Diễm Thi – RFA
Một bản kiến nghị đòi công lý cho Hồ Duy Hải vừa được công khai trên mạng xã hội tối 14/5/2020 [https://tinyurl.com/petitionhoduyhai]. Bản kiến nghị không chỉ lên tiếng cho sinh mạng một con người, mà còn lên tiếng cho cả nền tư pháp Việt Nam hiện nay.
Lên tiếng cho Hồ Duy Hải…
Kiến nghị được gởi đến ông Nguyễn Phú Trọng – Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội; bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cùng các Đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, kiến nghị được gửi đến đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam.
PGS-TS Hoàng Dũng, một trong những người tham gia soạn thảo kiến nghị cho biết, bản kiến nghị được gửi tới tay các vị lãnh đạo cùng lúc bằng email và bản cứng qua đường bưu điện. Ngoài ra, bản kiến nghị được công bố trên không gian mạng kèm đường link ký tên để đánh động dư luận, để mọi người bày tỏ thái độ của mình. Đây chính là sức mạnh của xã hội dân sự. Ông nói thêm:
“Chúng tôi gửi như vậy vì Việt Nam bây giờ mở cửa, mà việc mở cửa làm ăn với các nước khác, đặc biệt ở Âu Mỹ thì việc tuân thủ pháp luật không chỉ trong nước mà còn những nguyên tắc luật pháp phổ quát là hết sức quan trọng. Chúng tôi nhìn vụ án Hồ Duy Hải trong chiều hướng như vậy. Do đó, đối tượng để chúng tôi gửi kiến nghị đến rộng hơn rất nhiều.
Trước đây đã có một kiến nghị và tôi cũng đã ký, nhưng kiến nghị đó thực chất chỉ phản đối bản án mà thấy là không tuân thủ pháp luật nhưng không đề ra cách giải quyết. Kiến nghị ấy chỉ gửi đến Nhà nước Việt Nam”.
Những người soạn thảo và ký tên trên kiến nghị kêu gọi sự chú ý đặc biệt và hành động khẩn cấp về một án tử hình đang diễn ra tại Việt Nam, vụ án Hồ Duy Hải, bởi quá trình điều tra và xét xử vụ án đã đặt ra nhiều nghi vấn và gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Sau khi trình bày các mốc chính vụ án Hồ Duy Hải từ năm 2008 đến nay, kiến nghị nêu ra bốn đề nghị. Trong đó hai đề nghị đầu tiên gồm:
– Thứ nhất, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải;
– Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thành lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm. Nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các thành viên Hội đồng thẩm phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới.
TS. Hoàng Dũng giải thích:
“Nếu theo khuôn khổ luật pháp Việt Nam thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu tòa tối cao xử lại. Nhưng thế thì cũng triệu tập mấy ông cũ xử lại. Khó mà tưởng tượng mấy ông đó thay đổi quan điểm trong một sớm một chiều.
Phải bầu chánh án mới, phê chuẩn các thẩm phán mới thì phiên tòa mới mới thoát khỏi cái ám ảnh của vụ cũ. Họ mới có đủ điều kiện khách quan để cân nhắc chứng cứ và xử lại.
Để làm chuyện đó thì đầu tiên chúng tôi kiến nghị Chủ tịch nước cho tạm dừng thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải. Điều đó nằm trong quyền hạn của Chủ tịch nước, sau đó thì xử lại.
Xin lưu ý, chúng tôi không hề nói Hồ Duy Hải có tội hay vô tội mà là do họ vi phạm rõ ràng các nguyên tắc tố tụng hình sự, tức là pháp luật hình thức”.
Năm 2014, chỉ một ngày trước khi bản án tử hình được thi hành, Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang đã ra lệnh tạm dừng tử hình Hồ Duy Hải. Dư luận cho rằng đó là do áp lực từ cả công chúng ở Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Tối 14 tháng 5 năm 2020, chị Nguyễn Hoàng Ánh, một người trong nhóm lên tiếng cho Hồ Duy Hải lúc đó, cũng là một trong những người nêu ý tưởng thành lập kiến nghị lần này nói với RFA từ Hà Nội:
“Lúc đó bọn mình có làm cái petition online. Mình cũng có một số liên lạc với các cơ quan bảo vệ nhân quyền để yêu cầu giúp đỡ. Lần trước chúng tôi cũng yêu cầu là ngưng án tử hình và phải xử lại. Chúng tôi không chấp nhận phiên tòa đấy.
