Tôi bào chữa cho 6 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục (tội giết người) và Nguyễn Thị Dung (tội Chống người thi hành công vụ).
Lời đầu tiên, tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ án này. Và cùng với sự chia sẻ nỗi cảm thông ấy, chúng ta ở đây có một nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là làm cho sáng tỏ những sự thật thực sự của nó.
Và thật cảm kích, tôi rất cảm ơn các vị đại diện viện kiểm sát đã chuyển tội danh đối với 19 bị cáo, từ tội Giết người sang Chống người thi hành công vụ, bởi chính vì điều này, cho thấy, ý chí và nhận thức thực sự của các bị cáo trong vụ án này là không nhằm mục đích giết người ngay từ đầu, mà nếu có, như đúng đánh giá của các vị đại diện viện kiểm sát khi đã nhận định rằng, hầu hết các bị cáo chống trả là với mục đích chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, quay trở về vấn đề công vụ. Đây là một cơ sở bắt buộc để truy tố tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS. Và điều luật này quy định, công vụ phải là hợp pháp. Trong khi đó, hồ sơ vụ án đã nêu rõ Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt. Và tài liệu này là một văn bản đặc biệt quan trọng để xác định đúng đắn công vụ là gì. Mặc dù vậy, vị đại diện Công an Hà Nội xuất hiện tại phiên toà với vai trò người tham gia tố tụng khác lại đã không được xét hỏi và bị coi là đơn vị được mời tham dự phiên toà. Và hẳn nhiên, Kế hoạch số 419a này sẽ được lưu trong hồ sơ của nhiều cấp, ngành khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong hồ sơ vụ án. Tài liệu là văn bản trả lời về kế hoạch của Công an Hà Nội chỉ là một văn bản thế thân, nên không có giá trị để đánh giá so với bản Kế hoạch gốc chứa đựng nội dung của nó.
Vì trong vụ án này, buộc phải xem xét tính hợp pháp của công vụ vào rạng sáng ngày 9/1/2020, để từ đó có thể chứng minh được hành vi của các bị cáo là phạm tội theo Điều 330 hay không. Bản thân điều luật này quy định hai loại hành vi – hoặc ngăn chặn người thực thi công vụ; hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vì hai loại hành vi cấu thành có tính đối lập này mà tính hợp pháp của công vụ chính là điểm xuất phát cơ bản và nghiêm khắc nhất cho việc cáo buộc các bị cáo là đúng đắn hay sai lầm.
Về tính chính đáng của hành vi của các bị cáo
Vì lý do công vụ phải hợp pháp, nên nếu không đảm bảo, dẫn tới sự chính đáng của hành vi đối với các bị cáo, bởi, một người thực thi công vụ thực thi trái pháp luật, đương nhiên làm phát sinh tính phòng vệ chính đáng từ người bị tác động bởi hành vi được cho là công vụ đó. Và như vậy, tính chính đáng này cho ta đưa tới một vấn đề pháp lý quan trọng khác, nếu có, tội giết người được thành lập với những (6) bị cáo còn lại được nhìn nhận dưới góc độ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Điều đó đồng nghĩa với một tội danh khác sẽ được áp dụng lên các bị cáo.
Về mục đích để xác định tính chính đáng của các hành vi.
Các bị cáo khai nhận rằng, bao gồm ông Hiểu, Doanh, Uy, Chức và Công, đều cho biết họ tập trung tại nhà ông Kình là để bảo vệ ông Kình trước sự tấn công hoặc truy ép từ những người khác mà họ chưa thực sự được biết là ai. Hơn nữa, lý do bảo vệ ông Kình là một sự hợp lý khi dẫn chiếu vào 3 vấn đề cơ sở trực tiếp sau đây:
(i) ông Kình từng bị đánh gãy chân và bị bắt cóc vào năm 2017 trên đường ra cánh đồng Sênh và đã tố giác nhưng không có kết quả gì, dẫn tới sự lo sợ cho ông Kình với tư cách là thân nhân là một lý do hết sức cụ thể và đúng đắn; và
(ii) nhà ông Hiểu trước đó bị ném mắm tôm và trứng thối vào nhà, ông đã báo cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết; đồng thời cách ngày xảy ra sự việc 2-3 ngày có nhiều kẻ lạ mặt xuất hiện ở đó; và
(iii) ông Công khai đã nhiều lần những người khiếu kiện đất đai, trong đó có ông, bị đe doạ, có cả trực tiếp và bằng tin nhắn, và trước khi xảy ra sự kiện vài ngày có người đã viết giấy nhắn rằng ông Kình sẽ bị bắt.
