May
Bà Dư Thị Thành kính mến,
Bà đã nhìn rất rõ nguyên nhân dẫn người chồng đáng tôn kính của bà đến tấn bi kịch xé lòng vào rạng ngày 9-1-2020 rồi đấy, thưa bà.
Bauxite Việt Nam
“Đến những ngày cuối đời, chứng kiến nhiều lãnh đạo thành phố trở mặt, vậy mà ông vẫn tin Đảng. Tôi lo ông gặp mệnh hệ nào. Ông lại trách: Bà không phải lo cho tôi, tôi là người đảng viên, Đảng viên không đứng lên lo cho dân thì ai đây. Mình biết mà không lên tiếng là có tội với dân.
Ảnh: Nam Trần/Tuổi Trẻ; May/Luật Khoa. Đồ họa: Luật Khoa.
Thôn Hoành những ngày trước phiên tòa lịch sử, cánh đồng lúa hai bên đường làng đang trổ đòng xanh mướt, chạy dài dưới ánh nắng chói chang giữa buổi trưa mùa thu. Quốc kỳ Việt Nam cùng băng-rôn mừng 75 năm Quốc khánh thắm đỏ trên cổng làng.
Tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ trước khi đến thôn Hoành, cả về tinh thần lẫn các thiết bị kỹ thuật.
“An ninh đang ở đấy rất nhiều. Cẩn thận”, một tin nhắn gửi đến.
Tôi muốn đến thôn Hoành những ngày này như một phóng viên làm tròn trách nhiệm cơ bản nhất với nghề nghiệp: ghi nhận thông tin trước một sự kiện lớn sắp diễn ra – những người thân của bị cáo chờ đợi gì ở phiên toà, ngoài công lý?
Thôn Hoành đón tôi bằng vẻ đẹp thanh bình của một làng quê Bắc bộ: chợ quê, gốc đa, cánh đồng, đường làng quanh co. Yên ả như chưa hề trải qua biến cố. Không có một ánh mắt dò xét nào dành cho người lạ, những người dân tôi ngẫu nhiên gặp trên đường đều tận tình chỉ tôi đường đến nhà ông Kình.
Họ thì thầm, “thương lắm, nhà ấy giờ chỉ còn đàn bà, con nít”.
Không có bóng an ninh ở đấy, ít nhất là trong tầm mắt tôi. Chỉ có những chiếc camera trước các hiên nhà mặt tiền làm tôi có chút bất ngờ.
Tôi gặp bà Dư Thị Thành – vợ ông Lê Đình Kình, bà Lê Thị Thoa – con gái thứ tư của ông bà, và những đứa cháu nhỏ của hai người.
Trong ngôi nhà loang lổ nhiều vết đạn, họ kể tôi nghe chuyện về người chồng, người cha của mình. Những câu hỏi của tôi bị bỏ lại trong mạch ký ức của họ. Ký ức của người vợ, ký ức của người con, có khi cả hai vô tình cùng nhớ về một hình bóng xa xưa của người đàn ông của họ. Họ kể trong nước mắt, có nhiều khoảng lặng vì không thốt nên lời, và cả tiếng cười. Trước cuộc tấn công, đã có những tháng năm êm đềm đi qua thôn…
***
Bức tường treo chân dung và huân, huy chương của ông Lê Đình Kình, cùng với dấu vết đạn bắn. Ảnh: May/Luật Khoa.
Bức họa chân dung ông Lê Đình Kình cùng với các huân, huy chương do Đảng, Nhà nước trao tặng cho ông được treo trên bức tường đối diện cửa ra vào. Ngay bên dưới là những lỗ lõm sâu vào tường, dấu tích đạn bắn của cuộc tấn công vào một rạng sáng mùa đông giáp năm.
“Những đồ này, hồi còn sống, ông quý lắm”, bà Thành nhìn lên chỗ treo huân chương, nói. “Ông ấy từng được huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đấy”.
“Bà và chị còn nhớ kỷ niệm nào về ông?”, tôi hỏi.
