(TBKTSG) – Có những chuyện có thật trong đời sống, tồn tại “tự nhiên như ruồi” mà làm những người bình thường như chúng ta phải suy nghĩ vì không hiểu nổi.
Chuyện nhỏ, chuyện vặt như lát mặt đường hay trồng mấy dãy cây ven đường. Ngoài công trình lát đá ven Hồ Gươm ầm ĩ mọi người đều biết, nếu ai từng thăm thành phố Vũng Tàu nổi tiếng và xinh đẹp, từng dạo bước trên vài cây số vỉa hè đường ven biển Hạ Long đều thấy chuyện lạ.
Đó là đoạn từ gần Bãi Dứa (nơi có Tịnh xá Phật nằm) đến dốc ông Quán, vỉa hè hai bên đường đều được lát bằng đá hoa cương đánh bóng lưỡng như trong sảnh khách sạn 5 sao!
Nhiều đường phố mới ở thị xã Bà Rịa, con đường mang tên Nguyễn Sinh Cung ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và một số nơi khác có phong trào trồng cây cọ Tây, nhiều người gọi đúng tên là cọ Malaysia.
Những cây cọ giá mỗi cây vài triệu đồng, thẳng đuỗn như cái cột điện, trên chóp có mấy tàu lá lưa thưa như chỏm tóc người hói. Mấy chị công nhân suốt ngày bơm nước tưới cọ trong nắng nóng và gió Lào mà cây vẫn xác xơ. Thứ cọ Tây này không quen thung thổ, khí hậu nước ta nên phải chăm như chăm con mọn mà thân cây, lá cây vẫn một màu xám xịt. Một loài cây không cho màu xanh, không cho bóng mát!
Chuyện lớn hơn một chút là cái Bến xe miền Tây, từng được biết tới như là nơi đi về mỗi giờ mỗi ngày của bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hàng trăm xe đậu, hàng ngàn khách đi đến, đợi chờ.
Người viết bài này đã từng đến đó sau ngày chấm dứt chiến tranh mấy năm, nghĩa là cách đây ba mươi năm có lẻ. Vậy mà bây giờ, khi trở lại vẫn gặp nguyên một mùi hôi khó tả của bến xe, ga tàu, vẫn những dãy quán cóc cà phê, nước mía, bánh bò, bánh xèo mà tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có lẽ là con số không. Vẫn cái nền đá lổn nhổn, mỗi lần xe qua, đá dăm bắn rào rào lên chân khách.
Hay như bệnh viện, hầu như có thể dẫn ra bất kỳ bệnh viện nào của Hà Nội hay TP HCM, mỗi bệnh nhân, mỗi người nhà bệnh nhân, phần lớn là nông dân kéo lên, phải chầu chực, chờ đợi, chia nhau từng cen ti mét hành lang, góc nhà. Đó là chưa nói nỗi khổ vì nạn chặt chém, giá thuốc thang, giải phẫu mà người nông dân dù có bán cả cơ ngơi đi cũng không trụ nổi mấy ngày.
Chuyện trường học ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những bến đò ngang không an toàn, những cây cầu mơ ước luôn đến muộn sau khi đã xảy ra chết chóc trên sông không chỉ trong mùa lũ. Chuyện nông dân khốn đốn vì gia súc, gia cầm bị dính dịch, thuốc ngừa vắc xin thừa ứ trong kho nhưng không được đưa ra cứu tài sản nông dân nghèo khó chỉ vì không giải quyết được tiền công tiêm cho cán bộ.
Có lẽ chuyện còn dài và quả thật, với một nước nghèo, không phải ngày một ngày hai “hết chuyện”. Nhưng hãy cùng nhau suy nghĩ về một vài chuyện nhỏ nhặt nhất. Tại sao người ta thích trồng cọ Tây trên những con đường rất cần bóng mát che chở cho dân đi đường? Tại sao người ta thích chơi sang, lát đá hoa cương bóng lộn hàng cây số vỉa hè, bóng đến nỗi không ai dám đi trên đó vì sợ trượt ngã? Tại sao người ta say mê với những dự án sang trọng, xây dựng lâu đài, trụ sở, công trình nguy nga nhiều tiền nhiều của mà hờ hững với những gì thiết thực đưa lại chút an ủi, chút bóng mát cho người dân? Phải chăng trong nhiều câu trả lời, có hai chữ “quyền lợi” hay “lợi ích”, chuyện trở nên khó nói khi lương tâm không còn biết cắn rứt nữa?
Con số phần trăm tăng trưởng, thu nhập quốc dân GDP, chỉ là những ký hiệu trừu tượng với dân chúng. Lâu đài, trụ sở là nơi người dân ít khi ra vào. Người dân chỉ mong có chút bóng mát trên đường, một bến xe có chỗ ngồi chờ đợi, một bệnh viện phong quang sạch sẽ cho người bệnh và người thăm nuôi.
Ngày xưa người dân chờ ơn vua “mưa móc”. Trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như xã hội ta đang hướng tới, phúc lợi người dân là trách nhiệm tối cao của hệ thống cán bộ và nhân viên công quyền. Xin hãy chia công bằng bóng mát, sự an ủi cho từng cuộc đời nhọc nhằn, không làm được thế là tội lỗi, là biến thành vô nghĩa mọi lý thuyết và những ý tưởng tốt đẹp.
NQT
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/vanhoa/tanvan/37227/