Trương Trọng Nghĩa
Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì “niềm tin vào quyền tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. Và những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ, thông qua hoạt động tố tụng của mình.”
LTS: Sáng nay (30.3), kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã có ý kiến phát biểu, trong đó nêu lên một số mong mỏi và bức xúc của cử tri về những tồn tại của hoạt động xét xử và kiểm sát, hy vọng sẽ được quan tâm nghiên cứu, khắc phục để hoạt động tư pháp chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới. Người Đô Thị Online giới thiệu toàn văn phát biểu trên của đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường. Ảnh: quochoi.vn
Trước hết, tôi nhất trí với những ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về Báo cáo nhiệm kỳ của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Giống như các Đại biểu đã phát biểu về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, có rất nhiều tiến bộ, thành tích và điểm sáng trong hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động xét xử và kiểm sát nói riêng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.
Giờ đây, vào cuối nhiệm kỳ, chúng ta có thể khẳng định đã đạt được mục tiêu kép, kiểm soát được đại dịch và kinh tế tăng trưởng dương, và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn trong năm 2021. Đa số nhân dân, cử tri và Đại biểu Quốc hội đều thống nhất rằng, thành tích đáng tự hào đó là nhờ vào sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của Đảng, của Nhà nước và toàn thể nhân dân. Như nhiều Đại biểu đã phát biểu hôm qua, Tổng bí thư – Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ đã hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm lãnh đạo đất nước vượt qua thách thức, không để xảy ra khủng hoảng. Tôi muốn bổ sung rằng: trong thành tích vượt qua đại dịch đó có đóng góp không nhỏ của hoạt động xét xử và kiểm sát, của các lực lượng bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị và kinh tế, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của nhân dân.
Nhân tổng kết nhiệm kỳ, tôi cũng xin nêu lên một số mong mỏi và bức xúc của cử tri về những tồn tại của hoạt động xét xử và kiểm sát, hy vọng sẽ được quan tâm nghiên cứu, khắc phục để hoạt động tư pháp chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Trước hết, tuy những tư tưởng và quan điểm tiến bộ của Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013, và được bổ sung, sửa đổi trong các đạo luật về tòa án, kiểm sát, hình sự và tố tụng hình sự, điều tra, giam giữ, thi hành án, nhưng thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố và xét xử cho thấy, không ít trường hợp, các điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên vẫn chưa thay đổi tư duy, thói quen và nhận thức để phù hợp với những quy định mới đó. Các nguyên tắc “suy đoán vô tội” và “bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa” chưa được áp dụng triệt để.
Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ định bằng quyền lực của công tố và thẩm phán, không phải bằng các chứng cứ, luận cứ khách quan, khoa học, khiến cho có những bản án tuy có “khẩu phục” nhưng không được “tâm phục”. Nhiều trường hợp, người bị tạm giữ hay tạm giam, mà theo luật họ là người chưa có tội, nhưng phải chịu những điều kiện giam cứu khắc nghiệt hơn là khi thi hành án. Vẫn còn tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ, tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử thì cũng là khuyết điểm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Các thời hạn, thời gian tố tụng và thi hành án bị trễ hạn rất thường xuyên, kể cả trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí bị quên lãng. Có trường hợp bản án đã bị hủy, sửa vì sai sót, nhưng thẩm phán khi xét xử lại vẫn theo ý mình, bất chấp ý kiến giám đốc thẩm của tòa cấp trên. Có những bản án dựa trên những luận cứ sơ sài, bất hợp lý, không xem xét chứng cứ toàn diện, khiến cho đương sự bức xúc, cho rằng có tiêu cực. Nhiều bản án thiếu đầu tư công sức và trí tuệ khi soạn án văn, nên có những án văn sơ lược, vụng về. Không ít doanh nhân trong và ngoài nước hết sức lo lắng khi có những phán quyết trọng tài thương mại bị tòa án hủy bỏ vì những sai sót tiểu tiết, hoặc những lý do vô lý, khiến họ rất ngại khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Kính thưa Quốc hội,
“Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là lý tưởng, là mục tiêu phấn đấu mà Đảng đề ra và được ghi trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Không ai có thể bác bỏ ý nghĩa tốt đẹp và đúng đắn của những mục tiêu này. Trong những mục tiêu đó, hoạt động tư pháp liên quan và đóng góp trực tiếp vào mục tiêu “công bằng”. Bác Hồ nói: không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Nghĩa là: khi đất nước còn nghèo khó mà được đối xử công bằng thì người dân vẫn chấp nhận chịu đựng để vượt qua, còn khi đất nước giàu có lên, không còn thiếu đói nữa, mà bị đối xử bất công thì người dân vẫn bức xúc, lòng dân vẫn không yên. Khi có tranh chấp, vi phạm, khi người dân bị bắt nạt, lừa đảo, xâm hại, họ chờ đợi nhà nước, mà trực tiếp là các cơ quan tiến hành tố tụng, khôi phục công bằng cho họ, nghĩa là ban hành một quyết định, một phán quyết dựa trên công lý, tượng trưng cho công lý. Muốn có công bằng thì phải có công lý, bởi vì công bằng phải được bảo đảm bằng công lý. Và đó là nhiệm vụ chủ yếu của quyền tư pháp. Niềm tin vào quyền tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. Và những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ, thông qua hoạt động tố tụng của mình.
Muốn vậy, họ phải giữ được liêm chính, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của các nước, kể cả của ông cha ta, để giữ được liêm chính thì phải dưỡng liêm, mà cách dưỡng liêm có hiệu quả nhất là, cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân, nhà nước phải bảo đảm thu nhập cho họ, ít nhất ở mức trung bình của xã hội. Ngay cả ở các nước phát triển nhất, làm quan tòa thì không thể giàu, nhưng nhà nước không thể để cho họ thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội. Năm 1986, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 100 US, năm 2020 là 3500 US, tăng 35 lần. Chúng ta thử hỏi: lương của thẩm phán và kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa?
Nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng, cùng với một quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài, tôi tin rằng, cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước. Đó là: người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ, dù họ giàu hay nghèo; và công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán, như Nguyễn Du đã từng miêu tả trong Truyện Kiều thời xưa. Được vậy thì người dân không cần đi tìm xem Bao Công trong phim Trung Quốc, bởi vì đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương, bằng thịt trong mỗi tòa pháp đình trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Xin cám ơn Quốc hội.
Nguồn: Người Đô Thị