Chỉ huy quân đội 12 nước ra tuyên bố chung, lên án quân đội Myanmar

“Họ đang giết chúng tôi như giết chim, giết gà, ngay cả trong nhà của chúng tôi”, một người dân tên Thu Ya Zaw nói với hãng tin Reuters ở thị trấn Myingyan miền trung.

Myanmar: Mỹ ‘kinh khiếp’ trong ngày chết chóc nhất kể từ cuộc đảo chính

“Người dân của chúng tôi không làm gì khác ngoài việc đòi hỏi dân chủ. Chúng tôi muốn hòa bình, không phải bạo lực…”, Miss Grand Myanmar 2020 cương quyết.

Hoa hậu Hòa bình Myanmar khẩn cầu quốc tế giúp chấm dứt bạo lực ở quê nhà

“Họ dội bom khu vực… Dân làng cho hay có 2 người chết và 2 người bị thương”, một phát ngôn viên của Mạng lưới hỗ trợ hòa bình Karen cho hay. Vị phát ngôn viên này cho rằng thương vong có thể cao hơn và việc liên lạc trong khu vực rất khó khăn.

Quân đội Myanmar không kích đáp trả sau khi căn cứ bị tấn công?

Tuyên bố chung “lên án lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh Myanmar sử dụng vũ lực sát thương với người không có vũ khí”, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar tuân theo “chuẩn mực quốc tế”.

Chỉ huy quân đội 12 nước ra tuyên bố chung, lên án quân đội Myanmar - Ảnh 1.

Binh sĩ Myanmar trong cuộc duyệt binh ngày 27-3 – Ảnh: REUTERS

Tư lệnh/tham mưu trưởng quân đội 12 nước Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức, Ý, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand và Hi Lạp đã cùng ra một tuyên bố chung ngày 28-3 (giờ Việt Nam).

Tuyên bố chung ngắn gọn 70 chữ (tiếng Anh) đã “lên án việc Lực lượng vũ trang Myanmar và các cơ quan an ninh liên quan sử dụng vũ lực sát thương đối với những người không có vũ khí”. Động thái diễn ra chưa đầy một ngày sau ngày kỷ niệm thành lập quân đội Myanmar (27-3).

Theo truyền thông phương Tây và truyền thông Myanmar, đã có ít nhất 114 người chết trong các cuộc biểu tình ngày 27-3. Hãng tin Reuters của Anh đã gọi đây là “ngày đẫm máu nhất” kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1-2.

“Chúng tôi kêu gọi Lực lượng vũ trang Myanmar ngừng bạo lực và nỗ lực khôi phục sự tôn trọng và tín nhiệm đối với người dân Myanmar, điều mà lực lượng này đã đánh mất thông qua các hành động của mình”, nhóm tướng lĩnh cấp cao kết thúc tuyên bố chung.

Trong một tuyên bố riêng lẻ sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III mô tả “các báo cáo gần đây về tình hình bạo lực ở Myanmar đang gây quan ngại sâu sắc”.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh ông cùng với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Philip S. Davidson “lên án hành vi bạo lực” ở Myanmar.

Chỉ huy quân đội 12 nước ra tuyên bố chung, lên án quân đội Myanmar - Ảnh 2.

Tuyên bố chung của chỉ huy quân đội 12 nước – Ảnh chụp màn hình

Theo Reuters, đây là tuyên bố hiếm hoi của các chỉ huy quân đội cấp cao nhất ở cả châu Á và châu Âu. Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Liên minh châu Âu trong tuần này đã làm tăng áp lực từ bên ngoài lên chính quyền quân sự Myanmar.

Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, không có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ từ các tướng lĩnh Myanmar khi các vụ bạo lực với người biểu tình vẫn tiếp diễn. Trong lễ duyệt binh ngày 27-3, thống tướng Min Aung Hlaing – người đứng đầu Hội đồng hành pháp Myanmar – đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử và bảo vệ nhân dân.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar Tom Andrews kêu gọi đã đến lúc thế giới phải hành động. “Người dân Myanmar cần sự hỗ trợ của thế giới. Lời nói thôi là chưa đủ. Cần những hành động phối hợp và mạnh mẽ”.

Theo ông Andrews, nếu không thể thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì hãy tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp quốc tế. Vị này nhấn mạnh nên cắt nguồn thu từ dầu khí và quyền tiếp cận vũ khí của quân đội Myanmar.

“Những lời lên án hay quan ngại đang dần trở nên sáo rỗng với người dân Myanmar, khi quân đội nước này đang phạm tội giết người hàng loạt”, Reuters trích lời ông Andrews nêu quan điểm.

Nguồn: Tuổi trẻ

This entry was posted in Myanmar, Tự do dân chủ, Đàn áp biểu tình. Bookmark the permalink.