Cải cách tư pháp và vụ án Đồng Tâm

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

2020-09-05

Một vụ án thuần túy ban đầu là dân sự, lại bị đẩy tới hình sự, và cuối cùng như thể “chính trị”. Dù chính quyền này không chịu công nhận tính chất “chính trị” khét lẹt trong đó, báo chí hoàn toàn một chiều, thì người dân cũng quá rõ.

Các nghi can vừa mới bị bắt là đài truyền hình trung ương đã đưa ngay hình ảnh “nhận tội”, đi ngược một cách trắng trợn tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 vẫn từng được ca ngợi về những đổi mới; trong đó có nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nói rõ một khi chưa có bản án kết tội của tòa thì mọi bị can, bị cáo đều phải được coi là vô tội.

Sau ngày nổ ra vụ án, giáp Tết rồi, mà cả làng như bị giam lỏng trong suốt một tuần. Hết phong tỏa, cũng chẳng thấy báo chí vào gặp dân mà nghe tố cáo tội phạm “giết” công an, ca ngợi những tấm gương dũng cảm hy sinh (?) … Sao lạ vậy, tuyên truyền với tuyên giáo đi đâu cả? Phải chăng các nhà báo sợ một thứ gì đó vô hình? Hiếm hoi tìm thấy một bài báo, thì chỉ lấy ý kiến của cán bộ lãnh đạo xã đánh giá vụ việc, là “sự việc vừa qua chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ”. Thế kỷ 21 với mạng xã hội hàng chục triệu dân tham gia, mà công tác tuyên truyền như thể cách nay nửa thế kỷ.

Những ngày sắp diễn ra phiên tòa, xét xử thứ tội trạng chết người cho hàng chục nông dân chân đất, mà họ vẫn không được gặp người thân. Tới độ dường như người thân của họ còn bị cản trở đủ kiểu ngấm ngầm, quyết liệt, để không thể tới được phiên tòa.

Ngày 03/09/2020, sát thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm, thế mà các luật sư bảo vệ cho hầu hết trong 29 bị cáo vẫn còn phải gửi (thêm) một lá đơn chung tới tòa, viện kiểm sát Hà Nội phản ánh những “khó khăn từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng, khiến cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ đang bị tạm giam là rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn”.

Cũng trong văn bản này, các luật sư đã chỉ ra những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa nội dung bản kết luận điều tra/cáo trạng với lời trình bày của các bị cáo khi gặp luật sư gần đây, có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét có hay không tội trạng của bị cáo.

Các luật sư đã không còn đủ thời gian để xác minh, đối chất hòng tìm ra sự thật một cách thuyết phục nhất – một thao tác tối thiểu, nhưng cũng tối quan trọng giúp cho việc bảo vệ thân chủ của họ.

Như vậy cũng đã đủ cho công luận có thêm quyền nghi ngờ rất lớn về tính nghiêm minh của pháp luật ở chính các cơ quan pháp luật này.

Những người nông dân thấp cổ bé họng, bị buộc vào tội trạng tới mức tử hình, bị cách ly tuyệt đối quá phi lý với gia đình, luật sư trong một thời gian dài như vậy, đối mặt với cả đội ngũ điều tra, kiểm sát dày dạn, thì dễ hiểu rất có thể họ phải chọn cách thừa nhận thứ tội mà mình không có, để mong được “khoan hồng”.

Rồi, cũng sẽ như nhiều phiên tòa khác, thậm chí đáng lo hơn, quan tòa sẽ chủ yếu công nhận lời “thú tội” trước cơ quan điều tra, mà coi nhẹ lời “phản cung” tại tòa của bị cáo cùng chứng lý của các luật sư. Còn các công tố viên cũng không cần tranh luận tới cùng với luật sư; luật không bắt buộc họ phải vậy, mà quan tòa cũng chẳng muốn “làm khó” họ.

Không lẽ, bằng một vụ án lớn đến thế, công cuộc được gọi là “Cải cách tư pháp” đang chứng tỏ hơn bao giờ hết bản chất của mình?

