Minh Nhật
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không có các biện pháp xử lý thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn [tro xỉ] và mỗi năm sẽ có thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 mét thì sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ và mỗi năm cần thêm 5 km2, bằng một xã của đồng bằng Bắc Bộ.
“Chúng ta nhớ rằng thành phố Huế chỉ khoảng 70 km2, như vậy có thể thấy lượng đất để chứa tro xỉ là rất lớn”, ông Sính nhấn mạnh tại tọa đàm “Tro xỉ nhiệt điện – vật liệu an toàn hay chất thải nguy hại” được tổ chức mới đây. Thậm chí, tại một số nơi như nhiệt điện Vĩnh Tân, khu vực chứa tro xỉ sắp đầy và chưa hề có phương án giải quyết trong thời gian tới.
TheLEADER – Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các thành phần của tro xỉ từ nhiệt điện than gây nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường.
Ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) mới đây đã đưa ra những con số đáng ngại về tro xỉ. Ông cho biết hiện nay, công suất 18.000 MW của các nhà máy điện than đang hoạt động thải ra khoảng 16 – 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không có các biện pháp xử lý thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn [tro xỉ] và mỗi năm sẽ có thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 mét thì sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ và mỗi năm cần thêm 5 km2, bằng một xã của đồng bằng Bắc Bộ.
“Chúng ta nhớ rằng thành phố Huế chỉ khoảng 70 km2, như vậy có thể thấy lượng đất để chứa tro xỉ là rất lớn”, ông Sính nhấn mạnh tại tọa đàm “Tro xỉ nhiệt điện – vật liệu an toàn hay chất thải nguy hại” được tổ chức mới đây. Thậm chí, tại một số nơi như nhiệt điện Vĩnh Tân, khu vực chứa tro xỉ sắp đầy và chưa hề có phương án giải quyết trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Văn Liêm, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng nông nghiệp, cho biết tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than cần được quản lý vì nhiều thành phần hóa học. Đặc biệt, tro xỉ ở những vùng như Nông Sơn, Quảng Nam hay than Quảng Ninh có chứa chất phóng xạ và chất thủy ngân – những chất độc hại với sức khỏe con người cũng như môi trường.
Do đó, Việt Nam cần có đầy đủ các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đầu vào của từng loại sản phẩm thì mới có thể quản lý được tro xỉ của nhiệt điện than một cách bền vững.
Chia sẻ thêm, ông Sính cho biết than Quảng Ninh chứa khoảng 0,464 mg thủy ngân/ 1 kg than. Vào năm 2030, ước tính lượng than sử dụng 129 triệu tấn mỗi năm, trong đó than nội khoảng 44 triệu tấn và than nhập khoảng 85 triệu tấn.
Riêng thủy ngân chứa trong than nội là 0,464 mg thủy ngân/ 1 kg than và tỷ lệ loại bỏ 65%, lượng thủy ngân xả ra không khí là 6,8 tấn mỗi năm. Những số liệu này đã từng được công bố trong báo cáo của hội thảo tại Đại học Tài nguyên và Môi trường cuối năm ngoái.
“Đó là chưa kể than nhập vì chúng ta chưa biết than nhập có chứa những chất gì, hàm lượng bao nhiêu. Riêng mỏ than Nông Sơn có phóng xạ, nơi đặt nhà máy điện Nông Sơn 30 MW sử dụng than này. Không rõ quản lý tro xỉ của nhà máy điện Nông Sơn ra sao”, ông Sính đặt vấn đề.
Ông Đặng Đình Bách, chuyên gia pháp lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD), nhấn mạnh hiện nay Việt Nam vẫn chưa có văn bản có quy định pháp luật về xử lý tro xỉ của nhiệt điện và những quy định pháp lý về tiêu chuẩn xử lý cần được thắt chặt.
Theo ông, hiện có nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Cũng vì lý do này, tại Thông tư 36/2015, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại.
Tại sự kiện của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tháng 7 năm ngoái, TS. Phạm Sỹ Thành, hiện là Giám đốc chương trình nghiên cứu chiến lược Mê Kông – Trung Quốc Mekong (China Strategic Studies Program), chia sẻ cho biết một số nhà máy nhiệt điện gặp phải nhiều vấn đề về môi trường.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xây dựng gần khu dân cư khiến khí thải từ ống khói trực tiếp xả ra môi trường đã gây ra nhiều tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Nhà máy này còn vi phạm hàng loạt quy định khác như không thực hiện biện pháp che phủ bụi than đúng tiêu chuẩn, vận chuyển chất thải không đúng quy trình và thiếu bạt che, xả thải trái phép, vận hành hệ thống xử lý nước thải sai quy định. Năm 2014, nhà máy này đã bị xử lý vi phạm về môi trường.
Đối với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, các cam kết về môi trường cũng không được cải thiện khi vi phạm về xả thải trước khi được cấp phép, chỉ số khí thải vượt ngưỡng cam kết, hệ thống máy vận hành phát sinh tro xỉ từ tháng 4/2018 nhưng đến tháng 12/2018 chủ đầu tư mới hoàn thành và phê duyệt đề án xử lý tro xỉ.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, nhấn mạnh kể cả áp dụng công nghệ mới thì nhiệt điện than vẫn là công nghệ bẩn nhất, gây phát thải nhà kính lớn nhất.
“Tôi có thông điệp rõ ràng gửi đến những người bạn Việt Nam là Việt Nam có nhiều cơ hội và lợi thế, chúng ta không cần đầu tư vào than nữa. Hãy sử dụng năng lượng sạch ngay từ hôm nay, bất kỳ ai nói năng lượng từ than rẻ hơn thì có nghĩa là họ đã quên không tính chi phí ngoại biên từ hệ quả của các nguồn năng lượng hóa thạch gây ra như bệnh ung thư phổi. Nếu tính điều này, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch”, ông Kerry nhấn mạnh.
M.N.
Nguồn: TheLeader