Mạc Văn Trang
Ở Việt Nam bây giờ, bất kỳ cái gì cũng có thể lẫn lộn THẬT – GIẢ! Xác định người mắc bệnh tâm thần càng dễ lẫn thật – giả, vì nó vô cùng phức tạp.
“Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khiến việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn” … (1). Vậy là có thể đưa 30% dân số Việt Nam vào bệnh viện tâm thần (BVTT) theo “y lệnh” của Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương chăng?
Không thể như vậy. Theo quan điểm hiện đại, vấn đề sức khoẻ của con người phải quan tâm cả mặt thể chất, tâm lý và xã hội. Trong đó mặt tâm lý – tâm thần là quan trọng nhất.
Dân ta xưa nay thường chỉ chú ý đến bệnh thực thể: cơ thể đau đâu mới lo chữa đấy; còn khi có những sang chấn tâm lý, mất cân bằng tâm lý, dẫn đến tâm trạng: lo hãi, buồn phiền, cáu giận, thù hận, căng thẳng, chán đời, vô cảm, lãnh cảm, lầm lì, đa nghi, ác cảm, hay quên, lú lẫn, nghiện ngập, ba hoa vô căn cứ … thường không coi đó là những triệu chứng cần quan tâm, cần trị liệu.
Thật ra đó là những triệu chứng tâm lý bất ổn, cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần, chủ yếu bằng tư vấn tâm lý, bằng những liệu pháp tâm lý – xã hội, chứ chưa cần vào BVTT quản lý, chữa trị.
“Bệnh nhân tâm thần” của Việt Nam hiện nay, phân loại theo “hiện trạng xã hội”, ít nhất có ba loại: Bệnh nhân tâm thần thật, bệnh nhân tâm thần giả, bệnh nhân tâm thần bị cưỡng ép.
1. “Bệnh nhân tâm thần thật”
Người bệnh tâm thần là do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về tư duy, ngôn ngữ, cảm xúc, hành vi… một cách có hệ thống.
Theo Tổ chức y tế thế giới, hiện nay có hơn 300 các loại rối loạn tâm thần. Nhưng thông thường có một số dạng điển hình: Tâm thần phân liệt; Rối loạn trầm cảm; Rối loạn cảm xúc lưỡng cực; Chứng chán ăn tâm thần; Rối loạn ám ảnh cưỡng chế; Rối loạn ám sợ; Rối loạn lo âu lan tỏa; Rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy; Chậm phát triển trí tuệ; Rối loạn phân ly (rối loạn đa nhân cách); Rối loạn tâm trạng (rối loạn cảm xúc); Rối loạn kiểm soát bốc đồng và nghiện; Rối loạn nhân cách; Rối loạn Tic (rối loạn tạo ra âm thanh hoặc hiển thị hình ảnh lạ)…
Các triệu chứng tâm thần thường xuất hiện:
Bất thường suy nghĩ, hành vi và cảm xúc
Cảm thấy buồn
Nhầm lẫn tư duy
Quá sợ hãi hoặc lo lắng
Xa lánh bạn bè và các hoạt động
Vấn đề ngủ
Tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác
Không có khả năng đối phó với vấn đề hàng ngày hoặc căng thẳng
Rượu hoặc lạm dụng ma túy
Thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống
Tình dục thay đổi
Quá tức giận, thù địch hoặc bạo lực
Suy nghĩ tự sát
Dấu hiệu thể chất của bệnh tâm thần thường thấy:
Mệt mỏi
Đau lưng
Đau ngực
Rối loạn tiêu hóa
Khô miệng
Nhức đầu
Ra mồ hôi
Tăng hoặc giảm cân
Tim đập nhanh
Chóng mặt (2)
Để xác định là bệnh nhân tâm thần cần điều trị phải được các CHUYÊN GIA CHẨN ĐOÁN bằng hệ thống các phương pháp, kỹ thuật một cách khoa học, được hội chẩn và kết luận bằng văn bản… Quá trình điều trị có thể vào BVTT hoặc điều trị ngoại trú. Không thể tùy tiện đưa người vào BVTT được!
