Tương Lai
Mấy ngày rồi rộn ràng chuyện “trọng dụng nhân tài”. Chắc là muốn quảng cáo cho việc bầu cử Quốc Hội mà “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 106” đã có lời bình về chuyện “phấn đấu có từ 25 đến 50 người ngoài đảng”.
Cũng tốt thôi. Xem tivi, thấy người ta đã vời những chuyên gia từng có nhiều ý kiến sắc sảo về những vấn đề “nhà nước pháp quyền” về “chức năng của Quốc hội” đăng đàn diễn thuyết về “nhân tài” và hào hứng nói thêm về hai từ “trọng dụng” để nhấn mạnh rằng đây là “điểm mới đáng lưu ý”. Thì cứ cho là “mới” đi cho xôm trò!
Mà quả là thế, rất “mới” đối với cách “quy hoạch” và “cơ cấu nhân sự” theo đúng “quy trình” của thể chế toàn trị Nguyễn Phú Trọng “nhốt quyền lực vào trong một cái lồng” mà Trọng đã lặp lại nguyên văn câu của Tập Cận Bình từng nói như bài trước đã vạch rõ. Vì thế, tuy rất mới với não trạng của kẻ đang bằng mọi thủ đoạn lươn lẹo để chiếm được cái ghế cao nhất, bất chấp liêm sỉ, kể cả giẫm đạp lên Điều lệ Đảng, nhưng lại rất cũ so với ông cha ta đã từng làm.
Thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ đã ban “Chiếu cầu hiền” với những lời vừa nghiêm cẩn vừa thiết tha “…Trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước”. Sau khi nói rõ việc tiến cử người tài sẽ được trọng thưởng như thế nào, Chiếu viết: “Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người tài cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng phải chịu khuất ở hàng quan thấp không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được?”. Kết thúc bản Chiếu, sau khi khẩn thiết chỉ dụ các trọng thần và quan lại “Hãy đem hết lòng thành lo việc tiến cử”, nhà vua còn tế nhị đề cập đến tâm trạng của nhân cách kẻ sĩ: “Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”. Sự tế nhị, thấu tình đạt lý về sự trân trọng nhân cách kẻ sĩ ấy thể hiện một tầm cao văn hóa ứng xử của bậc quân vương (cũng có phỏng đoán rằng Nguyễn Trãi vâng chỉ Vua soạn bản Chiếu có ý nghĩa lịch sử ấy).
Nói lên điều này nhằm đối chiếu cái tầm văn hóa của đảng cầm quyền ở buổi mạt triều này trong ứng xử với trí thức nói riêng và người dân nói chung! Nếu ở buổi đầu, khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự nhận khuyết điểm: “ …Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin nhận”. 2.Thì nay, sau 76 năm cầm quyền, người ta lại dám hàm hồ, xấc xược đề ra chỉ tiêu phấn đấu có “từ 25 đến 50 người ngoài đảng” trong số 500 đại biểu Quốc hội đại diện cho gần 100 triệu dân! Gần một trăm triệu dân ấy ủy quyền cho “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” để vận hành bộ máy quản lý xã hội và bảo vệ đất nước “của dân, do dân và vì dân” như hàng ngày họ vẫn rao giảng!
Vậy thì nhân danh ai mà họ đề ra chỉ tiêu này?
Nhân danh Quốc hội ư? Nếu thế thì cần nhớ rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đúng thế, là cao nhất chứ không phải là tất cả. Chỉ nhân dân mới có “tất cả quyền lực”, dân trao quyền lực ấy cho Quốc hội qua phổ thông đầu phiếu. Nói “quyền hành và lực lượng đều nơi dân” chính là nhằm khẳng định điều cốt tử ấy! Và đó cũng là điều bi thảm của lịch sử loài người trên hành trình đi tìm tự do: làm sao trao quyền, ủy quyền mà không mất quyền, không bị cướp quyền. Trên thực tế, quyền ấy đã bị cướp mất ở những đất nước chịu sự cai trị của một thể chế độc tài toàn trị như thể chế do Nguyễn Phú Trọng thao túng hiện nay. Hoặc như thể chế độc tài toàn trị dưới họng súng của tướng lĩnh quân sự ở Mianma mà máu của nhân dân đang thấm đẫm đường phố, trong đó cô gái anh hùng Kyal Sin đã ngã xuống nhưng dòng chữ cô viết lên ngực “Everything will be OK – Mọi việc sẽ tốt” đã giục giã thanh niên và nhân dân Myanmar vùng lên mà cậu học sinh 17 tuổi Sithu Shein đã lao lên tuyến đầu và cũng đã ngã xuống dưới làn đạn.
Hay là nhân danh đảng cầm quyền để ban phát cho các trí thức, nhân sĩ ngoài đảng “chỉ tiêu” ấy? Nếu vậy thì đây là một ví dụ thật nổi bật về sự tha hóa, sự thối rửa của quyền lực [quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối] (trong tiếng Anh, từ corrupt cũng có nghĩa là thối rữa).