“Nhà nhiều việc, mà ông ấy hay bắt tôi đưa đi họp chi bộ đảng ở xã. Hồi trước ông ấy tự đi, đến năm 2017 ông bị đánh gãy chân, ngồi xe lăn luôn từ dạo đó. Cái xe lăn đầu tiên là của ông Chung (Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội) tặng, sau thì được Hội Người khuyết tật tặng thêm. Tôi nhớ lúc thử xe mới, ông Kình khen: ‘Xe này đi êm hơn bà ạ, xe thằng Chung nghe nói nhiều tiền nhưng bánh nó cứ ọc ạch’.
Tôi đẩy ông lên xã họp, rồi ngồi chờ về. Hết người này đến người kia lên nói làm tôi sốt hết cả ruột, không biết bao giờ mới xong. Mà có phải người ta giữ nguyên tắc gì cho cam, người này đang phát biểu, người kia thích thì ra đầu hè nói chuyện. Như họp chợ vậy. Có ông nhà tôi và vài người nữa quán triệt từ đầu tới cuối. Tôi nhớ ông ấy đề xuất điểm danh để chỉnh đốn họp chi bộ cho có quy tắc.
Về nhà, bực mình quá nên tôi nói, thôi ông ơi, họp đảng thế này thì lần sau đừng đi nữa, cả buổi ngồi đấy không được gì, già cả sức yếu ở nhà nghỉ thì hơn. Thế là ông mắng tôi một trận: ‘Sao bà lại nói thế? Ai không nghiêm túc thì kệ. Tôi phải đàng hoàng, gương mẫu’.
Đụng tới đảng của ông ấy mà nói chuyện không khéo, bị ăn mắng đấy. Thế nên từ đó bảo đưa đi họp thì tôi đưa đi, chả dám bàn ra.” (Bà Dư Thị Thành)
“Chỉ có ân hận… Bố con chỉ cãi nhau… (khóc)
Tôi đã không gần gũi với bố lúc ông còn sống. Trong mấy anh chị em, tôi là đứa thường có quan điểm khác với bố. Tôi không ngồi lâu được với ông, mới vài câu thôi hai bố con đã cãi nhau. Bố tuyệt đối tin vào Đảng Cộng sản, tin ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi can, bố ơi, quan chức giờ tham nhũng nhiều lắm. Bố quát, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là bọn cấp dưới bao che, bôi nhọ Đảng.
Nhiều lần thấy bố gặp nguy hiểm, tôi muốn bố bỏ vụ tranh chấp đất đai. Tôi khóc bảo, chúng con sợ lắm, Đảng giờ phe phái nhiều, người ta có thể giết nhau đấy bố ạ. Bố tôi nói, mình làm việc đúng mà sợ gì hả con. Đất đồng Sênh là của người dân xã. Nếu bố làm sai, người ta đã khai trừ đảng bố lâu rồi.
Hồi ông nằm viện năm 2017, tiền người ta vào thăm biếu ông, ông gửi cho một chị công an giữ hộ. Cái gì cũng ‘thằng Chung đã nói’, ‘mấy đứa trên thành phố nó hứa với tôi rồi’, ‘phải chi tới được tai ông Trọng thì Đảng mới trong sạch’. Tôi tức lắm, chẳng thèm nói nữa, kệ lý tưởng của ông cụ.
Từ hồi bố còn giữ chức ở xã cho tới ngày về hưu, tôi thấy ông như người vác tù và hàng tổng. Tôi khó chịu lắm. Ông cứ lo chuyện chung của làng xã, để một mình mẹ tôi lo chuyện nhà. Giấy tờ đất Miếu Môn qua nhiều năm, nhiều đời lãnh đạo, vậy mà nằm hết trong đầu ông. Ông thuộc từng dòng một, không cần nhìn giấy” (Chị Lê Thị Thoa).
Bà Dư Thị Thành và vết đạn bắn trên cửa kính. Ảnh: May/Luật Khoa.
“Lúc làm cán bộ, bố nó chỉ biết công việc làng xã, vợ con khổ cực cũng chẳng hay. Vừa nghỉ hưu là ông ấy cả ngày đi vỡ ruộng. Chắc để làm bù mấy năm không biết lo cho gia đình. Người làng đi ngang réo lên: ối ông Kình ơi, ông Kình, làm cán bộ mà suốt ngày cắm mặt xuống đất thế này à” (Bà Dư Thị Thành).
