Mỹ Hằng – BBC News Tiếng Việt
Không lâu sau phiên xét xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải với kết luận y án tử hình gây bức xúc dư luận, ngành tòa án Việt Nam đã có những phản ứng bị cho là ‘đổ thềm dầu vào lửa”.
Cụ thể, trang báo chính thống của tòa án Việt Nam có bài viết với tiêu đề: “Vụ án Hồ Duy Hải: “Nhiễu thông tin”, “truyền thông bẩn” đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp“.
Trong bài, người được phỏng vấn nói mẹ Hồ Duy Hải kêu oan cho con là do bị ‘các thế lực thù địch xúi giục’; và một số ĐBQH và nhà báo tự do ‘bị lợi dụng’ để ‘xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ’.
Cùng thời điểm, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ xuất hiện trên báo chính thống cho hay ông đã làm việc với Bộ Công an để “xem xét, xử lý những thông tin đe dọa, xúc phạm thẩm phán’.
Bình luận quanh sự việc này, luật sư Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài và Phùng Thanh Sơn nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng những phản ứng này cho thấy rõ ràng vụ án đã tạo nên một áp lực chính trị lớn lên ngành tư pháp, và cả thể chế Việt Nam.
‘Suy giảm nghiêm trọng uy tín đảng cầm quyền’
Luật sư Lê Công Định nói chưa bao giờ ông thấy một quyết định của TANDTC bị công luận, vốn đã không có niềm tin vào công lý và hệ thống tư pháp Việt Nam, phản đối nặng nề như lần này.
Nhà nước Việt Nam luôn “đổ thừa cho các thế lực thù địch kích động dân” mỗi khi vấp phải phản ứng từ dư luận…
Luật sư Lê Công Định
“Họ phẫn nộ hơn khi quyết định tố tụng vừa kém thuyết phục về mặt pháp lý, vừa thiếu tầm vóc lẽ ra phải có ở một hội đồng thẩm phán cao cấp nhất trong hệ thống các toà án”.
Luật sư Định bình luận rằng khác với các nước trên thế giới, chức vụ chánh án ở Việt Nam không phải là một chức vụ chuyên môn trong ngành tư pháp, mà là chức vụ chính trị, được dùng như một bước đệm để các quan chức thăng tiến hơn trong bộ máy của ĐCS cầm quyền. Điều này càng thấy rõ hơn qua vụ Hồ Duy Hải.
“Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra càng làm cuộc tranh đua giành một vị trí trong Bộ Chính trị trở nên ráo riết hơn. Dưới áp lực và ảnh hưởng từ sự lên án của công luận, ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước các đối thủ chính trị khác. Vì họ sẽ dùng sự thất bại đối với lòng dân do quyết định giám đốc thẩm vừa rồi gây ra như một điểm yếu để tấn công ông”.
Cũng đề cập đến lá bài chính trị, luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định rằng quyết định y án có thể sẽ có lợi về mặt chính trị cho những cá nhân liên quan đến vụ án này trong thời kỳ trước đây, nhưng khả năng làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của đảng cầm quyền.
“ĐCSVN lãnh đạo toàn diện, trong đó có hệ thống tư pháp. Nhưng quyết định bác kháng nghị vừa qua của Hội đồng thẩm phán TANDTC chứng minh một điều nền tư pháp Việt Nam không có công lý. Người dân sẽ đặt vấn đề về trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của ĐCSVN ở đâu lại để xảy ra một phiên tòa mà nói như mẹ tử tù Hồ Duy Hải là “bầy hầy” như vậy”.
“Còn “bầy hầy” như thế nào chắc là mọi người đều thấy rõ trên báo lề phải, lề trái, và mạng xã hội. Nhiều ĐBQH cũng đã lên tiếng”.