Không chỉ tha hóa và thối rữa mà đảng đã cướp quyền của dân, tự cho phép đứng trên Hiến Pháp như Trọng từng tuyên bố. Vậy thì căn cứ vào đâu để đưa ra cái gọi là “chỉ tiêu phấn đấu” để có “từ 25 đến 50 người ngoài đảng” trong gần một trăm triệu dân được là đại biểu Quốc hội? Tại sao phải phấn đấu và ai phải phấn đấu đây? Có phải là căn cứ vào ý muốn của đảng, đúng hơn là ý muốn của Nguyễn Phú Trọng và bộ máy quyền lực do ông ta dung dưỡng và thao túng đã từng ngang ngược đặt “Cương lĩnh của Đảng” lên trước Hiến pháp? Hàng ngày các loa tuyên truyền mở hết công suất để ra rả kêu gọi “Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng trên thực tế thì họ đang đi ngược với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh!
Hồ Chí Minh từng khẳng định “…Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân, Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra, Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên …”.1 Khi hỗn xược đề ra chỉ tiêu cho trí thức và nhân sĩ ngoài đảng “họ quên rằng: so với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không thể làm được việc gì hết. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi!”3. “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ Trung ương là người trí thức”. 4 Khi chỉ ra điều này, Hồ Chí Minh còn chưa hình dung nổi những hình thái biến hóa quá khủng khiếp về sự tha hóa của quyền lực khiến cho đảng không chỉ ôm lấy hết mà đảng trở thành độc quyền, ngồi lên trên Hiến pháp, duy trì một nền pháp luật không có công lý. Nếu vào những năm 40, 50 của thế kỷ XIX, Chính phủ Kháng chiến của Hồ Chí Minh thu hút vào mình những trí thức nhân sĩ nổi tiếng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Phan Kế Toại, các bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Trần Đăng Khoa, Vũ Đình Hòe… chiếm hơn môt phần ba thành viên Chính phủ thì vang bóng một thời đó đã chìm mất tăm với thể chế toàn trị độc quyền của Đảng kể từ thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, công khai ban phát trên dưới dăm chục trí thức nhân sĩ ngoài đảng trong gần trăm triệu dân được là “đại biểu Quốc hội”!
Mặc dù Hồ Chí Minh đã có những tiên cảm về sự tha hóa của quyền lực nên từ rất sớm đã đưa ra lời khẳng định mang tính cảnh báo: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”.5 nhưng cái quy luật nghiệt ngã về sự tha hóa của quyền lực lại đang phát huy mạnh mẽ mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn, vượt xa sự tiên liệu của Hồ Chí Minh!
Nên nhớ rằng những khẳng định có tính chất cảnh báo này được đưa ra trong một bối cảnh đặc biệt: Cuộc kháng chiến toàn quốc đã nổ ra được hơn hai tháng, trước khi trở về lại Tân Trào tiếp tục lãnh đạo kháng chiến, ngày 19-2, từ Chùa Thầy ở Quốc Oai, Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh – trên chiếc xe Jeep cũ kỹ – đi theo tuyến Sơn Tây – Hòa Bình, khoảng 2-3 giờ sáng ngày 20-2 đến Chi Nê, Hòa Bình rồi từ đây đi tiếp khoảng 7-8h sáng đến Thanh Hóa. Sáng ngày 20-2, nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông, buổi chiều, gặp gỡ các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tại Trại Phủ Hùng, gần tối nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa tại nhà Bác Cổ. Khoảng chập tối cùng ngày, rời Thanh Hóa về lại Chi Nê (Hòa Bình), rồi lên Tuyên Quang.
Vấn đề đặt ra là, khi lên đường trở lại chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, Hồ Chí Minh – bằng sự từng trải qua thực tiễn sống động trong những cuộc bôn ba ở nhiều nước khác nhau – đã nhận ra được sự lầm than của nhân dân bị cướp mất quyền. Họ chỉ là những viên đá lát đường cho một thiểu số giẫm lên đó mà leo lên ghế quyền lực.
Lời khẳng định “Chính phủ là đầy tớ của dân” khi cuộc Kháng chiến chống thực dân xâm lược bắt đầu và sẽ còn kéo dài. Việc giữ gìn và phát triển Chính quyền cách mạng, đầu não của cuộc kháng chiến, làm sao cho chính quyền ấy không bị tha hóa thể hiện một tầm nhìn chiến lược mà những học trò của ông đang còn thiếu, để rồi vào buổi mạt kỳ thì bung bét theo đúng quy luật nghiệt ngã của nó. Nghịch lý này ngày mỗi tồi tệ mà ai cũng thấy.
Xin dẫn ra đây những kiến giải giàu sức thuyết phục của Cao Huy Thuần trong một bài viết súc tích và nhuần nhị “Con người không có cánh” mà tôi đã đưa lên trong “Điểm tin đáng đọc” số 105: “Lịch sử, theo Pareto, chẳng có gì khác hơn là “”nghĩa địa của thiểu số thống trị”: thiểu số này nằm xuống thì thiểu số khác lên thay. Và vì bản chất của thiểu số nằm xuống khác với bản chất của thiểu số đang vươn lên, cho nên lịch sử biến chuyển… Tổ chức càng lớn dần thì sự kiểm soát của quần chúng càng chỉ có tính cách hư ảo, vì quần chúng thiếu thì giờ, thiếu chuyên môn, thiếu quyền uy.