2. “Bệnh nhân tâm thần giả”
Tình trạng “Bệnh nhân tâm thần” giả ở Việt Nam đã thành vấn đề Quốc hội phải thảo luận. Có trường hợp chủ nợ trốn vào BVTT “điều trị”; có trường hợp cán bộ, quan chức bị kỷ luật hay ra toà cũng có thể bỗng nhiên thông báo bị “bệnh tâm thần”; có trường hợp nguy hiểm nhất là kẻ phạm tội, mua giấy chứng nhận “bệnh tâm thần” và được tại ngoại, rồi tiếp tục gây án…
Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác giám định tư pháp với các cơ quan Trung ương ngày 7.8.2019 nhiều đại biểu lo ngại tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội. (3)
3. “Bệnh nhân tâm thần bị cưỡng ép”
Cuối năm 2019, trên mạng xã hội xôn xao dư luận anh Lê Anh Hùng bị công an bắt giam rồi đưa vào BVTT. Mẹ anh và bạn bè xác nhận, anh là người bình thường, không hề có bệnh tâm thần…
Trong bài viết “Hãy cứu giúp người tù bị cưỡng bức điều trị tâm thần: Lê Anh Hùng”, tác giả Nguyễn Vũ Bình đã nói rõ điều này và nhấn mạnh: “Đến nay lại tăng gấp đối liều lượng thuốc cho Lê Anh Hùng là điều độc ác, dã man và không thể chấp nhận nổi. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam, an ninh và BVTT trung ương I Thường Tín Hà Nội hãy dừng tay trước khi hủy hoại một nhân cách, một con người!” (4)
Gần đây, trên mạng xã hội lại xôn xao dư luận, nhà văn, nhà báo Phạm Thành sau khi bị công an bắt giam 6 tháng, cũng bị đưa vào BVTT. Bài viết của Đài Á châu Tự do (RFA) “Nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thành bị đưa vào Viện Tâm thần” cũng cho biết, vợ ông Phạm Thành nói, ông là người bình thường, không hề có bệnh tâm thần… Bà hết sức lo lắng cho chồng khi bị đưa vào BVTT (5).
Mới đây Mục sự Thân Văn Trường có đến thăm vợ chồng tôi và tặng cuốn Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước. Ông kể chuyện tặng Kinh Thánh cho nhiều nhân vật lãnh đạo. Ông mới ra Hà nội, gửi tặng một cuốn cho TBT Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng; trước đây cũng trực tiếp tặng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang Kinh Thánh, các ông đều vui vẻ đón nhận. Nhưng tường hợp tặng Kinh Thánh cho ông Lê Khả Phiêu xong thì bị công an bắt.
Tôi hỏi, sao ông lại đi tặng Kinh Thánh cho các ông lãnh đạo cộng sản? Ông nói, đó là sự sai khiến của Chúa, ông chỉ thực hiện thôi…
Ông kể rất nhiều chuyện, nhưng có chuyện, sau 2 năm bị giam giữ mà không đưa ra xét xử, ông bị công an cưỡng ép đưa vào BVTT. Ông nói, ông hoàn toàn bình thường, nhưng họ cứ cưỡng chế phải vào BVTT hơn một năm và sau đó thì thả ra.
Nhưng rất may, ơn Chúa che chở, nên ông gặp được một bác sĩ có lương tri và những cô y tá nhân đức. Bác sĩ nói, ông không sao cả, cứ sống bình thường. Còn Y tá lúc tiêm thuốc cho ông, chỉ cắm kim mà không bơm thuốc… Họ cho thuốc, ông đưa vào miệng, uống nước vào, nhưng ngậm không nuốt, sau đó vào nhà vệ sinh nhổ ra. Phải làm như vậy, vì biết có sự theo dõi… Nhờ vậy khi ra tù, ông vẫn khoẻ mạnh, sống và hoạt động bình thường.
Từ ba trường hợp công dân bị bắt giam rồi bị cưỡng bức vào BVTT nêu trên, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội cần có điều luật truy tố, xét xử những người cưỡng ép người bình thường thành “Bệnh nhân tâm thần” rồi đưa vào BVTT quản lý “điều trị”. Kiến nghị ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công An cần chỉ đạo cấp dưới không được tuỳ tiện ép người vào BVTT; đồng thời kiểm tra, xử lý trường hợp anh Lê Anh Hùng, ông Phạm Thành theo đơn kêu cứu của gia đình họ.
M.V.T.
____
Chú thích:
1. 30% dân số Việt mắc các bệnh trầm cảm, rối loạn tâm thần
2. 14 loại bệnh tâm thần thường gặp và cách khám điều trị
3. ‘Tội phạm chỉ cần lấy chứng nhận tâm thần là nhởn nhơ ngoài xã hội’
4. Hãy cứu giúp người tù bị cưỡng bức điều trị tâm thần: Lê Anh Hùng
5. Nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thành bị đưa vào Viện Tâm thần
Nguồn: Baotiengdan