“Theo tôi, để bảo vệ uy tín của mình, ĐCSVN không nên hành xử theo kiểu “đã phóng lao thì phải theo lao” mà phải dũng cảm sửa sai. Như thế sẽ truyền tải một thông điệp đến dân chúng rằng: “nếu hệ thống tư pháp không thể bảo vệ được công lý thì còn có ĐSCVN đứng ra bảo vệ”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng thông qua báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam, mạng xã hội, và báo chí quốc tế, ông nhận thấy gần như người Việt từ mọi thành phần xã hội đều phản ứng mạnh và quyết liệt sau quyết định của Hội đồng thẩm phán vụ Hồ Duy Hải, chủ yếu là “phê phán, chỉ trích”, thậm chí “miệt thị”.
Đổ cho một số ĐBQH ‘bị thế lực thù địch lôi kéo’ khi bày tỏ ý kiến trong vụ Hồ Duy Hải, là vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
“Họ bày tỏ việc mất niềm tin vào ngành tư pháp của Nhà nước Cộng sản nói riêng và cả chế độ chính trị nói chung…”.
Theo luật sư Đài, điều này đáng lo ngại cho ĐCSVN, vì lâu nay đã đánh mất niềm tin trong nhân dân, vừa kịp lấy lại chút ít niềm tin sau vụ Covid-19 thì nay lại bị vụ Hồ Duy Hải làm ‘mất sạch’, thậm chí ‘làm khủng hoảng hơn niềm tin của người dân với chế độ’.
Luật sư Đài cũng nhìn nhận rằng lo ngại ảnh hưởng đến nền chính trị và tư pháp của chính phủ Việt Nam rất rõ ràng.
Bởi “họ đã dùng ngay các cơ quan truyền thông lớn của trung ương như VTV, VOV, báo Nhân dân, và báo của ngành Tòa án để đổ lỗi cho các “thế lực thù địch”, đổ lỗi cho việc “Nhiễu thông tin”, “Truyền thông bẩn”. Tôi cho rằng họ làm như vậy càng làm phản tác dụng, bởi vì các tầng lớp nhân dân khi phản ứng thì đều lấy thông tin vụ án từ các báo chính thống của nhà nước Cộng sản khi vụ án xảy ra từ tháng 1/2008 tới nay”, luật sư Đài phân tích.
“Đồng thời họ so sánh với các nội dung tranh luận giữa Hội đồng thẩm phán với các nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho thấy các nội dung đó đều là sự thật khách quan”.
‘Phản ánh đúng bản chất của truyền thông Cộng sản’
Bình luận về phản ứng của ngành tòa án mới đây, luật sư Lê Công Định nói nhà nước Việt Nam luôn “đổ thừa cho các thế lực thù địch kích động dân” khi vấp phải bất kỳ phản đối nào của dư luận, mà không nhận ra trách nhiệm của chính mình trong việc tạo ra sự phẫn nội đó.
“Các phát biểu của ngành tòa án cũng phản ánh lo ngại của nhà nước Việt Nam trước bất ổn xã hội có thể xảy ra”, ông Định nói.
Đề cập đến phát biểu mới đây của ông Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ về việc ‘báo công an’ để xử lý các tin ‘đe dọa thẩm phán,” ông Định nói “thật buồn cười, không xứng với tư cách của một thẩm phán Toà án Tối cao”.
“Ở các nước văn minh, các thẩm phán của Toà án Tối cao làm việc tại trụ sở của toà, và kết quả công việc của họ là các phán quyết và quyết định được tuyên. Họ chỉ nhóm họp để phán quyết, không bao giờ xuất hiện ở nơi công cộng hay cơ quan nhà nước nào đó để phân trần công việc của toà án hay chỉ trích ai. Sự tôn nghiêm và đáng kính của hệ thống toà án và các thẩm phán chính là chỗ đó”.