Các dữ kiện nêu trên đã khiến cho những người thân của ông Kình, gồm nhiều các bị cáo trong phiên toà, ở lại tối 8/1/2020 để bảo vệ ông Kình khỏi sự bị truy bắt nào đó, nếu có, như các thông tin được tiếp nhận.
Thêm vào đó, chính vì sự thiếu rõ ràng, không cụ thể và không thể xác định của Kế hoạch công vụ từ lực lượng chức năng; trong khi, cả thôn, vào giữa đêm lại bị cắt điện (gồm điện chiếu sáng và mạng internet), chính vì sự bị cô lập và bị đặt vào trạng thái phải phòng vệ trước một sự đe doạ rủi ro nào đó có thể đang đến gần, nên việc họ tập trung lại để bảo vệ ông Kình lại càng có cơ sở đúng đắn của nó. Và Kế hoạch được trả lời rằng là sự đảm bảo an ninh trật tự cho việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn là một thông tin không chính xác, khi tường rào Miếu Môn đã được xây xong cuối năm 2019, nơi xây cách thôn Hoành tới 2km. Do vậy, việc phải công bố Kế hoạch 419a càng trở nên tối cần thiết trong vụ án này.
Tính chính đáng của hành vi của các bị cáo còn được xem xét ở các góc độ sau:
Việc khiếu kiện đất đai tại Đồng Sênh kéo dài hàng chục năm, qua việc đấu tranh đã có nhiều cán bộ tham nhũng phải bị truy tố, đây chính là nguyên nhân để những người là bị cáo cố gắng giữ đất trước những sự tranh chấp mà còn chưa được giải quyết. Các bị cáo đã khai, đang nhờ luật sư để tiếp tục thực hiện việc khởi kiện, và vì việc thanh tra không phải là một thủ tục pháp lý có tính chung thẩm và có hiệu lực cuối cùng để giải quyết, mà phải thông qua toà án. Vì vậy, khi tranh chấp còn đang chưa được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực trên thực tế, các bên đều có quyền yêu cầu tạm đình chỉ mọi sự/hành vi tác động lên tài sản.
Các bị cáo, bị truy tố tội giết người, cần phải được xem xét lại, với các cơ sở dưới đây:
Vì việc chuyển tội danh của hầu hết các bị cáo, đã dẫn tới tình trạng pháp lý, phải xem xét các hành vi, nếu cho là giết người, là độc lập hoàn toàn với nhau và là hành động có tính tình thế cụ thể mà nó xảy ra vào bối cảnh thực tế chứ không phải có tính toán từ trước.
Công, Chức, Uy và Doanh và những người khác không có bàn bạc và phân công hoặc được dặn dò về việc sẽ giết người, mà mục đích là bảo vệ ông Kình. Khi xảy ra sự kiện các cảnh sát rơi xuống hố và cháy than hoá, các bị cáo đang ở những tình thế độc lập và không hề biết về các lẫn cách hành động của nhau, ngoài Chức và Doanh có mặt tại phía trên của chiếc giếng trời.
Bị cáo Công không biết về sự kiện ba cảnh sát rơi xuống hố; cho đến khi bị bắt và được thông báo thì mới biết rằng có sự kiện thiệt mạng này. Việc Công ném lựu đạn không rút chốt chứng tỏ Công đang muốn ngăn chặn sự áp sát của lực lượng đông đảo đang tiến gần đến. Như vậy, với bối cảnh này, không thể kết luận và cho thấy nhận thức của Công là không có mục đích tiêu diệt một con người cụ thể nào. Do đó, cần phải loại trừ ông Công khỏi sự truy tố về tội Giết người.
