Hạm Đội 7 xác nhận mẫu hạm USS Roosevelt tới Biển Đông tập trận

Apr 6, 2021

BIỂN ĐÔNG (NV) – Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ xác nhận nhóm tàu đặc nhiệm với mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông từ hôm 3 Tháng Tư để tập trận.

Bản tin hôm Thứ Ba, 6 Tháng Tư, của Hạm Đội 7 cho hay đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2021 đến nay, nhóm tàu Roosevelt gồm cả tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Russell đi vào Biển Đông tập trận. Lần tập trận trước, quy mô hơn, diễn ra hồi Tháng Hai còn gồm cả nhóm tàu đặc nhiệm của mẫu hạm USS Nimitz.

Máy bay khu trục huấn luyện lên xuống từ mẫu hạm USS Roodevelt. (Hình: US Navy)

“Trở lại Biển Đông để tái khẳng định với đồng minh và đối tác rằng chúng tôi vẫn cam kết giữ gìn quyền tự do hải hành ở khu vực,” Đề Đốc Doug Verissimo, tư lệnh Nhóm Tàu Đặc Nhiệm Số 9, được dẫn lời trên bản tin của Hạm Đội 7.

Ông cho hay trong suốt những ngày tham gia hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, họ đã chứng tỏ sự cam kết hành động theo luật lệ quốc tế, phối hợp với bằng hữu Úc, Ấn Độ, Nhật, Malaysia, Nam Hàn. Ông mong tiếp tục phối hợp với Hải Quân các nước có cùng chung một tầm nhìn về an ninh và ổn định tại vùng biển quan trọng nhất trên thế giới.

Đại Tá Eric Anduze, hạm trưởng mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, được dẫn lời cho hay, khi ở Biển Đông, nhóm tàu của ông sẽ tập luyện các máy bay chiến đấu, tấn công trên biển, chống tàu ngầm, phối hợp chiến thuật cùng nhiều đề tài khác.

Sự xuất hiện của nhóm mẫu hạm Mỹ trên Biển Đông khi đang có những căng thẳng diễn ra tại đá Ba Đầu, cụm đảo và bãi đá ngầm Sinh Tồn mà Việt Nam, Trung Quốc, Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Cụm này gồm 23 thực thể trong đó chỉ có đảo Sinh Tồn và đảo Sinh Tồn Đông là đảo nổi trên mặt nước. Các thực thể còn lại đều là bãi đá san hô, chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống thấp.

Tại cụm này, Trung Quốc cướp bãi đá Gạc Ma của Việt Nam năm 1988 sau khi giết 64 lính công binh CSVN đưa đến xây dựng cơ sở. Mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp đá Gạc Ma (Johnson South Reef), đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) thành các đảo nhân tạo khổng lồ rồi xây dựng căn cứ quân sự quy mô. Ngoài hai đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông, Việt Nam còn trấn giữ đá Len Đao và đá Cô Lin (Collins Reef/Johnson North Reef).

Philippines không chiếm và có căn cứ quân sự thường trực nào tại cụm Sinh Tồn nhưng vẫn tuyên bố chủ quyền trên cả cụm lấy cớ nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của nước họ.

Tàu dân quân Trung Quốc chiếm đóng khu vực Đá Ba Đầu hôm 27 Tháng Ba, 2021. (Hình: National Task Force-West Philippine Sea via AP)

Hôm Thứ Ba, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vẫn dối trá rằng các tàu dân quân biển bỏ neo đậu tại đá Ba Đầu (họ gọi là Ngưu Ách Tiêu) cả tháng nay chỉ là tàu đánh cá tới đó tránh “biển động.” Đồng thời vẫn ngang ngược nói cụm Sinh Tồn nằm trong phạm vi “Lưỡi bò” thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Dữ dằn hơn, cùng ngày, Bắc Kinh cho ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo, chửi ông Delfin Lorenzana, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, là “bù nhìn của Mỹ.” Ông ta dọa nếu quân đội Phi “hành động liều lĩnh” thì “Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ.”

Hôm Thứ Hai, 5 Tháng Tư, Bộ Ngoại Giao Philippines gửi công hàm thứ hai phản đối, thúc Trung Quốc rút hết các tàu cá khỏi đá Ba Đầu cũng như toàn cụm Sinh Tồn. Đồng thời bộ trưởng Quốc Phòng Philippines với sự hậu thuẫn của môt số dân cử địa phương tiếp tục lên án sự hiện diện của các tàu dân quân biển Trung Quốc.

Nay nhóm tàu mẫu hạm Mỹ USS Roosevelt tới Biển Đông khi đang gia tăng căng thẳng ở đá Ba Đầu sẽ được mọi phía theo dõi tin tức kỹ lưỡng hơn.

T.N.

Nguồn: nguoi-viet.com

Đọc thêm:

Tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc tung hoành ở Trường Sa

Đặng Sơn Duân

9-4-2021

1. Tàu tên lửa Type 022

Ngày 8.4, Trung Quốc đã sử dụng 2 tàu tên lửa Type 022 để ngăn chặn và truy đuổi một chiếc thuyền máy được các phóng viên Philippines thuê để tiếp cận bãi Cỏ Mây trong một sự kiện được đánh giá là bước ngoặt trong hoạt động triển khai của Trung Quốc ở khu vực.

Image

Ảnh chụp màn hình

Phóng viên ABS-CBN Chiara Zambrano cho biết nhóm của cô sử dụng một chiếc thuyền máy để quan sát các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực.

Chúng tôi đang trên đường đến Bãi Ayungin (Bãi Cỏ Mây) thì một chiếc tàu hải cảnh màu trắng của Trung Quốc tiến về phía chúng tôi. Nó di chuyển ngày càng gần và chúng tôi có thể thấy điều đó qua ống kính của mình. Sau đó, nó liên lạc qua vô tuyến bằng tiếng Anh hỏi chúng tôi là ai và chúng tôi đang làm gì trong khu vực.

