung Quốc vẫn đi sang Alaska để gặp, tức là nhu cầu hợp tác giữa họ, đặc biệt từ phía Trung Quốc để giải tỏa môi trường không thuận do cạnh tranh Mỹ – Trung đem lại là rất lớn. Trong trao đổi ở Alaska, Mỹ cũng vẫn để ngỏ cửa, liên quan đến biến đổi khí hậu, Triều Tiên, Myanmar, Iran và kiểm soát vũ khí. Nhưng dự tính, mặt cạnh tranh sẽ gia tăng nhiều hơn.
Đồng thời, trong 100 ngày qua, Biden có nói đến 3 sự rà soát lớn mà sau này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Thứ nhất, ông nói trong vòng 100 ngày sẽ rà soát chuỗi cung ứng để Mỹ tránh lệ thuộc vào một thị trường hoặc nguồn cung duy nhất, hàm ý là Trung Quốc.
Rà soát thứ hai là yêu cầu rà soát về các công nghệ chủ chốt, không để bị đánh cắp nhưng đồng thời gia tăng thế mạnh độc quyền của nước Mỹ, câu chuyện trừng phạt Huawei, ZTE cũng là để tạo thế hơn phân về công nghệ.
Thứ ba, rà soát về tái bố trí lực lượng quân sự: có thiết lập nhóm đặc trách nghiên cứu về vấn đề này ở Bộ Quốc phòng Mỹ. Trên thực tế là để giành trọng tâm cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và xem xét bố trí lực lượng như hiện nay liệu có đáp ứng hiệu quả răn đe của nước Mỹ trong cạnh tranh chiến lược nước lớn hay chưa.
Trong khi vẫn thừa kế những chính sách của Trump và có cập nhật nhưng dường như trong 100 ngày đầu tiên, chính quyền Tổng thống Biden mới có một số định hướng lớn nhưng chương trình hành động và biện pháp cụ thể vẫn còn đang định hình. Ví dụ, cạnh tranh Mỹ – Trung đến đâu, cạnh tranh mặt nào chưa thấy rõ biện pháp chính sách.
Bên cạnh đó, tình hình thế giới đã thay đổi, khiến việc triển khai chiến lược sẽ có khó khăn. Trung Quốc đã thay đổi, không muốn ở vị thế lép vế nữa và dường như đã chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ lâu dài, một trong những sách lược điển hình mà Trung Quốc đưa ra để phòng vệ trước Mỹ có chiến lược nền kinh tế tuần hoàn kép và đầu tư để có thể độc lập, tự quyết định được về khoa học công nghệ khi Mỹ đặt ra cấm vận.
Một điểm nữa cần lưu ý, Mỹ muốn dựa vào đồng minh và đối tác, thì các đồng minh và đối tác giờ vừa có khác biệt nhưng cũng có đan xen lợi ích với Trung Quốc, như vậy họ có thể đi cùng với Mỹ một số vấn đề nhưng cũng có những vấn đề hạn chế. Hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và châu Âu là một ví dụ.
Đặc biệt, trong bối cảnh các đối tác của Mỹ đều muốn vượt qua đại dịch và phục hồi về kinh tế, mà động lực của thế giới sau đại dịch đã được chỉ rõ là châu Á trong đó có Trung Quốc, thì rõ ràng các nước vẫn có nhu cầu hợp tác. Vậy làm sao gắn kết các đồng minh và đối tác trong câu chuyện Mỹ – Trung vẫn còn để ngỏ.
Nước Mỹ thời Biden hầu như vẫn tạm giữ tất cả những chính sách dưới thời Trump về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Trung Quốc.
Nhưng Mỹ giờ đây không chỉ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược mà còn cho rằng Trung Quốc là thách thức địa chiến lược của thế kỷ 21 và chỉ có Trung Quốc mới có đủ khả năng thách thức trật tự và giá trị của Mỹ và phương Tây.
Chính quyền hiện tại vẫn giữ nguyên các khoản thuế đánh vào hàng hóa từ thời kỳ Trump, vẫn giữ các biện pháp trừng phạt dưới thời Trump liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương, đồng thời gia tăng hơn nữa. Ngoài ram dường như thời Biden còn nhấn hơn quan hệ Mỹ – Đài Loan, dù chưa vượt qua ranh giới, vẫn công nhận “Một Trung Quốc”, nhưng rõ ràng Mỹ đã nồng ấm với Đài Loan hơn rất nhiều trong đó có câu chuyện bán vũ khí, thúc đẩy tiếp xúc và đi lại, thay đổi chỉ dẫn trong tiếp xúc đối ngoại của nước Mỹ với Đài Loan và vừa rồi cử 4 cựu quan chức cấp cao và cũng được coi là thân tín của Biden đi Đài Loan.