“Còn ở Việt Nam, Phó Chánh án TANDTC lại ra ngoài phát biểu linh tinh, nhằm phân trần quyết định của mình, rồi đổ thừa và quy chụp động cơ chính trị cho các thế lực khác trước công kích của dư luận đối với quyết định của chính mình. Nói thật, tôi thấy ông Phó Chánh án TANDTC thật thiếu tư cách và tầm vóc lẽ ra phải có và nên giữ gìn. Ở nước này, chưa có nhân vật chính trị, nhân vật chính quyền hay định chế nhà nước nào thực sự biết giữ thể thống cho chính họ và hệ thống của họ”.
“Tôi thấy các thẩm phán Việt Nam thật thảm hại về tư duy và thiếu tư cách của một quan toà đúng nghĩa”.
Đổ lỗi cho ‘truyền thông bẩn’, ‘thế lực thù địch’ là ‘một chiều’ và ‘quy chụp.
Luật sư Phùng Thanh Sơn
Về phát biểu rằng có ĐBQH bị “lợi dụng” trong vụ Hồ Duy Hải, luật sư Định nói:
“Các Đại biểu Quốc hội nào bị cáo buộc phi lý như vậy có quyền lên tiếng phản bác, thậm chí yêu cầu cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu về hành vi vu khống của cá nhân thẩm phán nào đã cáo buộc vô căn cứ như thế“.
Luật sư Đài cũng có chung quan điểm với luật sư Lê Công Định, rằng ông “thấy buồn cười” về phản ứng của ngành tòa án Việt Nam, bởi “nó phản ánh đúng bản chất của truyền thông của nhà nước Cộng sản là không bao giờ dám nhận sai lầm, khuyết điểm mà luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác hay “thế lực thù địch”.
“Chúng ta cần phải hiểu rằng việc chuẩn bị cho phiên tòa Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải được tính toán rất kỹ càng. Thông thường Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ gồm 3 thẩm phán. Việc có 5 hay 7 thẩm phán là rất hiếm. Bởi vì họ còn đề phòng trường hợp khi một quyết định của phiên tòa giám đốc thẩm bị hủy bỏ hay phải xét xử lại thì phải có các thẩm phán khác cho một phiên xử khác. Vì các thẩm phán đã tham gia phiên xử trước đó sẽ không được tham gia phiên xử lại“.
“Nhưng trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, thì toàn bộ 17 thẩm phám của HĐPT TANDTC đều tham gia. Việc này là để quyết định cho một quyết định đã được chuẩn bị trước. Họ làm vậy là muốn cho nhân dân biết rằng quyết định của toàn thể HĐPT là quyết định đúng, không thể có sai lầm, và không thể bác bỏ vì không còn thẩm phán để xét xử lại”.
“Bởi vậy trong 17 nội dung biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán đều là 17/17 thẩm phán tán thành. Nhưng ngành tòa án và cả chế độ đã bất ngờ về phản ứng quá mạnh của mọi tầng lớp nhân dân. Buộc tờ báo ngành tòa án phải có bài viết để đổ lỗi cho “thế lực thù địch”, “nhiễu thông tin” và “truyền thông bẩn”. Tôi cho rằng chính bài báo nêu trên mới tự làm bẩn tờ báo của ngành tòa án, mà hậu quả là họ phải gỡ bỏ“.
‘Một chiều và quy chụp’
Luật sư Đài cho rằng việc đổ cho một số ĐBQH ‘bị thế lực thù địch lôi kéo’ vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh.
“Thứ nhất là tội vu khống và chụp mũ. Khi nói như vậy thì nhà báo và cơ quan báo chí phải có bằng chứng “thế lực thù địch” ở đây là ai? Tổ chức nào? Họ đã liên hệ hay lợi dụng các Đại biểu Quốc hội như thế nào? Nhưng việc viết và đăng bài báo có nội dung chụp mũ, vu khống, đổ lỗi cho các “thế lực thù địch” đã trở thành bản chất của truyền thông nhà nước Cộng sản nói chung”.
