Trì hoãn vô thời hạn Luật biểu tình nhưng lại hối hả mua sắm công cụ, vũ khí từ Trung cổ đến hiện đại để đàn áp người dân thực hiện quyền biểu tình

Phạm Đình Trọng

Dù chống giặc ngoại xâm từ bên ngoài hay truy bắt tội phạm ngay trong nước đều không thể dùng kỵ binh. Làm sống lại lực lượng kỵ binh say máu chém giết thời Trung cổ và biên chế trung đoàn kỵ binh Trung cổ đó vào lực lượng cảnh sát cơ động, theo lời tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an là để đối phó với biểu tình đông người của dân.

Kỵ binh là đội quân đánh gần, giáp chiến. Dùng kỵ binh đàn áp dân biểu tình là xua lính kỵ binh vào khối dân biểu tình, vung kiếm chém dân tay không dưới vó ngựa, kề súng sát thái dương dân, bóp cò, mặc sức bắn giết những người dân chỉ bộc lộ ý chí, nguyện vọng chính đáng bằng quyền biểu tình hợp pháp.

Thời vũ khí còn thô sơ, lực lượng quân sự cơ động chủ yếu bằng cơ bắp, cơ bắp con người và cơ bắp con vật như voi, ngựa. Thời sức mạnh quân sự còn dựa nhiều vào cơ bắp là thời của những chiến binh trên lưng ngựa vì vậy mới có những đội kỵ binh chiến đấu như quân đoàn kỵ binh Budyonny lừng lẫy của Hồng quân Xô Viết trong cuộc nội chiến sau Cách mạng Tháng Mười Nga, 1917. Vó ngựa Budyonny đã tung hoành từ đồng có sông Đông nước Nga đến kinh thành Warszawa, Ba Lan.

Nhưng khi xe tăng xuất hiện, ngành cơ khí ô tô và hàng không phát triển, uy lực rừng gươm của đoàn kỵ binh không thể so được với lưới lửa của những nòng pháo trên tháp xe tăng, sức cơ động của vó ngựa cũng không thể so được với vòng xích xe tăng, không thể so được với động cơ ô tô và máy bay. Kỵ binh tác chiến chỉ còn trong viện bảo tàng quân sự và tên gọi những lữ đoàn, sư đoàn kỵ binh chỉ để gọi những đơn vị chiến đấu cơ động bằng máy bay như sư đoàn kỵ binh số 1, trung đoàn kỵ binh bọc thép số 11, lữ đoàn kỵ binh bay 173 của quân đội Mỹ tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 – 1973.

Thời những chiến binh tay cương, tay kiếm, tay cương, tay súng, khua kiếm loang loáng, bắn súng đì đòm trên lưng ngựa đã vĩnh viễn qua lâu rồi. Ở một số nước có truyền thống nuôi ngựa, tạo được giống ngựa tốt để có những con ngựa đẹp mã, cao to lừng lững và có những đàn ngựa béo tốt sinh sôi mạnh mẽ trên thảm cỏ xanh đến tận chân trời. Và điều quan trọng hơn cả là từ lâu đời trong xã hội đó có một tầng lớp hiệp sĩ hào hoa mã thượng, theo vó ngựa rong ruổi khắp nhân gian làm việc nghĩa hiệp và có một nhà nước của giới quý tộc lên xe xuống ngựa, thong dong xe tam mã, tứ mã. Ngựa không thể vắng bóng trong sinh hoạt nhà nước quý tộc thì ngày nay những nhà nước hậu duệ của nhà nước quý tộc đó còn duy trì đội kỵ binh hoàng gia thực hiện những nghi lễ long trọng của nhà nước. Nhìn đội kỵ binh nghi lễ mũ cao áo dài, tua gù lấp lánh của một cung đình vàng son, người dân thế giới hôm nay cũng nhìn thấy hình bóng, nhìn thấy tinh thần, cốt cách nhà nước quý tộc trong lịch sử vẻ vang của dân tộc đó.

Không có truyền thống nuôi ngựa, không có những giống ngựa tốt và không có những đàn ngưa no cỏ trên những đồng cỏ mênh mông, Việt Nam chỉ có vài con ngựa lẻ loi của những gia đình người H’ Mông, người Dao cheo leo trên vách núi đá, người còn không đủ ngô ăn, ngựa cũng không có cỏ gặm, còi cọc, cóc cáy. Phải liên miên chống ngoại xâm nhưng trong lịch sử Việt Nam chỉ có tướng cưỡi voi, cưỡi ngựa, chưa bao giờ có một đội kỵ binh tác chiến.

Ngày nay đến người lính biên phòng len lỏi tuần tra trên những nẻo đường rừng biên giới chênh vênh vách núi cũng không thể dùng ngựa vì đầu tư nuôi dưỡng và huấn luyện con ngựa chiến quá tốn kém, chăm sóc quá vất vả, phiền phức, sử dụng lại không hiệu quả. Nhà nước cộng sản Việt Nam do đảng của giai cấp công nhân lập lên cũng không phải là nhà nước quý tộc để có đội kỵ binh hoàng gia trong nghi lễ nhà nước.

Trong tác chiến hiện đại với vũ khí hạt nhân, vũ khí điện tử, vũ khí tự động, thời hiện đại, không gian tác chiến diễn ra trên mặt đất không nhiều và không thường xuyên, nhưng cuộc chiến thường xuyên diễn ra trên mặt biển, trên bầu trời, trong vũ trụ. Cuộc chiến không dùng nhiều sức cơ bắp của người lính mà chủ yếu dùng trí tuệ, tri thức khoa học. Ngựa không thể có tri thức khoa học mà chỉ có sức cơ. Sức cơ của người lính còn chưa cần khai thác hết huống chi sức cơ của ngựa. Sức ngựa hoàn toàn không còn mảy may có vị trí trong tác chiến hiện đại của quân đội bảo vệ đất nước, không có hiệu quả trong hoạt động của công an bảo vệ an ninh xã hội.

