Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc «ngang nhiên» tuần tra các vùng biển của Việt Nam và Philippines

Minh Anh & Thụy My

>

Ảnh tư liệu, 23/09/2015, một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Scarborough, tranh chấp chủ quyền với Philippines. AP – Renato Etac

Báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Hoa Kỳ công bố hôm qua 04/12/2020, lần đầu tiên đã xác nhận việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam từ ngày 01/07 đến 01/12/2020.

Một chiếc tàu hải cảnh lớn mang số hiệu 5204 đã phát tín hiệu nhận dạng (AIS) từ Bãi Tư Chính, khu vực nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trong suốt bốn tháng. Thậm chí ngày 02/11 chiếc tàu này còn ngang nhiên tiến sát khu vực cụm nhà giàn DK1 của Việt Nam, chỉ cách có 5 hải lý, và thường xuyên lượn lờ xung quanh lô dầu khí 06-01. Sự kiện này trùng hợp với quyết định của Hà Nội hủy bỏ việc khoan thăm dò tại lô này.

Sở dĩ tàu Trung Quốc dễ dàng tiến hành vòng tuần tra mới tại Bãi Tư Chính là nhờ lập căn cứ trên Đá Chữ Thập, chiếm được của Việt Nam sau trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Thủ đoạn quấy nhiễu của tàu hải cảnh 5204 ở Bãi Tư Chính cũng giống như việc áp sát giàn khoan của Malaysia ở bãi cạn Luconia, chứng tỏ đây là một chiến thuật hẳn hoi.

Vẫn theo AMTI, đại dịch Covid-19 đã không ngăn cản hoặc kềm hãm bớt Trung Quốc triển khai các tàu tuần duyên «xung quanh các địa điểm mang tính biểu tượng quan trọng» ở Biển Tây Philippines, kể cả việc thâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở các bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Qua phân tích dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS), chuyên theo dõi vị trí tầu thuyền trên biển mà trang mạng Marine Traffic thu thập được, AMTI ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 01/12/2019 – 30/11/2020, các đội tầu tuần duyên của Trung Quốc không chỉ duy trì « sự hiện diện lâu dài » tại những bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây và bãi Luconia, mà còn dường như đã « gia tăng tần số tuần tra » tại những khu vực này trong suốt giai đoạn dịch bệnh.

Cụ thể là 287 trong số 366 ngày gần đây, ít nhất có một và thường là hai tầu cảnh sát biển Trung Quốc phát sóng tín hiệu tự bãi cạn Scarborough. AMTI cho rằng đây là «một mức tăng đáng kể» so với 162 ngày trong năm 2019.

Theo nhận định của AMTI, «việc các tầu tuần tra Trung Quốc phát sóng thường xuyên hệ thống nhận dạng tự động từ những bãi cạn trên, vốn dĩ không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho thấy là Bắc Kinh cố ý đánh đi tín hiệu đòi hỏi chủ quyền của mình».

AMTI còn ghi nhận rằng điều đáng chú ý là bãi Tư Chính, ngoài khơi đông nam của Việt Nam cũng đã được bổ sung vào trong lộ trình tuần tra thường xuyên của tuần duyên Trung Quốc. Đây là địa điểm gây căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều tháng liên quan đến các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Hà Nội trong năm 2019.

Từ những quan sát trên, các nhà phân tích của AMTI cho rằng đại dịch Covid-19 là một tấm bình phong che giấu cho việc thực hiện các hành động hung hăng của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên gần hầu hết diện tích Biển Đông, kể cả những vùng lãnh hải phía Tây thuộc chủ quyền Philippines.

M.A. – T.M.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

This entry was posted in Bá quyền Trung Cộng, Chinazi. Bookmark the permalink.