“EVN chỉ độc quyền trong khâu truyền tải điện”

Có thể nói ở Việt Nam, những tập đoàn sừng sỏ mà ông Thủ tướng chấp thuận cho “sang tên” một cách trái luật từ năm 2006 (theo TS Nguyễn Quang A) đều là những “hung thần” tác oai tác phúc cho dân. Tai ác thay, đằng sau họ lại thấp thoáng cái bóng các “nhóm lợi ích” con cưng của ai ai đấy. Những việc họ làm mà hậu quả nặng nề đang chồng lên đầu lên cổ người dân, trong khoảng thời gian một năm lại đây đã trở nên quá tải. Tập đoàn EVN là một trong mấy “hung thần” đó. Hãy nghe ông Chủ tịch HĐQT cái Tập đoàn quyền sinh quyền sát kia nói những lời ngọt như mía lùi: chúng tôi phục vụ nhân dân đến giọt điện cuối cùng và chỉ có lỗ và lỗ!!!

Bauxite Việt Nam

Thời gian qua, người dân doanh nghiệp bức xúc về chuyện cúp điện vô tội vạ và tràn lan. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền, và khi nào EVN còn độc quyền khi đó còn thiếu điện.

Bên lề hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 do Bộ Công thương tổ chức sáng 6.7, trả lời TTXVN, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN cho rằng “việc thiếu điện không phải do EVN độc quyền…”. Nhận thấy đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm, và trên tinh thần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, SGTT xin trích đăng.

Ông Hưng nói, với nhu cầu ngày càng tăng và tình hình hạn hán nghiêm trọng, EVN đã huy động toàn bộ công suất để phát điện kể cả mua ngoài giá cao. Trong 6 tháng qua, EVN đã chịu lỗ khoảng 4.700 tỷ đồng.

Nên thành lập công ty mua bán điện riêng

Việc cắt điện vừa qua có liên quan đến độc quyền của EVN trong các khâu mua bán điện?

Theo chủ tịch HĐQT EVN, tập đoàn này chỉ độc quyền trong khâu truyền tải điện, chứ không độc quyền trong khâu phát điện. Ảnh: T.L

Theo chủ tịch HĐQT EVN, tập đoàn này chỉ độc quyền trong khâu truyền tải điện, chứ không độc quyền trong khâu phát điện. Ảnh: T.L

Tính đến thời điểm này, EVN đã cổ phần hóa 9 nhà máy điện như Cát Bà, Phả Lại, Vĩnh Sơn Sông Hinh, Vũng Áng… Hiện EVN còn lại 18 nhà máy. Tổng công suất của 18 nhà máy này trên tổng công suất hơn 40 nhà máy trên toàn quốc của PVN, TKV… là chỉ có 9.000 trên tổng số 19.000 MW, tức là chiếm 47%.

Nhìn xa hơn là tổng sơ đồ VI mà EVN được giao là 35% về vốn và bên ngoài là 65%, như vậy cộng với số bên ngoài hiện có và số đang đầu tư đến 2015 thì EVN chỉ chiếm 37,5 % tổng công suất ngành điện. Với số liệu như vậy thì có thể khẳng định EVN không độc quyền trong khâu phát điện mà chỉ độc quyền trong khâu truyền tải.

Về câu hỏi là EVN đứng ra mua hết công suất điện của các nhà máy và bán lại cho các công ty, năm 2007 EVN đã đưa ra một mô hình là không nằm trong EVN mà thành lập một công ty cổ phẩn mua bán điện riêng, trong đó có Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), xi măng, sắt thép… Theo dự kiến sẽ có bảy đơn vị thành lập một công ty mua bán điện nhưng dự án phá sản vì không được dư luận đồng tình.

Về quan điểm của riêng tôi, nên thành lập một công ty mua bán điện riêng trực thuộc một cơ quan Nhà nước nào đấy mà không phải trực thuộc EVN thì càng tốt. Như vậy khâu phát điện không phải EVN độc quyền, khâu mua bán điện không còn độc quyền để giảm đi cách nhìn nhận của dư luận [giúp cho mọi việc] khách quan hơn.

Hiện có nhiều thủy điện của tư nhân xây dựng nhưng khó bán cho EVN?