Cơ cấu nào, nhiệm vụ nào đều có khuynh hướng tự nhiên là phân biệt ra mãi; một đảng cũng thế, lúc đầu là quần chúng, sau đó là những người cầm đầu, những người nắm những chức vụ thường xuyên. Các tay làm chính trị chuyên nghiệp đẩy dần vào bóng đêm những người đã có công xương máu, để nắm thực quyền trong mọi tổ chức… ở đâu cũng chỉ một luật thép này thôi: “Luật thép của thiểu số”. Đó là câu nói và lý thuyết nổi tiếng của Roberto Michels… trong bất cứ chính thể nào, dân chủ hay không, quyền hành đều nằm trong tay một nhóm người”.
Cứ nhìn cách cơ cấu nhân sự từ Đảng, đến Chính phủ, đến Quốc hội hiện nay để thấy rõ mồn một những ví dụ sống động cho những luận điểm vừa dẫn ra ở trên.
Nếu Hồ Chí Minh đòi “Đưa chính trị vào giữa dân gian”. Vì “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”6 thì với những hậu duệ phản phúc, mọi việc đều được bàn kín theo quyết định của một nhóm người nắm trong tay quyền lực dưới sự thao túng của Nguyễn Phú Trọng. Ông ta phải làm thế vì ông ta biết rời quyền lực ra, số phận ông ta sẽ thế nào!
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh có những bình luận đúng: “Tôi cho rằng cách thức tuyển chọn dàn nhân sự cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến hiện thời vẫn theo lối truyền thống, kiểu Liên Xô trước kia hay Trung Quốc hiện nay… Chọn ai, bỏ ai là đặc quyền của nhóm lãnh đạo, chứ không phải của dân. “Cách tuyển lựa nhân sự này… lạc hậu và lạc điệu so với các nước dân chủ văn minh ngày nay.
Chỉ định người quản trị xã hội từ cấp thấp nhất đến cao nhất của Đảng, như chúng ta thấy, đã gạt bỏ quyền của người dân chọn người lãnh đạo họ. Hệ quả theo tôi là, thứ nhất đảng chỉ chọn được người hợp ý mình, chưa hẳn được dân chúng tin, yêu. Thứ nhì, nguồn lực tài năng quản trị xã hội của đất nước bị lãng phí, nạn mua quan bán chức, cả nhà làm quan, gắn chặt với phương thức tuyển chọn nhân sự này như hình với bóng. Và cuối cùng, thứ ba là có rủi ro lớn, bằng chứng là nhiều cán bộ cao cấp từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, các bộ trưởng, thứ trưởng, các tướng lĩnh quân đội và công an được chọn, đề bạt tại Đại hội XII đã bị kỷ luật Đảng và chính quyền.”
Từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn thì cho rằng: “Công tác quy hoạch nhân sự cho Đại hội 13 hình như gặp nhiều khó khăn hơn so với các kỳ đại hội trước. Bằng chứng, là người ta cần đến nhiều Hội nghị TW cho việc này hơn so với các kỳ đại hội trước. …Nếu tất cả mọi người đều thực sự trung thành với Đảng, tuân thủ kỷ luật Đảng, sẽ không bao giờ có những thông tin được lọt ra bên ngoài nhanh đến vậy. Từ đó, không khó để có thể dự đoán và bàn luận về khả năng tồn tại “một bộ phận hai mặt” trong nội bộ Đảng.
Riêng câu chuyện về “tứ trụ”, tôi thấy có gì đó hơi buồn cười. Việc lựa chọn Tổng Bí thư đương nhiên là câu chuyện của nội bộ Đảng, của mỗi kỳ Đại hội. Nhưng các vị trí Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ là chuyện của nhân dân, thông qua đại diện của mình là các đại biểu Quốc hội. “Sự sắp xếp các vị trí đó trước khi Quốc hội khóa mới được bầu chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người hoài nghi về vai trò thực sự của nhân dân và bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” (BBC ngày 22.1.2021)
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu và hiểu kỹ về Việt Nam suốt gần ba thập kỷ đã đưa ra một nhận định thật sắc sảo khi trả lời câu hỏi của BBC ngày 1.2.2021: “Liệu có phải ông Trọng lại được chọn làm tổng bí thư là một sự tín nhiệm mạnh mẽ hay là kết quả của chính sách khéo léo của ông ta?”.
Carl Thayer: “Cả hai điều đều không. Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang bị bệnh “xơ cứng động mạch”, và nó đang ngăn dòng máu mới dẫn tới não. Để lên vị trí cao nhất, bạn phải ở trong Bộ Chính trị 5 năm. Để được vào Bộ Chính trị, bạn phải ở trong Ban Chấp hành Trung ương 5 năm …Một bí thư tỉnh xuất sắc, một người xuất sắc trong bộ máy hành chính thế nào đi chăng nữa, dường như không có cơ hội vì họ phải đánh mốc thời gian trên một chiếc thang cuốn mà phải cần 5 năm để đi lên. Và sau đó lại tốn thêm năm năm dài nữa để lên tiếp. Đối với tôi đó mới thật sự là vấn đề”.
