“Án văn tự” đối với Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam?

Loan Thảo

Qua chuyện cáo buộc về 25 bài báo ‘chống Nhà nước CHXHCN’ để đưa ra mức án 15 năm tù, cho thấy rất có thể đây là một “án văn tự” ở thế kỷ 21.

Ở thế kỷ 20, vụ “án văn tự” đình đám bậc nhất là Nhân Văn – Giai Phẩm. Kế tiếp là sau tháng tư, 1975 với chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, nhiều tác phẩm văn chương xuất bản ở miền Nam được chính quyền mới cho rằng cần phải được hủy diệt, thậm chí tác giả viết ra chúng còn phải bị bắt đi học tập cải tạo để tư tưởng không còn ‘Ngụy’ nữa.

Tư liệu lịch sử cho biết, tại Hội nghị tháng Tám năm 1956 của Hội Văn nghệ, các nhà trí thức công khai đòi quyền tự do nhiều hơn, cũng giống như đồng sự của họ ở Trung Quốc và Liên Xô tại thời điểm đó.

Ở Trung Quốc, Lục Định Nhất kêu gọi “phá vỡ sự trì trệ trong hoạt động của giới trí thức ở Trung Quốc” trong bài phát biểu “Trăm hoa” của ông. Cụ thể là ông đã yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép “sự tự do trong suy nghĩ độc lập về hệ tư tưởng, các hoạt động nghiên cứu khoa học và nghệ thuật; tự do ngôn luận; tự do tham gia vào các công việc sáng tạo và phê bình tác phẩm của những người khác; tự do bày tỏ ý kiến; và tự do thu lại ý kiến”.

Các học giả cũng bàn luận về những thay đổi trong chính sách của Xô Viết đối với giới trí thức kể từ Đại hội lần thứ Hai mươi của Đảng Cộng Sản Liên Xô khi Khrushchev đưa ra bài phát biểu phi Stalin hóa của mình.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng chỉ trích, Hoài Thanh – một quan chức cao cấp của đảng đã xuất bản một bài viết tự phê bình trong tuần báo Văn Nghệ. Nhưng đã quá trễ, giới trí thức bắt đầu xuất bản tạp chí riêng của họ dựa trên triết lý của trí thức gia đối kháng Trung Quốc Hồ Phong, người đã cho rằng “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cần phải chuyển sang khía cạnh con người và khẳng định bản thân như một loại hình của chủ nghĩa nhân văn”.

Về sau, nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014), người từng là phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn Việt Nam những năm có vụ Nhân Văn, có nói rằng, “đó thực chất là một vụ án chính trị, nhưng vì quàng vào một số nhà văn nên người ta cứ tưởng một vụ án văn chương”.

Có ý kiến “án văn tự” ở Việt Nam mang dáng dấp Trung Quốc.

Các nhà nước Đông Á là nơi phát tích hoặc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, từ rất sớm đã sử dụng đường lối “văn trị”, tức là đưa những lực lượng biết chữ nói chung, thành một giai cấp, thế lực, có đặc quyền, có vai trò và thế lực lớn trong kết cấu của thượng tầng xã hội lẫn ý thức xã hội.

Tương tự, các sản phẩm của văn tự như thơ, phú, từ, văn… cũng được nhà cầm quyền đưa lên “cao cấp”, cách thức – nghệ thuật – hình thái sử dụng văn tự trở thành những yếu tố gắn với các giá trị vật chất và tinh thần cao, có uy lực. Nhưng có quyền, có lợi, thì cũng sẽ gặp họa, gặp khó, văn tự án ra đời như một sự cân bằng tất yếu cho cái thần thế được khoác lên người văn tự và văn nhân.

Dưới thời phong kiến, văn tự ngục từ lâu đã bị xem như “hình phạt đặc biệt” dành cho giới văn nhân, trí thức, là thủ đoạn trấn áp của triều đình nhằm kiềm chế những tư tưởng đối nghịch để củng cố nền chính trị độc tài của mình. Những hình thức xử lý của các án văn tự vô cùng tàn khốc, từ bắt bớ, khám nhà, ngồi tù, chịu nhục hình cho tới lưu đầy biên cương, sung quân, làm nô tỳ, còn lại đa số đều bị chém đầu, lăng trì, người chết rồi vẫn phải “khai quan lục thi” (bật quan tài, giết thi hài) để thụ án.

Đó là chưa kể tới việc chỉ cần một người đắc tội, thì tới cả họ hàng, người quen, người in ấn, mua bán, tàng trữ, quan lại địa phương… chỉ cần dính dáng một chút đều phải chịu án liên đới.

Như vậy, nếu xem bản án tù 15 năm dành cho 25 bài báo được cho là có nội dung vi phạm Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung 2017) vừa tuyên vào trưa ngày 5-1-2021 đối với người đứng đầu tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cùng số tiền ‘phạt vạ’ trên 1 tỷ đồng…, xem ra vẫn nhẹ nhàng hơn so với thời phong kiến bên xứ Tàu.

Có điều so với vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, thì ở vụ án Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đúng là quá tàn khốc.

L.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Án văn tự, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.