Tinh thần “Dĩ Bắc vi trung” trong huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ

Chu Mộng Long

Có thể đã từng diễn ra sự hòa trộn giữa hai dòng máu Hán – Việt suốt ngàn năm Bắc thuộc, nhưng không có chuyện người Hán là tổ tiên của người Việt. Chính người Việt hiểu sai lệch cội nguồn của mình mới có chuyện người Hán cho đến nay vẫn rêu rao tuyên truyền với thái độ trịch thượng, rằng người Việt hãy “Lãng tử hồi đầu”, tức đứa con hư hãy biết hối cải để được cha mẹ người Hoa tha thứ.

Một mục của bài viết công bố từ năm trước, sau đó tôi đưa vào công trình Giải huyền thoại, lý thuyết và ứng dụng. Bạn nào chưa đọc thì đọc lại.

Khi giải huyền thoại về cội nguồn người Việt, phần trước tôi đã vạch ra, cái huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ chỉ có thể ra đời từ khi chữ Hán được truyền bá sang Việt Nam, tức thời Bắc thuộc lần thứ nhất. Không ngẫu nhiên mà tên các nhân vật đến địa danh thời đất Việt chưa có chữ (hoặc chữ kiểu Việt?) lại toàn là âm và chữ Hán: Viêm Đế Thần Nông, Đế Nghi, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phong Châu, Động Đình, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận…

Phải chăng khi được giao giữ chức Thái thú Giao Châu, Sỹ Nhiếp, trong khi có công giữ yên mảnh đất này, đã bịa ra một huyền thoại về nòi giống Việt mà đời sau cứ tin theo và lưu truyền?

Tin vào huyền thoại giả tạo này thì ắt phải tin người Việt có gốc từ phương Bắc, vì cả Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là con cháu của Thần Nông, ông vua thuộc kỉ thứ 9 kể từ Nhân Hoàng trong huyền thoại của người Hán. Thần Nông nghĩa là người làm nông như thần chứ không phải theo cú pháp Việt là “ông thần làm nghề nông” như ông Trần Ngọc Thêm giải thích một cách ngô nghê trong sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Sách đầu tiên chính thức chép về chuyện này là Lĩnh Nam chích quái, vào thời Trần. Sau đó, các bộ sử từ Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sỹ Liên) trở về sau đều chép theo và tin như thật. Chỉ có Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sỹ (thời Tây Sơn) mới hoài nghi và cho là “thuyết vớ vẩn”, “quái đản”, “cần loại bỏ đi”. Một là, lấy gốc từ Nhân Hoàng đến Thần Nông là 10 kỉ, khi đó “cõi Nam dằng dặc, có núi sông tất có loài người”, lẽ nào phải chờ “mãi đến cháu bốn đời của vua Thần Nông là kỉ Sơ thất, bắt đầu của 10 kỉ, rồi sau mới có vị đế vương hay sao? Huống hồ sử thời Thần Nông chép rằng: “Phía Nam vỗ về đất Giao Chỉ”, thì vốn đã tự thành một nước, không lẽ không thống thuộc vào đâu”?.

Điều đó có nghĩa là:

Thứ nhất, trước khi con cháu Thần Nông đến đất phương Nam như huyền thoại kia bịa ra, nước Nam đã có người và có chủ chứ không thể là đất hoang;

Hai là, chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra trăm quả trứng nở ra trăm đứa toàn con trai thì duy trì nòi giống kiểu gì nếu không phải lấy đàn bà sở tại, hay thậm chí lấy lại mẹ mình khi chưa có cấm loạn luân của thổ dân đất Bắc?

Ba là, “nếu nói nước Văn Lang phía Bắc đến Động Đình, tức là thời Hùng Vương đã có đất bảy quận của nhà Hán. Xét ra Nam Hải, Quế Lâm và nửa Tượng Quận, từ thời Tần chưa đặt ra, trở về trước đều là nòi giống bộ lạc mọi rợ, như Đông Giao, Linh Bật đều xưng vương trưởng với nhau. Hùng Vương làm sao mà có được?”. Ý của Ngô Thì Sỹ là các địa danh trên hoàn toàn nằm ngoài địa phận Giao Châu mà sử sách người Hán đã ghi, do bịa đặt nên mới cái này chồng lấn lên cái kia. Bốn là, “lại làm một con tính, từ Kinh Dương Vương đến Hùng Vương gồm 20 đời, cộng 2622 năm, nhiều ít chia đều mỗi đời vua là 130 năm. Người chứ đâu phải vàng đá mà sống lâu được như Tiền Khanh?” [tr.46–53].

Không hiểu sao những điều hoài nghi của Ngô Thì Sỹ lại không được các sử gia đời sau giải đến tận cùng? Lại còn tiếp tục đưa vào sử sách để dạy con cháu ta và còn tạc tượng, lập đền để thờ cúng như là thờ cúng tổ tiên đích thực của mình? Phải chăng, cái hệ tư tưởng “dĩ Bắc vi trung” của Nho giáo đã ăn vào máu người Việt sâu đến mức quên hẳn cội nguồn đích thực của mình để vơ quàng vơ xiên nhận mình thuộc họ hàng phương Bắc (cho sang)?

