BBC tiếng Việt
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động chuyên gây quỹ từ thiện tại Hà Nội để giúp các tù nhân lương tâm tại VN, bị bắt ngay trong tuần lễ Việt Nam có nội các mới, do một cựu trung tướng công an đứng đầu ở cương vị tân thủ tướng.
Theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội, cơ quan này đã thi hành Lệnh bắt để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bị can Nguyễn Thúy Hạnh về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.”
Việc bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt đã tạo nhiều phản ứng.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh từng ra ứng cử trên tư cách ứng viên độc lập cho ghế Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2016 tại Hà Nội
Tổ chức quốc tế nói gì?
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) khu vực châu Á, bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 8/4:
“Việc bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho thấy tuyên bố của Việt Nam rằng nước này luôn đảm bảo nhân quyền chỉ là trò đùa.
Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Hà Nội luôn tìm cách thể hiện mình như là một nhà nước chừng mực, tiến bộ, nhưng ở trong nước, chính phủ nước này lại đang mở rộng việc đàn áp bất cứ ai cả gan nghi vấn hoặc thách thức sự lãnh đạo chuyên chế của đảng cộng sản. Với việc tiếp tục bách hại những người như bà Hạnh, Việt Nam cho thấy đây vẫn là một trong những chính phủ áp bức nhất châu Á”.
Trang mạng của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đưa ra thông cáo:
“Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là sự xâm phạm trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà đấu tranh nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước”.
“Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá tải và không đáp ứng được mức tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Việc bà Nguyễn Thúy Hạnh bị là đích ngắm vì việc làm nhân đạo hỗ trợ những người đi tù oan là một điều oái ăm. Bà lẽ ra nên được tôn vinh và ủng hộ cho việc này – chứ không phải bị trừng phạt”.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh (giữa) tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu năm 2018
Đồng thời Tổ chức Ân xá quốc tế cũng kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho bà Hạnh cũng như chấm dứt các cuộc tấn công liên hồi vào những người bảo vệ nhân quyền lẫn người chỉ trích ôn hòa.
“Các nhà chức trách phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội”, văn bản viết.
Mới đây, trên trang The Diplomat, tác giả Sebastian Strangio nhận định việc đưa một quan chức công an chuyên nghiệp như ông Phạm Minh Chính lên làm thủ tướng chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chiến dịch “đốt lò ” để diệt trừ tham nhũng.
Đồng thời, chính phủ mới sẽ tiếp tục đàn áp khắc nghiệt đối với phong trào ủng hộ dân chủ, tức đàn áp giới bất đồng chính kiến Việt Nam.
Dư luận nói gì?
Trên Facebook cá nhân, ông Trịnh Hữu Long – đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí viết: “Được tin chị Nguyễn Thúy Hạnh bị công an bắt đi sáng nay, dù không bất ngờ tôi cũng đau xót vì chị là người tôi vừa mến mộ về tấm lòng vừa khâm phục cách làm việc”.
Ông Long cho rằng đây nên được xem là vụ “bắt cóc vì không có lệnh, hoặc ít nhất là chưa ai thấy họ công bố lệnh, hoàn toàn trái với luật tố tụng hình sự. Tuy vậy, thông tin đến giờ cũng khá nhiễu loạn, chỉ biết là chị Hạnh bị công an bắt đi”.
Nhà báo này đánh giá:
“Công an có nghĩa vụ phải công bố thông tin này ngay, và tốt hơn cả là phải trả tự do cho chị Hạnh ngay. Chị ấy không làm gì trái pháp luật và lương tâm con người cả. Nếu quyên tiền giúp đỡ nhau miếng cơm miếng cháo lúc hoạn nạn mà bị cho là “chống chính quyền” thì đó là kiểu chính quyền gì?”.
Trên Facebook Khanh Nguyen (nhạc sĩ Tuấn Khanh) viết: “Theo các nhà quan sát, việc bắt giữ chị Nguyễn Thúy Hạnh có thể được xem như là một trong những cú dứt điểm của công an Hà Nội, để hoàn toàn quét sạch tất cả những trạm thông tin tự do, đem lại sự thật có thể gây bất lợi cho phía chính quyền”.