Nguyễn Hữu Vinh

*

Vài nét về vụ Đồng Tâm trước giờ xét xử

1. Vụ việc diễn ra xuất phát từ kế hoạch tấn công đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Như vậy, chúng ta nhận thấy người dân đêm hôm đó ở thế bị động, chống trả chứ họ không chủ động tấn công. Tôi vẫn thừa nhận họ có chuẩn bị hung khí, có hành vi manh động, tuy nhiên, họ không tấn công trước mà chỉ đối phó tức thời.

2. Theo Kết luận điều tra, Cáo trạng thì công an thấy cụ Kình có hành vi chống trả nên đã chủ động bắn vào cụ Kình. Tôi nhận thấy kết luận này còn chưa rõ về các hành vi, chưa chứng minh được hành vi có tính chất nguy hiểm đến mức phải tiêu diệt cụ. Đặc biệt, theo lời khai của bị can Hiểu thì cụ bị bắn trực diện chứ không phải phía sau như kết luận.

3. Hiện các bị can cũng không thấy và nhớ diễn biến về việc 3 chiến sĩ bị chết. Theo một vị luật sư trong cuộc cho rằng khả năng 3 chiến sĩ chết là rất cao, nhưng chết tại địa điểm nào, nguyên nhân chết thì chưa rõ, vì hiện trường không được giữ nguyên. Tôi nhận thấy đây chính là điểm mờ nhất của vụ việc, và thử hỏi tại sao lúc đó (đã gần 5h sáng) công an không giữ nguyên hiện trường lại vội vã thu dọn? Nếu 3 chiến sĩ bị đốt, cần phải được giữ nguyên để lập biên bản, tổ chức khám nghiệm, đưa thông tin lên báo chí nhằm vạch rõ tội để được nhân dân hiểu và ủng hộ, tránh nghi ngờ.

4. Từ vụ việc này tôi nhận thấy quá trình điều tra, truy tố đã vi phạm một loạt thủ tục tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của bị can và luật sư bào chữa như bản kiến nghị của các luật sư đã nêu. Ai có tội thì phải chịu, tuy nhiên quyền của họ và luật sư của họ phải được bảo đảm, không vì một nguyên nhân nào đó mà tước mất quyền của họ.

LS Nguyễn Duy Bình

clip_image002

Hình minh hoạ. Những người ủng hộ tác giả Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) biểu tình bên ngoài phiên toà xử Anh Ba Sàm ở Hà Nội hôm 23/3/2016. AFP

Không như “đổi mới”, “cải tiến”, “hoàn thiện”, khi nói đến hai chữ “cải cách”, chắc ai cũng hiểu phải có sự thay đổi gì đó mạnh mẽ lắm.

Trong những đề tài khoa học bàn về khái niệm “cải cách” cũng có hàm ý đó, nó là một sự thay đổi căn bản trong cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa … theo hướng tiến bộ.

Cải cách tư pháp

Đất nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản, chuyện cải cách mang tầm quốc gia có lẽ chỉ mới một lần, đúng nghĩa – Cải cách ruộng đất. Một cuộc đổi thay “trời long đất lở”, như cách tự ca ngợi đã rất phổ biến của truyền thông và người nhà nước.

Năm 1986 thì bắt đầu có cuộc “Đổi mới”, chủ yếu về kinh tế, cũng đã là một sự đổi thay mạnh mẽ lắm rồi, để mấy năm nay cứ thấy bàn tới cuộc nữa gọi là phiên bản 2.0.

Đến như giáo dục, một lĩnh vực vô cùng quan trọng, quyết định tương lai đất nước, hàng chục năm rồi quá tệ hại, cần sự biến chuyển dứt khoát, mà người ta cũng không dám/không thể dùng tới chữ “cải cách”.

Một thứ thiết chế lỏng lẻo, có tên gọi dễ gây nhầm lẫn với nhiều thứ tương tự, được thành lập – “Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương”. Trưởng ban là ông Chủ tịch nước, “xuân thu nhị kỳ” nhóm họp. Họ bàn gì, thay đổi được gì … thì chỉ có dăm ba tờ báo tóm lược chung chung.

