Viết cho ngày Chủ nhật: Chết chưa phải là hết!

Lê Phú Khải

Một buổi sáng oi bức vào đầu những năm 2000, tôi và một anh bạn văn vào bệnh viện Thống Nhất thăm nhà văn Văn Lê – người vừa mới đây đã đột ngột ra đi ở tuổi 72!

Đang nói chuyện vui vẻ thì có một cú điện thoại. Ở đầu dây đằng kia có một người, mà tôi đoán là ở một nhà xuất bản, hỏi lý lịch vắn tắt của nhà văn quân đội Văn Lê để giới thiệu vào tập văn xuôi của anh sắp được xuất bản ở Hàn Quốc. Văn Lê trả lời: Cấp bậc Thượng sỹ. Có lẽ người kia thấy cấp bậc thấp quá, nên hỏi lại: – Có phải Thượng tá không? Văn Lê cáu tiết quát: – Thượng tá cái con c… Anh nuôi mà Thượng tá cái gì!!! Cả phòng cười rộ.

Văn Lê là như thế. Hồn nhiên, chân thật và hóm hỉnh. Tôi yêu Văn Lê ngoài tài năng của một nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu… anh là một người chân thực đến hồn nhiên hiếm thấy. Buổi sáng anh vẫn đi đôi dép lốp chiến trường năm xưa xách làn đi chợ, khác hẳn với những ông nhà văn xuất thân bần cố nông, răng đen mắt toét năm xưa mà tôi biết, nay khoác áo “nhà văn”, chiều chiều mặc quần short trắng, xách cây vợt tennis khệnh khạng ra sân chơi bóng, và nói toàn giọng “quý tộc bần cố”.

Nghĩ đến cái quân hàm thượng sỹ và “chức vụ” anh nuôi của Văn Lê, tôi không khỏi nghĩ đến một ông đeo lon không phải thượng tá mà là thượng tướng, chức vụ không phải anh nuôi mà là tổng bí thư một đảng cầm quyền, khi chết đi chẳng ai thương tiếc như thương tiếc thượng sỹ Văn Lê, và còn bị người đời nguyền rủa. Như nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng trong bài “Đôi điều về hai cái chết” đã viết: “Nhắc đến ông Phiêu tôi chỉ nhớ đến những hải lý mang hồn thiêng cha ông người Việt ở Vịnh Bắc bộ, nhớ những kilômét đất rộng dài của lãnh thổ Việt Nam ở thác Bản Giốc, nhớ bức tường thành kỳ vĩ cổng nước lịch sử Việt Nam ở Lạng Sơn… đều đã thuộc lãnh thổ Tàu cộng theo Hiệp định phân giới đất liền và hải đảo… được ký với Tàu cộng thời ông Phiêu đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền!”. Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng còn viết: “cục bộ nhỏ nhen, danh nghĩa là con người của dân tộc, của đất nước mà tình cảm chỉ quanh quẩn bờ tre”, vừa lên tổng bí thư “lập tức giám đốc công an Thanh Hoá Hoàng Ngọc Nhất được điều động về thủ đô làm thứ trưởng Bộ Công an, và đồng hương Thanh Hoá Nguyễn Duy Niên lên bộ trưởng Bộ Ngoại giao”! Nhà văn Phạm Đình Trọng kết luận: “Công lênh quá nhẹ mà tội trạng quá lớn, quá nặng” nên không thể “nghĩa tử là nghĩa tận” mà ca ngợi con người này được.

Rõ ràng, chết không phải là hết!

Hãy nghe người ta nói những lời tốt đẹp về nhà văn thượng sỹ anh nuôi Văn Lê…

Tên thật của Văn Lê là Lê Chí Thuỵ, quê Ninh Bình, cái tên Văn Lê là tên một đồng đội của Thuỵ đã hy sinh, anh đã lấy tên đồng đội của mình làm bút danh suốt 45 năm cầm bút, làm nên sự nghiệp văn chương nghệ thuật của mình. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết và đọc điếu văn trong đám tang của Văn Lê với một bài thơ đầy nước mắt. Xin trích:

“Truy tìm đồng đội hy sinh để đưa vào trang viết

Thuỵ đi rồi, ai dắt họ vào thơ!”

Trong đám tang của Văn Lê, nhiều bạn Hàn Quốc đã đến, mang những vòng hoa và thắp những nén hương tiễn biệt!

Sách của Văn Lê đã được tái bản ở Hàn Quốc đến năm lần. Nhà văn nổi tiếng Hàn Quốc Bang Hyum Suk đã viết về Văn Lê thế này: “Anh là người đẹp trai mà tôi từng thấy trong đời người. Tôi chưa thấy ai mạnh mẽ ấm áp đến vậy, vừa nghiêm túc lại vừa hóm hỉnh đến vậy. Khi tôi thất vọng về thế gian này, khi đau lòng bởi người khác, khi chán ghét bản thân, vừa nghĩ đến việc đương được cùng thở với anh trên trái đất này là tôi lại có thêm dũng khí!”.

Những ngày thương nhớ Văn Lê, tôi tìm đọc lại những bài tôi đã viết, đã giới thiệu sách của Văn Lê trên các báo, như tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt”, “Cao hơn bầu trời” mà không kìm được cảm xúc. Đây rồi! Tấm hình Văn Lê đến liên hoan vào các dịp cuối năm ở nhà tôi. Nó đẹp trai quá.

Văn Lê (bìa trái) và các nhà thơ Hoàng Hưng, Thái Thăng Long…

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Thư giãn Chủ nhật. Bookmark the permalink.