Mà điều đó, như tôi phải cảm ơn các luật sư của các bị hại, đã hỏi các bị cáo để giúp tôi có câu trả lời quan trọng cho tình tiết giá trị sau: ba bị cáo khi được hỏi, trả lời rằng, bị cáo sau khi bị bắt mới biết có ba cảnh sát chết, nên cảm thấy sai, nhưng thực sự là các bị cáo cũng không biết sai gì. Các câu trả lời này cho thấy ý chí và nhận thức của các bị cáo, khi trước bị truy tố tội giết người, là hoàn toàn rõ ràng về mục đích của mình khi có mặt tại nhà ông Kình tối ngày 8/1/2020, hẳn đã xác định chắc chắn, họ không có bất kỳ ý niệm gì về việc tấn công tiêu diệt một con người nào.
Và lúc này, tội Giết người, nếu có, chỉ có thể còn cáo buộc được cho Chức và Doanh.
Đồng thời, như Chức và Doanh khai, phù hợp nhau, chiếc chậu đỏ được cho là đựng xăng là do Doanh dùng chân cố gắng đẩy sang cho Chức nhưng vì lửa đang cháy ở chậu xăng này nên bị đổ xuống hố. Hơn nữa, hai cảnh sát phía bên dưới (Chức và Doanh) đã khai rằng các cảnh sát nhảy từ nhà Hợi qua nhà Chức bị trượt chân nên rơi xuống hố. Bởi thế, không thể quy kết ngay rằng Chức và Doanh có mục đích giết người. Cũng cần phải căn cứ ngay vào sự mâu thuẫn trông thấy của Cáo Trạng và Bản Luận Tội của Viện kiểm sát, khi Cáo trạng cho rằng bị cáo Doanh dùng chân đẩy chậu xăng qua cho Chức nhưng bị rơi xuống hố (giếng trời), trong khi Bản luận tội được đọc vào hôm nay lại thay đổi cho rằng Doanh dùng gậy đẩy chậu xăng khiến nó rơi xuống hố và tạo ra thảm kịch cho ba cảnh sát.
Các xung đột và làm cho vô hiệu tính chứng minh và rõ ràng của hành vi, việc chưa thực nghiệm hiện trường, càng có cơ sở để yêu cầu Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm sáng tỏ các sự kiện quan trọng này. Và theo đó, có thể xác định tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng hay Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.
Việc yêu cầu trả hố sơ điều tra bổ sung càng cho thấy sự cần thiết và chắc chắn về cơ sở pháp lý, bởi hai lẽ:
(i) Các video được trình chiếu trong phiên toà đã bị cắt xén, ráp nối và được/bị chỉnh sửa, từ phông nền cho tới chữ “bị cáo…” xuất hiện trước chân dung từng bị cáo khi nói lời thừa nhận tội trạng. Như vậy, các chứng cứ này đã bị xâm phậm vào một cách nghiêm trọng, không có nguồn gốc và mô tả tình trạng, không còn tính nguyên vẹn bởi đã bị can thiệp thô bạo bằng các kỹ thuật chỉnh sửa và biên tập.
(ii) Nhiều bị cáo khai tại phiên toà có sự bức cung và đánh đập, với con số nhiều các bị cáo khai tại phiên toà như vậy, theo thẩm quyền và nghĩa vụ của Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát, có thể đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra và từ đó ngăn chặn mọi hành vi tiến hành tố tụng có dấu hiệu vi phạm.
Cuối cùng, sau mọi phân tích, đánh giá và nhận định cũng như đưa ra các đề nghị, tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta đang phải chứng minh và đi tìm sự thật, nhưng tại phiên toà, không có sự thật nào khác ngoài sự thật hợp pháp. Vì rằng, nó là để bảo đảm sự công bằng trước luật pháp, không phải chỉ cho các bị cáo này, mà là cho tất cả chúng ta.
Và, mọi sự thật, không gì khác, chỉ có duy nhất là sự thật hợp pháp.
Trân trọng cảm ơn!
Nguồn: FB Luân Lê