“Người ta bảo làm quan thì nhiều đất. Bố tôi qua nhiều chức vụ cao nhất trong xã, nhưng lúc ông về hưu, nhà tôi chả có mảnh ruộng. Tôi còn nhớ, bố mẹ tôi phải tới mấy chỗ đất bỏ hoang, làng chả ai thèm ngó đến. Ngày ngày từ tờ mờ sớm đến chiều muộn, hì hục dọn cỏ, cuốc đất, đào mương, đắp bờ, cấy lúa. Đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức đến lúc thành ruộng ngon lành thì bị bắt sung hết cho xã. Thấy có vô lý không? Nhưng tôi chưa từng nghe bố có một lời trách Đảng, chửi chế độ. Ông ấy chỉ hay mắng tôi thôi (cười).
Tôi vừa tức vừa buồn cười khi đọc trên mạng, người ta nói ông nhận tiền nước ngoài, thuộc phe phản động. Họ không biết, còn hơi thở cuối cùng, chắc bố tôi cũng dùng để tin Đảng.
Bố tôi ấy, nếu tin điều gì là đúng, không trái với lương tâm thì ông sẽ chiến đấu bảo vệ đến cùng. Ông giữ lý tưởng đó cho cánh đồng Sênh và Đảng Cộng sản” (Chị Lê Thị Thoa).
“Đến những ngày cuối đời, chứng kiến nhiều lãnh đạo thành phố trở mặt, vậy mà ông vẫn tin Đảng. Tôi lo ông gặp mệnh hệ nào. Ông lại trách: Bà không phải lo cho tôi, tôi là người đảng viên, Đảng viên không đứng lên lo cho dân thì ai đây. Mình biết mà không lên tiếng là có tội với dân.
Tôi nhớ, hồi trẻ ông ấy đạp xe bằng một chân. Thế mà đi nhanh lắm nhé. Đạp vèo vèo qua hết cánh đồng làng, lên tận thị trấn họp. Bị tật một chân nhưng ông ấy giỏi nên làm được cả chức trưởng công an xã. Còn một chân đứng thẳng mà đi lo việc cho cả xã, đâu ra đó. Dân kính trọng và yêu quý ông” (Bà Dư Thị Thành).
“Con nhớ bố kể là do bố đi đá bóng bị bong gân, chữa không khéo nên thành tật. Bố lúc nào cũng bận việc. Lúc bố đạp xe đạp Thống Nhất, hay quá giang ngồi sau xe máy lên huyện, bố phải duỗi thẳng cái chân ấy ra. Lúc bố ngồi ăn cơm, uống trà, cũng không co chân lại được. Lúc bước đi thì giống như kéo lê nó theo vậy” (Chị Lê Thị Thoa).
“Người ta đã bắn nát cái chân ấy của ông” (Bà Dư Thị Thành).
“Bố chết thảm. Mấy người đàn ông trong nhà bị bắt đi hết rồi còn đâu. Chỉ biết kêu trời. Ngửa mặt lên trời kêu oan… Lúc sửa lại chái nhà bị đạn bắn, nhìn trong nhà chỉ toàn đàn bà con gái, mẹ tủi thân khóc lịm đi. Niềm tin của bố… Nếu biết gia đình tan nát thế này, tôi đã can ngăn bố tới cùng. Vứt hết đi mà bố…” (khóc) (Chị Lê Thị Thoa).
Bà Dư Thị Thành và những vết đạn bắn hằn lên tường nhà. Ảnh: May/Luật Khoa.
Những vết đạn bắn hằn lên tường nhà ông Lê Đình Kình. Ảnh: May/Luật Khoa.
“Chúng tôi sẽ đi bộ từ làng”
“Con trai tôi, cháu trai tôi vào tù. Đã hơn tám tháng, cả nhà không nhận được tin tức của chúng nó. Thằng Chức, vết thương ở đầu đã khỏi chưa? Mười ngày sau cái đêm hôm ấy, vợ nó sinh một thằng cu. Vợ nó gửi ảnh con vào nhưng cán bộ trại giam từ chối. Thằng Doanh, nghe bảo bị đạn bắn vào tay, giờ thế nào? Thằng Uy… Thằng Công nữa… Các con trai, cháu trai của tôi đứa nào cũng có việc làm. Mỗi đứa có một gia đình. Vợ chúng nó ở ngoài này một nách mấy đứa con… Biết trước thế này thà im tiếng. Tôi sẽ bắt tất cả im lặng. Đất đai nào quan trọng bằng cảnh nhà ấm êm” (Bà Dư Thị Thành).