Nhà nước cộng sản Việt Nam hàng năm đã đổ ra hàng trăm tỷ tiền thuế của dân duy trì một Bộ Tư lệnh lăng với hàng trăm người lính đẹp mã trong hình hài cao to béo tốt, đẹp mã trong binh phục lễ nghi, suốt 24 giờ trong ngày có mặt bên trong và quanh hầm mồ người khai sinh ra đảng cộng sản, khai sinh ra nhà nước cộng sản, tạo ra không gian lễ lạt uy nghi cho cả khu nhà mồ rộng lớn và lạnh ngắt âm khí suốt 365 ngày trong năm.

Nhà nước cộng sản Việt Nam hàng năm đã đổ ra hàng chục tỷ tiền thuế của dân để duy trì một lữ đoàn nghi lễ quân đội với hàng trăm người lính đẹp mã trong hình hài, đẹp mã trong binh phục lễ tiết, đẹp mã trong đội hình sáng lòa gươm giáo, lấp lánh quân kỳ nghênh chào quốc khách.

Nay nhà nước cộng sản Việt Nam hàng năm lại hồn nhiên vét tiền thuế của dân ra nuôi một đàn ngựa phải nhập từ nước ngoài và duy trì một trung đoàn kỵ binh nai nịt giáp trận, rõ ràng đội kỵ binh đó không phải để làm đội lễ nghi nhà nước như những nhà nước có truyền thống quí tộc đã dẫn ở trên.

Dù chống giặc ngoại xâm từ bên ngoài hay truy bắt tội phạm ngay trong nước đều không thể dùng kỵ binh. Làm sống lại lực lượng kỵ binh say máu chém giết thời Trung cổ và biên chế trung đoàn kỵ binh Trung cổ đó vào lực lượng cảnh sát cơ động, theo lời tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an là để đối phó với biểu tình đông người của dân.

Kỵ binh là đội quân đánh gần, giáp chiến. Dùng kỵ binh đàn áp dân biểu tình là xua lính kỵ binh vào khối dân biểu tình, vung kiếm chém dân tay không dưới vó ngựa, kề súng sát thái dương dân, bóp cò, mặc sức bắn giết những người dân chỉ bộc lộ ý chí, nguyện vọng chính đáng bằng quyền biểu tình hợp pháp.

Xây dựng lực lượng kỵ binh Trung cổ với những kỵ sĩ chọn lọc, và tiêu chuẩn chọn lọc đầu tiên là đủ u mê để đảng nhồi sọ lý tưởng sống quái gở “còn đảng, còn mình”, biến họ thành những rô bốt, thành con người công cụ, say máu chuyên chính vô sản, say máu chém giết. Không phải chỉ xài lại công cụ bạo lực thời Trung cố, Bộ Công an thời Tô Lâm còn trang bị cho công an cả những vũ khí hiện đại có sức sát thương rộng lớn và mau lẹ mà ở mọi nước trên thế giới chỉ quân đội mới được trang bị để chống giặc ngoại xâm là xe bọc thép, máy bay chiến đấu và vũ khí điện tử.

Biểu tình là quyền cơ bản của công dân đã được ghi trong Hiến pháp. Được Quốc hội giao soạn thảo Luật biểu tình, Bộ Công an trì hoãn hết năm này sang năm khác. Mấy đời bộ trưởng, mấy chục năm trời Bộ Công an treo Luật biểu tình, treo vô thời hạn quyền công dân cơ bản của người dân, nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm cùng với nhà nước cộng sản lại hối hả rút ruột tiền thuế của dân ra trang bị cho công an những vũ khí tối tân và cả một lực lượng kỵ binh Trung cổ say máu chém giết để đán áp người dân thực hiện quyến cơ bản của công dân là quyền biểu tình. Điều đó cho thấy nhà nước cộng sản quyết tồn tại, quyết duy trì quyền cai trị dân, quyền vơ vét của cải, tài nguyên của nước bằng bạo lực đàn áp dân, bằng cướp quyền làm chủ đất nước của người dân, cướp quyền con người, quyền công dân của người dân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã huy động một lực lượng đông đảo tướng tá công an đột nhập phi pháp vào nước Đức bắt cóc công dân Trịnh Xuân Thanh về nước, gieo một tiếng xấu muôn đời cho nhà nước Việt Nam là nhà nước chà đạp lên luật pháp quốc tế, nhà nước tội phạm quốc tế.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã điều động hơn ba ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí điện tử, với xe bọc thép trong đêm tập kích một làng quê bình yên, người dân sống lương thiện. Giữa đêm cho cảnh sát phá cửa, xông vào nhà dân bắn chết cụ già 84 tuổi đời, 59 tuổi cộng sản ngay trên giường ngủ.

Nay Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại xây dựng, tổ chức cho lực lượng công an một công cụ bạo lực thời Trung cổ, trung đoàn kỵ binh cảnh sát cơ động nhằm đàn áp dân sử dụng quyền biểu tình hợp pháp bộc lộ ý chí, nguyện vọng chính đáng.

Lịch sử đương đại Việt Nam đang nối dài những trang đau buồn về một thời độc tài cộng sản với nhà nước công an trị.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chế độ công an trị, Luật biểu tình. Bookmark the permalink.