Thế nhưng, lâu nay, một thứ liên quan tới mọi mặt của cuộc sống với nỗi khổ đau ai oán trùng trùng của muôn người, đã lặng lẽ được “cải cách” – hoạt động tư pháp.

Nói “lặng lẽ” không oan! Vì tuyên bố thì có vẻ lớn mà trên thực tế lại quá nhỏ. Một thứ thiết chế lỏng lẻo, có tên gọi dễ gây nhầm lẫn với nhiều thứ tương tự, được thành lập – “Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương”. Trưởng ban là ông Chủ tịch nước, “xuân thu nhị kỳ” nhóm họp. Họ bàn gì, thay đổi được gì … thì chỉ có dăm ba tờ báo tóm lược chung chung.

Hai năm nay, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mặc nhiên lãnh thêm nhiệm vụ đó từ cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Quả là quá nặng nhọc!

“Cải cách tư pháp” là gì?

Một cuộc đổi thay biết đâu cũng làm … trời lay đất chuyển mà chẳng lẽ cứ âm thầm thì thật uổng.

Người dân cần được hiểu nó, không chỉ qua mỗi kỳ họp của “Ban chỉ đạo …”, báo đăng lên sơ sơ nội dung, là đủ.

Họ cần biết là các hoạt động tư pháp là gì, vì sao lại cần phải “cải cách”, mục tiêu là gì, và cuối cùng là kết quả “cải cách” được tới đâu.

Khi họ biết hoạt động tư pháp là công việc của tòa án xét xử, cùng với các cơ quan kiểm sát, điều tra (công an, hải quan, biên phòng …), của các luật sư bào chữa, luật gia tư vấn pháp lý … thì ắt hiểu việc “cải cách” sẽ đem lại cho mình những quyền lợi quan trọng tới mức nào.

Ví như báo chí mấy năm nay cứ bàn tới chuyện hỏi cung là phải ghi âm, ghi hình. Đó là cái mới hướng tới cải cách, nhưng đưa vào luật rồi, mãi vẫn chưa thực hiện. Thế là cải … lùi (so với luật đã được đặt ra).

Hay về quyền của người bị bắt, tạm giam, là phải có luật sư. Nhưng nhiều vụ án gần đây, luật sư cứ bị làm khó đủ điều, tới độ có những hiện tượng mà lịch sử tư pháp Việt Nam chưa bao giờ thấy; không thể chỉ nói nhẹ là “lùi” được. Vì “cần câu cơm”, các luật sư thường nín lặng. Họ hết cách, chứ chẳng phải được hưởng “cải cách”.

Nhưng “cải cách” thì phải làm gì để thay đổi hẳn thực trạng? Những điều luật mà từ ngữ chung chung dễ bị “lách”, lại thêm quá nhiêu văn bản dưới luật dễ bị vi phạm mà không sợ phải chịu chế tài. Trao quyền quá lớn cho cơ quan điều tra. “Quyền” chẳng cần tranh luận với luật sư của các công tố viên. Quyền “sinh sát” của quan tòa xử oan chẳng sợ hậu quả.

Các cuộc họp thưa thớt dần của “Ban chỉ đạo …”, làm sao đi sâu vào tìm cách phá bỏ những thứ rào cản vô hình kiểu như thế?

Bao nhiêu những vụ án oan sai, mà chỉ lác đác vụ được minh oan, nhưng rồi đòi cho được bồi thường lại vô cùng gian khó, “cò kè bớt một thêm hai”. Mới đây thôi, một cụ ông ròng rã 40 năm khiếu nại bị oan với 833 cái “… ngàn thu ở ngoài”; kết quả nhận được hơn 1 tỷ đồng. Chưa nói tới chuyện lần cho ra và trừng trị kẻ gây oan trái cho dân lại càng khó hơn.