Các khảo cứu từ dòng máu đến ngôn ngữ đều cho thấy người Việt có gốc từ chủng tộc Mường. Quyển sách La Province Muong de Hoa Binh (Chủng tộc Mường ở Hòa Bình) của người Pháp, Pierre Grossin, xuất bản năm 1926, có ghi lại truyện Trăm trứng nở trăm con rất đúng với tinh thần dân gian hơn là cái phiên bản toàn tên Hán ra vẻ bác học mà người Việt vẫn lưu truyền một cách nhảm nhí từ khi bị Hán hóa cả phong tục lẫn ngôn ngữ.

“Đất này vốn không có người ở. Một ngày nọ, một cây tươi tốt có tên “Si” đứng trên núi, bị một cơn bão mạnh quật ngã. Từ đây sinh ra 2 chú chim, chúng làm tổ trong hang Hào – mà ngày nay là “Hang Ma Chung Dien” ở làng Phù Nhiên, xã Ngọc Hào, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”.

“Chúng đẻ ra 100 quả trứng và 3 quả trong số trứng đó đáng chú ý vì kích thước của chúng và bởi chúng biến thành người. Từ đó sinh ra “Ay” và “Ua”, những người đầu tiên của tộc người Thổ. Năm tháng trôi qua mà không có quả trứng nào nữa nở. Tuyệt vọng, Ay và Ua đi vào trong rừng. Hai người gặp “Dam-Cu-Cha” và “Gia-Cha-Giang” và bày tỏ sự lo lắng của mình với họ. Các bà mụ khuyên rằng: ở loạt 50 quả trứng đầu, hãy xếp chúng xen giữa những tấm lót làm bằng cỏ thần này… Xếp xuống mặt đáy những quả trứng đang nằm trên cùng và đảo ngược chúng lại. Trong 50 ngày, 100 quả trứng sẽ nở”.

“Ay và Ua chỉ vừa kịp cảm ơn các vị thần thì họ đã mất hút vào khu rừng. Khi trở về hang của mình, Ay và Ua nhất nhất làm theo lời khuyên của các bà tiên. 50 ngày sau, 97 quả trứng đã nở thành các tộc người khác nhau; 50 sống ở đồng bằng và 47 sống ở vùng núi. Từ đó tạo ra dân Mường, Mán, Mèo, Tho-Dan và Tho-Trang”.

Có lẽ đây mới là truyện gốc, đúng nghĩa huyền thoại dân gian đất Việt. Tư duy truyện vừa hồn nhiên vừa đậm chất bản địa, kể cả trực giác về tiến hóa luận thô sơ. Vậy là người Hán khi xâm lược mảnh đất này, một mặt ra sức đồng hóa người Việt bằng cách hủy diệt cả một hệ thống văn hóa của người Việt, mặt khác đã Hán hóa cái huyền thoại dân gian của người Việt-Mường để người Việt quên hẳn tổ tiên của mình mà tôn thờ tổ tiên của người Hán.

Cuộc hủy diệt để đồng hóa đó đã làm cho hệ thống huyền thoại vốn trường thiên của người Việt cổ hoặc bị cô lập ở các tộc người bị đẩy ra ngoại biên thiểu số hoặc bị phân mảnh từng chuyện nhỏ và Hán hóa theo tinh thần “dĩ Bắc vi trung”. Không thể phủ nhận rằng, người Mường, tổ tiên đích thực của chúng ta, đã có huyền thoại Đẻ đất đẻ nước (dài 16 nghìn câu), mà cuộc sáng thế được ghi trong đó có thể sánh ngang hàng Cựu ước của người Do Thái. Cội nguồn tổ tiên ta nằm hết trong huyền thoại vĩ đại đó nhưng học sinh chỉ được học một cách qua loa. Cho nên, muốn thoát Trung để có được sự tự chủ, trước hết, cần dẹp bỏ cái huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ với tinh thần “dĩ Bắc vi trung” kia đi.

Có thể đã từng diễn ra sự hòa trộn giữa hai dòng máu Hán – Việt suốt ngàn năm Bắc thuộc, nhưng không có chuyện người Hán là tổ tiên của người Việt. Chính người Việt hiểu sai lệch cội nguồn của mình mới có chuyện người Hán cho đến nay vẫn rêu rao tuyên truyền với thái độ trịch thượng, rằng người Việt hãy “Lãng tử hồi đầu” (*), tức đứa con hư hãy biết hối cải để được cha mẹ người Hoa tha thứ.

(*) Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc trong một bài viết sau sự kiện Dương Khiết Trì thăm Việt Nam (2014) có câu: “Trung Quốc dụng tâm lương khổ, phụng khuyến Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (中国用心良苦,奉劝越南“浪子回头”).

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Hán hóa, Quan hệ Việt - Trung. Bookmark the permalink.