“Thứ hai, là nhà báo và cơ quan báo ngành tòa án đã xúc phạm đến các ĐBQH khi các Đại biểu đang thực thi quyền giám sát của họ. Họ có quyền nêu quan điểm, đánh giá của họ về quyết định của Hội đồng Thẩm phán. Như đã nói ở trên, do bài báo đã có nội dung vi phạm pháp luật và bị công luận phản ứng mạnh nên họ đã phải gỡ xuống”.
Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng cho rằng việc đổ lỗi cho ‘truyền thông bẩn’, ‘thế lực thù địch’ là ‘một chiều’ và ‘quy chụp’, không hề có bằng chứng và không hề có tính thuyết phục; và rằng chính quyết định vừa qua của HĐTP mới là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến vị thế của chế độ, chứ không phải do ‘truyền thông bẩn’.
Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng chỉ ra mâu thuẫn của ngành tòa án, rằng một mặt nói rằng quyết định của HĐTP “được đông đảo người dân ủng hộ”, một mặt lại cho đại diện ngành tòa án lên báo để “ra sức chống chọi với dư luận”.
Với cáo buộc ĐBQH bị các thế lực thù địch ‘lợi dụng’, ông Sơn nói ông không biết ĐCSVN có quy định nội bộ nào cấm ĐBQH không được sử dụng mạng xã hội do sợ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” hay không. Nhưng về mặt pháp lý, ĐBQH có quyền đăng ý kiến cá nhân lên Facebook mà không nhất thiết phải dùng đến quyền giám sát của Đại biểu Quốc hội. Pháp luật không cấm nếu đó không phải là nội dung vu khống, sai sự thật, mà chỉ nêu quan điểm, kiến nghị của người viết.
“Nếu HĐTP TANDTC làm đúng quy định pháp luật, tuyên hủy án trả hồ sơ điều tra lại thì chắc không có “thế lực thù địch nào có thể lợi dụng được,” luật sư Sơn nói.
Bài báo của ngành tòa án nói gì?
Trong bài báo nói trên, người được phỏng vấn là ông Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Tư liệu Giáo khoa, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, người được cho là “đã nghiên cứu rất sâu vụ án từ những ngày đầu xảy ra”.
Ông Tâm cho rằng các điều tra viên tỉnh Long An đã làm việc ‘logic, khoa học, hợp lý’, và rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán là ‘Hoàn toàn đúng quy định của pháp luật’.
Đáng chú ý là, ông Tâm cho rằng việc mẹ Hồ Duy Hải một mực kêu oan cho con là do “đã bị một số kẻ lợi dụng và sau đó là rất nhiều người khác, ở các tầng lớp, các nhóm xã hội khác nhau, lợi dụng”.
Ông kết luận: “Dư luận bị nhiễu thông tin, điều này có hệ quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Ông giải thích quan điểm này rằng “hệ thống thông tin” đã “xào xáo, cắt xén, thêm gia vị”, để làm thành vấn đề ‘hot”; ‘tung hỏa mù’ để ‘sự việc bị che mờ’, ‘khiến cơ quan tố tụng lúng túng’ còn ‘người dân thì nghi ngờ’.
Ông Minh cũng đề cập đến “làn sóng thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu chế độ của các thế lực phản động trong và ngoài nước”, và rằng vụ Hồ Duy Hải đã bị “các thế lực chính trị cơ hội lợi dụng”.
“Trước đây những thành phần này tập trung vào vụ Đồng Tâm”, và giờ thì “lại bám vào vụ Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá nhà nước”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng đặc biệt nhắc đến việc “Đại biểu Quốc hội và hai nhà báo tự do bị lợi dụng”. Ông Minh không nêu tên ĐBQH nào, nhưng bài báo đề cập tên tắt của nhà báo tự do Tr.C.H.D.
Để ngăn chặn, ông Minh đề xuất báo cáo những việc này lên ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị.
M.H.
Nguồn: BBC tiếng Việt