Bà Hạnh cùng chồng là nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh phản đối yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông
Nhiều người khác, như Nancy Hanh Vy Nguyen với gần 30.000 người theo dõi trên Facebook bày tỏ lo lắng về tình trạng của bà Hạnh trong trại tạm giam: “Hôm nay người ta bắt chị ấy đi rồi. Ở trong ấy chị chân yếu tay mềm thế kia, chẳng biết người ta có đánh chị không…”.
Đồng thời, dư luận cũng đặt câu hỏi gây quỹ là việc làm nhân đạo thì sao bị bắt.
Facebook Thu Duong viết: “Mới chat với chị Hạnh tuần trước. Không ngạc nhiên vì sống dưới chế độ độc tài toàn trị này, mỗi người dân chỉ là một tù nhân dự bị. Mong chị bình an và hy vọng có sức ép từ công luận quốc tế để chị sớm trở về với nhà tù lớn”.
Một người khác bình luận: “Ca sỹ Thuỷ Tiên năm ngoái (2020) bão lụt và sạt lở mấy tỉnh miền trung đã quyên góp được số tiền rất lớn… cùng chồng là Công Vinh nhiều lần đi giúp đỡ đồng bào miền Trung… liệu có sao không? Vì việc làm của Thuý Hạnh và Thuỷ Tiên thì có gì khác nhau đâu… cũng là đều đi làm việc từ thiện giúp người gặp khó khăn cả thôi mà?”.
Bình luận về sự việc, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Defenders) tuyên bố qua một văn bản: “Chúng tôi tin bà Hạnh chỉ hoạt động vì quyền con người và không vi gì phạm pháp luật Việt Nam. Việc bắt giữ bà là bất hợp pháp và tùy tiện, giống như hàng trăm vụ bắt giữ các nhà hoạt động trong những năm gần đây”.
“Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Hạnh, thông báo cho gia đình bà về tình trạng của bà cũng như cho bà được làm việc với luật sư”.
Việt Nam nói gì?
Hôm 07/4, thông tin về vụ việc, một thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội có tựa đề “Bắt giữ 01 đối tượng phát tán tài liệu chống phá Nhà nước” đưa tin:
“Ngày 07/4/2021, Cơ quan Anh ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bị can Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, HKTT, chỗ ở: Căn hộ 0412A, toàn R6, số 72A, Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt tạm giam về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015”.
Đồng thời, thông tin rằng các quyết định, lệnh của cơ quan an ninh điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội phê chuẩn.
Báo Lao Động có bài với tựa “Một phụ nữ chống phá nhà nước bị bắt” viết: “Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội vừa ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thuý Hạnh do có hành vi chống phá Nhà nước”.
Nguyễn Thúy Hạnh là ai?
Sinh năm 1963, bà Hạnh từng là ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập vào năm 2016 ở Hà Nội. Bà nổi tiếng với việc là người sáng lập ra và điều hành Quỹ 50K – với mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả phí luật sư cho các nhà hoạt động xã hội.
Sau đó, quỹ này tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Quỹ 50K của bà Hạnh được nhận Giải Thưởng Nhân Quyền Lê Đình Lượng năm 2019.
Ngoài ra, trong vụ Đồng Tâm, bà Hạnh còn gây chú ý khi dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình – người được cho là có uy tín và sức ảnh hưởng đối với người dân Đồng Tâm và là người đã thiệt mạng trong vụ bố ráp của chính quyền rạng sáng ngày 9/1 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Kiến nghị trên change.org yêu cầu Vietcombank tháo khoán số tiền phúng điếu cụ Kình trong tài khoản của bà Hạnh
Theo đó, số tiền nửa tỷ đồng phúng điếu cho ông Kình bị Vietcombank phong tỏa.
Tại thời điểm đó, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nói với phóng viên báo Pháp Luật rằng quyết định phong tỏa tài khoản nói trên là vì có “dấu hiệu khủng bố”.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thúy Hạnh, người có gần 46.000 người theo dõi trên Facebook cũng thường lên tiếng mạnh mẽ, cập nhật tình hình của những nhà hoạt động bị chính quyền đang áp và kêu gọi giúp đỡ cho các tù nhân trong các trại giam, hoặc cho thân nhân của họ.
Bà Hạnh được cho là tham gia nhiều cuộc biểu trào như biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng năm 2018 và nhiều phong trào phản đối lớn nhỏ khác.
Nguồn: bbc.com