Sơ sơ vậy để thấy, muốn nói tới “cải cách tư pháp”, trước hết phải chỉ cho ra bản chất sâu xa bên trong, bên trên, đằng sau thực trạng của nó là cái gì mà khó đến vậy, để mà tiến hành cải cách.

Xin chỉ đích danh. Đó là “chính trị thống soái”, “đảng chỉ đạo”, chính là nguyên nhân gốc rễ làm cho từ cơ quan lập pháp, cho đến các cơ quan tư pháp không khỏi lúng túng, hoặc ngược lại, là chỗ dựa cho sự vi phạm mỗi khi bàn, thông qua văn bản luật, hay thực thi pháp luật. Tất tật phải đảm bảo “giữ ổn định chính trị”, không làm “suy giảm niềm tin của nhân dân” đối với Đảng v.v.

Trớ trêu thay, khi đặt “chính trị là thống soái”, dẫn tới một nền tư pháp mất đi tính khách quan và thượng tôn pháp luật, thì chính nó lại quay lại cản trở mục tiêu chính trị hiện đang được đặt lên hàng đầu cho sự tồn vong của chế độ: chống tham nhũng-“giặc nội xâm”. Tệ hơn, nhưng rất khó thấy, là bên trong chính hệ thống tư pháp đó có không ít kẻ tha hóa lại lợi dụng thứ “chính trị là thống soái” để toa rập với tội phạm tham nhũng, do mình có trách nhiệm thụ lý, để mà hưởng lợi. Tay nọ bắt người, tay kia … móc túi!

Vụ án Đồng Tâm

Có lẽ trong tương lai, sẽ tới lúc có một thứ thiết chế quyền lực hơn hẳn, thực chất hơn hẳn “Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp”, để rồi lấy vụ án này ra làm điển hình cho việc phải “cải cách” thực sự các hoạt động và các cơ quan tư pháp.

Nói như vậy bởi vì toàn bộ vụ án, chỉ tạm tính từ ngày 09/01/2020 trở đi, đã lột tả thực trạng tư pháp Việt Nam, với những đỉnh cao kỷ lục của những điều phi lý, cần phải “cải cách” đến thế nào.

clip_image004

Hình minh hoạ. Đường vào Đồng Tâm bị chặn sau vụ người dân bắt 38 công an làm con tin để phản đối cưỡng chế đất ở Hà Nội tháng 4/2017 AFP

Một vụ án thuần túy ban đầu là dân sự, lại bị đẩy tới hình sự, và cuối cùng như thể “chính trị”. Dù chính quyền này không chịu công nhận tính chất “chính trị” khét lẹt trong đó, báo chí hoàn toàn một chiều, thì người dân cũng quá rõ.

Các nghi can vừa mới bị bắt là đài truyền hình trung ương đã đưa ngay hình ảnh “nhận tội”, đi ngược một cách trắng trợn tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 vẫn từng được ca ngợi về những đổi mới; trong đó có nguyên tắc “suy đoán vô tội”, nói rõ một khi chưa có bản án kết tội của tòa thì mọi bị can, bị cáo đều phải được coi là vô tội.

Sau ngày nổ ra vụ án, giáp Tết rồi, mà cả làng như bị giam lỏng trong suốt một tuần. Hết phong tỏa, cũng chẳng thấy báo chí vào gặp dân mà nghe tố cáo tội phạm “giết” công an, ca ngợi những tấm gương dũng cảm hy sinh (?) … Sao lạ vậy, tuyên truyền với tuyên giáo đi đâu cả? Phải chăng các nhà báo sợ một thứ gì đó vô hình? Hiếm hoi tìm thấy một bài báo, thì chỉ lấy ý kiến của cán bộ lãnh đạo xã đánh giá vụ việc, là “sự việc vừa qua chỉ liên quan đến một nhóm nhỏ”. Thế kỷ 21 với mạng xã hội hàng chục triệu dân tham gia, mà công tác tuyên truyền như thể cách nay nửa thế kỷ.

