Đánh cắp từ cái lớn đến cái nhỏ, cướp lột từ cái nhỏ đến cái lớn, đó là bản chất muôn thuở, hay cũng có thể gọi là “quốc sách bất biến” của cái kẻ gọi là “siêu cường Đại Hán” trong hàng mấy ngàn năm lịch sử xưa nay, các dân tộc láng giềng gần xa với “thiên triều” nào đâu có lạ. Nhưng nhỏ thì đành chịu lép, Đại hoàng đế Hoa Hạ đã “cướp” là Đại hoàng đế “thương”, thương cho là đại phúc. Bởi thế, khi ông Vương Nghị chịu khó đánh đường đến thăm các nước Đông Nam Á, ngỏ ý sẽ tặng mỗi nước từ 900 nghìn cho đến một triệu liều vaccine Tàu thì nhà cầm quyền nước nào cũng làm bộ xuýt xoa mừng rỡ, thậm chí ông Thủ tướng Hussen của Campuchia còn sung sướng đến mức tình nguyện đứng ra tiêm trước làm gương cho cả nước noi theo. Chao ôi, tình hữu nghị cao quý lắm thay!
Xin nhắn ông Vương Nghị chớ có vội chắc mẩm trong lòng. Ông hãy tự suy ngẫm thật kỹ xem một tuyên bố như của ông Hunssen là lời lẽ chính trị hay là lời nói thốt ra từ tâm can? Thôi thì cứ thử làm một cuộc điều tra trong 1000 người thuộc các nước ASEAN cho ăn chắc, hỏi có bao nhiêu người dám liều mạng đánh cược vào cái thứ vaccine do công nghệ dược phẩm của Đại Hán sản xuất, trong khi chính nhà nước Brazil đã phát biểu công khai rằng vaccine đó chỉ mới hiệu nghiệm được hơn 50%; họ nói và họ trả lại tất tật hàng trăm nghìn liều vaccine Trung Quốc đem sang cho nước mình thử nghiệm. Rồi tin tức trên báo chí Âu Mỹ còn cho biết thêm: gián điệp Tàu lâu nay săn lùng các hãng dược phẩm sản xuất vaccine chống covid-19 của Mỹ và Anh đông như rươi, nhưng bị an ninh hai nước này ngăn chặn ráo riết nên đành phải tiu nghỉu, dù đã giở hết mọi mưu kế mà vẫn chưa gỡ gạc được gì cả. Thế thì – nói điều này mong quý quốc thứ lỗi – may ra được 10% trong số 1000 người, chịu tiêm đã là nhiều lắm.
Nhưng giá thử vaccine của Tàu sản xuất có hiệu nghiệm đến 95% đi nữa hẳn cũng chẳng ai hứng thú nhận món quà đầy “hảo tâm” của họ Tập do ông Vương Nghị trao tặng. Dám chắc như thế đấy. Bởi vì, có người dân ASEAN nào mà không thấm thía cái chân lý do thực tiễn mấy ngàn năm chung sống với “thiên triều” đúc kết lại: mỗi khi mồm con sói Tàu ngậm một cành ô liu thì phía sau cái mồm ấy chính là cái lưỡi đỏ lòm những máu đang bắt đầu ngoe nguẩy. Đến một món cải muối chua của người Hàn đã quen thuộc với thị trường thế giới từ bao nhiêu thập kỷ nay rồi mà quý quốc còn tìm cách cướp giật bỏ túi thì nói gì ơn với nghĩa.
Bauxite Việt Nam
Nhận vơ món quốc hồn quốc túy của người Hàn là của mình, Trung Quốc bị cộng đồng mạng ném đá tơi bời, nhưng ít nhất thì từ nay thế giới đã bắt đầu biết đến món dưa muối ‘pao cai’ của họ.
Nói đến món dưa chua phổ biến, người Đức có bắp cải muối chua, gọi là sauerkraut, người Ấn Độ có món achaar chua cay và người Hàn Quốc thì có kimchi.
Kimchi, món dưa chua cay xé lưỡi là món ăn quốc hồn quốc túy của Hàn Quốc. Cách chế biến truyền thống và sự lan tỏa của nó khiến cho nó được Unesco liệt vào hàng Di sản Văn hóa Phi vật thể nhằm “tái khẳng định bản sắc Hàn Quốc”.
Nó là phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn thường ngày của người dân nơi đây – đến nỗi khi Hàn Quốc đưa phi hành gia đầu tiên của mình lên vũ trụ vào năm 2008, họ đã để cô mang theo cả kimchi.
Nhưng gần đây, Hàn Quốc nói một trong những mặt hàng xuất khẩu văn hóa và ẩm thực phổ biến nhất của họ bị đe dọa, khiến mọi người hiểu lầm về nguồn gốc xuất xứ của nó.