“Nhà xe không cho nhà tôi và người làng thuê xe đi dự phiên tòa. Họ bảo, công an gọi nhắc nhở rồi. Một cán bộ xã khuyên chúng tôi ở nhà, lên đó cũng không được vào dự. Mặc ai nói gì, chúng tôi vẫn đi. Chúng tôi sẽ đi bộ từ làng đến phiên tòa trên Hà Nội. Mẹ tôi muốn nhìn thấy con cháu. Các cháu tôi muốn nhìn thấy mặt chồng, mặt bố. Không ai ngăn được chúng tôi” (Chị Lê Thị Thoa).
“Mong đợi gì ở phiên toà? Tôi muốn được gặp con cháu tôi. Tôi muốn người ta làm giấy khai tử cho chồng tôi. Ông ấy đã vào đất hơn tám tháng, mà vẫn không có giấy khai tử. Cán bộ xã bắt tôi ghi lý do ông chết: chết ở nhà. Không. Không đúng. Ông Lê Đình Kình bị bắn chết tại nhà. Một viên đạn gần tim. Hai viên cắm vào đầu. Đầu gối chân trái đứt lìa. Bố của các con tôi đã bị giết như vậy. Vết máu còn ở trong phòng sao người ta nỡ nói dối.
Đây, vết máu ấy đây. Nó bám kĩ quá, tôi lau không trôi.
‘Ông ở yên đây nhé, tôi xuống dấp nước cái khăn đắp cho khỏi ngạt’, đó là lời cuối tôi nói với chồng. Khói cay mịt mù. Tôi vừa mò lên thì bất ngờ bị khoá tay, lôi đi. Trở về chỉ thấy máu đầy phòng. Tan cửa nát nhà. Thấy thanh cửa này nó nhô ra không? Một viên đạn bị kẹt trong ấy” (Bà Dư Thị Thành).
***
Bà Thành vừa kể vừa dẫn tôi đi xung quanh nhà.
Tôi thấy những vết đạn bắn xuyên qua cửa kính, đâm thủng tủ quần áo, làm toác một mảng tường. Có chỗ đã được người nhà trát xi-măng lại. Có chỗ còn nguyên. Ở đâu cũng có dấu vết của súng đạn. Lỗ to, lỗ nhỏ. Trên tầng một, tầng hai. Ở nhà bếp, phòng khách. Vết đen bám đầy trên sàn, bà Thành nghi là dấu vết của lựu đạn cay.
Bà đi với cái lưng hơi khòm, tóc bạc trắng. Cũng như con gái, bà “không tin ai, chỉ có trời mới giúp được con cháu” vào phiên toà thứ Hai này. Hai người phụ nữ ấy, đã không thốt ra những từ “công lý”, “lẽ phải”, “công bằng” khi nhắc đến phiên xử như tôi hình dung. Họ không đặt nhiều kỳ vọng, ngoài mong muốn được nhìn thấy nhau, được chạm tay nhau giữa pháp đình.
Tôi muốn ghi lại lời họ, những người nông dân bình thường không may có người thân dính vào vòng lao lý, như bao vụ án khác. Các toà soạn trong nước từ chối, dù tôi đảm bảo bài không đụng đến những tranh chấp đất đai, đúng sai giữa hai phía.
Thứ Hai này, những gương mặt mẹ, vợ, con của 29 bị cáo thôn Hoành, thôn Mít, xã Đồng Tâm sẽ lẩn khuất đâu trước ống kính, trong khung hình, trên mặt báo? Hoặc sẽ bị tạc nên diện mạo nào?
Mong trí tưởng tượng của tôi sẽ không thành. Đã từ lâu họ không được cất lên tiếng nói của mình.
M.
Nguồn: luatkhoa.org/2020/09