Những ngày sắp diễn ra phiên tòa, xét xử thứ tội trạng chết người cho hàng chục nông dân chân đất, mà họ vẫn không được gặp người thân. Tới độ dường như người thân của họ còn bị cản trở đủ kiểu ngấm ngầm, quyết liệt, để không thể tới được phiên tòa.

Những ai chưa từng phải một ngày trong vòng lao lý thì khó mà tưởng tượng được tinh thần, ý chí của những con người này liên quan tới mức nào với luật sư, người thân thăm nuôi, thư quà động viên của gia đình.

Ngược lại, các cơ quan tư pháp thì quá hiểu, đầy kinh nghiệm rằng muốn đánh sụp tinh thần, ý chí tự bảo vệ quyền lợi/sự vô tội của các bị can, bị cáo, thì những cách “êm ái” nhất, nhưng mang ý nghĩa quan trọng bậc nhất, là đẩy họ tới trạng thái cô đơn cùng cực.

Kinh nghiệm cá nhân

Nếu chỉ so sánh sơ về điều kiện tinh thần của tôi sau khi bị bắt năm 2014 với những người nông dân bị can trong vụ Đồng Tâm, thì có thể nói là “một trời một vực”. Tôi thuận lợi hơn họ gấp trăm lần.

Ấy thế mà trong suốt 2 năm rưỡi bị tạm giam, cơ quan điều tra, kiểm sát, cả tòa án cũng đã có không biết bao nhiêu biểu hiện từ “lách luật” cho tới trái luật để đem đến khó khăn cho tôi trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.

clip_image006

Hình minh hoạ. Tác giả Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và trợ lý là Nguyễn Thị Minh Thuý (phải) tại toà án ở Hà Nội hôm 22/9/2016. AFP

Ngay những phút đầu tiên thực hiện lệnh khám nhà, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng. Họ mở cả mấy máy tính của tôi, vào mạng Internet suốt 7-8 tiếng đồng hồ, rồi in ra hàng đống tài liệu, lấy đó làm chứng cứ buộc tội. Chẳng khác gì vào khám nhà người ta, rồi đục tường sang nhà hàng xóm, khuân về … ma túy, lấy đó làm “bằng chứng”.

Tang vật lưu giữ tại trại tạm giam (B14), giữa hai ngày tiến hành mở, họ niêm phong một cửa ra vào, còn một cửa thứ hai thì … “quên”. Khi tôi muốn viết tình tiết đó vào biên bản, để tiếp tục bác bỏ toàn bộ quá trình thu thập chứng cứ, thì điều tra viên nửa năn nỉ, nửa đe dọa để tôi bỏ qua, dù cho tất cả diễn biến đã được họ quay phim.

Giữa thời gian bị giam giữ, có giai đoạn đến 10 tháng tôi không được gặp gia đình (dù đã kết thúc điều tra, có quy định hàng tháng được gặp), gửi thư về nhà thì trại lặng lẽ giữ lại, mà chẳng có lý do gì, tự mình phải phán đoán.

Ví như thư gửi đi, nếu nội dung tỏ ra cho gia đình biết mình vẫn vững ý chí, là chắc chắn bị ngấm ngầm giữ lại.

Cán bộ trại chỉ ỡm ờ: “Anh lại viết là ‘ung dung tự tại’”. Còn vị Phó giám thị thì bảo: “Anh viết thế nếu chỉ gia đình đọc thì không sao, đằng này lại tung lên mạng …”.

Và còn nhiều lắm những chuyện khôi hài khác, bất chấp quy định pháp luật, vô hiệu hóa toàn bộ quá trình điều tra, được tôi và các luật sư trưng ra trước tòa, nhưng tất cả đều được quan tòa coi là chuyện “nhỏ”, chẳng ảnh hưởng gì tới bản án.

Luật sư, trong giai đoạn hỏi cung, hầu như không được trao đổi với bị can về vụ án. Họ chủ yếu chỉ ngồi nghe điều tra viên hỏi bị can rồi ghi chép thôi; không thể tư vấn chung về luật, nói gì tới chuyện giúp bị can trong từng câu trả lời, hay cảnh báo điều tra viên khi có dấu hiệu vi phạm … (như ở xứ văn minh, dân chủ).