Nói Carl là chuyên gia kỳ cựu và hiểu kỹ về Việt Nam suốt gần ba thập kỷ vì tôi hiểu rõ điều ấy. Năm 1991, tôi sang Canberra dự một Hội thảo khoa học tại ANU – Đại học Quốc gia Australia – đã có dịp chuyện trò với Carl, khi anh đang là Chủ tịch Hội Hữu Nghị Australia-Việt Nam. Anh mời tôi dùng bữa tối tại nhà anh chị. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chị là người Pakistan. Trong câu chuyện, tôi biết anh hiểu khá rõ về Việt Nam. Sáng hôm sau, tại phòng làm việc của anh trong Học viện Quốc phòng Australia, tôi càng hiểu thêm điều đó.
Một giá sách chạy dài suốt cả bức tường bên trái đựng hồ sơ tài liệu nghiên cứu. Dừng lại ở một khung đựng tư liệu về báo chí tiếng Việt, kéo cánh cửa kính, từng chồng báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân xếp theo thứ tự năm, tháng. Tiếp đó là chồng báo Sự Thật, báo Cứu Quốc cũ và mới đến từ Hà Nội và sách báo của các tác giả có tên tuổi viết về Việt Nam… Tôi hỏi Carl: “Làm sao anh có được những thứ này?”. Anh cười, nụ cười rất hóm: “Thì tôi phải đặt họ tìm mua, phải tốn khối tiền để CIA tìm mọi cách có cho tôi loại báo quý hiếm đó, như anh thấy”! Thì ra là vậy. Khi Carl Thayer nhấn mạnh: “[…] phải đánh mốc thời gian trên một chiếc thang cuốn mà phải cần 5 năm để đi lên. Và sau đó lại tốn thêm năm năm dài nữa để lên tiếp. Đối với tôi đó mới thật sự là vấn đề”, tôi đọc thấy trong đó một mối quan tâm sâu sắc về tình hình chính trị của Việt Nam, về triển vọng sắp tới của một đất nước mà ông đã gắn bó suốt ba thập kỷ trên tư cách là một học giả, một nhà báo có lương tâm và trách nhiệm. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản phẩm viết về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Tuy đã chính thức nghỉ hưu từ cuối năm 2010 song ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu và xuất bản sách. Ông đã xuất bản trên 380 ấn phẩm, cả cá nhân và hợp tác với đồng sự.
‘Bệnh “xơ cứng động mạch” đang ngăn dòng máu mới dẫn tới não’ là một nhận định thâm thúy về nguyên nhân trì trệ của bộ máy lãnh đạo và hệ thống vận hành guồng máy hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam suốt bốn thập kỷ qua, đặc biệt là trong hai thập kỷ cuối với các triều Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và nhất là Nguyễn Phú Trọng tôi đã đề cập đến trong “Mênh mông thế sự” số104, nay chỉ thêm vài ý.
Nếu năm 1946, hầu hết nhân viên trong Chính phủ Trung ương là người trí thức 7 trong đó hơn một nửa là nhân sĩ trí thức ngoài Đảng, thì nay, trong cơ cấu thành phần Chính phủ mà Đại hội XIII đã quyết định thì hoàn toàn ngược lại. Tất cả Bộ trưởng đều là Ủy viên Trung ương, các Thứ trưởng đều là đảng viên. Các vị trí chủ chốt trong Quốc hội cũng vậy. Trước Đại hội XIII còn được vài tiếng nói phê phán cách làm việc tệ hại của Tòa án với những bản án bỏ túi, đặc biệt là phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, phơi bày một nền tư pháp chà đạp lên công lý. Thì vừa rồi, trong phiên họp tổng kết hoạt động của Quốc hội, những tiếng nói hiếm hoi đó đã phải câm bặt! Tại sao, thì mọi người đều biết, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều biết, nhưng chẳng ai dám hé răng.
Phải chăng vì thế, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội công khai và minh bạch bày tỏ quan điểm của mình: “Nếu vào được Quốc hội tôi sẽ không chịu bị biến thành nghị gật. Nghị gật có hai loại. Loại một là tự mình, loại hai bị biến thành. Tôi không thuộc loại một và kiên quyết không trở thành loại hai dù có được mua chuộc như thế nào hoặc chịu những áp lực nặng đến đâu. Nghị gật chủ yếu là một số người được cơ cấu, gồm hai thành phần, một là những người kém trí tuệ, thiếu bản lĩnh, hai là một số quan chức. Vì kém trí tuệ nên chỉ biết gật hoặc lắc theo hướng dẫn, theo xu thế. Là quan chức nên đã biết trước, đã bàn trước những việc đem ra Quốc hội, họ thừa biết việc thảo luận đó, chỉ là hình thức, thế thì quan tâm làm gì. Để cho hai thành phần này vào chiếm ghế ở Quốc hội là một sự lãng phí lớn về trí tuệ của dân tộc, là một sự coi thường vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất.
