T.M.T.
(VNTB) – Chỉ vì không có sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân mà người dân đã bị phân biệt đối xử, và bị tước đoạt một phần quyền so với người khác.
Ngày 23 tháng 5 năm 2021 sắp tới được ấn định là ngày Bầu cử Quốc hội Khoá 15 và bầu Hội đồng nhân dân các cấp.
Điều 2, 29 và 30 Luật Bầu cử qui định mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều được ghi tên trong danh sách cử tri và đều có quyền bầu cử. Tuy nhiên, luật bầu cử này xác đinh người không có sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân thì chỉ được bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, mà không được bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã.
Như vậy, chỉ vì không có sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân mà người dân đã bị phân biệt đối xử, bị tước đoạt một phần quyền so với người khác.
Khoản 3 – Điều 29, Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân qui định: “Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi cư trú hoặc đóng quân”.
Luật qia Trương Minh Tam bày tỏ ý kiến:
Điều này thoạt nhìn có vẻ hợp lý về mặt hình thức. Cử tri là quân nhân trong các đơn vị vũ trang và người tạm trú thì đương nhiên không phải là người địa phương cấp xã. Do đó, các quyền lợi và nghĩa vụ công dân của họ không gắn liền với địa phương cấp xã nên không phải bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, cần phải xét đến một tồn tại xã hội không phải một sớm một chiều đã giải quyết được ở Việt Nam, đó là tình trạng di cư.
Ở Việt Nam đang tồn tại hai tình trạng di cư đó là di cư tự do do nhận thức lạc hậu của một bộ phận đồng bào thiểu số và di cư do đàn áp tôn giáo.
Dù là hình thức nào thì nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó vẫn là do nhà nước Viêt Nam đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đăc biệt của mình với dân. Chẳng hạn như do không có các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế xã hội nên đời sống của một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo không có điều kiện tiếp cân và bắt kịp sự phát triển chung của cả nước. Do đó, họ bị lạc hậu và dẫn tới sự tụt hậu và kém cỏi về nhận thức là điều đương nhiên.
Từ nhận thức lạc hậu thì việc di cư đi tìm nơi ở mới là bản năng không thể tránh khỏi. Hoặc khi người dân thực hiện quyền có đạo của mình, thay vì việc hướng dẫn người dân sinh hoạt tôn giáo cho phù hợp với trình độ phát triển của xã hội thì chính quyền lại tìm mọi cách cưỡng bức họ bỏ đạo với các hình thức độc đoán và hoàn toàn trái pháp luật như thời phong kiến: Tịch thu giấy tờ tuỳ thân, cưỡng bức rời bỏ bản làng khiến người dân sợ hãi, phải tìm đến rừng sâu, núi thẳm để lẩn trốn như những người H’Mông bị đàn áp tôn giáo phải bỏ quê hương Miền Bắc, di trú tại các tiểu khu 179, bản đoàn kết tỉnh Lâm Đồng v.v.
Với những người như thế, cơ hội để đăng ký tạm trú là hết sức khó khăn, nhiều khi là không thể bởi các qui định thủ tục hành chính ngặt nghèo của các địa phương nơi họ đang tạm trú. Không ai khuyến khích việc di cư tự do nhưng trách nhiệm giải quyết phải thuộc về nhà nước trong việc phối hợp giữa nơi đi và nơi đến để xác định nơi ở thực sự cho những người này.
Do đó, Điều 29 – Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND chính là một qui định thể hiện rõ tính chất thoái thác nghỉa vụ giải quyết tồn tại xã hội, đẩy người dân vào tình trạng công dân hạng hai, bị tước đoạt đi một phần quyền công dân quan trọng nhất của mình.
Nhà nước Việt Nam cần điều chỉnh lỗ hổng trong Luật Bầu cử có tính kỳ thị này bằng cách cấp giấy tuỳ thân tạm cho những người không có giấy tờ tuỳ thân, trong đó đặc biệt có người H’Mông đang phần lớn sống không giấy tờ tuỳ thân trên lãnh thổ Việt Nam, để họ có được tham gia bầu cử, được có quyền công dân.
Luật sư Trương Minh Tam đưa ra mẫu giấy tờ tuỳ thân cho cá nhân và tập thể giúp những người xin chính quyền cấp giấy tờ tuỳ thân để thực hiện quyền công dân, được bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã (1), (2).
Được biết tổ chức BPSOS đang vận động các Toà Đại sứ tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, USCIRF v.v. hỗ trợ việc yêu cầu chính phủ Việt Nam cấp giấy tờ tuỳ thân, dù là tạm, cho những người không có giấy tờ tuỳ thân vì những lý do khách quan như đã nêu ở trên.
Ghi chú:
VNTB gửi BVN