Lúc đó không hẳn chỉ có nhóm bọn tôi. Có khá nhiều nhóm lên tiếng. Chúng tôi chỉ khác là có ‘yếu tố nước ngoài’, tức là có sự tham gia của các Việt kiều và chúng tôi có gửi đến Ân xá Quốc tế, đại diện EU ở Việt Nam…
Chúng tôi nghĩ chắc chắn lúc đó có tác động của dư luận. Nếu không thì không có kết quả như vậy”.
… cũng là cho nền tư pháp Việt Nam
Ngay sau phiên giám đốc thẩm, dư luận trong và ngoài nước lên tiếng không chỉ vì sinh mạng Hồ Duy Hải mà còn vì nền tư pháp Việt Nam.
Hôm 14 tháng 5, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện và đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân đã gửi báo cáo kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải.
Theo ông Nhưỡng, việc làm của ông là nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước, giữ gìn uy tín của đảng, Nhà nước và hoạt động xét xử, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân và quán triệt quan điểm, thái độ của tòa án nhân dân, các cơ quan hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
PGS-TS. Hoàng Dũng nêu nhận định của mình:
“Trong những vị ĐBQH lên tiếng thì ông Lưu Bình Nhưỡng là luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa cũng là luật sư. Họ lên tiếng phản đối tức họ đứng không chỉ với nhiệm vụ ĐBQH mà họ còn đứng ở góc độ luật sư, họ hiểu chuyên môn. Pháp luật văn minh phải là “thà tha lầm còn hơn giết oan”.
Nếu vụ xử này mà họ bất chấp pháp luật, bất chấp luật tố tụng hình sự mà kết án tử hình một người như thế, có nghĩa mọi người dân Việt Nam đều là những tử tù dự bị. Nhận thức vấn đề như vậy mà chúng ta cần phải lên tiếng.
Lên tiếng cho sinh mạng một người đã đành mà là cả nền tư pháp Việt Nam tác động đến toàn dân thì càng cần phải lên tiếng”.
Ông nói thêm rằng, với hệ thống tư pháp hiện nay, muốn xét xử lại vụ án Hồ Duy Hải một cách công minh thì phải bãi nhiệm các vị trong Hội đồng thẩm phán để thay các vị khác. Đó là suy luận logic. Nhưng trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay thì đó là chuyện kinh thiên động địa chứ không dễ.
Cũng với quan điểm phải thay đổi nền tư pháp Việt Nam hiện nay với những phiên tòa bị coi như trò hề, như vở kịch tồi… chị Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét:
“Chúng tôi nghĩ rằng nền tư pháp của Việt Nam đang cần rất nhiều sự cải tiến. Phía chính quyền chỉ cần lắng nghe thì sẽ có những động thái nhất định nào đó. Tức là chúng tôi muốn góp ý để cho hệ thống tư pháp phải sửa sai. Những bản án khác thì có cơ hội sửa sai chứ án tử hình thì không có cơ hội sửa sai nữa.
Tòa án xử vậy chúng tôi thấy có bất công, không hẳn chỉ vì số phận của Hải mà nó vì nền tư pháp nói chung của Việt Nam. Mình chỉ muốn một phiên tòa công bằng cho trường hợp này cũng như những trường hợp sau này“.
Chị cho biết nhóm của chị khá kỳ vọng với kết quả của bản kiến nghị lần này, ít nhất là với đề nghị tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, như năm 2014. Theo chị, chính quyền Việt Nam hiện nay cũng khá là nghe dân. Những vấn đề không liên quan đến chính trị thì ý kiến của người dân được lắng nghe hơn so với trước.
D.T.
Nguồn: RFA tiếng Việt