Nếu những chiếc ghế bị cưỡng chiếm ấy được để cho những ứng viên có tài năng và trách nhiệm, để cho cử tri được tự do lựa chọn người xứng đáng, được yêu thích, thì Quốc hội không những bớt dược nghi gật, mà sẽ tăng cường sức mạnh nhiều lần”.
Phải chăng đó là tiếng vọng cô độc giữa bãi sa mạc hoang vu của sự ngu dân và lừa mỵ đang đầu độc đời sống tinh thần của một xã hội đang được đánh bóng mạ kền, tô son vẽ phấn. Có phép màu nào để cho tiếng nói thẳng thắng, minh bạch và công khai này lọt được vào Quốc hội nhỉ? Xin bà con bày giùm cho người trí thức đơn độc và dũng cảm này.
Tôi có nghe loáng tháng rằng, Chính phủ đang cố gắng xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo và phát triển. Quá hay. Và theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì điều kiện tiên quyết là phải xây dựng cho được một đội ngũ công chức tài giỏi và chuyên nghiệp. Liệu có cơ hội nào cho những trí thức đơn độc như kiểu Nguyễn Đình Cống không đây. Có một chi tiết vui vui: khi cán bộ phường đến thu thập thông tin về người tự ứng cử hỏi Giáo sư Cống về trình độ ngoại ngữ, ông trả lời: “Đi dạy học bằng tiếng Pháp ở Algérie, bảo vệ luận án Phó tiến sĩ bằng tiếng Nga ở Liên Xô”, thì ông cán bộ hạch: “Sao nói loằng nhoằng thế, cụ thể là bằng A, bằng B, hay bằng C?”! Thì ra “cái bằng ngoại ngữ” nhằm để xin việc, để chạy chức, chạy quyền đã đi vào tâm thức của không ít những quan chức lớn nhỏ, trở thành một ám ảnh tâm lý, một tập tục cần thiết để nhập vào bộ máy quyền lực,vào “hệ thống chính trị” chứ không là công cụ ngôn ngữ giao tiếp! Có lẽ ông giáo sư “cô đơn” đành phải “bó tay chấm com” thôi chứ còn biết làm gì?
Ở Đông Á và Đông Nam Á, năm nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Singapore đã lựa chọn mô hình thể chế để phát triển kinh tế là mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Tất cả các nước này đều đã hóa rồng. Đài Loan là một ví dụ độc đáo: để có đội ngũ công chức tài giỏi và chuyên nghiệp thì ở cái đảo nhỏ bé nằm kề một đại lục rộng lớn với hơn tỷ người này quyền khảo thí là một trong năm quyền lực nhà nước. Có lẽ, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới mà quyền lực nhà nước được chia thành năm nhánh: lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát và khảo thí.
Đây là mô hình nhà nước được xây dựng theo tư tưởng của Tôn Trung Sơn, người có ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào dân chủ ở phương Đông. Quyền khảo thí là một trong những quyền lực nhà nước được Tôn Trung Sơn hết sức coi trọng. Ông cho rằng chính sách, pháp luật chỉ thật sự đi vào cuộc sống nếu chúng được triển khai bởi một đội ngũ công chức tài giỏi, liêm chính. Chính vì vậy, sứ mệnh của quyền lực khảo thí là sát hạch và tuyển dụng những người tài giỏi nhất, liêm chính nhất cho nền công vụ của quốc gia. Chính nhờ có quyền khảo thí vận hành trên thực tế mà đội ngũ công chức của Đài Loan rất có năng lực, đồng thời cũng rất liêm chính.
Trông người mà ngẫm đến ta. Điều này tôi đã có dịp nói đến trong một “Mênh mông thế sự” gần đây kể lại chuyện tôi đã trình bày với Cố vấn Phạm Văn Đồng “về ấn tượng sâu đậm của của tôi trong chuyến đi Đài Loan là mô hình phát triển của họ với tư tưởng Tôn Trung Sơn”. Và tôi dám khẳng định rằng hiện nay, ở nước ta, chắc chắn rằng không thể có chuyện khảo thí theo quan điểm của Tôn Trung Sơn được. Vì như vậy thì phải đuổi khá lớn những quan chức trong bộ máy nhà nước và trong “hệ thống chính trị”! Thì chẳng phải cựu Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng từng nói toạc ra đó thôi: “Đuổi hết, được, thì rồi lấy ai làm việc”!
