Học thuyết tập quyền XHCN và kiểm soát quyền lực tại Việt Nam

Phú Nhuận

Trong bối cảnh quyền lực tập trung như hiện nay, không thực sự xuất hiện nhu cầu bức thiết về một công cụ là tài phán hiến pháp, mà thiên chức của nó là bảo đảm cho sự vận hành một cơ chế kiểu khác – cơ chế phân quyền.

VNTB – Học thuyết tập quyền XHCN và kiểm soát quyền lực tại Việt Nam

Rạch ròi của phân công, phân quyền?

Từ Hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây đến các bản Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam hiện nay, trong khi quy định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc tập quyền XHCN thì đều quy định các cơ quan nhà nước thực hiện các chức năng khác nhau gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan này thực chất là thẩm quyền để thực hiện ba chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp của quyền lực nhà nước thống nhất, mặc dù mãi đến khi sửa đổi năm 2001, Hiến pháp 1992 mới ghi ba quyền này, và tiếp tục duy trì ở phiên bản Hiến pháp 2013.

Trong bộ máy nhà nước Việt Nam, ba thứ quyền lực chính là ba chức năng, hay ba loại hoạt động của nhà nước nhằm thực hiện quyền lực nhà nước theo đường lối chính sách của Đảng, phù hợp ý chí của nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đáng tiếc là Hiến pháp 1992 và sau đó là Hiến pháp 2013 không xác định rõ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là cơ quan nào mà đây lại là điều quan trọng nhất cho thấy sự phân công các quyền.

Một điểm nữa là “con người hành pháp” ở Việt Nam lại là Đại biểu Quốc hội, tức đồng thời là “con người của lập pháp”, như thế là “nhập làm một” và “nhúng tay vào cả quyền này và quyền kia”, sẽ không khách quan và khó truy xét trách nhiệm.

Tuy nhiên, dường như nhận thức về vấn đề tập trung và phân quyền tại Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và mô hình truyền thống của Xô Viết, dẫn đến những cách hiểu phiến diện, chưa đầy đủ, thống nhất thậm chí là trái ngược nhau.

Điều đó dẫn đến một thực trạng là các học thuyết về tập trung và phân quyền ở Việt Nam đã bị áp dụng một cách lúng túng, sai lệch, hiệu quả của việc sử dụng quyền lực chưa cao.

Trong thực tiễn cuộc sống, hai học thuyết tập quyền và phân quyền hoàn toàn không có tính tuyệt đối hay loại trừ lẫn nhau. Vấn đề ở đây không phải là lý thuyết tập trung quyền lực hay lý thuyết phân chia quyền lực là tốt hay xấu, mà là cách thức vận dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia, từng hệ thống chính trị.

Cải cách hệ thống chính trị đang quá dè dặt?

So với cải cách để đổi mới nền kinh tế, thì cải cách hệ thống chính trị, đổi mới chính quyền diễn ra khó khăn hơn nhiều. Sự chậm trễ, lỗi nhịp giữa tự do hóa kinh tế, mở cửa thị trường và các cuộc cải cách chính trị, đổi mới chính quyền một cách cần thiết có thể dẫn tới những trục trặc, đe dọa thành tựu kinh tế.

Vấn nạn thâu tóm tài nguyên quốc gia vào tay “tư bản thân hữu” trong và ngoài nước, bóc lột lao động giá rẻ, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, bộ máy hành chính cồng kềnh, thủ tục hành chính rườm rà… làm cho các thành tựu kinh tế như những tượng đài chông chênh, có thể đổ vỡ nhanh chóng khi bất ổn diễn ra trên diện rộng.

Thật hiển nhiên, phát triển nhanh và bền vững cần sự hậu thuẫn của một chính quyền mạnh mẽ, một nhà nước hiệu quả. Bằng chứng cho luận điểm này đã có quá nhiều. Chỉ có điều làm thế nào để xây dựng được một hệ thống chính trị ổn định, một nhà nước hiệu quả… luôn là một thách thức lớn.

Bất hạnh và tìm cách đổ lỗi khi một nhà nước đổ vỡ thì dễ thấy, song làm thế nào xây dựng được chính quyền quản trị nhà nước hiệu quả, vững bền, luôn là điều bí ẩn. Thông thường, các truyền thống và thói quen quản trị quốc gia tồn tại rất vững bền.

Ở Việt Nam trong hơn 100 năm qua, những người cộng sản dường như đã xem nhẹ những giá trị của nền hành chính cổ truyền. Chế độ khoa cử, chính quyền quân chủ, tự trị làng xã được mặc định là mục ruỗng và sụp đổ tan tành. Chúng đã được xem là thối nát, hủ lậu, không còn đáng quan tâm. Các nhà kiến thiết quản trị quốc gia, dù theo xu hướng chính trị nào, hết thảy đều ngoảnh mặt sang phương Tây để tìm lời giải. Từ nền cộng hòa dân chủ nhân dân, mô hình chính quyền Xô Viết đến nhà nước pháp quyền XHCN.

Nay là chế độ pháp quyền XHCN thời hội nhập, hết thảy các lời giải cho các thách thức quản trị quốc gia đều được vay mượn và nhìn từ các lý thuyết quản trị quốc gia.

Tại sao không đặt vấn đề của việc xây dựng chính quyền cần dựa trên những truyền thống bản địa lâu đời, cần tìm lời giải cho các thách thức hiện tại và trong tương lai từ bài học quá khứ?

Từ góc nhìn Phạm Chí Dũng

“Tôi nghĩ rằng các bài báo trăn trở trước đây của nhà báo Phạm Chí Dũng là đan xen giữa thói quen lập luận biện chứng của một người có học vị tiến sĩ kinh tế – chính trị học.(*)

Thói quen này lại có sự dung hòa của một Phạm Chí Dũng đam mê viết lách chuyện văn chương – ông là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Phạm Chí Dũng còn đam mê lịch sử. Hòa nhịp của tất cả điều đó cho thấy bàng bạc ý tứ trong bài báo của Phạm Chí Dũng là những trăn trở của một kẻ sĩ – lắm khi là một tráng sĩ Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn / Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản

Tôi cho rằng nhà báo Phạm Chí Dũng bằng các bài báo của mình muốn nhắc các nhà quản trị quốc gia rằng hãy tạm gác quyền lợi đảng phái sang một bên, chỉ khi đó mới có thể thấu hiểu việc xây dựng chính quyền cần dựa trên những truyền thống bản địa lâu đời, cần tìm lời giải cho các thách thức hiện tại và trong tương lai từ bài học quá khứ…”.

Một người bạn của Phạm Chí Dũng có nhận xét như trên ở trước hôm xét xử hình sự sơ thẩm vụ án liên quan Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

__________

Chú thích:

(*) https://www.voatiengviet.com/z/4579

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Kiểm soát quyền lực, Phạm Chí Dũng, Tập quyền. Bookmark the permalink.