Không phải EVN không mua điện của những nhà máy tư nhân. EVN đã mua rồi nhưng cái chính là họ bán với giá nào mà thôi, nếu mình mua cao thì chắc chắn là người tiêu dùng phải chịu.

Ví dụ Nhà nước quy định tỷ suất lợi nhuận là 12%, thì mình phải đấu tranh với họ để họ chỉ được 12% và người dân được hưởng mức giá thấp. Nếu bán giá cao hơn thì ngành điện vẫn mua được, nhưng cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh.

“Về quan điểm của riêng tôi, nên thành lập một công ty mua bán điện riêng trực thuộc một cơ quan Nhà nước nào đấy mà không phải trực thuộc EVN thì càng tốt. Như vậy khâu phát điện không phải EVN độc quyền, khâu mua bán điện không còn độc quyền để giảm đi cách nhìn nhận của dư luận [giúp cho mọi việc] khách quan hơn”.

Ông Đào Văn Hưng, chủ tịch Hội đồng quản trị EVN

Ông nghĩ sao khi nhiều người sẽ mua điện nhưng không phải của EVN nữa?

Vậy thì quá tốt, thị trường điện sẽ tiến nhanh hơn. Quan trọng là đừng tạo ra bức xúc cho xã hội. Bản thân tôi, khi làm Nhà máy điện Cần Đơn, tôi cũng cho rằng EVN sẽ cho mượn lưới điện và phía Cần Đơn chỉ phải trả chi phí bảo dưỡng thôi.

Một thực tế là, chúng ta không huy động được đầu tư vào ngành điện trong gần 14 năm qua, do giá điện bình quân trong nước quá thấp, chỉ gần 5,3 cent/kwh (tương đương là 1.059 đồng/kwh) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi để có lãi cho các nhà đầu tư thì phải với mức giá bình quân trên 8 cent/kwh.

Phải nói giá điện hiện nay vẫn còn bao cấp, giá điện sản xuất ra vẫn cao hơn giá bán điện, mức giá cao nhất mà EVN bán cho các hộ chỉ khoảng 1.700 đồng/kwh trong khi mua ngoài với giá gần 5.000 đồng/kwh, nên đã dẫn đến hậu quả thiếu hụt điện nghiêm trọng.

Thiệt hai không thể tính bằng tiền được

Chính phủ vừa chỉ đạo EVN tính toán thiệt hại do cắt điện đợt vừa rồi, hiện EVN đã triển khai đến đâu rồi?

Thống kê kinh nghiệm trên thế giới, cứ mất một đồng doanh thu của điện thì tương đương với 2,5 – 3 đồng thiệt hại cho xã hội. Ở Việt Nam những thiệt hại này có những cái không thể tính bằng tiền được, ví dụ đang mùa nóng mà bị cắt điện thì mức độ ảnh hưởng về xã hội còn lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên vấn đề thiếu điện không chỉ dừng ở phía EVN mà còn do hơn 40 nhà máy cung cấp điện, nên thiệt hại cần phải đánh giá từ phía khách hàng mới chính xác được.

Việc chỉ đạo thống kê của Chính phủ là một dịp để nhìn lại việc thiếu điện thời gian qua với mức độ ảnh hưởng của nó thế nào và cần phải đầu tư đến mức độ nào, doanh nghiệp làm đến đâu và Nhà nước làm đến đâu. Nếu cứ nói làm theo thị trường thì với giá bán quá thấp như hiện nay sẽ không thu hút được đầu tư vào ngành điện.

Có dự báo, từ 2013 thiếu điện sẽ còn trở nên trầm trọng hơn do phải nhập khẩu than. EVN có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Nguồn cung than hiện do TKV bán lại cho điện. Nếu từ 2013 phải nhập khẩu than thì bài toán ở đây là ngành điện có đủ tiền mua than giá cao hay không, do đó phải cân nhắc xem nhập than ở mức giá nào và sẽ bán lại với giá điện nào.

P.V.

Nguồn: http://sgtt.com.vn/Thoi-su/125415/%E2%80%9CEVN-chi-doc-quyen-trong-khau-truyen-tai-dien%E2%80%9D.html

This entry was posted in kinh tế and tagged . Bookmark the permalink.