Jackhammer Nguyễn
8-1-2021
Cải cách chính trị Việt Nam nhìn từ bên trong
Theo phân tích của tác giả Nguyễn Khắc Giang, một người làm việc trong ngành hành chánh tại Việt Nam và được đào tạo ở Tân Tây Lan, thì những cải cách về thể chế chính trị Việt Nam đã được bắt đầu từ khá lâu, ít nhất là từ năm 1990, mặc dù bên ngoài vẫn là cái vỏ bọc toàn trị cộng sản.
Theo những thông tin của ông Giang được đưa ra trên báo The Diplomat (chuyên về địa chính trị vùng châu Á – Thái Bình Dương), có hai mốc cải cách chính trị quan trọng ở Việt Nam từ bản thân đảng cầm quyền.
Lần đầu tiên là vào năm 1996, trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, các lãnh đạo già đồng loạt từ chức, và người ta đặt ra độ tuổi giới hạn cho các lãnh đạo.
Lần thứ hai là cuộc thí nghiệm bầu trực tiếp từ dưới lên, vào năm 2010, tại thành phố Đà Nẵng và hiện nay có 11% các tổ chức đảng ở cấp huyện, xã, được bầu trực tiếp như vậy.
Xin nói rõ rằng, cơ cấu lãnh đạo được bàn đến ở đây là cơ cấu đảng, chứ không phải Quốc hội hình thức, hay cơ cấu chính quyền song trùng với nó. Điều này dựa trên việc nhìn nhận quyền lực thực tế là các chi bộ đảng ở địa phương, lên đến Ban chấp hành trung ương, được xem như quốc hội De Facto (thật sự).
Và ở đây cũng xin nói rằng, những phân tích của ông Giang dựa trên quan điểm rộng về cải cách và dân chủ hóa, bao gồm cả việc cải cách từ trên xuống, từ chính bản thân ĐCSVN, chứ không chỉ đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe như là đa đảng, đa nguyên, tam quyền phân lập, … những mục tiêu của một con đường rất dài.
Trên thực tế, việc cải cách này diễn ra rất rụt rè, và theo ông Giang, việc bầu cử trực tiếp đang bị bỏ dở, người ta không biết rằng tại đại hội đảng lần thứ 13 tới đây, các đại biểu đảng, hay ít nhất là các ủy viên trung ương có bầu trực tiếp các chức vụ trong tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội) hay không.
Cải cách chính trị sẽ chậm lại?
Trong thời gian hơn hai chục năm qua, nhà nước cộng sản Việt Nam, một mặt vẫn khẳng định mô hình mà họ gọi là dân chủ tập trung (thật ra là độc tài) từ trên xuống, nhưng mặt khác họ ngừng chỉ trích các chế độ đa nguyên phương Tây, thậm chí có cả những bài báo nghiên cứu về các chế độ ấy, nghiên cứu về xã hội dân sự, và mạnh hơn hết là thí nghiệm bầu cử trực tiếp ở cấp xã (như tỉnh Quảng Ninh).
Nhưng những diễn biến trong vài năm qua ở Mỹ và châu Âu, với sự đi lên của giới chính trị gia dân túy, khuynh hướng xem chế độ độc tài là tốt hơn, đang có ưu thế trở lại trong đầu những người cộng sản Việt Nam. Rõ ràng nhất là bài báo của ông Nguyễn Sĩ Dũng, được xem như nhà lý luận và phản biện hiện thời của Đảng. Ông Dũng ca ngợi chế độ mà ông gọi là chọn người tài của Trung Quốc, đối lập với nền dân chủ từ dưới lên của Mỹ.
Ngay cả một nhà nghiên cứu có khuynh hướng tự do hơn là ông Huỳnh Thế Du, người được đào tạo tại Mỹ, cũng đặt vấn đề về mô hình nhà nước nào tốt hơn, tức là xét lại quan điểm mặc định xem dân chủ từ dưới lên của phương Tây là tối ưu.
Giới quan sát vẫn thấy rằng, có những nhóm có tư tưởng cải cách ở những mức độ khác nhau trong ĐCSVN. Những diễn biến gần đây có thể làm nhụt chí các khuynh hướng cải cách này.
Tôi nằm trong nhóm những người có quan điểm cho rằng, sự cầm quyền của Donald Trump, thể hiện qua sự bất tài của ông ta làm cho xã hội bất an, dịch bệnh tơi tả, là một lý do rất “chính đáng” để các nhà độc tài nói chung, các chế độ cộng sản nói riêng, cho rằng, mô hình dân chủ Mỹ là điều không thể noi theo. Có ít nhất một viên chức nhà nước Việt Nam đã nói với tôi rằng, Việt Nam cần một chế độ toàn trị hơn là dân chủ, hãy nhìn xem nước Mỹ chống dịch tệ hại ra sao!
Ngày 6/1/2021, trong khi các dân biểu và nghị sĩ Mỹ đang họp về việc công bố kết quả bầu cử Tổng thống, hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tràn vào tòa nhà Quốc hội Capitol Hill đập phá. Cuộc bạo loạn bị khống chế nhưng có đến 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị bắt.
Những kẻ ủng hộ Trump chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Nguồn: BBC
Hàng ngàn hình ảnh, video loan truyền trên khắp thế giới liên tục trong cả chục tiếng đồng hồ về cuộc bạo loạn, sẽ có tác động mạnh hơn nữa đến não trạng của các viên chức Việt Nam.
Hình ảnh hàng ngàn người nổi loạn ở điện Capitol rất dễ dàng được lấy ra để biện minh cho việc đàn áp thảm khốc tại Đồng Tâm, trong đó có một nông dân bị bắn chết, ba viên công an thiệt mạng. Và tệ hơn, sẽ được lấy ra làm minh chứng rằng, chế độ dân chủ bầu từ dưới lên của phương Tây sẽ đưa đến hỗn loạn như vụ bạo loạn Capitol, đánh vào tâm lý mong muốn sự ổn định của cả giới cầm quyền lẫn người dân.
Sự ổn định của chế độ chính trị cũng được ông Nguyễn Khắc Giang đề cập đến trong bài viết của ông mà tôi đề cập ngay từ đầu. Tuy nhiên, ông Giang kết luận rằng, việc làm chậm trễ cải cách chính trị, dù mới chỉ trong phạm vi hẹp của ĐCSVN, sẽ lập lại sự đổ vỡ tày liếp của chế độ Soviet trước đây.
Cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021 ở điện Capitol được dẹp tan, cũng như những hỗn loạn mà Donald Trump gây ra cho xã hội Mỹ, đều bị cơ cấu dân chủ, dân sự Mỹ phản ứng thành công. Trump rồi phải ra đi cùng sự hỗn loạn của ông ta.
Đó là cái giá của nền dân chủ.
Liệu người Việt Nam có muốn trả cái giá đó hay không? Hay sẽ không trả giá để rồi có thể rơi vào đổ vỡ như chế độ Soviet mà ông Nguyễn Khắc Giang lo ngại?
J.N.
Nguồn: baotiengdan.com