Thụy My – RFI
1. TẬP TRẬN Ở HOÀNG SA, TRUNG QUỐC MUỐN NGĂN VIỆT NAM KIỆN RA TÒA QUỐC TẾ
Le Monde số đề ngày hôm nay 07/07/2020 ghi nhận «Bắc Kinh và Washington ghìm nhau ở Biển Đông»: Trung Quốc tập trận, gây căng thẳng với Việt Nam và Philippines. Hoa Kỳ phải biểu dương sức mạnh một cách mạnh mẽ chưa từng thấy.
Một quân nhân Việt Nam trên tàu tuần duyên 8003 quan sát các tàu hải cảnh Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 do Bắc Kinh đưa vào vùng biển Hoàng Sa ngày 15/07/2014. Ảnh tư liệu. © REUTERS/Martin Petty
Trung Quốc tập trận, Mỹ biểu dương lực lượng chưa từng thấy tại Biển Đông
Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng Bảy, Trung Quốc tập trận quanh Hoàng Sa, quần đảo cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. Đối với Hà Nội, vụ tập trận vừa rồi «vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam», ngoại trưởng Philippines cũng cho đây là một sự «khiêu khích trầm trọng».
Ông Mathieu Duchâtel, phụ trách châu Á của Viện Montaigne nhận xét cuộc tập trận này «gồm cả kịch bản đổ bộ bằng hải lục quân, trong đó có lực lượng tuần duyên tham gia. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương. Như vậy Trung Quốc tăng cường khả năng chiếm các đảo của đối thủ». Đối với nhà nghiên cứu, «việc chọn Hoàng Sa để tập trận là lời cảnh báo nhắm vào Việt Nam, vào lúc nước này ngày càng muốn đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế».
Tuy nhiên không phải là Bắc Kinh đã thắng. Chuyên gia Duchâtel ghi nhận «Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu mở rộng quản lý hành chính trên Biển Đông để loại trừ tất cả sự hiện diện của các tàu không thuộc các nước ven biển».
Hoa Kỳ cực lực tố cáo vụ tập trận. Bộ Ngoại giao Mỹ trong thông cáo ngày 03/07 đả kích: «Các hành động của Trung Quốc đi ngược lại cam kết không quân sự hóa Biển Đông, và tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở». Thông cáo còn tố cáo các hành vi nhằm «khẳng định các yêu sách bất hợp pháp và bất lợi» đối với các láng giềng Đông Nam Á.
Đặc biệt Hoa Kỳ đưa hai hàng không mẫu hạm Ronald Reagan và Nimitz đến khu vực, một sự triển khai lực lượng chưa từng thấy kể từ năm 2014. Từ Biển Philippines tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy 04/07, Hải quân Hoa Kỳ đã cho cất cánh hàng trăm lượt phi cơ tiêm kích, phi cơ thám sát và trực thăng. Trong vòng 28 giờ, một oanh tạc cơ B-52 Mỹ còn tham gia vào cuộc tập trận này.
Theo chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, cuộc tập trận «đưa ra dấu hiệu rõ ràng với các đối tác và đồng minh, rằng Hoa Kỳ cam đoan gìn giữ an ninh và ổn định khu vực». Hồi tháng Tư, Hải quân Mỹ và Úc cũng đã tập trận chung trên Biển Đông, và đến tháng Sáu, Mỹ – Nhật tập luyện chung trên Biển Nhật Bản.
Bắc Kinh hung hăng để làm giảm quyết tâm của đối thủ
Hôm 03/07, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố «nguyên nhân căn bản của sự mất ổn định trên Biển Đông là hoạt động quân sự quy mô và một số nước ở cách khu vực hàng chục ngàn cây số biểu dương sức mạnh».
Đến 06/07, Hoàn cầu Thời báo tố cáo hai đội hàng không mẫu hạm là «những con cọp giấy trước ngưỡng cửa Trung Quốc». Tờ báo của đảng đe dọa là «Khu vực nằm trong tầm hoạt động của quân đội Trung Quốc, với các vũ khí có thể hủy diệt tàu sân bay. Cuộc tập trận của Mỹ chỉ là một sô diễn để che giấu sự mất thể diện trong việc kiểm soát dịch bệnh và mất đi lá bài Hồng Kông».
Căng thẳng Mỹ – Trung cũng rất lớn xung quanh Đài Loan, không quân và hải quân Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều trong khu vực. Cũng theo Mathieu Duchâtel, cuộc tập trận mới nhất tại Hoàng Sa «diễn ra trong bối cảnh quân đội và tuần duyên Trung Quốc hoạt động rất nhộn nhịp tại các biên giới tranh chấp, cuộc đụng độ đẫm máu ở Himalaya, xâm phạm lãnh hải Senkaku trong thời gian kỷ lục 39 giờ, xâm nhập không phận Đài Loan».
Chuyên gia nhận định việc Trung Quốc dùng đến vũ lực và có thái độ hung hăng là nhằm làm giảm đi quyết tâm của các đối thủ. Với trên 600 tàu chiến, hạm đội Trung Quốc nay đứng nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ.
2. BIỂN ĐÔNG: HAI TÀU HẢI CẢNH TRUNG QUỐC TIẾN GẦN GIÀN KHOAN VIỆT NAM
Theo tin từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hôm nay 08/07/2020, hai tàu hải cảnh Trung Quốc từ vài ngày qua đang tiến gần các giàn khoan của Việt Nam ở mỏ Lan Tây tại lô 06.1. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình của Việt Nam, chỉ cách có 1-2 hải lý.
Nguồn ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Tàu hải cảnh mang số hiệu 5402 từ Tam Á đến Đá Xu Bi, và sáng 04/07 lao về phía giàn khoan khai thác mỏ khí đốt Lan Tây với tốc độ cao (15 hải lý/giờ). Có lúc tàu này chỉ cách giàn Lan Tây có 1,3 hải lý, đây là giàn khoan hoạt động ổn định từ nhiều năm qua của Việt Nam.
Đến ngày 06/07, tàu này tiến gần một giếng thuộc mỏ Phong Lan Dại, cách khoảng 2,5 hải lý. Đây là giếng mà Rosneff Việt Nam khoan thăm dò vào năm ngoái, trong bối cảnh bị Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải cảnh, và cả oanh tạc cơ của Trung Quốc đe dọa. Cũng theo nguồn tin trên, lẽ ra Rosneff khoan thẩm lượng vào tháng Sáu năm nay nhưng Bắc Kinh gây áp lực nên chưa thể tiến hành.
Trước đó vào cuối tháng Sáu, một tàu hải cảnh khác mang số hiệu 5403 cũng đã tiếp cận lô 06.1 của Việt Nam nhưng di chuyển rất chậm trong khu vực các mỏ khí (1 hải lý/giờ). Tàu này quanh quẩn gần hai giếng thuộc mỏ Lan Đỏ, chỉ cách 1-2 hải lý, và từ 05/07 đã đến Đá Xu Bi.
Tuần duyên Ấn Độ và Indonesia hợp tác bảo vệ an ninh trên biển
Theo The Economic Times hôm qua 07/07/2020, lực lượng tuần duyên Ấn Độ và Indonesia đã ký kết một bản ghi nhớ nhằm bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, trong khuôn khổ tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, với bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trên biển. Bản ghi nhớ dựa trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) giúp cải thiện khả năng phối hợp hoạt động, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, tìm kiếm và cứu hộ, chống hải tặc…
Indonesia và Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2018. Ngày 26/05/2020, Indonesia đã đệ trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, tuy Indonesia không yêu sách chủ quyền Biển Đông.
Nguồn: RFI
* Tên bài do BVN đặt