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công khai nói rõ về cái tệ nạn chạy chức, chạy quyền. Chức nhỏ tiền bỏ ra ít. Chức càng to thì tiền bỏ ra để chạy càng lớn. Bỏ ra rồi thì phải thu lại vốn chứ! Tôi nhớ là báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã giật tít trang nhất bài ấy. Trong 20 năm qua kể từ ấy, “cái lò” của ông Trọng với củi khô, củi tươi liệu đã đốt được bao nhiêu những kẻ chạy và người nhận tiền chạy, để “cơ cấu” cho đúng “quy trình” là bao nhiêu? Hãy chỉ nói chuyện nóng hổi trước thềm Đại hội XIII mà nhà báo Lưu Trọng Văn vừa kể, tôi đã có dịp dẫn ra trong “Mênh mông thế sự” số 103. Tóm lược như sau: “Phương H, mua chức vụ phó vụ Quan hệ Quốc tế của một bộ với giá thoả thuận 27 tỉ đồng… Viện KS Hà Nội chỉ truy tố và lên án kẻ lừa đảo mụ H mua chức cho mụ và coi mụ là nạn nhân bị lừa đảo mà không truy tố và trừng trị mụ H ấy vì tội dùng tiền mua quan lừa đảo Nhân dân? Đó, giời ạ, cái chức vụ phó tí hin đã phải mua 27 tỉ đồng. Vậy cái chức vụ trưởng, thứ, bộ rồi trung ương này nọ, giá bao nhiêu?”.
Dùng hàng núi tiền để chạy, thì để hoàn lại vốn, số tiền chất thành núi ấy sẽ cao bao nhiêu nhỉ? Chính ông Trọng, chứ không phải ai khác, trong cuộc họp báo sáng 1.2.2021 về kết quả Đại hội, được thỏa chí, bốc lên ông ta kể: “Có người hối lộ xách va ly tiền tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương định biếu xén, lấp liếm. Tôi nói cán bộ kiểm tra mở va ly ra xem là cái gì, toàn tiền đô la. Tôi bảo khóa lại, ký vào đây, rồi xách va ly đó về“. Không hiểu tối về ông có phàn nàn với vợ: “Mình ngu quá, chưa kịp bảo thư ký viết sẵn, định nói mình “liêm khiết” mà hóa ra thành “kẻ đồng lõa” vì không tố giác tội phạm!”. Quả thật không có cái dại nào giống cái dại nào, dân gian thì tủm tỉm:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời, cả họ mày thơm!
Khi mà “cả họ mày thơm mùi chuột chù” kéo bè kéo cánh để “cơ cấu” theo đúng “quy trình” thì người tài phải cao chạy xa bay để giữ lấy nhân cách, đâu còn tầm nhìn và trí lự của một Lê Thái Tổ hiểu rõ cách ứng xử của người trí thức có lòng tự trọng không muốn “đem ngọc bán rao” để giữ chân họ lại chứ đừng nói hỗn xược ban phát “chỉ tiêu” được ứng cử và đề cử đại biểu Quốc hội.
Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội trí thức yêu nước Thành phố, người vừa ra đi trong nỗi nuối tiếc nhớ thương của bạn bè, có kể lại câu chuyện thú vị về giáo sư Phạm Biểu Tâm trả lời ông Võ Văn Kiệt trong cuộc ông Kiệt mời hiến kế về hệ thống nước của thành phố. Nhiều người phát biểu, riêng ông Phạm Biểu Tâm ngồi im. Ông Kiệt hỏi: “Sao vậy anh Tâm?”. Ông Tâm cũng rất quý ông Kiệt, nhưng có lẽ là đã dồn nén lâu lắm, ông đứng dậy nói: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ re, vì cái gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh, đâu phải chuyện tụi tui”.
Câu trả lời này để lại mối ưu tư sâu đậm trong ông Kiệt mà có lần ông nhắc lại với tôi. Nguyên là trong một dịp nhâm nhi bên ly nước bưởi, ông Sáu Dân hỏi tôi: “Tại sao anh nói, vụ “Nhân văn Giai phẩm” sẽ để lại di chứng khó khắc phục hơn sai lầm cải cách ruộng đất?”. Nín lặng một lúc, tôi nói thẳng với ông:
“Đương nhiên, nỗi đau cải cách ruộng đất hằn sâu trong tâm thế người nông dân, nó phá vỡ những phong tục tập quán ngàn đời của cuộc sống cộng đồng, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” trong truyền thống sâu đậm, thấm đẫm tính nhân văn của nền văn hóa làng. Nhưng rồi với bản tính nhân hậu, nhẫn nại và cam chịu, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, nhất là khi đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Còn vụ “Nhân văn, Giai Phẩm” là đánh thẳng vào giới tinh hoa của dân tộc, trí thức, văn nghệ sĩ, tước bỏ cái quý nhất đối với họ: tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, trân trọng nhân cách, phát triển trí tuệ. Nếu nói như người xưa, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp” thì vụ “Nhân văn Giai phẩm” phang thẳng vào “nguyên khí” đó. Chính vì vậy, phục hồi rất khó vì nó chìm sâu vào trong tâm thức người trí thức, phải có bản lĩnh lắm mới tự tự vượt lên được nỗi ám ảnh nặng nề ấy trong tâm thức”.