Mọi chuyện bắt đầu vào cuối tháng 11/2020, khi Tổ chức Chuẩn hóa Quốc tế (ISO) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố các quy định mới về quy trình làm pao cai, món dưa muối tương tự kimchi nhưng đến từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Như BBC News đã đưa tin, mặc dù ISO ghi rõ “quy trình này không áp dụng cho kimchi“, nhưng tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc vẫn nhanh chóng tuyên bố rằng đây là “chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế cho lĩnh vực sản xuất kimchi do Trung Quốc dẫn đầu”.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc bác bỏ, nói “Việc chứng nhận pao cai mà không phân biệt kimchi Hàn Quốc với pao cai Tứ Xuyên của Trung Quốc là không đúng đắn.”
Kimchi là món ăn quốc hồn quốc túy của Hàn Quốc và là một món không thể thiếu trong hầu hết các bữa ăn của người dân nước này
Tuy nhiên, phản ứng của Bộ Nông nghiệp không làm hài lòng nhiều người Hàn Quốc. Họ lên mạng xã hội và truyền thông địa phương để bảo vệ thực phẩm tinh hoa tuyệt hảo của đất nước và gọi Trung Quốc là ăn cướp.
“Trung Quốc thậm chí đang tìm cách đánh cắp món kimchi của Hàn Quốc,” một người viết trên Twitter.
Chosun Ilbo, một tờ báo của Hàn Quốc, gọi tuyên bố trên của Trung Quốc là “nỗ lực mới nhất của họ trong việc nhằm thống trị thế giới”.
Trong vòng ba tuần liền, “cuộc chiến kimchi” trên mạng đã làm khơi lại lòng hận thù âm ỉ nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia láng giềng trong mọi chuyện, từ quyền đánh bắt cá ở Hoàng Hải cho đến những bình luận gần đây của một thành viên ban nhạc K-Pop nổi tiếng về vai trò của Trung Quốc trong Cuộc chiến Triều Tiên.
Có vẻ như cuộc chiến xem ai là người sở hữu kimchi bắt nguồn từ một hiểu lầm đơn giản, do lỗi dịch thuật không chính xác.
Theo Tiến sĩ Sojin Lim, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học Central Lancashire, kimchi của Hàn Quốc thường được phục vụ ở Trung Quốc dưới cái tên pao cai.
Và có thêm một chi tiết dễ gây nhầm lẫn nữa, đó là Trung Quốc cũng có món dưa muối chua, cũng được gọi là pao cai – chính là món ăn vừa đạt chứng nhận ISO nói trên.
Pao cai là món dưa muối chua của người Tứ Xuyên
“Pao cai không hề giống kimchi. Kimchi là cải thảo để lên men, được chế biến với nhiều nguyên liệu khác nhau, cả cay lẫn không cay. Nhưng món pao cai mà Trung Quốc vừa mới tuyên bố như một loại kimchi lại là thứ khác hẳn so với kimchi,” Lim nói với BBC Newshour.
Bà nói thêm: “Pao cai có mùi vị thực sự không hề giống kimchi, cách làm cũng hoàn toàn khác. Nhưng với cách hiểu của người Trung Quốc thì kimchi cũng chỉ là một phần của các loại pao cai thôi, và đó chính là điểm khởi đầu của cuộc tranh cãi này.”
Đối với nhiều người Hàn Quốc, việc một quốc gia khác lại tuyên bố chủ quyền đối với món ăn quốc hồn quốc túy của họ thực sự là điều đụng chạm đến niềm tự hào dân tộc chứ không chỉ đơn giản là chuyện ăn uống ẩm thực.
“Không có gì phải bàn cãi về nguồn gốc của kimchi cả,” Syuoung Park, bếp trưởng tại nhà hàng Hàn Quốc Jungsik xếp hạng Michelin hai sao ở New York cho biết.
“Kimchi là một món ăn truyền thống của Triều Tiên, có nguồn gốc từ hơn 3.000 năm trước. Truyền thống làm kimchi bắt đầu với việc để rau củ lên men rồi đem cất trữ trong mùa đông lạnh giá, là khoảng thời gian nhiều người Triều Tiên bị chết đói. Đây là món ăn kèm phổ biến nhất trên bàn ăn mỗi ngày, và là một di sản văn hóa lâu đời của Triều Tiên. Tôi hy vọng văn hóa của dân tộc chúng tôi không bị bóp méo.”
Theo Fuchsia Dunlop, tác giả cuốn Món ăn Tứ Xuyên và là một chuyên gia ẩm thực Trung Quốc, “Pao cai theo đúng nghĩa chỉ là ‘rau ngâm nước muối”, trong khi kimchi được làm bằng cách ướp rau với ớt xay từng lớp từng lớp công phu rồi để lên men với hải sản. Cả hai thứ nguyên liệu đó đều không hề có trong món pao cai Tứ Xuyên.
Tuy nhiên, nếu như nhiều người Hàn Quốc ăn kimchi mỗi ngày, Dunlop nói, thì pao cai cũng giữ một vị trí vững chắc không kém phần quan trọng trong trái tim và bao tử của người Tứ Xuyên.