Tôi cũng không thể biết được những văn bản và thực tế gì cản trở họ khi tham gia các buổi hỏi cung.

Tuy nhiên, sự có mặt của luật sư, nhất lại là người quen biết, mình từng tin tưởng là rất quan trọng về tinh thần. Họ sẽ là người liên lạc dù tối thiểu giữa bị can với gia đình. Họ tham gia chuyện trò mỗi phút giải lao, giảm nhẹ áp lực cho bị cáo.

Họ đem lại hy vọng cho bị cáo vì sau thời gian “đi cung”, kết thúc điều tra là được gặp trao đổi trực tiếp với luật sư.

Với các bị can bị buộc tội với khung hình phạt cao nhất là tử hình, như vụ Đồng Tâm, thì việc có mặt luật sư trong các buổi hỏi cung là vô cùng quan trọng; theo tôi biết, có văn bản dưới luật quy định rõ.

Cuối cùng là khi ra tòa, luật sư dù có bị thiếu tôn trọng tới đâu thì cũng góp vào tiếng nói bảo vệ thân chủ và đặc biệt là có thể đưa thông tin trung thực tới công luận, tạo áp lực nhất định với cơ quan pháp luật.

Từ những kinh nghiệm riêng đó, dễ hiểu là với những bị can trong vụ Đồng Tâm, cơ quan pháp luật có thể tự cho mình quyền làm tất cả những gì để đạt được mục đích của họ. Và thực tế đã chứng minh điều đó.

Các phiên tòa về Đồng Tâm sắp tới

Ngày 03/09/2020, sát thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm, thế mà các luật sư bảo vệ cho hầu hết trong 29 bị cáo vẫn còn phải gửi (thêm) một lá đơn chung tới tòa, viện kiểm sát Hà Nội phản ánh những “khó khăn từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng, khiến cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ đang bị tạm giam là rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn”.

Cũng trong văn bản này, các luật sư đã chỉ ra những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa nội dung bản kết luận điều tra/cáo trạng với lời trình bày của các bị cáo khi gặp luật sư gần đây, có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét có hay không tội trạng của bị cáo.

Các luật sư đã không còn đủ thời gian để xác minh, đối chất hòng tìm ra sự thật một cách thuyết phục nhất – một thao tác tối thiểu, nhưng cũng tối quan trọng giúp cho việc bảo vệ thân chủ của họ.

Như vậy cũng đã đủ cho công luận có thêm quyền nghi ngờ rất lớn về tính nghiêm minh của pháp luật ở chính các cơ quan pháp luật này.

Những người nông dân thấp cổ bé họng, bị buộc vào tội trạng tới mức tử hình, bị cách ly tuyệt đối quá phi lý với gia đình, luật sư trong một thời gian dài như vậy, đối mặt với cả đội ngũ điều tra, kiểm sát dày dạn, thì dễ hiểu rất có thể họ phải chọn cách thừa nhận thứ tội mà mình không có, để mong được “khoan hồng”.

Rồi, cũng sẽ như nhiều phiên tòa khác, thậm chí đáng lo hơn, quan tòa sẽ chủ yếu công nhận lời “thú tội” trước cơ quan điều tra, mà coi nhẹ lời “phản cung” tại tòa của bị cáo cùng chứng lý của các luật sư. Còn các công tố viên cũng không cần tranh luận tới cùng với luật sư; luật không bắt buộc họ phải vậy, mà quan tòa cũng chẳng muốn “làm khó” họ.

Không lẽ, bằng một vụ án lớn đến thế, công cuộc được gọi là “Cải cách tư pháp” đang chứng tỏ hơn bao giờ hết bản chất của mình?

Ông Trưởng ban Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp trung ương có biết điều đó không?

N.H.V.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: rfa.org/vietnamese

This entry was posted in Cải cách tư pháp, Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.