Tôi kể cho ông nghe về trường hợp ông anh rể tôi, một nhà khoa học đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương gần chiến trường Khe Sanh để thử nghiệm vaccine chống sốt rét mà bộ đội ta đang phải chống chọi: Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người đã ấp ủ và nghiên cứu một loại vaccine này từ thoa trùng muỗi (là một thế hệ mới của ký sinh trùng sốt rét) để phòng sốt rét, muốn ứng dụng ngay tại chiến trường. Đó chính là “ý tưởng sớm nhất thế giới”. Chính vì ý tưởng ấy mà ông đã từ chối lời mời sang Mỹ để cộng tác nghiên cứu và lặng lẽ từ biệt sự ưu ái của các nhà khoa học Nhật để tự mình trở về nước dựng phòng nghiêu cứu ở Việt Bắc để kịp sản xuất một loại “nước lọc penicillin” có ý nghĩa đặc biệt lớn lao trong việc cứu chữa vết thương ngay tại chiến trường cho thương binh, mà 80% trong số họ có thể trở về đơn vị chiến đấu không bị cưa chân tay, góp phần trực tiếp vào chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tạm rời bỏ Viện Nghiên cứu sốt rét ở Hà Nội, khoác ba lô như mọi chiến sĩ hành quân vào chiến trường Trị Thiên để trực tiếp khảo sát và ứng dụng kịp thời kết quả nghiên cứu và rồi hy sinh trong một trận bom B52 rải thảm.
Tôi không quên kể lại cho ông Sáu Dân nghe một đoạn anh tôi viết trên tờ “Nhân Văn” số 3, tháng 10.1955: “…Là những người rất thiết tha với tự do dân chủ, chúng ta đã hy sinh rất nhiều để được tự do dân chủ nhưng đến khi có tự do dân chủ thì ta lại không biết sử dụng sự tự do dân chủ ấy… Trí thức ở một cương vị thuận lợi và có đủ nhận thức để nhận thấy lãnh đạo có sai lầm, và thực tế là trí thức của ta đã nhận thấy từ lâu một số sai lầm của lãnh đạo. Nhưng trí thức của ta đã thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm nên không dám phê bình xây dựng. Một số đông trong hàng ngũ trí thức chúng ta không phê bình vì sợ bị hiểu nhầm, sợ bị nghi là lập trường không vững vàng. Một số khác có phê bình một vài lần những chưa thấy sửa chữa thì sinh ra tiêu cực, không tiếp tục phê bình nữa. Cả hai thái độ đó đều sai…”.
Tôi cũng kể cho Sáu Dân nghe suy tư của nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, con trai của Đặng Văn Ngữ: “Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo lý tưởng của một người trí thức theo giai cấp của mình và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Tôi chỉ được nghe kể rằng cha tôi chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời...”.
Sáu Dân trầm ngâm không nói gì, uống cạn ly nước bưởi, ông nói với tôi: “Anh dành một buổi nói kỹ cho tôi nghe và cho tôi mượn một số tư liệu về sự kiện “Nhân văn Giai phẩm” mà khi ở chiến trường, tôi chỉ biết loáng thoáng và cũng định phải tìm hiểu kỹ, nhưng rồi bộn bề công việc, bị cuốn hút đi nên chưa thực hiện được”. Tôi trả lời ông, trình bày một buổi cũng được, nhưng sợ trình độ tôi hạn hẹp chưa thể lột tả được hết, mà đưa tư liệu để anh đọc thì e anh không đủ thì giờ khi còn nhiều việc cấp bách hơn. Có lẽ trước tiên, tôi sẽ chuyển anh đọc bài phát biểu của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trong những trí thức uyên bác và dũng cảm, đọc tại Câu Lạc Bộ Đoàn Kết ở Hà Nội, có ông Trường Chinh dự. Vì bài phát biểu này mà nhà trí thức nổi tiếng này được liệt vào đầu bảng của “Nhân Văn-Giai Phẩm” để rồi sau đó bị “Rút phép thông công” (từ của Nguyễn Mạnh Tường).
Mấy hôm sau gặp lại, ông Sáu Dân trách tôi, “Nếu tôi nhớ không nhầm thì khi tôi đang còn làm Thủ tướng và Luật sư Tường cũng đang ở Hà Nội, lúc ấy anh là thành viên của Tổ Tư vấn, sao anh không nói chuyện này với tôi, để ít nhất thì tôi đến thăm ông ấy nhằm biểu thị một thái độ trân trọng và xin lỗi về những gì không đúng với nhà trí thức nổi tiếng này”. Một thoáng trầm ngâm, tôi trả lời: “Đó là một khuyết điểm của tôi, nhưng là một khuyết điểm tôi không sửa được”. Sáu Dân ngạc nhiên: “Sao lại khuyết điểm mà không sửa được?”. Ngập ngừng một lúc, tôi giải thích: “Vì tôi không có thói quen xin gặp cấp trên, không có thói quen chìa tay ra trước cấp trên khi ông ta chưa chìa tay ra với tôi. Anh nhớ, giấy mời tôi vào Tổ Tư vấn là do anh Phan Văn Khải, lúc đó là Phó Thủ tướng ký thay anh, khi sinh hoạt Tổ thì là anh Lê Duy Trinh, Tổ trưởng điều hành, tôi đã gặp anh lần nào đâu. Lần gặp đầu tiên lại là lần anh đến chia tay với Tổ Tư vấn trong bữa cơm tại nhà số 6 Chùa Một Cột. Anh có nhớ hôm ấy anh ngồi cạnh tôi và hỏi “Bao nhiêu rồi?”, tôi trả lời “Dạ, sáu mươi”, anh khen: “Trẻ quá há, còn làm việc được dài dài”. Rồi anh Đào Xuân Sâm thay mặt Tổ Tư vấn hứa với anh: “Hôm nay chia tay, nhưng bất cứ lúc nào anh cần đến, chúng tôi cũng sẵn sàng bên cạnh anh”. Tôi thực hiện lời hứa đó, dành hết thì giờ giúp anh, mà dành hết được vì tôi đã từ chức Viện trưởng được hơn một tháng. Sự tình là như thế đó, thưa anh”.