Để tránh gây căng thẳng không cần thiết, họ quyết định quay đầu trở lại Palawan.

Nhưng những gì đã xảy ra là mặc dù chúng tôi đang hướng đến Palawan, chúng tôi đã bị con tàu hải cảnh Trung Quốc màu trắng này truy đuổi trong khoảng một giờ.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi các tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc xuất hiện và đuổi theo họ.

Sau đó, hai tàu nhỏ hơn nhưng nhanh hơn đã đuổi theo chúng tôi. Và khi chúng tôi kiểm tra, chúng tôi thấy rằng các tàu này là tàu tấn công nhanh Type 022 gắn 2 tên lửa.

Việc tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc được triển khai xuống Đá Vành Khăn đã được ghi nhận trong bản tin ngày 1.4, dựa vào bức ảnh chụp của phía Philippines. Tuy nhiên, đây là diễn biến nghiêm trọng bởi nó đánh dấu một bước leo thang mới khi Trung Quốc sử dụng tàu quân sự vào việc uy hiếp tàu bè các nước có tranh chấp ở Trường Sa.

Bãi Cỏ Mây vốn nằm cách Đá Vành Khăn khoảng 18 hải lý về phía đông nam. Sau khi Trung Quốc chiếm Vành Khăn năm 1995 và xây dựng cấu trúc ở đây vào năm 1999, Philippines đã ủi tàu BRP Sierre Madre lên Bãi Cỏ Mây tạo thành nơi trú đóng cho một nhóm binh sĩ của nước này. Kể từ năm 2014, Trung Quốc thường xuyên sử dụng tàu hải cảnh ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Philippines cho Bãi Cỏ Mây.

Với khoảng cách chỉ 18 hải lý giữa Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây, 2 tàu Type 022 nhiều khả năng đã nhận được yêu cầu tăng viện từ tàu hải cảnh Trung Quốc sau khi phát hiện thuyền máy của nhóm phóng viên Philippines.

Một bức ảnh vệ tinh của Sentinel-2 ngày 8.4 cho thấy hai tàu Type 022 ở cách Bãi Cỏ Mây khoảng 13 hải lý về hướng đông nam. (Độ phân giải của ảnh không cho phép xác định dứt khoát, nhưng dựa vào kinh nghiệm quan sát các tàu Type 022 qua ảnh vệ tinh ở các khu vực khác trước đây, tôi khá chắc chắn đây là 2 tàu Type 022).

Ảnh tư liệu

Chuyên gia an ninh biển người Singapore Collin Koh đã đưa ra những nhận định rất đáng tham khảo về sự kiện này trong một thread trên Twitter ngày 9.4.

Cá nhân tôi cho rằng chiếc thuyền máy của các phóng viên Philippines không phải là mối đe dọa lớn đối với phía Trung Quốc và trên thực tế họ đã quay đầu khi gặp tàu hải cảnh Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn điều 2 tàu Type 022 ra khu vực. Ý định của Trung Quốc nhiều khả năng là thị uy với “màn chào sân” của Type 022 ở Trường Sa. Nghĩa là chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều màn tung hoành khác của loại tàu tên lửa này ở khu vực trong tương lai.

Sử dụng tàu quân sự hỗ trợ tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu cá không phải là một chiến thuật mới của Trung Quốc. Người ta thậm chí đã đặt cho nó một cái tên là chiến thuật “Cải bắp”. Tuy nhiên, trước đây tàu quân sự không ra mặt mà chỉ giữ vị trí hỗ trợ từ phía sau. Nay thì tàu quân sự đã tiến lên phía trước để trực tiếp uy hiếp tàu dân sự của các nước khác.

Vì thế, sẽ không quá lời khi gọi sự kiện này là một bước ngoặt, đánh dấu một mức độ leo thang mới của Trung Quốc trong các hành vi gây hấn ở khu vực, khi Bắc Kinh không còn núp sau chiến thuật “tàu thân trắng”, tức trên danh nghĩa chỉ sử dụng các tàu chấp pháp.

2. Mỹ biểu dương lực lượng ở Biển Đông

Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến hành cuộc tập trận với nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island ở Biển Đông trong ngày 9.4.

Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island, vốn thường được xem là tàu sân bay cỡ nhỏ, cùng tàu USS San Diego vốn băng qua eo Malacca để vào Biển Đông vào ngày 8.4, trong khi tàu USS Theodore Roosevelt cũng vừa kết thúc cuộc tập trận với không quân Malaysia ngày 7.4.

Ngoài tàu sân bay, nhóm tàu USS Theodore Roosevelt bao gồm tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) và khu trục hạm USS Russell (DDG 59). Nhóm USS Makin Island có sự góp mặt của tàu đổ bộ đường biển USS San Diego (LPD 22) và tuần dương hạm USS USS Port Royal (CG 73).

Một tàu khác trong nhóm của USS Makin Island là USS Somerset (LPD 25) cũng đang băng qua eo Malacca trong hôm nay để vào Biển Đông, sau khi nán lại vịnh Bengal để tập trận La Perouse với Quad và Pháp ở vịnh Bengal.

Động thái của Mỹ diễn ra giữa lúc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được triển khai xuống khu vực Biển Philippines và tiến hành tập trận ở vùng biển gần Đài Loan. Không loại trừ khả năng tàu sân bay này sẽ tiến vào Biển Đông trong những ngày tới.

Đ.S.D.

Nguồn: duandang.substack.com

This entry was posted in Biển Đông, Chính sách đối ngoại của Joe Biden, Quan hệ Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.