Bộ tứ Kim Cương sẽ là trụ cột hàng đầu trong cấu trúc an ninh
Điểm cuối cùng trong định hình khung chiến lược đối ngoại là rất chú trọng và coi là trọng tâm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong 100 ngày đầu tiên, ông Biden đã nhanh chóng hoàn thành bộ khung chủ chốt về đối ngoại và an ninh quốc gia: bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn ngay Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại diện Thương mại Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia, thêm chức Điều phối ở Hội đồng an ninh quốc gia về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và đề cử Đại sứ Mỹ ở Việt Nam làm Trợ lý Ngoại trưởng về khu vực Thái Bình Dương và Đông Á.
Với bộ khung nhân sự này, nước Mỹ có thể triển khai được chính sách ngay và hầu hết các nhân sự này đều thạo việc và thạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
100 ngày qua, chính quyền Biden thực sự triển khai khá đồng bộ, dồn dập, khẩn trương các hoạt động đối ngoại trên toàn tuyến: một loạt các cuộc điện đàm theo thứ tự ưu tiên đồng minh, đối tác để nói rằng chủ trương của nước Mỹ đã quay trở lại và nước Mỹ nhấn mạnh hệ giá trị, chuẩn mực dựa trên luật lệ.
Thứ hai, Tổng thống Biden có một loạt thông điệp bên ngoài tại Hội nghị an ninh Munich, dự và phát biểu ở G7. Trong câu chuyện này, Tổng thống Mỹ đưa ra nhiều quan điểm về đồng minh và cạnh tranh nước lớn, đồng thời khẳng định nước Mỹ quay trở lại thể chế đa phương và hợp tác quốc tế.
Một điểm nữa rất quan trọng là Tổng thống Biden triệu tập từ rất sớm Hội nghị trực tuyến Tứ giác Kim cương, cho thấy ông rất coi trọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sự phối hợp của nước Mỹ với khu vực và các đối tác và đồng minh của khu vực.
Thông điệp quan trọng nhất là muốn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực dựa trên luật lệ. Đồng thời, cho thấy Biden coi QUAD là trụ cột hàng đầu của cấu trúc an ninh khu vực, trong đó tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và thể chế hóa thêm QUAD, nhất trí có tham vấn thường xuyên, ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ít nhất một năm một lần, và trước cuối năm nay sẽ có một cuộc họp cấp cao trực tiếp.
Trong cuộc họp thượng đỉnh QUAD lần này, nước Mỹ xây dựng chương trình nghị sự mở và tích cực cho hợp tác với khu vực. Nếu chỉ nhằm vào cạnh tranh chiến lược nước lớn, hàm ý là kiềm chế Trung Quốc thì không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của các nước, vì mỗi nước có một lợi ích khác nhau, Nhưng trong cuộc họp lần này, cùng với trật tự dựa trên luật lệ, các nước cũng xây dựng được hợp tác về Covid-19, trong đó có dự án về vaccine, biến đổi khí hậu, công nghệ (xây dựng chuẩn mực về công nghệ cao).
Cũng ngay trong 100 ngày đầu tiên này, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có một loạt chuyến thăm, điện đàm quan trọng, trong đó có cuộc gặp 2+2 với Nhật Bản, với Hàn Quốc và chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng, tức là không chỉ có QUAD, mà còn nhấn mạnh đến châu Á – Thái Bình Dương với đồng minh chủ chốt. Với Nhật thì có câu chuyện về Trung Quốc và Đài Loan, lần đầu tiên Tuyên bố chung Mỹ – Nhật có nhắc đến hành vi sai trái của Trung Quốc rất mạnh mẽ, cảnh báo là Mỹ – Nhật sẽ tăng cường hợp tác nếu Trung Quốc có đe dọa Đài Loan; với Nhật còn có khẳng định lại điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung, đặc biệt là với đảo Senkaku (Nhật đang có tranh chấp với Trung Quốc).
Tổng thống Biden có những động tác thúc đẩy quan hệ Mỹ với các đồng minh, trong đó có việc cử Ngoại trưởng Mỹ đi dự các cuộc gặp của NATO và Liên minh châu Âu
Nước Mỹ trở lại một số thỏa thuận và thể chế đa phương như Hiệp định chống biến đối khí hậu, tái gia nhập WHO, triệu tập cuộc họp cấp cao về biến đổi khí hậu, và đặc biệt, khôi phục lại Thỏa thuận đa phương hạt nhân với Iran.
P.Q.V.
Nguồn: soha.vn