Ông Sáu Dân cười, nhìn thẳng vào tôi: “Trí thức phức tạp quá hen”. Cũng không biết là ông ấy đồng ý hay chê là tôi nhiễu sự. Còn tôi, thì tôi chỉ muốn nhắn gửi với Sáu Dân rằng, tôi gần gũi ông là vì tôi thích ông và cảm phục nhân cách của ông vì vậy không nề hà việc lớn nhỏ gì, cho nên cũng chẳng cầu cạnh gì. Thích phục thì gần gũi, thế thôi.
Có lẽ đó cũng là lý do tôi dẫn “Chiếu Cầu Hiền” của Lê Thái Tổ và thật tâm đắc cung cách ứng xử tế nhị, thấu tình đạt lý về sự trân trọng nhân cách kẻ sĩ “không muốn đem ngọc bán rao”. Và vì vậy, tôi cũng thiên về “phỏng đoán” cho rằng Nguyễn Trãi, với cái tầm văn hoá cao sâu thấm đẫm tính nhân văn, mới có được sự thông tuệ trong nhìn nhận nhân cách kẻ sĩ là tác giả của “Chiếu Cầu Hiền”, hoặc chí ít là người góp phần quyết định, cho việc soạn ra “Chiếu Cầu Hiền” của Lê Thái Tổ. Trong những cận thần của Lê Lợi, chỉ có Nguyễn Trãi mới đạt được cái tầm văn hóa để có được sự tế nhị, thấu tình đạt lý trong “Chiếu Cầu Hiền”.
Nên nhớ, trước khi có “Chiếu Cầu Hiền” đã có “Bình Ngô Đại Cáo” với sự khẳng định “mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có”. Với Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi đã quy tụ được những người đồng chí hướng chống giặc cứu nước, sau này trở thành những danh thần, võ tướng như Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Lộng, Lưu Nhân Chú… làm nên sự nghiệp lẫy lừng “Giang sơn từ đây đổi mới. Càn khôn bĩ rồi lại thái . Nhật nguyệt hối rồi lại minh”. (Bình Ngô Đại Cáo)
Nói vậy cũng nhằm chỉ ra rằng, ván cờ lịch sử thường có những nước đi bất ngờ, khá ngẫu nhiên, song không vượt khỏi tính tất yếu của quy luật phát triển. Cũng ngẫu nhiên đọc thấy tin về “Bộ tứ Kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – dường như sẽ trở thành một ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam cho đến lúc này chưa được mời tham gia Bộ Tứ, vì theo nhà phân tích Grossman, các quốc gia thành viên Bộ Tứ là các nền dân chủ trong khi Việt Nam là một thể chế độc tài xã hội chủ nghĩa. Còn theo Le Monde (23/3), “Biden là Trump cộng với nhân quyền”. Mà vấn đề nhân quyền lại rất nhạy cảm đối với Hà Nội. Nhưng trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” (ngày 3/3) chính quyền Biden đã nhắc đến Việt Nam như một đối tác chính.
Một trật tự thế giới mới đang hình thành, với cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực nhằm cô lập Trung Quốc. Cơ hội mới đang mở ra. Việt Nam buộc phải chuyển đổi nếu không muốn bị mắc cạn trong thể chế toàn trị phản dân chủ với não trạng giáo điều bảo thủ nấp dưới chiêu bài kiên định lập trường XHCN của Nguyễn Phú Trọng để tự cô lập mình. Tôi tin chắc rằng, trong hàng ngũ những người lãnh đạo có lương tri cũng đang nhận ra được cơ hội mới đó. Và rồi cuộc sống sẽ tự mở đường cho chính nó, bất chấp mọi chướng ngại. Phía chân trời một tia sáng đang ló dạng.
Tôi muốn nhắc lại đây câu thơ Việt Phương đã từng đôi lần dẫn ra để khẳng định một cách cách nhìn, một niềm tin vững chắc về những ngày sắp tới “Thời thế xấu đến sắp thành ra tốt”.
Ngày 30.3.2021
Chú thích
1. Báo “Sự Thật”] số 120. Ngày 15.10.1949.
2. HCM Toàn tập. Tập 4, tr.451
3. HCM Toàn tập. Tập 5, tr.171
4. Nt
5. HCM Toàn tập. Tập 5, tr.60
6. HCM Toàn tập. Tập 5, tr.298, 295
7. HCM Toàn tập. Tập 5, tr. 171
T. L.
Tác giả gửi BVN.