“Đây là món cực kỳ quan trọng trên bàn ăn. Nó là một phần thiết yếu trong bữa ăn truyền thống của người Tứ Xuyên,” bà nói.
“Thông thường trong mỗi bữa ăn, bạn sẽ có một đĩa nhỏ dưa chua – có thể làm từ củ cải, bắp cải, hoặc bất cứ thứ rau gì, mùa nào thức nấy. Nếu bạn ăn sáng ở Tứ Xuyên, món điển hình phải có là cháo trắng loãng với bánh bao hoặc bánh mì hấp và kèm theo đó là phải có dưa muối. Dưa muối được ăn kèm với món thức ăn chính, giúp “đưa cơm”.
“Bạn ăn những món nhạt nhẽo và cần thứ gì đó ngon miệng để thấy cơm dễ nuốt hơn. Mà khi ăn bữa tối, có nhiều món bổ dưỡng gây ngán thì cũng cần có dưa muối để dễ ăn hơn. Đó là món không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Tứ Xuyên.”
Pao cai có mặt trong hầu hết các bữa ăn ở Tứ Xuyên và đóng vai trò món phụ giúp “đưa cơm” và tăng cảm giác ngon miệng khi ta ăn các món nhạt nhẽo hoặc quá bổ dưỡng
Thật thú vị là, cũng giống như một số người Ý tin rằng bánh pizza Neapolitan “xịn” là phải được làm bằng cà chua San Marzano trồng trên đồng bằng núi lửa gần Núi Vesuvius, Dunlop giải thích, thì những người ưa thích món pao cai Tứ Xuyên cho rằng nước muối chuẩn dùng để muối dưa là phải được làm bằng muối lấy từ thị trấn Tự Cống (Zigong) của Tứ Xuyên, nơi nó đã được khai thác từ hơn 2.000 năm nay.
Clarissa Wei, nhà báo làm việc tại Đài Loan, người đã đến Tứ Xuyên vào đầu năm ngoái để tìm hiểu cách người dân địa phương làm pao cai, đã nhận ra một điều rằng chính nước muối ngâm gia vị này mới là thứ thực sự phân biệt rõ ràng hai loại dưa muối trong khu vực châu Á.
“Sự khác biệt lớn nhất là với dưa chua Tứ Xuyên (pao cai), rau được ngâm vào nước muối và gia vị, còn kimchi thì là cải thảo đem ướp với muối, gia vị và rồi ngâm ngay trong chính nước cải thảo tiết ra tự nhiên. Trong món pao cai, tất cả các loại gia vị được bỏ chung vào nước muối và rau không hề bị nát trong quá trình lên men chua,” Wei nói.
Vậy thì nếu hai món ăn thực sự khác biệt rõ ràng, hà cớ gì mà Trung Quốc lại ra tuyên bố về kimchi?
“Trung Quốc chắc chắn là luôn thích tung ra những câu chuyện nói rằng người Trung Quốc là người đầu tiên làm ra thứ này, thứ nọ. Nhưng trên thực tế, việc này có thể phức tạp hơn thế,” Dunlop nói.
“Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về mặt truyền thống đều có món dưa muối tuyệt hảo, cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới. Ở khắp mọi nơi, người ta đều nghĩ ra cách để thực phẩm giữ được lâu hơn. Ở đâu mà chẳng có món dưa muối chua hay rau củ để lên men? Tất nhiên, đặc sản ở mỗi địa phương là mỗi khác, song chúng đều là một phần trong nền văn hóa chung của nhân loại. Thật nực cười khi bất kỳ ai lại đi tuyên bố rằng họ đã phát minh ra dưa muối!”
Tuy nhiên, trong khi Unesco, người Hàn Quốc và hầu hết các thực khách sành điệu trên khắp thế giới nhanh chóng nhận ra kimchi là của Hàn Quốc, thì Dunlop nói rằng Trung Quốc có lẽ đã thắng lớn trong cuộc chiến lên men mới nhất này.
Theo The New York Times, The Guardian, Reuters và các trang báo quốc tế khác đưa tin về xếp hạng gần đây, vô số độc giả chưa từng nghe nói về pao cai thì giờ đã biết đến nó – một sự thật hiển nhiên qua biểu đồ xu hướng của Google hiển thị các tìm kiếm cho món ăn Tứ Xuyên đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
“Bất kể mọi người nghĩ gì thì người Tứ Xuyên đã có được một thắng lợi PR rất to lớn,” Dunlop nói. “Pao cai là một món ẩm thực truyền thống tuyệt vời của người Tứ Xuyên, nhưng chỉ được biết đến ở Tứ Xuyên mà thôi. Có vô số loại rau muối chua tuyệt vời khác trên khắp Trung Quốc mà thế giới bên ngoài không hề biết đến.”
Có lẽ Trung Quốc nên để kimchi cho các chuyên gia Hàn Quốc, còn về phần mình thì nên tận dụng thời điểm này để giới thiệu với thế giới về nhiều cách “đưa cơm” hấp dẫn của mình thì hơn.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.